Thứ Năm, 10/10/2024 07:21 SA
Những người giữ hồn điệu chèo bát nhã ai
Chủ Nhật, 15/04/2018 14:00 CH

Trong khi nghệ thuật chèo bát nhã ai đang dần bị lãng quên, mai một theo thời gian thì ở nơi nào đó vẫn có những con người luôn đau đáu nỗi niềm gìn giữ nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc. Với mong muốn đó, câu lạc bộ (CLB) Chèo thuyền bát nhã thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn đã được thành lập và trở thành nơi sinh hoạt, gắn kết những con người tâm huyết với loại hình nghệ thuật này.

 

Một buổi luyện tập của các thành viên CLB Chèo thuyền bát nhã thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn (huyện Tuy An) - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Cái duyên với chèo bát nhã

 

Chúng tôi về thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa) gặp ông Nguyễn Trọng Tích, người nắm giữ nhiều thể loại dân ca - nhạc cổ của dân tộc trên dải đất miền Trung. Từ căn nhà nhỏ, những giai điệu mùi mẫn đến nao lòng ngân vang, len lỏi khắp các ngõ xóm. Mái tóc điểm hoa râm, đôi mắt sáng, nở nụ cười hiền hậu, người đàn ông 54 tuổi này niềm nở đón chúng tôi vào nhà.

 

Dành gần nửa đời người để đi hát, ông Tích là người khá có tiếng trong làng dân ca - nhạc cổ xứ nẫu. Ông được bà con mến mộ nhờ am tường nhiều thể loại và sở hữu giọng hát khỏe khoắn nhưng không kém phần da diết, mượt mà.

 

Tuy nhiên, trong thâm tâm ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm về việc gìn giữ thể loại chèo bát nhã. Những câu từ trong bài chèo bát nhã đã ăn sâu trong tâm trí ông từ thuở thiếu thời. Ông kể: Ngày xưa, cụ cố nội từ Tam Kỳ (Quảng Nam) tha hương lập nghiệp tại mảnh đất Phú Yên này và mang theo cuốn tập ghi chép các câu hát về chèo bát nhã.

 

Song, cuốn tập cuối cùng cũng bị bào mòn và phai dấu theo thời gian. May thay, câu từ trong chèo bát nhã vẫn được truyền miệng trong gia đình. “Từ lúc nghe cha tôi hát chèo bát nhã là tôi đã bị hút hồn bởi sự đặc biệt của nó”, ông Tích nói.

 

Ngày còn là cậu thanh niên mười tám đôi mươi, mặc dù chưa hiểu hết được ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này nhưng ông đã bỏ công sức ghi chép lại tất cả ca từ trong chèo bát nhã khi nghe cha ông hát. Từ đó, ông nung nấu ý tưởng thành lập CLB gìn giữ loại hình hát cúng này.

 

Mãi đến năm 2015, ông kêu gọi một số bạn bè thành lập CLB Chèo thuyền bát nhã thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn. Những ngày mới thành lập, ông tận tình chỉ dạy những thành viên mới làm quen với loại hình này.

 

Với tình yêu nghệ thuật truyền thống, các thành viên đã cùng nhau tập luyện, CLB được mời đi phục vụ tại địa phương và trên địa bàn tỉnh. Không chỉ bỏ thời gian công sức, mà toàn bộ những cây chèo đều do ông tự làm để phục vụ cho việc luyện tập và biểu diễn...

 

Bảo tồn nét văn hóa độc đáo

 

Theo ông Nguyễn Trọng Tích, chèo bát nhã có từ thế kỷ XIX, được diễn ra khi vua chúa, quan lại, hào cựu, lý hương, chủ điền... qua đời. Đây còn là một hình thức đưa các chơn hồn có đầy đủ công đức vượt qua bể khổ, thoát khỏi luân hồi, đến nơi “thiêng liêng hằng sống” hay còn gọi là cực lạc niết bàn trong đạo Cao Đài.

 

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Tươi (50 tuổi), Chủ nhiệm CLB Chèo thuyền bát nhã ở thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn để “nhìn thấy tận mắt, nghe tận tai” loại hình nghệ thuật này trong một buổi tập luyện. Đầu tiên, siêu phát đàn trước án tiền để tẩy bụi trần, sạch sẽ đi về cõi cực lạc, vô ưu. Sau đó, hai bên trạo gồm có 6 trạo tử, mỗi trạo tử tay cầm chèo.

 

Theo nhiệm vụ được đấng thiêng liêng phân công thì Tổng Sanh là người gõ “nhịp sanh” để điều khiển đội bá trạo chèo thuyền theo nhịp. Tổng Thương là người quản lý sinh hoạt trên thuyền, được ví như “anh nuôi” trên thuyền. Quan trọng nhất là Tổng Lái - thuyền trưởng, là người chỉ huy cả đội thuyền, đồng thời làm nhiệm vụ cầm lái, sử dụng đạo cụ là một cây chèo lớn để lái thuyền. Các trạo tử sử dụng cây chèo nhỏ, đều nhau. Mỗi cây chèo được làm bằng gỗ, dài 1,2m, nửa thân cọng sơn đỏ, nửa thân mái sơn trắng. Trên phần mái chèo đều có hình con rồng được vẽ công phu và tỉ mỉ.

 

Nếu như 4 siêu mặc trang phục màu vàng, viền đỏ và trùm khăn xanh thì các trạo tử mặc đồ lam, trùm khăn lam và buộc thắt lưng màu lam. Còn các tổng mặc trang phục màu nâu, trùm khăn nâu và buộc thắt lưng màu nâu. Tất cả đội 13 người gồm 4 siêu, 6 trạo tử và 3 tổng khi hát cúng đều mang tất trắng hoặc đen.

 

Trong chèo bát nhã, hát bạch: Bớ trạo tử nghe ta dặn đây/ Hôm nay trời xanh gió mát/ Trạo hầu cho đâu đó đàng hoàng/ Để thiên thủ nhập trung/ Thiên thừa tạo lập/ Thượng hạ chỉnh tề... bái lạy xin ơn trên. Ngoài ra, nam oán (than thở), tháng nam (ngân dài), nam rơi (kể lể) và hò đưa linh (hò khoan) kết hợp tạo thành bản “hòa tấu” đặc biệt vừa bi lụy, ai oán nhưng cũng đầy khoan thai.

 

Em Trương Văn Dân ở thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn, chia sẻ: “Em tham gia vào đội hơn 4 năm nay. Ban đầu, em thích nên xin theo tập tành cho biết. Lâu dần, em cảm thấy chèo bát nhã là một loại hình độc đáo của địa phương nên em nghĩ mình phải có trách nhiệm kêu gọi bạn bè gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc”.

 

Còn anh Nguyễn Tươi, Chủ nhiệm CLB Chèo thuyền bát nhã ở thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn (huyện Tuy An), cho biết: “Việc tham gia các nghi thức cũng như hát cúng giống như làm việc công quả của người tu hành. Các thành viên trong đội đều cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản khi tiễn đưa một người vào cõi cực lạc. Đây cũng là một loại hình nghệ thuật độc đáo, di sản quý báu của dân tộc đang dần bị mai một và quên lãng, cần được bảo tồn”.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek