Dưới vòm lá xanh dày thỉnh thoảng có những ngọn gió lay động, những tia nắng chợt xuyên qua làm sáng lên những chiếc lá và rồi còn đọng lại thành những viên ngọc lung linh tuyệt vời. Thơ Triều Hạnh giống như bức tranh của họa sĩ thích gam trầm, thỉnh thoảng lóe lên một chút màu tươi của một vài cánh hoa, chính vì vậy mà những cánh hoa ấy trở nên quý hiếm và đẹp tuyệt vời!
![]() |
Tác giả Triều Hạnh - Ảnh: CTV |
Ở tuổi ngoài 60, Triều Hạnh ra mắt tập thơ Còn thương chiếc lá. Đây là tập thơ thứ hai của cây bút nữ người Tuy Hòa sau mấy chục năm sống “ẩn dật”.
Tôi thấy có ít nhất là ba người đồng cảm với Triều Hạnh trong “chiếc lá”. Người thứ nhất là một thiền sư, người thứ hai là nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ, người thứ ba là tôi. Vị thiền sư có nói trong một trang sách, đại ý như thế này, với sự tĩnh lặng ta có thể thấy ở một chiếc lá: đất, trời, mây, núi, biển cả, thấy cả tổ tiên, ông bà chúng ta, thấy niềm đau, nỗi nhớ, yêu thương, hờn giận… Còn Trần Sĩ Huệ thì viết: “…Trên chiếc lá ấy, Triều Hạnh sum họp với cả tứ đại đồng đường…” và “Chiếc lá ấy như rốn bể sâu thăm thẳm, để có những lần Triều Hạnh nhón chân nhìn ra, bể rộng mênh mông, gió thổi ào ào, bạc đầu sóng dữ… nhưng từ xa mặt trời rực rỡ, mây trắng trên tầng cao nhìn xuống trùng trùng nước biếc…”.
Tôi thì thấy có “ngũ đại đồng đường” trong chiếc lá ấy: Nhà thơ, cha mẹ, ông bà, con, cháu. Cũng trong chiếc lá ấy có “Bình minh mặt trời, nhành sương lung linh, búp hồng nhẹ lay, chim chóc nhảy vui, ráng chiều, cánh hạc, đông tàn, suối khe, song khuya gác mảnh trăng gầy…”.
Trần Sĩ Huệ và tôi là những người đọc thấy những điều Triều Hạnh viết, tức là nhận thức những điều có trong một “chiếc lá” sau Triều Hạnh. Thiền sư và Triều Hạnh là hai người đã viết những điều đó bằng cách riêng. Một viết bằng lý luận triết học. Một bằng những hình ảnh thơ. Có thể nói Triều Hạnh là người làm thơ với những trải nghiệm, cùng những giây phút tĩnh lặng đưa ra những hình ảnh mà trong đó ta thấy phảng phất triết lý tương tức, tương nhập “Một trong tất cả - Tất cả trong một”.
Nếu có thời gian đọc lại nhiều lần ta có thể phát hiện ra nhiều điều thú vị trong “Chiếc lá” của Triều Hạnh.
Trên nền xám của mùa đông, người ta mới quý những tia nắng. Cũng như dưới vòm lá xanh dày thỉnh thoảng có những ngọn gió lay động, những tia nắng chợt xuyên qua làm sáng lên những chiếc lá và rồi còn đọng lại thành những viên ngọc lung linh tuyệt vời. Thơ Triều Hạnh giống như bức tranh của họa sĩ thích gam trầm, thỉnh thoảng lóe lên một chút màu tươi của một vài cánh hoa, chính vì vậy mà những cánh hoa ấy trở nên quý hiếm và đẹp tuyệt vời!
![]() |
Bìa tập thơ “Còn thương chiếc lá” của Triều Hạnh - Ảnh: PHAN LONG CÔN |
Bình minh mặt trời thức giấc
Sợi tơ xuyên qua hiên nhà
Ánh vàng rót muôn cung bậc
Vạn vật khởi đầy sắc hoa.
Hoặc:
Ngõ nhà em mượt giàn
thiên lý
Nắng vàng lên rợp mát
hiên nhà
Anh sẽ ngất ngây mùi hương
tình ý
Gió chiều lên từng kẽ
phên thưa
Trong cái bộn bề của cuộc sống, bao mối ưu tư dằn vặt, bao niềm thương nhớ khôn nguôi, bao mong ước không toại nguyện, người ta tưởng Triều Hạnh bị sóng đời trôi đi, nhưng không, Triều Hạnh vẫn dồi dào năng lượng dự trữ để 50 năm sau trở lại “người thơ của mình” một cách dịu dàng, đằm thắm.
Lập lại vườn xưa, khơi giếng nước
Thả đàn cá nhỏ dưới ao bơi
Và:
Luống cà ra trái xoài sai nụ
Chim chóc reo vui rộn
đất hiền
Khơi giếng nước, đàn cá nhỏ, luống cà, chim chóc, xoài sai nụ… chính là những hình ảnh trở lại người thơ của Triều Hạnh.
Thường thì người ta sẽ bị chôn vùi và mất tích trong tuyệt vọng, bi ai. Nhưng Triều Hạnh thì khác, vẫn tồn tại nhờ cái hóm hỉnh, một chút tinh nghịch của người lạc quan yêu đời, có cái nhìn rất thi vị mà một người bình thường không dễ nhìn thấy. Có ai thấy được các kiểu ngủ: Ngủ thẳng, ngủ cong, ngủ giữa trời, ngủ rong của cây cau, cây tre, của ao đìa, của gió như Triều Hạnh thấy đâu.
Ngủ đi cháu. Ngủ! Ngoài kia
Hàng cau ngủ thẳng, ao đìa ngủ cong
Ngọn tre ngủ giữa trời không
Để bà xem gió ngủ rong chốn nào?
Đã “rong” thì động, động thì không tĩnh, không tĩnh thì làm sao ngủ được, càng khó hơn nữa là tìm cho ra chỗ ngủ của gió! Đố ai tìm được. Chắc chỉ có Triều Hạnh mà thôi.
Còn nhiều điều thú vị nữa, xin được dừng ở đây để nụ cười còn theo vui với người thơ và bạn đọc.
PHAN LONG CÔN