Thứ Năm, 10/10/2024 09:29 SA
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu: Hãy khẳng định cái tôi trong tác phẩm
Thứ Ba, 10/04/2018 14:00 CH

Các họa sĩ, nhà điêu khắc trên dải đất này đang chuẩn bị cho Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 23, sẽ diễn ra tại Phú Yên vào tháng 8 tới. Hành trình sáng tạo tác phẩm rất nhọc nhằn nên không thể thiếu vắng niềm đam mê, nhất là ở những địa phương mà đời sống mỹ thuật còn trầm lắng. Và giữ được “lửa nghề” cũng không đơn giản chút nào!

 

Báo Phú Yên đã phỏng vấn họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, phụ trách khu vực miền Trung - Tây Nguyên về việc sáng tạo một cách chuyên nghiệp và thể hiện cái tôi trong tác phẩm.

 

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Ảnh: YÊN LAN

* Thưa họa sĩ, báo chí đưa tin trong phiên đấu giá tại Hồng Kông mới đây, bức tranh lụa Nghỉ ngơi sau khi tắm của họa sĩ Vũ Cao Đàm được bán với giá 4,92 triệu HKD, tương đương hơn 14 tỉ đồng Việt Nam, còn bức tranh lụa Mẫu tử của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 5,16 triệu HKD, gần 15 tỉ đồng. Họa sĩ nghĩ gì về điều đó?

 

- Đó là điều đáng mừng, khi các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam ngày càng được thế giới quan tâm, chú ý. Và giá trị của các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam cũng được trân trọng, đánh giá cao, đặc biệt là tác phẩm của các họa sĩ trưởng thành từ Trường Mỹ thuật Đông Dương trước đây.

 

* Thực tế vẫn chưa có nhiều người đón nhận các tác phẩm mỹ thuật thể hiện sự tìm tòi sáng tạo độc đáo, nhiều người vẫn chỉ thích tranh chép hay những bức tranh... trang trí là chính. Đâu là động lực để các họa sĩ, nhà điêu khắc sáng tạo và gắn bó với nghề, thưa ông?

 

- Bây giờ không thiếu người tìm kiếm những tác phẩm mỹ thuật có chất lượng. Điều đáng mừng là hiện nay, mặt bằng hưởng thụ của Việt Nam đã được nâng lên, số lượng nhà sưu tập tranh cũng nhiều hơn. Trước đây, các họa sĩ Việt Nam thường trông chờ bán tranh cho người nước ngoài, vì giá cao hơn. Bây giờ có nhiều người Việt Nam mua tranh với giá cao hơn người nước ngoài, khi họ hiểu được giá trị của tác phẩm. Đó là những tín hiệu vui.

 

Về chuyện chép tranh, những người chép tranh không có lương tâm nên chép luôn những bức tranh có giá trị của các bậc thầy rồi ký tên của tác giả vào đó, làm tranh giả. Rất đáng lên án! Rồi có một số họa sĩ tự đánh mất mình bằng cách chép tranh của... chính mình! Không thiếu những người như vậy. Những người đi tìm mua tranh với giá cao đâm ra nghi ngờ, không biết đây là tranh thật hay tranh giả. Cho nên bây giờ, các nhà sưu tập tìm đến các họa thất để mua tranh. Và những bức tranh có giá trị, có nguồn gốc, lịch sử hẳn hoi thì khi đấu giá giá vẫn cao.

 

Việt Nam có Cục Bản quyền tác giả, nhưng các họa sĩ “lười” đăng ký bản quyền, khi tranh của mình bị chép, họ không có cơ sở pháp lý để khởi kiện. Theo tôi, các họa sĩ nên quan tâm đến việc đăng ký bản quyền tác giả. Khi đã thấy được giá trị tác phẩm của mình thì phải bảo vệ tác phẩm, đừng để người khác chép lại tranh của mình.

 

* Là Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam phụ trách khu vực miền Trung - Tây Nguyên, họa sĩ cảm nhận như thế nào về không khí sáng tác của giới mỹ thuật trong khu vực?

 

- Tại một số thành phố lớn ở miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, các họa sĩ có điều kiện tốt hơn để sáng tác và sống với nghề. Một số họa sĩ có tay nghề tốt và có điều kiện sáng tác thì họ sáng tác tác phẩm và gửi cho các gallery lớn, gửi cả ra nước ngoài. Còn ở các tỉnh xa, họa sĩ không có điều kiện sáng tác, hoặc sáng tác của họ còn mang tính... nghiệp dư. Là họa sĩ, được đào tạo bài bản nhưng thái độ sáng tác của họ như... nghiệp dư, thích và rảnh thì vẽ, không thì thôi. Còn với những người chuyên nghiệp, vẽ chính là công việc hàng ngày của họ.

 

Với các họa sĩ sáng tác mang tính... nghiệp dư, việc đầu tư cho một tác phẩm khá “nặng nề”, từ tiền bạc cho đến thời gian, nhất là khi quỹ thời gian của họ không có. Do đó, họ chậm phát triển trong nghề, nhiều người như vậy thì hoạt động sáng tác sẽ trầm lắng.

 

Có những họa sĩ luôn khao khát đi tìm cái mới, dù không bán được tranh nhưng họ thường xuyên sáng tác, tranh chất đầy nhà. Họ sống không phải bằng nghề nhưng vẫn làm việc đều đặn. Khi tác phẩm được đón nhận trong các cuộc triển lãm thì họ càng thích thú sáng tạo.

 

* Ông nhận xét gì về các họa sĩ trẻ ở Phú Yên?

 

- Đến Phú Yên, tôi rất mừng khi thấy một số anh em trẻ, mới ra trường đang tràn đầy nhiệt huyết, chưa đắn đo nhiều về chuyện cơm áo nên sung sức trong tìm kiếm sáng tạo. Đó là điều rất đáng mừng. Một số anh em có tay nghề rất tốt, nhưng vẫn chưa có cái tôi trong tác phẩm của mình. Điều quan trọng là làm thế nào để anh em giữ được bầu nhiệt huyết đó và giúp họ khẳng định được cái tôi trong tác phẩm.

 

Vừa rồi xem tranh của một số anh em, họ vẽ rất tốt nhưng chưa có cái tôi của mình. Tôi nói với các em: Mình học người ta; tất cả những gì về kỹ thuật, người ta đã tìm kiếm thì mình học hỏi để tìm ra nét riêng của mình, chứ không làm cái bóng của người ta. Hãy tìm cái riêng của mình trong sáng tác, điều mà người khác không có được, và phát huy thế mạnh của mình. Đừng mặc cảm mình ở tỉnh lẻ. Tôi thấy trong những lần chấm giải toàn quốc, họa sĩ ở các tỉnh đoạt nhiều giải thưởng hơn họa sĩ ở Hà Nội; họa sĩ Hà Nội có giải thì cũng thấp thôi chứ không cao.

 

Cách đây mấy năm, tôi ngạc nhiên khi thấy Phú Yên có nhiều tác phẩm điêu khắc đẹp và nói đây là thế mạnh của Phú Yên. Nhưng gần đây thì chững lại, vì các em đã đi nơi khác làm việc. Tôi nghĩ rằng miền Trung mình không thiếu những người giỏi, nhưng họ không sống tại đây mà đến nơi khác lập nghiệp và thành công. Cho nên tôi nói đừng có tự ti tỉnh lẻ.

 

* Xin cảm ơn họa sĩ!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người say mê đi tìm ẩn ngữ văn chương
Chủ Nhật, 08/04/2018 16:00 CH
Trôi... – thơ TRẦN THANH THOA
Chủ Nhật, 08/04/2018 13:38 CH
Dại khờ tháng tư – thơ HOÀI ÂN
Chủ Nhật, 08/04/2018 13:36 CH
Ký ức tháng tư – thơ THÙY LINH
Chủ Nhật, 08/04/2018 13:35 CH
Hoa trang rừng đầu hè
Chủ Nhật, 08/04/2018 13:24 CH
Cho màu tím thân thương…
Chủ Nhật, 08/04/2018 13:17 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek