Thứ Tư, 09/10/2024 19:30 CH
Có một “nghệ sĩ” không chuyên vẫn lặng lẽ dâng đời
Chủ Nhật, 08/07/2018 13:00 CH

Ông Huỳnh Minh Châu (trái) vui vẻ kể về cái duyên đưa mình gắn bó với nghệ thuật - Ảnh: THIÊN LÝ

“Người làm nghệ thuật cần phải có một tâm hồn nghệ sĩ”, đó là lời tâm sự chân thành của “nghệ sĩ quần chúng” Huỳnh Minh Châu (52 tuổi, ở khu phố 1, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) khi nói về mối duyên nợ với nghệ thuật quần chúng của mình.

 

Cái duyên với nghệ thuật sân khấu

 

Theo Chủ tịch Hội VHNT huyện Đông Hòa Bùi A Nít, luôn sáng tạo, tràn đầy nhiệt tình và có trách nhiệm là những ấn tượng của bạn bè và đồng nghiệp thân thiết về Huỳnh Minh Châu. Trong ngần ấy năm gắn bó với sân khấu, bằng tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật, anh Châu đã sáng tạo nhiều tác phẩm, lặng lẽ góp phần phát triển văn nghệ quần chúng trong tỉnh.

Tôi gặp ông Huỳnh Minh Châu vào một buổi trưa hè. Tiếng hát trầm bổng, vui tươi của ông cất vang, khiến cái nắng hè bớt đi oi ả.

 

Ông Châu nhớ lại, gia đình không có ai theo nghiệp sân khấu nhưng duyên nợ đã đưa ông tham gia lớp bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu do Sở VH-TT Phú Khánh tổ chức, dành cho hạt nhân văn nghệ quần chúng các huyện, thị xã phía bắc của tỉnh Phú Khánh. Ông Châu được đào tạo chuyên môn từ múa, ca, diễn xuất, bố cục sân khấu đến biên kịch. Những kiến thức này đã giúp ông nhiều trong việc viết kịch bản sau này. Ông Châu chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác tự hào và xúc động khi được mọi người khen múa dẻo và đẹp khi lần đầu tiên biểu diễn trên sân khấu”.

 

Năm 1985, cùng nhiều thanh niên khác, ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại nước bạn Campuchia. Trên chiến trường đạn bom khói lửa, cái chết có thể ập đến bất kỳ lúc nào, ông vẫn theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình. Ông kể lại mối duyên nợ với nghệ thuật bằng đôi mắt sáng, giọng nói chứa đầy nhiệt tình pha lẫn chút hài hước, dí dỏm khi được các anh lớn trong đoàn khen: “Sao cậu hát hay thế!”, trong một buổi sinh hoạt của Ban Chính trị (Trung đoàn 733 thuộc Sư đoàn 315). Từ đó, ông Châu được các anh lớn tin tưởng phân công nhiệm vụ dàn dựng các chương trình văn nghệ cho đơn vị.

 

Đến năm 1988, ông Châu ra quân và quay lại nghiệp sân khấu quần chúng khi liên tiếp dàn dựng các chương trình cho huyện Tuy Hòa (cũ) tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng nhiều năm liền, là cộng tác viên tích cực cho Phòng VH-TT huyện, chuyên viết kịch bản cho đội thông tin lưu động.

 

Hạnh phúc từ đứa con tinh thần

 

Với ông, nghệ thuật là niềm đam mê, và chính đam mê cháy bỏng ấy là yếu tố đã gắn kết ông với nghệ thuật cho đến bây giờ. Không chỉ dừng lại ở vai trò diễn viên múa mà ông còn được mọi người biết đến là một đạo diễn, biên đạo, người viết kịch bản từ kịch nói, kịch dân ca bài chòi, đến cải lương...

 

Ông luôn tâm niệm: “Nghệ thuật là sự sáng tạo, đổi mới cả về ý tưởng lẫn hình thức chứ không phải là sự sao chép, giẫm lại con đường mà người khác đã đi. Vì thế, một kịch bản độc đáo, riêng biệt, buộc người viết phải có vốn sống phong phú. Người viết trước hết cần không ngừng học hỏi, dày công nghiên cứu, luôn vận động, sáng tạo”. Chính vì vậy, mỗi khi đón nhận một thể loại mới, ông đều nhẹ nhàng tiếp thu như chính tâm hồn nghệ sĩ của mình vậy. Và có lẽ, tình yêu mà ông dành cho nghệ thuật là nguồn cảm xúc bất tận nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo trong ông đến giờ phút này. Nhìn lại chặng đường sáng tác từ lúc mới bắt đầu công việc viết kịch bản cho đến nay, ông cũng không đếm xuể mình đã viết bao nhiêu tác phẩm thuộc các thể loại ở các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng.

 

Một tác phẩm thành công kết hợp nhiều yếu tố. Kết thúc tác phẩm luôn truyền đi thông điệp “chân, thiện, mỹ” khi xung đột của câu chuyện được giải quyết, nhân vật chính diện đại diện các thiện chinh phục, chiến thắng cái ác. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là “linh hồn” mỗi tác phẩm, nhất là những đề tài viết về những người lính. Bước ra từ chiến trường nên ông càng thấu hiểu những nỗi đau, tâm tư tình cảm của người lính. Vì thế, hồn tác phẩm đó được thể hiện ở chân dung của người lính vừa bi tráng vừa thân quen, gần gũi.

 

Cuộc sống luôn bận rộn với cơm áo gạo tiền, nhưng ông Châu vẫn lặng lẽ làm công việc mà ông yêu thích là viết kịch bản cho các hội thi tuyên truyền về chủ đề: phòng chống ma túy, an toàn giao thông, kế hoạch hóa gia đình, nông thôn mới, bảo vệ môi trường... Văn nghệ quần chúng quý nhất ở tấm lòng người “nghệ sĩ”. Chẳng nề hà vất vả, ông Châu luôn nỗ lực hết mình vì đứa con tinh thần. Ông Châu đã góp sức mình tạo thành tích của nhiều đơn vị tại các hội thi chuyên ngành ở địa phương và toàn quốc. Trong đó có tác phẩm: “Vòng tay của biển”, “Vết thương lòng”, “Cát bụi cuộc đời”, “Anh vẫn hành quân” hay “Niềm tin của mẹ” 3 lần đạt giải A trong các hội thi của lực lượng vũ trang trong tỉnh, quân khu và tiếng hát người thương binh. Mới đây là tác phẩm “Tình trong bão”, lấy bối cảnh cơn bão đổ bộ vào Vũng Rô, các chiến sĩ và nhân dân cùng ra sức chống bão. Giữa lúc hiểm nguy, đâu đó vẫn cháy lên những trái tim rực lửa, những mối tình chân thành của anh bộ đội và cô bí thư xã đoàn.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Beautiful in White” có MV sau 8 nămv
Thứ Hai, 09/07/2018 07:00 SA
Viếng mộ cụ đồ Chiểu
Thứ Năm, 05/07/2018 13:00 CH
Phát hành sách tri ân liệt sĩ Gạc Ma
Thứ Năm, 05/07/2018 09:05 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek