Thứ Năm, 10/10/2024 07:26 SA
Ấn tượng Sông Hinh
Thứ Năm, 12/04/2018 16:00 CH

(Từ phải sang trái) Các nhà thơ Y Điêng, Mô Lô Y Choi và Mai Liễu cùng cán bộ Hội Văn nghệ Phú Yên bên nhà sàn của nhà thơ Mô Lô Y Choi ở Sông Hinh trong chuyến công tác năm 2006 - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

Với tôi, Sông Hinh là miền đất khá quen thuộc kể từ khi tôi còn công tác ở ngành địa chất, rồi sau đó là Văn phòng Ủy ban, Hội Văn nghệ tỉnh, đến khi về hưu thỉnh thoảng vẫn chạy xe máy lên chơi với bạn văn nghệ nên có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

 

Vào cuối những năm 80, khi còn công tác ở Trường trung cấp Địa chất 2 Tuy Hòa (nay là Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung), tôi được nhà trường giao nhiệm vụ cùng với nhóm địa chất công trình khảo sát khu vực nền móng con đập chính của Nhà máy thủy điện Sông Hinh trong tương lai. Vậy là tôi khăn gói cùng với các thầy cô và học sinh đưa chiếc máy khoan tựhành lên khoan một số giếng khoan thăm dò địa chất, lấy tài liệu cung cấp cho ban quản lý dự án để thiết kế con đập thủy lực của nhà máy.

 

Chính vì tầm quan trọng của công việc nên trước khi đưa thiết bị khoan ra thực địa, Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức cuộc họp với tổ công tác, quán triệt về việc đảm bảo độ chính xác cao của các số liệu địa chất. Qua đợt công tác, tôi có dịp tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên và con người nơi đây.

 

Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai của tôi với Sông Hinh là vào năm 2006, tôi đưa nhà văn Tùng Điển và nhà thơ Mai Liễu ở Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lên Sông Hinh thăm hai nhà thơ người Ê Đê là Mô Lô Y Choi và Y Điêng. Nhà thơ Mai Liễu người dân tộc Tày sống ở Hà Nội, lần đầu tiếp xúc trực tiếp với đời sống của đồng bào Ê Đê nên rất thích thú.

 

Anh lang thang suốt cả buổi trong buôn làng và cùng chúng tôi hút hết một ché rượu cần, say ngất ngư mà vẫn thích thú khen ngon. Nhà thơ Mô Lô Y Choi còn có tên là Mô Lô Y Klavi. Bài thơ Cô gái vót chông của ông sáng tác từ trước năm 1975 nhưng đến giờ vẫn được mọi người nhớ đến là nhờ có sự chắp cánh của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ nhạc cho bài thơ, thành một trong số những bài hát hay về miền núi.

 

Với nhà thơ Y Điêng, tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ qua các chuyến công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam và công việc ở Hội Văn nghệ tỉnh. Khi vừa chân ướt chân ráo về Hội, tôi nghe nói anh Y Điêng vừa hoàn thành bộ tiểu thuyết Chuyện trên bờ Sông Hinh về đề tài chiến tranh cách mạng ở miền núi, nhưng vẫn chưa tìm được nơi xuất bản. Tôi bảo anh đưa bản thảo cho tôi và trong một chuyến công tác Hà Nội, tôi mang ra nhờ nhà văn Nguyên Ngọc - tác giả Đất nước đứng lên đọc góp ý, rồi sau đó tôi biên tập, vẽ bìa, xin giấy phép xuất bản và in cho ông bằng kinh phí của Hội.

 

Có thể nói, đây là bộ tiểu thuyết đầu tiên của một nhà văn người Ê Đê, và tác phẩm đã đóng vai trò quan trọng trong sựnghiệp sáng tác của nhà văn Y Điêng, để sau đó, ông là người Ê Đê đầu tiên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Cô gái Ê Đê kéo sợi dệt thổ cẩm - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

Đến năm 2007, trong đợt xét Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật lần thứ 2, Hội Văn nghệ tỉnh đã hoàn tất toàn bộ thủ tục, hồ sơ cho nhà văn Y Điêng, trình cấp trên xét duyệt và ông trở thành người đầu tiên ở Phú Yên được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Tôi nhớ, trong một hội nghị của Hội Nhà văn Việt Nam, khi nhắc đến các nhà văn người dân tộc thiểu số, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội có nói: Ở hai miền đất nước có hai cây đại thụ văn học người dân tộc thiểu số rất đáng tựhào đó là nhà thơ Lò Ngân Sủn, dân tộc Dáy ở Lào Cai và nhà thơ Y Điêng, người Ê Đê ở Phú Yên.

 

Trong chuyến đi thực tế Sông Hinh lần này do Chi hội Mỹ thuật (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) tổ chức, anh chị em văn nghệ sĩ được đưa đi tham quan thác H’Ly ở buôn Kít - một danh thắng đáng để các họa sĩ và nghệ sĩ nhiếp ảnh bõ công lặn lội đến đây. Chỉ tiếc là mùa khô nên nước không nhiều, vào mùa mưa nước giăng kín mặt đập như một tấm rèm trắng khổng lồ kỳ vĩ.

 

Ngay giữa trung tâm thị trấn Hai Riêng có một cái hồ tuyệt đẹp, thường gọi là hồ trung tâm, vừa có tác dụng điều tiết khí hậu, vừa tạo cảnh quan thu hút khách du lịch. Hồ này không phải tự nhiên mà có, ngày xưa vốn là một con suối nhỏ, được địa phương huy động sức dân đắp một con đập khổng lồ để tích nước, hình thành nên cái hồ rất thơ mộng giữa thị trấn. Ngay sát bên hồ trung tâm còn có một điểm du lịch nữa cũng rất lãng mạn và cũng được hình thành từ bàn tay lao động của con người, đó là đồi thông.

 

Những ai tò mò muốn biết cảnh quan thiên nhiên của Đà Lạt ra sao, thì chỉ cần bước chân vào đồi thông của Hai Riêng là đủ: cũng có thảm cỏ xanh rờn dưới chân, cũng có những tán lá thông xào xạc trong làn gió nhẹ, đủ che kín ánh nắng mặt trời, tạo nên một bầu không khí trong lành và mát mẻ giữa mùa hè oi bức. Ngay bên cạnh là một cái hồ nước trong veo với đủ loại chim trời cá nước.

 

Với hệ thống cầu cống, lan can quanh hồ cùng với các hồ chính, các công viên, đồi thông và buôn văn hóa đã tạo thành những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bất cứ du khách khó tính nào. Cảnh quan đẹp như thế mà những người lãng mạn không làm thơ, viết văn, vẽ tranh mới là chuyện lạ, bởi vậy mà vùng đất này đã sản sinh ra nhiều tài năng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

 

Lên miền núi mà không ghé thăm các buôn làng thì chưa hiểu hết được bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây, nên chúng tôi đã ghé vào một buôn ở xã Sông Hinh. Buôn khá sạch sẽ và trù phú (ấy là nhìn vào số lượng xe máy dựng quanh các ngôi nhà sàn được xây dựng kiên cố) và điều quan trọng là ở đây vẫn còn duy trì được nghề dệt thổ cẩm. Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt của người phụ nữ và vuông vải trên khung dệt với những hoa văn cầu kỳ, sắc màu rực rỡ vẫn thường thấy trên các bộ áo váy của các cô gái, tôi tin chắc là bản sắc văn hóa dân tộc của vùng đất này không dễ gì có thể mai một.

 

Vì là chuyến đi thực tế của Chi hội Mỹ thuật và thời gian chỉ gói gọn trong một ngày, nên ban tổ chức ưu tiên đưa hội viên đi tham quan các danh thắng là chính, chứ không thể tổ chức giao lưu với anh chị em văn nghệ địa phương. Đi để biết, để chiêm ngưỡng, để tạo cảm hứng sáng tác cho những tác phẩm tương lai, ít nhiều cũng có mối liên hệ với vùng đất tươi đẹp và giàu truyền thống lịch sử văn hóa này.

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek