Thứ Năm, 10/10/2024 11:17 SA
Vui hội bài chòi
Chủ Nhật, 18/03/2018 14:00 CH

Người dân tham gia hội bài chòi tại công viên Thanh thiếu niên TP Tuy Hòa - Ảnh: THIÊN LÝ

Không quá ồn ào và ầm ĩ nhưng hội bài chòi thu hút đông đảo bà con đến tham gia. Như một món ăn tinh thần của người dân Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng, tiếng hô, tiếng hát bài chòi, âm thanh mõ tre quen thuộc... đã trở thành nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang đến bầu không khí vui tươi, phấn khởi.

 

Rộn ràng tiếng hô anh hiệu

 

Khi mùa xuân bắt đầu cũng là mùa lễ hội, trong đó có các hội bài chòi. Tiếng hô bài chòi pha đậm chất ca từ rặt giọng địa phương vẫn vang lên đều đặn vào mỗi buổi tối giữa lòng TP Tuy Hòa. Từ đêm 30 Tết Nguyên đán đến nay, hội bài chòi của những thành viên đến từ Câu lạc bộ (CLB) Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên dường như đã khuấy động, làm không khí càng thêm náo nhiệt tại một góc công viên Thanh thiếu niên (phường 5, TP Tuy Hòa).

 

Có dịp ghé vào chơi bài chòi, ai cũng nhận ra nét đơn sơ, mộc mạc với những chiếc chòi được dựng bằng gỗ, tre... Được dựng đơn giản nhưng không gian bài chòi được trang trí cẩn thận và tỉ mỉ với cờ hoa, câu đối tứ bề. Chòi còn có mái che, có bậc thang cho người chơi lên xuống... Các chòi chơi được xếp bao quanh một khoảng sân nhỏ. Giữa sân có một ống đựng các thẻ bài với những tên gọi khác nhau. Ở giữa cũng là nơi thường đặt chiếc ghế nhỏ có cờ hiệu, cờ xéo, trống chầu... và cả phần thưởng trên đó.

 

Ông Phùng Long Ẩn, Chủ nhiệm CLB Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên cho biết: “Ban đầu, để phục vụ bà con, đặc biệt là khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, hội mở cửa từ 19 giờ, thậm chí có những đêm đông người đến, hội mở cửa từ rất sớm”.

 

Đóng vai anh hiệu (những hội bài chòi không có nghệ nhân nam thì nghệ nhân nữ sẽ vào vai hiệu), nghệ nhân Phùng Long Ẩn cùng các thành viên trong CLB thay nhau xướng lên những làn điệu bài chòi mượt mà nhưng không kém phần dí dỏm khiến người tham gia thêm phần phấn khích. Anh hiệu vừa hát vừa lấy ống thẻ xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài và hát hô: Có chồng thì mặc có chồng/ Còn duyên anh ẵm, anh bồng, anh đưa/ Anh ơi, xin có đừng mơ/ Gái đâu, gái để anh đưa anh bồng là anh “bát bồng”. Cứ như vậy, mỗi lần anh hiệu rút được con bài nào là hô câu hát mang tên con bài đó. Chòi nào giữ quân bài vừa được hô tên thì người chơi nhanh tay cầm mõ tre gõ liên tục ba tiếng “tóc, tóc, tóc” hoặc hô vang “có đây”, người chơi sẽ nhận được thẻ con ứng với tên trong thẻ cái của mình. Đến lúc chòi nào ăn đủ 3 thẻ con thì người chơi gõ một hồi mõ kéo dài chiến thắng, gọi to “kinh rồi”. Người chiến thắng sẽ được nhận thưởng và được hiệu dâng rượu chúc mừng.

 

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống

 

Nghệ thuật diễn xướng dân gian bài chòi xuất hiện từ lâu đời và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân các tỉnh Nam Trung Bộ. Nó phản ánh tư duy, thẩm mỹ bình dân của cư dân nơi đây. Vì vậy, các dịp lễ hội, đặc biệt là mỗi độ xuân về, bài chòi không chỉ là một loại hình giải trí đơn thuần mà còn là nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc, kết nối những trái tim thích và yêu lối hô hát bài chòi, hay đậm chất dân gian từ tên gọi, người biểu diễn đến cả cách bài trí... Đó là những lý do mà đến bây giờ, trò chơi dân gian này vẫn còn nguyên vẹn trong tiềm thức của mỗi con người, trở thành nét độc đáo thu hút nhiều bạn trẻ và khách du lịch thích thú, tìm tòi, khám phá. Em Đoàn Phương Thảo ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), tham gia chơi hội bài chòi tại Lễ hội Đền Lê Thành Phương mới đây, vui vẻ nói: “Mỗi lần tham gia hội đền, em cùng các bạn rủ nhau chơi bài chòi. Không quá hiện đại nhưng bài chòi lại thu hút tụi em bằng những làn điệu gần gũi, dễ nghe lại dễ chơi”.

 

Là một nghệ nhân gắn bó với bài chòi từ rất lâu, ông Trần Đông, Phó Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân gian xã An Hiệp (huyện Tuy An) chia sẻ: “Các thành viên CLB chủ yếu xuất thân từ nhà nông. Vì vậy, trao nhau những làn điệu bài chòi là niềm vui của họ sau những giờ lao động vất vả. Với mong muốn mang đến niềm vui cho mọi người, CLB không những hô bài chòi nhằm phục vụ bà con những ngày đầu xuân tại Trung tâm VH-TT-TT ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) mà còn hết lòng phục vụ người dân địa phương trong Lễ hội Đền Lê Thành Phương hàng năm, vừa diễn ra ngày 27-28 tháng Giêng”. Còn anh Nguyễn Duy Vinh, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian An Phú (TP Tuy Hòa), thổ lộ: Là một người trẻ, tôi mong muốn kế thừa và phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân gian của dân tộc, cũng như gửi gắm cả tình cảm của mình vào từng câu hát truyền tải đến khán giả bằng sự nhiệt thành và trân quý.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek