Trải qua thời gian dài bị thất truyền, năm 2001, tại thôn Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), Công ty CP Gốm Chu Đậu đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại.
Đồng thời mở các lớp đào tạo, đầu tư nghiên cứu men cổ, kỹ thuật sản xuất và mời nghệ nhân truyền nghề cho các lao động địa phương. Đến nay, những tinh hoa văn hóa của gốm Chu Đậu cổ đã được kết tinh trong sản phẩm gốm Chu Đậu hiện đại và xuất khẩu đi 52 nước trên thế giới. Nguyên liệu để làm gốm là đất sét trắng được lấy từ vùng đất thiêng Chí Linh với men không dùng hóa chất. Với vẻ đẹp tinh xảo, sang trọng, gốm Chu Đậu được dùng làm quà của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, tặng quà quốc tế, quà tặng lãnh đạo cấp cao dự APEC năm 2017 vừa rồi…
Theo Wikipedia, gốm Chu Đậu là dòng gốm nổi tiếng vì màu men và họa tiết thuần Việt đã được sản xuất cách đây nhiều trăm năm. Tuy nhiên, gốm Chu Đậu tại Việt Nam ít người biết đến cho tới khi ông Makoto Anabuki - một cán bộ ngoại giao Nhật Bản - khi tìm hiểu về xuất xứ chiếc bình gốm hoa lam tại Bảo tàng Topkapi Saray (TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) nghi ngờ đây là gốm Việt Nam chứ không phải là Trung Quốc.
Việc khảo sát và khai quật con tàu đắm ở Cù lao Chàm (Quảng Nam) trục vớt được gần 6.000 cổ vật gốm sứ Chu Đậu sau đó càng khẳng định ý kiến trên là có cơ sở. Năm 1983, các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu và xác định khu vực Chu Đậu hiện nay là nơi hưng thịnh của nghề gốm cách đây chừng 5 thế kỷ.
![]() |
Lãnh đạo Công ty CP Gốm Chu Đậu (đứng) giới thiệu sản phẩm của đơn vị |
![]() |
Các sản phẩm được tạo hình với kiểu dáng đa dạng |
![]() |
Chiếc độc bình sang trọng có chữ ký lưu niệm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
![]() |
Vẽ trang trí trên gốm là một công đoạn rất quan trọng |
![]() |
Du khách tham quan, tìm hiểu các sản phẩm gốm Chu Đậu |
SÔNG BA HẠ (thực hiện)