Thứ Sáu, 04/10/2024 06:24 SA
Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944 - 22/12/2007
Người lính trong văn học - nghệ thuật hôm nay
Thứ Bảy, 22/12/2007 07:10 SA

Những năm gần đây, sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với các tác giả và góp phần tạo nên những mùa thu hoạch khả quan cho nền văn học Việt Nam.

 

071222-TY.jpg

Tình yêu và nghĩa vụ - Ảnh: LÊ MINH

 

Có thể nói rằng, đề tài chiến tranh và người lính từ “thuở trời đất nổi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên” đã trở thành một trong những chủ đề truyền thống chính yếu nhất của văn học Việt Nam. Đó cũng là chủ đề thu hút được đông đảo các nhà văn và người cầm bút có tâm huyết nhất trong nền văn học Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, khi cả dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ vĩ đại tiến hành đấu tranh cách mạng vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

 

Trong một cuộc thi cách đây chưa lâu - Cuộc thi tiểu thuyết 2004 - 2005 của Hội Nhà văn Việt Nam - trong số 9 tác phẩm đoạt giải A và B thì có tới 6 tác phẩm viết về đề tài này. Có thể kể ra đây những “Bến đò xưa lặng lẽ” của Xuân Đức hay “Rừng thiêng nước trong” của Trần Văn Tuấn. Chương trình đầu tư sáng tác sử thi của Bộ Quốc phòng cũng đang gặt hái được khá nhiều tác phẩm có chất lượng, thí dụ như “Bức tường lửa” của nhà văn Khuất Quang Thụy, “Khúc bi tráng cuối cùng” của nhà văn Chu Lai, “Thượng Đức” của Nguyễn Bảo, “Những cánh rừng lá đỏ” của Thiếu tướng Hồ Phương, “Xuân Lộc” của Hoàng Đình Quang, “Xiêng Khoảng mù sương” của Bùi Bình Thi, “Lửa kinh thành” của Nguyễn Quang Hà, “Sóng Hàm Luông” của Thanh Giang...

 

Không chỉ tiểu thuyết mà ngay nhiều thể loại văn học nghệ thuật khác cũng đã liên tục đưa ra được những tác phẩm có ấn tượng về người lính và chiến tranh. Vở kịch “Người đàn bà uống rượu” (kịch bản: nhà văn Hữu Ước, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh trình diễn) chẳng hạn, đã được không chỉ giới chuyên môn mà cả công chúng ở khắp mọi miền đất nước đón nhận với sự xúc động tới nghẹn ngào. Số phận của những người lính, đặc biệt là những phụ nữ từng mặc áo quân nhân, trong chiến tranh và trong thời hậu chiến với những chiến công sáng chói và những éo le đời riêng cho tới hôm nay vẫn tiếp tục làm xao động tâm trí xã hội.

 

Không ngẫu nhiên mà tiếp sau “Người đàn bà uống rượu”, đạo diễn Doãn Hoàng Giang còn dự định bắt tay vào dàn dựng vở kịch về cuộc đời chiến trận của chị Đặng Thùy Trâm, người bác sĩ quân y dù đã hy sinh vẫn làm xôn xao thế sự hôm nay bằng những trang nhật ký chân thực và cuốn hút của mình...

 

Đội ngũ vẫn còn khá đông đảo những nhà thơ hiện đang phục vụ hay đã từng phục vụ trong quân đội vẫn tiếp tục cho ra mắt những bài thơ ấn tượng về chiến tranh và người lính, với góc nhìn và cách cảm nhiều khi là mới mẻ. Viết hay về chiến tranh không chỉ là những người lính từng nhiều năm trực tiếp cầm súng trên chiến trường:

 

071222-trao.jpg

Tình hậu phương - Ảnh: TRẦN QUỲ

“Như nhìn vào âm bản phim,

sáng nhất là bóng tối,

đầu điếu thuốc đang cháy sạm đen,

tựa lỗ thủng thiên hà

đoàn quân hóa thành dòng sông

chảy không ngừng tới nơi gặp gỡ

người với cái chết bất ngờ

người với niềm vui sống sót

hậu vận kín bưng

tất cả đều rạo rực

vì gần kết thúc

vì sắp chạm mặt

với những gì số phận đã dành cho

mọi sự có khi chỉ rất tình cờ

nhưng ai cũng thích tin vận may

đi kèm lòng dũng cảm

ai cũng muốn tựa vào

hồng phúc của tổ tiên...”

 

(“Đêm cuối cùng của chiến tranh”, thơ Hồng Thanh Quang)

 

Chúng ta có lẽ chưa vội đưa ra những nhận định “đóng đinh” về giá trị nghệ thuật đích thực của những tác phẩm mới xuất hiện, vì văn học cũng như bất cứ một loại hình nghệ thuật nào khác, cần có thời gian để thấm thía mà thẩm định. Dẫu sao một bản danh sách dồi dào những tác phẩm đã được nghiệm thu và xuất bản của các cây bút đang được đánh giá là nổi bật như trên có thể gieo vào lòng chúng ta những niềm hy vọng.

 

Những năm gần đây, dòng văn học viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng thực sự bước vào những mùa thu hoạch mới. Thu hoạch đã có không ít, nhưng có thể những tác phẩm hay nhất vẫn đang chờ đợi ở phía trước. Trên dải đất hình tia chớp đã trải qua quá nhiều khói lửa chinh chiến của chúng ta, chiến tranh và người lính đã, đang và sẽ luôn là một đề tài sáng tác bất tận. Bởi lẽ, nếu chúng ta hiểu được rõ hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về những cuộc chiến tranh đã qua và về đời sống và số phận của những người lính, thì chúng ta càng có thêm cơ hội cũng như sức mạnh để bảo vệ cuộc sống bình yên hôm nay cho đất nước, cho dân tộc.    

    

         (CAND)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek