Thứ Năm, 10/10/2024 21:19 CH
Giai thoại chiến trường
Thứ Ba, 23/01/2018 09:04 SA

Vợ chồng cụ Giai - Ảnh: NGUYỄN BÁ THUYẾT

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê cách mạng, trong hoàn cảnh đất nước lầm than nô lệ, Cách mạng Tháng Tám bùng lên thổi vào tâm hồn những người thanh niên Việt Nam ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước. Tham gia Vệ quốc quân lúc 16 tuổi, trải qua hàng trăm trận chiến đấu, ở nhiều chiến trường của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Hòa bình về trở thành người dân gương mẫu, bình dị, bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Ông là Hoàng Kim Giai (91 tuổi), cán bộ quân đội nghỉ hưu, ở phường 5, TP Tuy Hòa.

 

Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi

 

Lần tiếp xúc nào tôi cũng được nghe cụ Giai nhắc đến lời ca “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi”. Trước đây, khi còn mạnh khỏe, cụ Giai còn cao hứng hát cả một đoạn: “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi. Nào có mong chi đâu ngày trở về. Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui…”. Dù cụ kể, hay hát đều toát lên hào khí mạnh mẽ của một thời “tòng quân cứu nước”. Chỉ nghe thôi cũng đã dấy lên tinh thần yêu nước nồng cháy, khí thế hào hùng của thời đại anh hùng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường cứu nước. Năm 1946, cụ Giai gia nhập vào Vệ quốc quân, được đào tạo tại Trường Võ bị Ngân Sơn, sau tốt nghiệp thì xung phong đi chiến đấu. Cụ kể: “Lúc đó tụi tôi thanh niên nghĩ rất đơn giản, là thanh niên mà phải ở nhà là nhục lắm. Nhìn thấy ở nước mình mà ra đường gặp bọn Tây phải cúi đầu chào, uất ức lắm, nên cứ muốn đi bộ đội trực tiếp cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương là sướng nhất. Con gái cũng đi huống chi trai…”.

 

Đầu năm 1947, cụ được điều về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 80, chiến đấu ở Bắc Khánh Hòa. Trực tiếp tham gia chiến đấu 4 năm liền biền biệt không tin tức về gia đình. Ba của cụ lúc đó tìm mọi cách liên lạc với con không được, đăng lên báo Phấn Đấu - tờ báo của tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ, để tìm con. Trong thời gian này, cụ tham gia đánh Pháp ở mặt trận Cam Ranh, mặt trận đèo Cả, với những trận tiêu biểu như: Cù Him, Bãi Yến, Đá Bạc, “Đường Gia Long”… tiêu diệt nhiều quân Pháp. Cuối 1950, sau 4 năm không thư từ, không liên lạc, cụ mới có dịp về quê Hòa Mỹ. Tôi buột miệng nói theo: “Đúng là Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi…”. Ông cười thật hiền từ nói: “Ngày đó thanh niên hăng hái lắm”. Lúc này tôi càng thấu hiểu hơn khát khao mãnh liệt của người dân mất nước muốn vươn lên làm chủ vận mệnh của mình.

 

Đầu năm 1950, giặc Pháp tăng cường đàn áp cách mạng ở Phú Yên, cụ cùng đơn vị tham gia chiến đấu ở mặt trận đèo Cả, Tuy Hòa, Sơn Hòa… Trực tiếp tham gia nhiều trận đánh rất ác liệt, càng đánh tinh thần càng hăng hái, với những trận tiêu biểu như: Trận đập Đồng Cam (tháng 2/1952), trận Hai Đức (tháng 2/1953). Đặc biệt, trong đội hình của Tiểu đoàn 375 đã góp công lớn đánh bại chiến dịch Át-lăng, cuộc hành quân lớn của quân Pháp vào Phú Yên, miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó có trận Núi Sầm (Hòa Trị), Quan Quang (Hòa Kiến), Chí Thạnh… với hiệu suất rất cao. Cuối năm 1954, cụ được đề bạt làm đại đội bậc trưởng và nhận nhiệm vụ tập kết ra Bắc.

 

Huyền thoại một tình yêu người lính

 

Đầu năm 1954, cụ theo đội hình tập kết với suy nghĩ đi ít tháng rồi về theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ. Cụ không thể biết trước được những gì trong tương lai, chỉ biết người lính có lệnh là đi. Ra miền Bắc, cụ được bố trí đi học Trường Lục quân 1, khóa X (1956-1958). Tốt nghiệp, cụ Giai được giao nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng, rồi lên Trưởng ban Tác chiến, Trung đoàn 325, chiến đấu ở chiến trường Lào. Năm 1963, lúc 36 tuổi, cơ duyên hạnh phúc đến với chàng trai miền Nam Hoàng Kim Giai khi được gặp cô gái quê hương Hà Tĩnh Nguyễn Thị Khuê (26 tuổi). Theo lời kể của cụ bà Nguyễn Thị Khuê, ông Giai được người cùng đơn vị là bà con của cụ Khuê giới thiệu và đưa về tận nhà, lúc này cụ Khuê còn ở tận Vĩnh Phú. Họ gặp nhau trong hoàn cảnh chiến tranh, rất lạ lẫm… nhưng rồi những lời nói, hình ảnh đẹp đẽ của anh Giải phóng quân đã làm rung động trái tim người con gái xứ Nghệ. Vỏn vẹn trong 21 ngày phép, họ làm quen và cưới nhau vào ngày cuối cùng trong niềm vui mừng, chúc phúc của bạn bè, gia đình. Kết quả của mối tình 21 ngày phép đó hai cụ có đứa con gái đầu lòng. Để lại đứa con chưa biết mặt cho vợ, cụ Giai tiếp tục lên đường đi chiến đấu.

 

Đầu năm 1964, cụ Giai là Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn Ngô Quyền, với mật danh Công Trường 10, là một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên được lệnh vào Nam chiến đấu. Trung đoàn Ngô Quyền tác chiến trên khu vực tỉnh Phú Yên. Từ năm 1965-1967, Tiểu đoàn 12 do cụ chỉ huy đã đánh nhiều trận gây tổn thất lớn cho địch, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Cụ được phân công về làm tác chiến của Bộ Tư lệnh Phân khu Nam. Cuối 1967, cụ được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 12 tham gia chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Cụ kể giọng trầm hẳn xuống: “Trận chiến đấu đêm giao thừa xuân Mậu Thân 1968 cùng trận Núi Sầm, xã Hòa Trị, năm 1966 là hai trận chiến đấu mà đơn vị tôi bị tổn thất, hy sinh lớn nhất, đau xót vô cùng”. Trước khi vào trận, Tiểu đoàn 12 có 270 tay súng, sau 15 giờ chiến đấu hết sức ác liệt, tiểu đoàn tiêu diệt 290 tên, phá hủy nhiều vũ khí địch. Tuy nhiên, Tiểu đoàn 12 tổn thất quá lớn...

 

Sáng mùng 2 tết, về đến dốc Ông Nao, toàn tiểu đoàn chỉ còn 30 đồng chí. Cụ nói trong nước mắt: “Tôi vừa mới chia tay tiểu đoàn chưa được 3 tháng về tác chiến của phân khu, nay quay lại chỉ còn 30 người, đau đớn quá. Cả đơn vị không ai chịu ăn uống gì, khóc ròng”. Cụ đã phải động viên anh em “biến đau thương thành hành động cách mạng”, xin cấp trên giữ nguyên phiên hiệu, bổ sung lực lượng cho Tiểu đoàn 12 tiếp tục chiến đấu. Năm 1969, cụ được điều động làm Giám đốc Trường Quân chính Bình Định, sau đó làm Trưởng Khoa Chiến thuật Trường Quân chính Quân khu 5, đóng ở Quảng Ngãi cho đến ngày giải phóng.

 

Mới giải phóng, vợ và con gái Hoàng Hà (SN 1964) vào Quảng Ngãi đoàn tụ cùng ông Giai. Và nụ cười rơi lệ khi con gái Hoàng Hà, 11 tuổi lại không nhận ra ba đẻ của mình vì thấy ba quá gầy, da tái nhợt (ba của cô vừa dứt những cơn sốt rét) không giống hình ảnh “hào hoa” trong trí tưởng tượng của cô, mặc cho ba má hết lòng khuyên bảo. Cụ kể, lúc đó tôi chẳng biết làm gì hơn, tôi nói với vợ: “Đời anh như chiếc lược ngà/ Đến khi con hiểu anh đà ra đi”. Nói xong, cả hai cụ cười vang. Tất nhiên, tình phụ tử đã mách bảo cô bé Hoàng Hà sớm nhận ra, trả lại niềm vui cho người cha sau 12 năm xa nhà biền biệt.

 

Viên mãn ở tuổi già

 

Giờ đây, hai cụ có ba người con đều thành đạt, đã có chắt; hai cụ đang sống chung với con trai út trong ngôi nhà cấp 4 ở con hẻm của khu phố Ngô Quyền, phường 5. Ngôi nhà đơn giản nhưng sắp đặt gọn gàng, thể hiện được tính cách của chủ nhân. Hai cụ sống nhờ suất lương của cụ ông. Tôi hỏi: “Hai cụ tiêu một suất lương có chật vật lắm không ạ?”. Cụ bà vui vẻ, còn nguyên vẹn giọng người Hà Tĩnh, đọc cho tôi nghe câu thơ: “Mưa bom bão đạn lòng thanh thản/ Nhạt muối, thiếu cơm miệng vẫn cười”. Tôi hỏi: “Thơ ai vậy cụ”, cụ trả lời: “Thơ Tố Hữu”. Cụ bà tâm sự, ông nhà tôi cách mạng lắm, không đòi hỏi bất cứ thứ gì, Nhà nước cấp gì nhận nấy, không xin thêm. Mẹ của cụ Giai là cơ sở cách mạng ở Hòa Mỹ từng nuôi giấu cán bộ ta như: Ông Nguyễn Duy Luân, Trần Văn Hiệu, Chín Đến… Các lãnh đạo địa phương đưa giấy tờ để làm chế độ có công cho mẹ nhưng cụ Giai từ chối, cả việc làm chế độ chất độc da cam cũng không. Cụ ông nói với cụ bà: “Má con Hà và tôi ăn một suất lương của tôi đủ rồi”. Thi thoảng cụ ông nhắc: “Thôi bà kể làm gì chuyện đó mà…”. Tôi thực sự xúc động, cảm phục tấm lòng con người suốt cả đời đi làm cách mạng, vào sinh ra tử, hy sinh xương máu, nhưng sự hưởng thụ hết sức bình dị, đón nhận cuộc sống thật thanh thản. Hàng ngày, hai cụ sống rất nề nếp, 4 giờ sáng dậy tắm rửa, 6 giờ đi thể dục về ăn uống, chủ yếu là ăn cháo và uống sữa, đọc báo, xem ti vi. Chốc chốc, tôi thấy cụ bà sửa lại cái khăn, cái cổ áo cho cụ ông. Tôi hỏi: “Cả cuộc đời cho đến giờ này cụ có tâm đắc điều gì không và điều đó là gì?”. Cụ bảo: “Có chứ, đó là hết sức cảm ơn cha mẹ đã sinh mình ra vào một thời đại hết sức thú vị. Sinh ra nước mình còn thuộc địa, gặp thằng Tây phải cúi chào, nước ta có vị thế nhỏ bé trên thế giới. Phải thắp đèn dầu, nhựa cây, đi bộ hàng trăm kilômét có khi chẳng có dép mà đi. Bây giờ nước ta có vị thế lớn, không ai dám coi thường ta nữa, khoa học kỹ thuật phát triển, điện sáng trưng tận miền núi xa xôi, ở đây có thể xem khắp nơi trên thế giới. Con cháu được học hành… Thỏa mãn lắm rồi, có từ giã thế giới này cũng hết sức hài lòng”…

 

Cuộc đời cách mạng với đầy đủ ý nghĩa tốt đẹp, không nhiều tiền, nhiều của, hạnh phúc đơn giản mà trọn vẹn. Tôi thật thích nụ cười móm mém, phúc hậu của hai cụ ở tuổi thượng thọ.

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek