Thứ Tư, 09/10/2024 17:19 CH
Trại sáng tác văn học nghệ thuật tại Đà Nẵng: Từ thực tiễn đến tác phẩm
Thứ Năm, 26/07/2018 13:00 CH

Đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên tại Trại sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức ở Đà Nẵng - Ảnh: CTV

Với văn nghệ sĩ Phú Yên, Nhà sáng tác Đà Nẵng như một nơi chưa được khám phá. Đây là lần đầu Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đăng ký mở trại sáng tác tại địa chỉ này. Đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên gồm 15 người từ 5 chuyên ngành đã tham gia trại sáng tác từ ngày 1-15/7.

 

Nhà sáng tác cách xa trung tâm Đà Nẵng, đi lại vừa nóng bức vừa đắt đỏ. Tuy nhiên, mọi người đã phối hợp nhau khá tốt trong việc tổ chức những chuyến đi thâm nhập thực tế để tìm nguồn cảm hứng. Vì thế mà không lạ gì khi ở Đà Nẵng nhưng lại có những bài thơ về Huế như tác giả Thu Hồng, hay những bức ảnh về sông Hương, Hội An của tác giả Siêu Tiến, Trịnh Văn Đạt. Đối với những chuyến “giang hồ vặt” hàng ngày, chiếc xe máy cà khổ do nhà thơ Nguyễn Tường Văn “trưng dụng tạm” từ một người bà con lập nghiệp tại Đà Nẵng hầu như không nghỉ trong suốt thời gian mọi người dự trại, cứ hai người một chuyến chia nhau mà vi vu mọi nẻo Đà Nẵng mỗi ngày trong nắng bỏng gió rát. Thế cũng tạm thỏa cơn khát khám phá đó đây rồi!

 

Sau thời gian văn nghệ sĩ hoàn thiện tác phẩm dự thảo và sáng tác mới, kết quả thật đáng mừng! Ở thể loại văn xuôi, Nguyễn Thị Bích Nhàn đã hoàn thành một truyện ngắn và viết một truyện ngắn khác, thể hiện tinh thần lao động sáng tạo nghiêm túc. Văn của Bích Nhàn tinh tế trong miêu tả: Ba Tân nằm thoi thóp trên chiếc chõng tre. Cái chõng rệu rạo, chỉ một tiếng thở đứt quãng của người bịnh cũng làm nó kêu cót két. Người đàn ông một thời gái gú lẫy lừng, buổi xế chiều lại cô đơn và tàn tạ thế này. Chữ “ngờ” làm người ta không dám ngờ luôn. (Một cuộc đời). Cứ thế, cây bút này đưa ta vào những ngõ ngách của cuộc đời với các cung bậc cảm xúc khác nhau cùng nhân vật.

 

Khác với Bích Nhàn, tác giả Nguyễn Thị Thu Hồng đem đến cho người đọc 2 truyện ngắn (Chữ và người, Mùa xuân bên vuông cửa) với những nhân vật khá chỉn chu qua ngôn ngữ miêu tả chân phương, quen thuộc. Một tác giả văn xuôi khác là Cao Vĩ Nhánh “nộp quyển” cho trại bằng 6 tản văn, có thể xem là những hạt hồi ức được ấp ủ bấy lâu và giờ đây được đâm chồi tại Nhà sáng tác. Văn của Cao Vĩ Nhánh hồn hậu và trong trẻo: Mọi thứ như mới hôm qua thôi mà em đã xa tít mù. Có buồn cười không khi tôi bước về phía cầu Tình Yêu chỉ với một mình. Chạnh lòng. Tui tủi. Có lạ cho tôi không, cũng mạch tâm trạng ấy nhưng khi đủ tĩnh tâm tôi lại thấy không có gì nghiêm trọng cả. Có ai đó đã từng nói, thật đau khổ cho kẻ nào đến với tình yêu mà không xác tín rằng tình yêu đó sẽ là vĩnh cửu. Một tình yêu đúng nghĩa giúp con người thoát khỏi sự tầm thường (Nơi ước mong tình yêu vĩnh cửu).

 

So với văn xuôi, thơ bao giờ cũng nhiều hơn về số lượng tác giả và tác phẩm. Ở đây cũng vậy. Bên cạnh các nhà “chuyên thơ” như Nguyễn Tường Văn, Đặng Văn Thơm, Trần Văn Lan, Huỳnh Văn Quốc… thì ta còn bắt gặp nhà sân khấu cũng là một tác giả thơ như Nguyễn Phụng Kỳ, hay một họa sĩ cũng trải lòng sang thơ như Trần Thị Ngọc Hà. Mỗi người một vẻ.

 

Nguyễn Phụng Kỳ là một cây sáng tác sung sức tại trại lần này với 5 bài thơ và 3 kịch bản sân khấu. Anh là một người hài hước, dí dỏm nhưng đằng sau đó là những khoảng lặng để mọi người suy ngẫm. Bài thơ Lên trời của anh có cái tứ khá độc đáo:

 

Dẫu không đến được trời

Cũng chuyến đi ngoạn mục

Không gặp tiên chào mời

Ta lui về trần tục

 

Cũng như Nguyễn Phụng Kỳ, cảnh và người Đà Nẵng đã chạm vào xúc cảm của nhà thơ Trần Văn Lan, và ông đã viết Nợ người Đà Nẵng:

 

Rót một chén - ta cùng say

Nghìn năm thế sự, một ngày phù vân

Mai sau dù có nợ nần

Nợ người Đà Nẵng một lần đến đây.

 

Cũng có khi, cảnh vật Đà Nẵng lại là cái cớ để gợi nhiều liên tưởng. Với bài Từ Cù Lao Chàm nhớ Cù Lao Ré, nhà thơ Đặng Văn Thơm gợi nhắc về hồn thiêng sông núi:

 

Núi và biển hiên ngang hình Tổ quốc

Lý Sơn mênh mang sơn thủy hữu tình

Chính nơi đây tổ tiên dùng nón làm thuyền

Cưỡi sóng vào đất liền dấy binh khởi nghiệp

Con cháu ngàn đời canh giữ biển quê hương

 

Cũng với mạch cảm xúc này, nhà thơ Nguyễn Tường Văn xúc động giữa sự phát triển của đất nước hiện tại và quá khứ bi hùng qua bài Đà Nẵng, mùa hạ và tôi:

 

Nắng xuyên đốt cháy chân mây

Đâu hầm bí mật những ngày tang thương

Đất quê giờ vạn nẻo đường

Lầu cao giăng lối bốn phương điệp trùng

 

Tham gia đoàn lần này có 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh mà phương tiện sáng tác còn ở mức… bình thường. Để có những bức ảnh nghệ thuật đẹp, các nghệ sĩ nhiếp ảnh phải chọn thời điểm có ánh sáng đẹp, có những hoạt động hối hả, đời thường của con người, phản ánh chân thực những hoạt động, vẻ đẹp hiện tại của con người và quê hương Đà Nẵng, Quảng Nam. Để có những tác phẩm ưng ý trong đợt sáng tác này và để “trả bài” cho Nhà sáng tác theo quy định, các nghệ sĩ nhiếp ảnh có lúc quên cả giờ ăn, bỏ giấc ngủ, đi từ 4 giờ sáng, về có khi đến 8 giờ tối, cuốc bộ hàng chục cây số, chịu khó đi vào những nơi có làng nghề, có những hoạt động đặc thù của địa phương...

 

Ở chuyên ngành Mỹ thuật, tham gia trại có 3 họa sĩ gồm 2 hội họa và 1 điêu khắc. Tranh của họa sĩ Ngọc Hà thể hiện những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống: dòng sông, con đò, hoa lá và các đồ vật hay được thấy trong mỗi gia đình như: ấm trà, ly, tách,... Màu sắc trong tranh nhẹnhàng và trong trẻo, nữ tính; bố cục chặt chẽ. Tranh của họa sĩ Ái Nương thể hiện những cảm xúc khi đến với vùng đất mới Quảng Nam - Đà Nẵng. Hình ảnh một thiếu nữ Đà Nẵng trẻ trung, yêu đời đã được Ái Nương đưa vào ký họa. Những chiếc đèn lồng lung linh trong đêm dạo chơi phố Hội cũng đã gây ấn tượng mạnh với họa sĩ. Màu sắc trong tranh của Ái Nương thật lung linh và sinh động, tạo cho người xem cảm giác thật gần gũi như đang ở trong một không gian thật.

 

Họa sĩ Nguyễn Thành Vinh có 2 phác thảo điêu khắc từ chất liệu đá, có tên Lòng mẹ Hạnh phúc, kích thước mỗi tượng 1,2x0,8m. Tác phẩm Lòng mẹ thể hiện tình mẫu tử bao la của những người mẹ Việt Nam thông qua sự cách điệu cao của hình khối điêu khắc, khắc họa rõ mối quan hệ thiêng liêng giữa tình mẹvà những người con của mình. Với tượng Hạnh phúc cũng vậy, tác giả muốn khắc họa một gia đình tràn ngập sự yêu thương, bền vững với thời gian.

 

Chuyên ngành Âm nhạc có 2 nhạc sĩ dự trại đã sớm bắt gặp những giai điệu hòa cùng cảm xúc về TP Đà Nẵng. Trong một đêm, nhạc sĩ Nguyễn Sơn đã hoàn thành ca khúc Tiếng ru của mẹ, với giai điệu ngọt ngào của giọng hò xứ Huế. Nhạc sĩ trẻ Lim Ka cũng miệt mài sáng tác ngay từ ngày đầu khai mạc trại. 2 ca khúc được hoàn thành tại trại; bài thứ nhất có tên Tình, là sự hoài niệm về mối tình bên bờ sông Hàn, bên cây cầu Tình Yêu của Đà Nẵng. Bài hát viết ở giọng Sol thứ, phát triển từ chất liệu âm nhạc dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng. Bài thứ hai là Dòng sông thổn thức, thể loại pop ballad, phản ánh tình cảm nhẹnhàng của đôi lứa trẻ khi yêu nhau.

 

Từ ngày đầu còn lạ lẫm, đến khi rời xa Nhà sáng tác Đà Nẵng để trở về với gia đình, với cơ quan và công việc thường ngày, trong mỗi văn nghệ sĩ Phú Yên chắc chắn sẽ còn đọng lại nhiều cảm xúc khó phai, và những tác phẩm được khơi nguồn từ Nhà sáng tác sẽ không chỉ dừng lại ở nơi này.

 

HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek