Thứ Năm, 10/10/2024 03:22 SA
“Nghe âm vang dưới đáy lòng sâu”
Thứ Năm, 10/05/2018 14:00 CH

Bình Định năm 2018, đang giữa cuộc vui, chợt nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đề xuất: “Đi thăm anh Ngăn, mấy tháng nay chưa đến ảnh…”. Vậy là thi sĩ Lê Văn Ngăn xa cõi tạm quá 4 năm rồi...

 

“Chảy rất xa những thứ tị hiềm”

 

Nhà thơ Lê Văn Ngăn - Ảnh: ĐÀO ĐỨC TUẤN

Vẫn ngôi nhà cũ kỹ nép bên đường Hai Bà Trưng nơi phố biển. Vẫn còn đó di ảnh phong sương của tuổi bốn mươi, dẫu ông ra đi ở tuổi 71. Những chồng di cảo, báo chí viết về ông vẫn xếp dày. Gia đình vẫn nhắc như ông… vừa lên tàu ra thăm Huế. Một người bạn nói: “Cái hay của anh Ngăn là mọi thứ không hề cũ. Từ giọng thơ đến tính cách đậm đà. Cứ “găm” vào trí nhớ cuộc đời…”.

 

Vẫn vẹn nguyên trong tôi ngày đầu gặp gỡ anh. Quy Nhơn năm 2005, một người bạn nói: Tí nữa Lê Văn Ngăn tới. Tôi khấp khởi hồi hộp trước một tên tuổi đã biết nhiều qua sách báo và thơ ông đã góp vào “gia tài” chúng tôi trong thời sinh viên khốn khó. Lê Văn Ngăn là một tiếng thơ vang dội, lắng đọng trong phong trào học sinh - sinh viên yêu nước trong các đô thị miền Nam trước 1975 và từ bấy đến giờ vẫn tinh khôi trên văn đàn… Rẽ chiếc xe đạp cà tàng vào quán nước trước Bến xe Bình Định là người đàn ông có nước da nâu, gầy rắn rỏi, nét mặt nửa như hớn hở nửa như trầm tư. Nguyễn Thanh Mừng nói: “Thi sĩ Lê Dzăn Ngăn đó!”. Hồn hậu, nhà thơ Lê Văn Ngăn nhẹ nhàng cười chào, ngồi xuống và nâng ly, xóa khoảng cách tuổi tác ngay từ đầu. Thi sĩ có giọng thơ cực kỳ hiện đại lại mộc mạc như một lão nông vừa dưới quê lên…

 

Nhiều bạn bè kể, là người ít thân quen thì không dễ ngồi với Lê Văn Ngăn. Vậy nên tôi phải “bày trò” kéo nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đến trước, rồi mới “kết nối”. Thế nhưng ông luôn thòng một câu rặt ri giọng Huế để xác nhận “Cọ Nguyện Thanh Mừng đậy à” rồi mới túc tắc xe đạp đến…

 

Sau này, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng nói rằng Lê Văn Ngăn đi, một nửa Quy Nhơn mất, dù anh em Quy Nhơn vẫn luôn nhắc đến ông như chưa hề chia xa.

 

Tôi biết ông là người từng yêu và được yêu khá nhiều. Nhưng ông lại vô cùng kính trọng khi nhắc đến những người phụ nữ từng “thoảng qua cuộc đời”. Đến giờ này, theo tôi thấy, chưa có ai ngưỡng vọng “người xưa” và phụ nữ nói chung, cỡ như ông.

 

Nguyễn Thanh Mừng nói: “Anh Ngăn nhìn vẻ xuề xòa nhưng rất dứt khoát trong quan niệm về các giá trị đời người. Từng trải với đắng ngọt nhục vinh nên ảnh trân trọng những giá trị thực chất cũng như khinh bỉ mọi nhố nhăng giả trá, với một thái độ sống nhiều lúc đến cực đoan”.

 

Có một người cùng tôi chờ đợi”

 

Lê Văn Ngăn có lần nói với anh em: “Thơ dở thì không nói, chớ thơ hay thì… trốn ở đâu cũng lộ, lo gì!”. Bởi thế, ông không bao giờ tỏ ra hấp tấp, nhất là trong sáng tạo. Những thi tứ luôn được ông lặng lẽ đào sâu, liên tưởng triền miên, sắt se nén chặt. Ít khi nghe ông nói “mình sẽ viết thế này, thế kia” mà bản thảo cứ túc tắc dày theo năm tháng. Sáng tác của ông không có chất thỏa hiệp hay dấu vết phô diễn. Cứ mải miết con đường “rủ rỉ như cười, như hờn, như trách” của một phẩm cách thi sĩ xa rời mọi tuyên ngôn. Ông rất thờ ơ chuyện đem thơ đi thi thố, trừ một lần do trân trọng bầu bạn, ông có gửi thi thơ Báo Văn Nghệ và được giải cao.

 

Trong “trích ngang” cuộc đời - tác phẩm ở các tuyển tập, ông viết ngắn gọn “có những người bạn thân ở nhiều nơi trong nước”. Thực sự, ông đam mê chia sẻ với bạn tâm giao. Bài thơ Vẽ lại bức tranh cũ (gửi Tôn Thất Lập), ông viết: “đêm nay tôi trở về/ nghe âm vang dưới đáy lòng sâu/ nghe âm vang tiếng chân trên chặng đường khấp khểnh…”.

 

Tập Thơ Lê Văn Ngăn (Nhà xuất bản Thuận Hóa) in ra trước khi ông mất mấy ngày, có bài thơ ông viết cho vợ, chị Hạnh Phước: “Nhớ không Hạnh Phước, em đã giúp anh chịu đựng/ Thị trấn tiêu điều ấy/ Con đường liên tỉnh ấy/ Những chiến xa mịt mùa bụi đỏ/ Cũng có khi trời u ám/ Hàng cây muối trổ bông/ Và ở tấm màn che hiện em bước ra/ Chiều mời lại sau giấc ngủ/…/ Hạnh Phước, Hạnh Phước/ Người nữ của thành nhiễu nhương/ Em có thấy chút hồn nhiên của thi sĩ…”.

 

Mối tình đăm đắm trong chiến chinh ấy đã giữ chân người đàn ông Huế phong trần, mẫn tuệ ở lại với TP Quy Nhơn đến phút thiên thu…

 

Giờ đây, mỗi lần nhớ Lê Văn Ngăn, vang vọng không lẫn vào đâu được là những dòng thơ chất ngất: Quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời đầy sao/ nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc/ lòng em, không chịu dừng chân ở ngã ba rẽ về liên tỉnh/ không muốn rứt mình bên này các ranh giới/ trước rào cản của kẻ thống trị, em còn muốn/ tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu cầu Long Biên/ và những vườn hoa bưởi/ những vại nước lấm tấm bông cau/ cũng phảng phất mùi hoa gạo/ cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc/ dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động (Sóng vẫn đập vào eo biển).

 

Ông gần gũi, ân tình quá nên phố biển cứ mãi bâng khuâng tiếng sóng…

 

Nhà thơ Lê Văn Ngăn sinh năm 1943 ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, mất ngày 27/2/2015 tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Định. Tác phẩm Viết dưới bóng quê nhà (NXB Hội Nhà văn - 2008), Thơ Lê Văn Ngăn (Nhà xuất bản Thuận Hóa - 2015).

 

ĐÀO ĐỨC TUẤN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek