Thứ Năm, 10/10/2024 01:24 SA
Tranh bích bích họa và những ký ức
Chủ Nhật, 20/05/2018 15:00 CH

Du khách bên bức tranh Xe điện - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

Vừa rồi ra thủ đô, chúng tôi được anh Nguyễn Yên, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, thủ trưởng cũ của tôi đã về hưu, chiêu đãi hai món đặc sản của Hà Nội: bún chả ở phố Lê Văn Hưu và tranh bích hoạ ở phố Phùng Hưng.

 

Nói về tranh bích hoạ (hay còn gọi là tranh tường) thì bức tranh khổng lồ đầu tiên tôi được xem là bức “Trận chiến Borodino” ở Bảo tàng Kutuzov TP Moskva vào năm 1969. Bức tranh mô tả trận đánh đẫm máu nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc của Nga tại làng Borodino ở ngoại ô Moskva vào năm 1812 dưới sự chỉ huy của nguyên soái Kutuzov chống lại quân Pháp của hoàng đế Napoleon Đệ nhất, mà mỗi bên bị chết khoảng 35.000 quân lính. Bức tranh có dạng hình trụ, chiều dài (tức là chu vi) 115m, chiều cao 15m, với hơn 4.000 nhân vật, bao kín toàn bộ mặt trong của tòa nhà cũng có hình dạng và kích thước tương tự. Phía dưới chân bức tranh là các mô hình, hiện vật được sắp xếp tiếp nối với bức tranh rất khéo tạo thành một khối thống nhất trong không gian ba chiều 360°, khiến cho người xem có cảm giác như đang đứng giữa trận chiến khốc liệt mịt mù khói đạn.

 

Tác phẩm khổng lồ này do họa sĩ, viện sĩ Viện hàn lâm Nghệ thuật Nga Franz Roubaud (1856-1928) chuyên vẽ tranh panorama (tạm dịch tranh toàn cảnh) nổi tiếng nhất lúc bấy giờ cùng với nhiều học trò và cộng sự thực hiện ròng rã trong suốt một năm sau khi đã miệt mài tìm tòi và nghiên cứu các tư liệu lịch sử. Tác phẩm được triển lãm lần đầu trong một ngôi nhà gỗ ở trung tâm Moskva vào ngày 29/8/1912 nhân kỷ niệm 100 năm trận chiến Borodino cho đến năm 1918, nhưng sau đó, do một số nguyên nhân, bức tranh bị cất đi. Mãi đến năm 1962, đúng vào dịp kỷ niệm 150 năm cuộc Chiến tranh vệ quốc, bức tranh được trưng bày trở lại trong tòa nhà được xây mới trên đại lộ Kutuzovsky cho đến ngày nay.

 

Lần thứ hai tôi được chiêm ngưỡng các bức bích họa là vào năm 2013 ở phố bích họa thành phố cảng Malacca, thành phố du lịch nổi tiếng của Malaysia. Malacca có nhiều nét tương đồng với phố cổ Hội An của Việt Nam. Chính vì nét cổ kính của nó mà các bức bích họa vẽ trên tường những ngôi nhà cổ ở đây cũng được các họa sĩ chăm chút thể hiện rất hài hòa với nét cổ kính của đường phố, ít ra là đề tài cũng bình dị, chân phương, gam màu cũng dịu nhẹ, khác hẳn với những bức tranh tường Hàn Quốc.

 

Ở Hàn Quốc, nhiều ngôi làng ở khu dân nghèo với những ngôi nhà ổ chuột xập xệ, có nguy cơ bị tháo dỡ, nhưng đến năm 2006 đã được hồi sinh nhờ có dự án Art In City-Naksan. Các ngôi làng Dongpirang ở Gyeongsang, làng Ihwa ở ngoại ô Seoul, làng Jaman trên đảo Jeju, làng Gamcheon ở Busan và làng Fairy Tale đã được chọn là nơi để các họa sĩ vẽ tranh bích họa.

 

Các họa sĩ đã phối hợp với chính quyền địa phương tạo nên những tác phẩm nghệ thuật trên các bức tường nhà với những gam màu rực rỡ, hình ảnh ngộ nghĩnh, sinh động, rất bắt mắt người xem. Nhờ dự án này và tài nghệ của các họa sĩ mà các ngôi làng như được khoác một bộ áo mới lạ, độc đáo, thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan. Và cũng chính vì vậy mà đời sống của người dân ở đây cũng được cải thiện rõ rệt vì đã chuyển từ nghề nông sang làm dịch vụ du lịch.

 

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, ký túc xá Trường đại học Thăm dò địa chất của chúng tôi nằm ở khu sinh viên là những tòa nhà 4 tầng xây từ thời “cổ lai hy” đã đến lúc phải trùng tu lại. Các nhóm thợ đến dán lại giấy bồi tường, lót lại sàn nhà, sửa chữa công trình phụ…

 

Tác giả bên bức tranh Thầy đồ - Ảnh: CTV

 

Riêng các mảng tường lớn ở chiếu nghỉ cầu thang thì lại có các nhóm thanh niên khác, tóc tai, phong cách rất nghệ sĩ, đến đo đo, vẽ vẽ. Hóa ra họ là sinh viên ở trường mỹ thuật đến vẽ trang trí. Thế là, ngoài những giờ phải lên lớp, rảnh lúc nào là tôi đến xem họ vẽ, tán gẫu, khen chê, bình luận tá lả. Cùng tuổi, lại thấy tôi cũng biết chút ít về chuyện vẽ vời, chỉ vài ngày là mến nhau. Sau một tuần, không gian của ký túc xá như trở nên ấm cúng và sinh động hơn nhờ những bức bích họa do chính sinh viên vẽ với những đề tài về cuộc sống muôn màu của chính họ.

 

Những năm gần đây, phong trào vẽ tranh bích họa ở nước ta cũng có nhiều nét khởi sắc, hầu hết được thực hiện ở những ngôi làng nghèo nhưng mang nét văn hóa cổ xưa, có tiềm năng để phát triển du lịch, chủ yếu ở khu vực miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam có lẽ là làng Tam Thanh ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, được các họa sĩ Hàn Quốc tổ chức thực hiện vào năm 2016 với những bức tranh về cảnh sinh hoạt bình dị của người dân vùng biển. Sau đó, ngôi làng đã trở thành điểm đến du lịch rất hấp dẫn du khách, mở đầu cho nhiều làng bích họa khác ra đời do các họa sĩ Việt Nam vẽ.

 

Có thể kể ra đây một số làng bích họa có nhiều tranh đẹp, như làng bích họa trên xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, có 21 tranh do sinh viên Khoa Kiến trúc, Đại học Bách khoa Đà Nẵng thực hiện. Dự án “Làng tranh Tam Hải” không chỉ tạo thêm nét nghệ thuật cho xã đảo, làm phong phú thêm các loại hình du lịch, thu hút khách du lịch đến và lưu trú, mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

 

Ở Quảng Ngãi, ngoài ngôi làng bích họa ở đảo Bé Lý Sơn, mới đây xuất hiện thêm làng bích họa 3D ở Gành Yến, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Hiện đây là làng tranh bích họa 3D duy nhất ở Quảng Ngãi và trong cả nước do nhóm họa sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh thực hiện. Khác với những bức tranh ở Lý Sơn, đề tài chủ yếu là bảo vệ môi trường biển, các bức tranh ở Thanh Thủy với nhiều đề tài khác nhau, nhưng màu sắc rực rỡ và điều đặc biệt nữa là vẽ bằng màu phản quang nên vào buổi tối còn có khả năng phát sáng, tạo ra không gian lung linh, huyền ảo, làm cho ngôi làng cũng trở nên bừng sáng hơn, khiến du khách ngỡ ngàng.

 

Các giá trị văn hóa - nghệ thuật vốn là một thứ đặc sản chỉ dành cho những người sành điệu, thường lấp lánh trong tủ kính các phòng triển lãm và các bảo tàng nghệ thuật mà những người dân nghèo không mấy khi có dịp chạm tay đến. Nhưng giờ đây, với sự sáng tạo của các họa sĩ trẻ tài năng, những bức bích họa đã đến với các thôn làng nghèo khó, khoác cho chúng những bộ áo mới và điều quan trọng hơn là giúp cho những người nông dân chân lấm tay bùn ở đó có thể tự đổi thay cuộc sống của mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

 

Lần này ra Hà Nội, chúng tôi dành cả một buổi lang thang bên những bức bích họa ở phố Phùng Hưng. Ngoài một vài bức vẽ theo phong cách hoa văn trang trí, còn hầu hết đều lấy đề tài từ đời sống thường nhật của Hà Nội nửa cuối thế kỷ XX.

 

Đó là những gánh hàng rong, gánh hàng hoa, là ông thầy đồ ngồi trên vỉa hè cho chữ, là những chuyến xe điện leng keng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng biết nhảy tàu rất điệu nghệ, là các trụ nước máy trên vỉa hè với dãy xô thùng xếp hàng rồng rắn với những ngôi nhà cổ vôi vữa loang lổ, là bách hóa tổng hợp Tràng Tiền - trung tâm thương mại lớn nhất thủ đô thời bấy giờ… Các bức bích họa như những thước phim quay chậm, gợi cho những người như chúng tôi, đã từng sống, ít hay nhiều ở Hà Nội vào những năm đó những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến, như được trở về một thời thơ bé.

 

Xem xong tranh bích họa, anh Yên kêu taxi đưa tôi đến một trong những quán bún chả nổi tiếng nhất Hà Nội trên phố Lê Văn Hưu. Quả thật, bún chả ở đây xứng đáng là đặc sản ẩm thực của đất Kinh kỳ, ngon đến mức trên tường treo toàn ảnh Tổng thống Mỹ Obama đến quán ăn bún. Chỉ riêng cái gia vị ấy thôi, cũng đáng để đến đây dùng cho biết.

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek