Thứ Năm, 10/10/2024 11:21 SA
Gánh muối Lệ Uyên - truyện ngắn của MẠNH HOÀI NAM
Thứ Hai, 19/03/2018 07:36 SA

Trưa nắng từ ruộng muối về, cô Hay đi trên bờ ruộng muối của ông Giềng, đến đám chứa cho nước biển sắc lại, cô nhìn xuống, chỗ góc ruộng vừa “đội muối” (kết tủa). Về đến nhà, cô Hay lại chỗ chát nước trước sân rửa tay chân dính bùn, nhìn ra ruộng muối thấy ông Giềng ra ngồi ở góc ruộng lấy gàu tát nước ra mương “thúc” cho ruộng muối khô nhanh. Lát sau ông chui vào chòi tránh nắng. Nhìn ông Giềng, cô Hay nhủ thầm: “Mới ngã xuống bờ ruộng đó mà bây giờ còn dám ra ruộng”.

 

Cơm nước xong, cô Hay lại nằm trên cái võng trước hàng ba nghỉ trưa, xế còn ra ruộng gánh muối. Cánh đồng muối Lệ Uyên là nơi biển ăn sâu vào đất liền, xóm nhà nằm rải rác chạy viền theo con đường ôm luôn ruộng muối. Cánh đồng muối trống trải mênh mông, diêm dân dựng chòi để có chỗ chui ra chui vào tránh nắng. Chòi muối, phía trên lợp mấy tấm bao tải, chỗ chiều ngửa nắng thì dừng bạt, ni lon. Chòi muối thường bị gió xé rách te tua nên người dân quanh vùng có câu “rách như chòi muối” nhưng chòi muối ông Giềng nhìn thảm hơn, phía trên lợp mấy tàu lá dừa thưa thớt che nắng, còn bốn phía trống trơn.

 

Hôm có đoàn khách tham quan đến vùng muối Lệ Uyên hỏi thăm tình hình làm muối, gặp ông Giềng, ông dẫn họ ra tận ruộng. Lúc đó hai má con cô Hay đầm mặt ruộng muối mướn cho ông. Thấy hai má con cô Hay mang đôi dép to lạ mắt, họ thắc mắc hỏi thì ông mau miệng nói, đây gọi là dép “tấm thớt”. Sợ nhiều người không hiểu ông nói luôn: “Loại dép này dùng miếng xốp hoặc miếng cao su to bằng tấm thớt luồn quai bằng vải ôm sát bàn chân, để khi lội ruộng đầm mặt ruộng muối không bị lún. Nghề này ai cũng phải mang dép “tấm thớt”, nếu không mang thì bàn chân nhỏ lún sâu, để đầm lấp dấu chân phải đầm đi đầm lại rất lâu. Còn mang dép “tấm thớt” ruộng không bị lún thì đầm lướt qua, ruộng bằng mặt.

 

Nói xong ông nhe răng cười, nhiều người cười theo. Thấy nhiều người chụp ảnh quay phim, Thiếp - con gái cô Hay cười, nói: “Cô chú đừng đưa hình cháu mang dép “tấm thớt” lên mạng nghen. Mắc cỡ lắm!”.

 

Lúc mọi người dồn về phía ông, Thiếp nói với má: “Mỗi lần con gặp ông Giềng, con không muốn nhìn”. Cô Hay bảo: “Má cũng ghét ông già nhiều chuyện, nhưng cái tính ông vậy, nói như nước đổ lá môn”.

 

Ông Giềng chuyển sang nói với đoàn khách tham quan về công đoạn làm muối truyền thống. Ông chỉ tay xuống ruộng làm điệu bộ để người ta hiểu. Diêm dân lấy nước biển vào chứa trong đám đầu tiên gọi là chứa nước biển, sau đó san qua đám thứ hai gọi là nuôi mặn. Từ đám nuôi mặn có mương nước dẫn qua đám chịu, tức là lắng cho nước biển sắc lại. Khi đám chịu “đội muối” tức là nước kết tủa thì tháo nước sớt qua đám ăn, còn gọi kết tinh muối. Nghề làm muối truyền thống buộc làm như vậy mới có muối, còn lấy nước từ biển vào ruộng chờ khô lại thì không cho ra sản lượng muối.

 

Nói đến đây ông “bỏ nhỏ” thêm câu nữa: “Ruộng ở đây từ bao đời nay “sang qua sớt lại” đều làm muối, không biết làm gì ngoài muối”.

 

Cô Hay nghe ông nói liếc con mắt nhìn ông rồi nói với con gái: “Không biết nói vậy người ta có cho ổng đồng nào không mà ông siêng nói quá”.

 

Đoàn khách quay lại chỗ chòi muối, ông liền giới thiệu về “cơ ngơi” của mình: “Chòi muối làm bằng nọc ngựa (cột chôn) thôi. Coi vậy chứ chòi muối ơn qua nghĩa lại lắm!”.

 

Cô Hay nghe ông nói liền dừng tay đầm mặt ruộng, nhìn qua chỗ ông với ánh mắt ghét cay ghét đắng.

 

Mấy người xúm lại mạn phép hỏi ông tên gì? Ông bảo ông tên Giềng. Tiếng xứ Nẫu ở vùng biển ông phát âm khó nghe, họ hỏi đi hỏi lại, ông giải thích: “Giềng là g đầu g đuôi”. Tiếng xứ Nẫu ông lại phát âm họ nghe thành dê đầu dê đuôi, nhiều người nghe xong bụm miệng cười. Lát sau họ đi lên xe.

 

Nhà ông Giềng nhận khoán từ hợp tác xã sáu đám ruộng muối. Trước đây chỗ góc đám chứa nước biển và đám nuôi mặn có hai cồn đất để chứa muối hột. Ông ra sức cuốc gánh đất đổ nơi khác, moi thêm cho sâu ngăn thành hai đám ruộng làm muối nữa gọi là ruộng “ăn theo”. Vì vậy trên sổ sách có sáu đám nhưng bây giờ ông có đến tám đám ruộng. Hai đám “ăn theo”, một đám chịu, một đám ăn.

 

Ruộng muối của cô Hay nằm gối đầu ruộng ông Giềng nhưng ở phía ngoài giữa cánh đồng. Ra vào ruộng muối cô Hay phải đi ké trên bờ ruộng muối ông Giềng. Bờ ruộng vừa đủ bước bàn chân. Đến thời điểm muối kết tinh, khi cùng lúc hai người gánh muối ra vào thì tìm chỗ tránh. Bờ ruộng nhỏ lại dài nên thường tránh được chỗ ngã tư nơi bốn đám chụm góc ruộng với nhau. Sẩm tối, cô Hay gánh đôi thúng muối đi vào, ông Giềng gánh đôi thúng không bước ra đứng cạnh ngã tư. Khi cô Hay đến ông làm kiểu như đùa giỡn, lấy tay choàng qua eo cô (hồi đó đâu có điện như bây giờ, xóm nhà thắp đèn hột vịt, ánh sáng không hắt ra đến bờ ruộng). Cô phản ứng nhưng gánh muối đang đè trên vai nên cũng không vẫy vùng gì được.

 

Bực tức, cô Hay chửi: “Già mà không nên nết, vợ còn sống sờ sờ kia. Có ngày “ăn” đòn gánh”. Cô Hay vừa gánh muối vừa chửi, chửi qua giáp bờ ruộng bên kia mới thôi. Được một lần, lần sau ông “ăn quen”, tiếp tục làm kiểu như đùa giỡn. Cô Hay chửi riết cũng mỏi miệng nên thôi nín luôn.

 

Năm đó ông Giềng làm chòi muối kỹ lắm, trên phủ bạt, còn bốn phía dừng kín. Ông còn làm thêm cái cửa bằng tre kéo ra khép vào chứ không phải rách nát, trống rỗng trống thiên như bây giờ. Buổi chiều mưa to, cô Hay từ ruộng muối chạy vào chòi ông Giềng ngồi đụt mưa… Sau cô mang bầu con Thiếp. Lúc đó cô quá lứa lỡ thì, còn ông hơn bốn mươi.

 

Vợ ông Giềng sau khi sinh con trai đầu lòng thì bị bệnh, quanh năm suốt tháng nằm co rút không bước ra khỏi nhà. Con trai ông hồi nhỏ học ở trường thôn Lệ Uyên, sau lên tỉnh học đại học rồi lập gia đình. Nhà chỉ còn mình ông lủi thủi làm muối.

 

Muối kết tinh, ông gánh muối. Hôm đó giữa hè, ông gánh muối luôn trưa. Tuổi cao nên ông gánh một đầu nửa thúng muối đi trên bờ ruộng, qua chỗ ngã tư đám “ăn theo”, ông trượt chân ngã xuống ruộng ngất xỉu. Mấy người ngồi trong chòi muối thấy vậy cõng ông về nhà.

 

Chiều cô Hay đi gánh muối mướn ở sở ruộng phía ngoài về nghe tin ông Giềng ngất xỉu ngoài ruộng, cô chạy ra chỗ ông ngã thấy gánh muối đổ trắng, trên bờ một nửa dưới nước một nửa, cô lui cui hốt mớ muối đổ trên bờ gánh về giùm ông. Cô Hay quá biết tính ông tham công tiếc của. Có năm muối rẻ rề, thương lái chê không mua. Vậy mà cào muối dồn đống, còn sót lại vài hột trên ruộng, ông lấy miếng vải nhám ra chậm mót từng hột, nên giờ cô ráng hốt sạch hột muối cuối cùng đổ trên bờ gánh về cho ông. Cô nghĩ thầm, ông này tiếc của ngoài ruộng, còn của trong nhà chính mình làm ra không ngó ngàng đến. Từ nhỏ đến lớn, ông không cho Thiếp đồng xu cắc bạc nào.

 

Ông Giềng dẫn đoàn khách ra ruộng muối năm trước, cũng tháng đó năm sau Thiếp lấy chồng. Nhà nghèo cô Hay mặc đồ đi mượn trong lễ đón họ trai. Đám tiệc xong, cô Hay ngồi kiểm lại thùng tiền người ta đi đám, để biết sau này còn trả ơn trả nghĩa. Thấy phong bì ghi chữ Hai Giềng, cầm thấy cộm vật gì cứng, cô Hay mở ra “chiếc nhẫn một chỉ vàng”. Cô nhủ thầm, lần đầu tiên thấy ông là cha của con Thiếp.

 

Hồi Thiếp chưa lấy chồng, ngoài làm ruộng muối cho gia đình, hai má con tranh thủ gánh muối mướn kiếm tiền. Thiếp lấy chồng, cô Hay một mình vẫn giữ cái nghề gánh muối mướn. Từ ngày ông Giềng ngã lộn nhào xuống bờ ruộng, chân ông đi bước thấp bước cao, đến ngày muối kết tinh, ông thuê cô Hay gánh mướn.

 

Bữa đó cô Hay gánh mướn cho ông Hai Giềng. Thường gánh một đầu thúng muối, nhưng thấy trời làm giông sắp mưa, cô Hay chất lên trên thúng cái rổ muối nữa, vừa đi vừa chạy. Gánh đám ngoài xong, mới bước chân xuống gánh đám “ăn theo” thì mưa trút xuống, muối trắng tinh cào dồn đống trên đám “ăn theo” chưa kịp gánh đã “ngậm” nước mưa.

 

Thiếp về thăm cô Hay. Thấy trời làm giông gánh đôi thúng ra ruộng muối gánh phụ nhưng mới bước qua bờ ruộng thì trời đổ mưa. Ông Giềng từ trong nhà vội đẩy xe rùa ra chuyển muối, đến nơi ông thẫn thờ nhìn ruộng muối rã ra thành nước. Cô Hay lại gần xin lỗi ông, “ráng gánh nhưng gánh không kịp để muối tiêu sạch”. Lần đầu tiên cô Hay xin lỗi người đã gây ra lỗi lầm cho mình. Nghe xong ông Giềng không nói không rằng, lủi thủi quay về. Cô Hay cùng Thiếp gánh đôi thúng không theo sau. Cả ba người đi trên bờ ruộng, bước qua chỗ ngã tư ngày cũ… 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vui hội bài chòi
Chủ Nhật, 18/03/2018 14:00 CH
Tháng ba – thơ THỤY BÌNH
Chủ Nhật, 18/03/2018 11:00 SA
Mùa dệt thổ cẩm
Chủ Nhật, 18/03/2018 10:00 SA
Alicia Vikander - đả nữ mới ở Hollywood
Chủ Nhật, 18/03/2018 09:09 SA
Tuy Hòa “cà phơ”
Thứ Sáu, 16/03/2018 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek