Thứ Năm, 10/10/2024 09:28 SA
Người say mê đi tìm ẩn ngữ văn chương
Chủ Nhật, 08/04/2018 16:00 CH

Sự xuất hiện của Trần Hoài Anh những năm qua phần nào lấp bớt khoảng trống lý luận phê bình văn học ở TP Hồ Chí Minh và phía Nam bằng sự tinh tế phát hiện những cái mới lẫn sự công phu, đào sâu nghiên cứu những giá trị văn học đã bị bụi thời gian phủ mờ. Với tập tiểu luận - phê bình Đi tìm ẩn ngữ văn chương (NXB Hội Nhà văn 2017), Trần Hoài Anh đã được trao Tặng thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2017 rất xứng đáng.

 

Không ngừng khám phá vẻ đẹp văn chương

 

PGS.TS Trần Hoài Anh

Vốn là giáo viên THPT ở quê hương Quảng Ngãi, Trần Hoài Anh đã không ngừng học tập vươn lên, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hạng xuất sắc tại Viện Văn học ở Hà Nội. Hiện anh là giảng viên Ngữ văn Trường đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, vừa được Nhà nước phong học hàm phó giáo sư gần như cùng lúc với tin vui anh nhận tặng thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

 

Từ trải nghiệm hành trình không dễ dàng của mình, Trần Hoài Anh tâm sự trong tham luận tại một hội nghị nhà văn trẻ: “Sự chọn lựa của văn chương là sự chọn lựa của định mệnh. Song không phải vì văn chương là định mệnh rồi ngồi đó trông chờ định mệnh sẽ mang đến cho ta tác phẩm. Định mệnh của văn chương là định mệnh của sáng tạo, của lao động. Đó là định mệnh của sự dấn thân, tận hiến, tự đốt cháy mình để làm nên tác phẩm” (Đội ngũ viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh tiềm năng và triển vọng).

 

Dấn thân hết mình, Trần Hoài Anh đầy khát vọng học, đọc, tìm tòi, khám phá cái hay cái đẹp tiềm ẩn sau những trang văn. Anh lao động một cách cật lực, nghiêm túc với ước muốn chia sẻ vẻ đẹp sáng tạo ngôn từ cho những tâm hồn tri âm. Trong lời mở đầu tác phẩm Đi tìm ẩn ngữ văn chương, anh cũng đã viết: “Văn chương, tự bao đời luôn là hành trình của khám phá và sáng tạo. Đó là một hành trình đi tìm cái mới, lạ trong hiện thực để trả lời những vấn đề cuộc sống đặt ra.Vì vậy, trong sáng tạo văn chương, việc khát khao đi tìm cái mới là một phẩm tính của người cầm bút, nó hoàn toàn xa lạ với lối viết theo khuôn mẫu được lập trình sẵn, không quan tâm đến cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.

 

Bởi theo Nam Cao: “Văn chương không cần đến người thợ khéo tay, làm theo một kiểu mẫu đưa cho: Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những cái gì chưa có…” (Đời thừa - Nam Cao). Công việc của người viết lý luận phê bình phải chăng cũng là hành trình sáng tạo, kiếm tìm cái mới để tạo nên sự kết nối tri âm từ nhà văn đến người đọc qua những thông điệp ẩn chứa trong tác phẩm”.

 

Ngoài những công trình in chung, tập Đi tìm ẩn ngữ văn chương là tác phẩm in riêng thứ năm của Trần Hoài Anh trong vòng 8 năm qua. Tác phẩm nào cũng dày dặn từ 300 trang đến hơn 450 trang in. Mở đầu bằng chuyên luận cũng là luận án tiến sĩ Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 xuất bản năm 2009, Trần Hoài Anh đã miệt mài nghiên cứu và lần lượt công bố 4 tập tiểu luận - phê bình: Thơ - Quan niệm và Cảm nhận (2010), Văn học nhìn từ văn hóa (2012), Văn hóa - văn chương & hành trình sáng tạo (2014), Đi tìm ẩn ngữ văn chương (2017). Một cách chân thành, anh sẻ chia về công việc chuyên môn của mình: “Hiểu một con người đã khó. Hiểu văn chương của họ lại càng khó hơn.

 

Vì vậy, trong hành trình đi tìm ẩn ngữ các tác phẩm văn chương, người viết không có tham vọng sẽ giải mã tất cả những gì nhà văn nói đến trong tác phẩm mà chỉ mong những “khám phá” của mình có thể chạm đến một phần nào chân lý nghệ thuật và chân lý đời sống được nhà văn gởi gắm trong tác phẩm”.

 

Phát hiện cái mới và nặng lòng với những giá trị bị phai mờ

 

Tác phẩm Đi tìm ẩn ngữ văn chương của Trần Hoài Anh được chia làm 4 phần: Lý luận - phê bình văn học miền Nam (1954-1975): Di sản văn chương dân tộc; Lý luận - phê bình văn học thời kỳ đổi mới: Từ một góc nhìn; Về một số hiện tượng thơ Việt Nam hiện đại; Về một số hiện tượng văn xuôi Việt Nam đương đại.

 

Trong 3 phần sau cho thấy Trần Hoài Anh khá cập nhật đời sống văn chương từ thời kỳ đổi mới bắt đầu năm 1986 đến nay, cả về phương diện lý thuyết lẫn sáng tạo tác phẩm. Đó là thành tựu lý luận - phê bình từ việc tự do tiếp nhận lý thuyết phương Tây. Đó là hằng số văn hóa của tinh thần yêu nước. Đó là quy luật tất yếu của thị trường văn học và văn học thị trường. Đó là dấu ấn tâm thức hiện sinh trong thơ và văn xuôi thời kỳ đổi mới. Đó là sự phát triển của thơ trẻ TP Hồ Chí Minh từ năm 2000 đến nay…

 

Nếu như trong các tập sách trước, Trần Hoài Anh đã từng có những bài nghiên cứu về tác phẩm của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Yến Lan, Lê Đạt, Văn Cao, Vũ Bằng,… thì trong Đi tìm ẩn ngữ văn chương, anh tiếp tục đi sâu khám phá vẻ đẹp tác phẩm của một số tác giả kinh điển khác: Cảm thức Đông phương trong thơ Bích Khê, Tâm thức lưu đày và nỗi nhớ cố hương trong thơ xuân Nguyễn Bính, Cảm thức hiện sinh trong thơ Xuân Diệu trước 1945, Cảm thức xuân trong thơ Hoàng Cầm.

 

Đồng thời, nếu các công trình trước, Trần Hoài Anh từng tập trung nghiên cứu một số tác giả, tác phẩm văn học các thế hệ sau như: Bùi Giáng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Phạm Thiên Thư, Nhật Chiêu, Ly Hoàng Ly thì trong Đi tìm ẩn ngữ văn chương, anh lại tiếp tục viết về Lê Văn Thảo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trúc Thông, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Hoa, Phan Hoàng, Trầm Hương, Bích Ngân, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Hữu Hồng Minh…

 

Các tác phẩm của Trần Hoài Anh - Ảnh: HOÀNG THỦY

 

Đặc biệt, trong Đi tìm ẩn ngữ văn chương, Trần Hoài Anh còn dành một chương quan trọng cho đề tài chủ lực mà anh theo đuổi khi mới bước vào con đường nghiên cứu: Lý luận - phê bình văn học miền Nam (1954-1975): Di sản văn chương dân tộc. Một cách khách quan và khoa học, anh đã công phu khảo sát, khám phá, nhìn nhận lại tổng thể những giá trị một thời bị đánh giá thiên lệch.

 

Cùng với khuynh hướng lý luận phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng Mác-xít với những cây bút tiêu biểu như Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Trần Triệu Luật, Nguyễn Nguyên, Lê Nguyên Trung, Nguyễn Khắc Vỹ, Vân Trang… thì ở miền Nam trước năm 1975 còn có những khuynh hướng chịu ảnh hưởng phương Tây về phê bình giáo khoa, phân tâm học, hiện sinh.

 

Với hướng nghiên cứu này, PGS.TS Trần Hoài Anh đã đóng góp quan trọng trong việc sưu tra, cung cấp tư liệu cho sinh viên Ngữ văn và giới khoa học xã hội khi tìm hiểu về đời sống văn học ở đô thị miền Nam mà có lúc rơi vào quên lãng.

 

Đánh giá về nỗ lực của Trần Hoài Anh, nhà lý luận phê bình Phương Lựu từng viết rằng: “Không kể hoàn cảnh và điều kiện có nhiều thuận lợi là vốn sinh trưởng, học hành và công tác suốt ở miền Nam từ trước năm 1975 cho mãi đến nay, nhưng càng quan trọng hơn tác giả là người có phẩm chất và tư duy của người nghiên cứu khoa học, mà biểu hiện trước tiên là đã dày công làm chủ một khối tư liệu đồ sộ - chỉ riêng mặt này đã rất đáng quý - trên cơ sở đó đã triển khai phân tích, khái quát đánh giá một cách toàn diện và khách quan để đi đến những kết quả khả quan”.

 

HOÀNG THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hoa trang rừng đầu hè
Chủ Nhật, 08/04/2018 13:24 CH
Cho màu tím thân thương…
Chủ Nhật, 08/04/2018 13:17 CH
Chòi bên núi
Chủ Nhật, 08/04/2018 10:52 SA
Nồng nàn tháng tư
Chủ Nhật, 08/04/2018 10:41 SA
Đẹp quá gốm Chu Đậu
Chủ Nhật, 08/04/2018 10:28 SA
Miền Trung – thơ NGUYỄN HỮU THÂM
Thứ Bảy, 07/04/2018 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek