Thứ Năm, 10/10/2024 21:22 CH
Người con Hòa Hiệp “Dũng sĩ diệt Mỹ”
Chủ Nhật, 21/01/2018 11:00 SA

Từng chứng kiến tội ác của đế quốc Mỹ gây ra đối với đồng bào và sớm giác ngộ cách mạng nên 15 tuổi ông trở thành du kích, 17 tuổi tham gia giải phóng quân. Ông ba lần vinh dự được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, được tổ chức đưa ra Bắc gặp Bác Hồ và tham dự Đại hội Thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ IX... Ông cũng trực tiếp tham gia bảo vệ thành cổ Quảng Trị, ba lần bị thương, bị nhiễm chất độc da cam nhưng vẫn can trường vượt qua để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Ông là Đặng Phi Thưởng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Yên.

 

Ông Đặng Phi Thưởng

 

Trở thành du kích khi 15 tuổi

 

Xã Hòa Hiệp những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, những ký ức gian khổ, bi thương còn in đậm trong tâm hồn đại tá Đặng Phi Thưởng. Ông kể rằng Hòa Hiệp là vùng quê có truyền thống cách mạng, để uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân nơi đây, bọn Mỹ và Nam Triều Tiên đàn áp cán bộ và cơ sở cách mạng hết sức dã man. Chứng kiến những mất mát, hy sinh từ người thân trong gia đình và bà con lối xóm, trong lòng ông sớm hình thành lòng căm thù giặc, tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước. Đầu năm 1962, ông tham gia du kích, tổ trưởng du kích B xã Hòa Hiệp, có nhiệm vụ bám nắm tình hình và tham gia đánh địch, cải trang cùng “Đội quân tóc dài” để đấu tranh chính trị. Có lần bị địch bắt về Hiếu Xương đánh đập, điều tra nhưng ông vẫn giữ vững tinh thần cách mạng, không khai thác được gì nên kẻ thù buộc phải thả ông ra.

 

Tuy còn trẻ nhưng ông rất mưu trí, dũng cảm, có nhiều đóng góp giúp cơ sở cách mạng vượt qua tai mắt của kẻ thù. Nghe ông kể, tôi nhận ra ở ông là con người hết lòng yêu quê hương, sống chung thủy, có tư duy nhạy bén về quân sự. Những tư chất đó được hình thành có lẽ xuất phát từ lòng căm thù giặc, giúp ông trở thành “Giải phóng quân”, người cách mạng chân chính.

 

Ba lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ

 

Tháng 1/1965, ông trở thành “Giải phóng quân”. Tháng 2/1965 trong đội hình của Tiểu đội 4, Trung đội 2, Đại đội K60, ông Đặng Phi Thưởng cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ bến Vũng Rô. Khi Tàu Không số chuyến thứ tư vào bến Vũng Rô bị lộ, kẻ thù tập trung lực lượng hòng chiếm bến, chiếm tàu, chỉ huy Trung đội 4 lúc đó là Nguyễn Ngọc Cảnh phối hợp với các đơn vị bạn chiến đấu, đánh bại nhiều đợt tiến công của Trung đoàn 47 ngụy có sự yểm trợ máy bay và pháo binh địch. Suốt 10 ngày anh dũng chiến đấu, quân ta tiêu diệt hàng trăm tên địch, riêng ông Đặng Phi Thưởng dùng súng và lựu đạn tiêu diệt 9 tên, bảo vệ cho công binh phá tàu, dân công chuyển vũ khí về nơi an toàn. Đó là chiến công đầu tiên của ông góp phần vào chiến thắng Vũng Rô.

 

Thất bại trong “Chiến lược chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ tiến hành “Chiến lược chiến tranh cục bộ” hòng thay đổi tình thế chiến trường, tình hình chiến trường Phú Yên lúc này rất ác liệt. Chúng đẩy mạnh cái gọi là “tìm diệt”, thực hành bình định nông thôn, bắt bớ gắt gao, hòng tách “quân giải phóng” ra khỏi nhân dân.

 

Ngày 30/1/1966, Đại đội 3, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn Ngô Quyền đang chống càn tại xã Hòa Mỹ, thì một tiểu đoàn của Lữ dù 173 Mỹ, phối hợp với một tiểu đoàn của Sư đoàn Bạch Mã Nam Triều Tiên tấn công vào đội hình của ta. Đại đội trưởng Đại đội 3 Nguyễn Khắc Bạc chỉ huy đơn vị anh dũng chiến đấu, bẻ gãy 7 đợt tiến công, tiêu diệt nhiều tên địch. Địch tăng cường bắn pháo, thả bom làm nhiều đồng chí của ta bị thương và hy sinh, đại đội trưởng lệnh cho ông về báo cáo Tiểu đoàn 12 và xin chi viện. Vừa rời khỏi đội hình chừng 150m, ông phát hiện một toán địch vòng phía sau đánh vu hồi vào lưng Đại đội 3. Nhanh chóng nhận định tình hình, nếu về báo cáo sẽ không kịp, địch sẽ gây tổn thất lớn cho ta; ông quyết định một mình nổ súng đánh địch. Lợi dụng địa hình địa vật, tiếp cận địch cách chừng 20m, bất ngờ ném lựu đạn, nổ súng, diệt tại chỗ 3 tên. Dùng mũ để nghi binh, ông di chuyển vị trí nổ súng tiêu diệt thêm 4 tên địch. Địch phát hiện chúng bắn xối xả, ông bị thương ở vai và tự mình băng bó vết thương, tiếp tục chiến đấu. Lợi dụng địa hình, ông nhanh chóng về báo cáo sự việc cho chỉ huy Tiểu đoàn 12. Được chi viện của tiểu đoàn, Đại đội 3 tiếp tục đánh địch. Trong trận này ta đánh bại 9 đợt tiến công, tiêu diệt 137 tên địch, riêng ông tiêu diệt 14 tên và làm bị thương nhiều tên khác.

 

Ông Đặng Phi Thưởng được những người bạn quốc tế tôn vinh tại Đại hội Thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ IX tại thủ đô Sofia của Bulgaria - Ảnh: Do nhân vật cung cấp

 

Trận đánh ngày 4 và 5/2/1966, lúc này ông Đặng Phi Thưởng tham gia với cương vị tiểu đội phó, trong đội hình của Đại đội 3, chiến đấu tại Hốc Xoài, xã Hòa Thịnh. Đơn vị ông chiến đấu chống lại 2 tiểu đoàn của Nam Triều Tiên. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, ông bị thương ở bụng, tự băng bó và tiếp tục chiến đấu, tiêu diệt 12 tên Nam Triều Tiên, thu 2 khẩu súng, góp phần cùng đơn vị đánh bại trận càn của địch.

 

Ngoài các trận chiến đấu tiêu biểu trên, ông Thưởng cùng đơn vị cơ động chiến đấu khắp trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Trong mỗi trận đánh, ông luôn thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Với những thành tích của mình, hai lần ông vinh dự được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú và một danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3.

 

Khi hỏi trong chiến đấu, suy nghĩ lớn nhất của ông là gì? Ông Thưởng cười tươi: “Chiến thắng”. Những đồng đội bị thương nặng, trước lúc hy sinh vẫn nở nụ cười tươi để cổ vũ đồng đội tiếp tục chiến đấu. Đó là nụ cười chiến thắng.

 

Ra miền Bắc gặp Bác và dự Đại hội Thanh niên, sinh viên thế giới

 

Với những thành tích đạt được trong chiến đấu, từ tháng 7/11/1968, ông Đặng Phi Thưởng được Trung đoàn Ngô Quyền đề nghị Tổng cục Chính trị lựa chọn tham gia “Đoàn đại biểu anh hùng, dũng sĩ quân giải phóng miền Nam” dự Đại hội Thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ IX. Trước khi ra nước ngoài, đoàn vinh dự được gặp Bác Hồ. Đây là niềm vinh dự lớn lao và niềm mong ước của mọi thanh niên lúc bấy giờ. Ông Thưởng tâm sự: “Đây là kỷ niệm sâu sắc và đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Khi được gặp Bác, nghe Bác căn dặn: Bây giờ ra đây có điều kiện, các cháu cố gắng học tập thật tốt để sau này trở về phục vụ miền Nam, phục vụ đất nước…”. Lời dặn đó của Bác đã theo suốt cuộc đời ông, thôi thúc ông phấn đấu học tập, chiến đấu, công tác tốt ở mọi nhiệm vụ được giao.

 

Chào tạm biệt Bác Hồ kính yêu, đoàn sang thủ đô Sofia, Bulgaria dự đại hội trong tình cảm hết sức đoàn kết và thân ái. Thanh niên, sinh viên nước bạn bày tỏ lòng tâm phục, ngưỡng mộ thanh niên Việt Nam đã anh dũng chiến đấu. Họ đón các bạn Việt Nam như những người anh em đi lâu ngày trở về.

 

Sau khi dự Đại hội Thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ IX, các thành viên của đoàn về nước học tập và công tác. Từ tháng 11/1971-7/1973, ông Thưởng được điều động tham gia chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Với các cương vị từ đại đội đến tiểu đoàn trưởng, thuộc Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, ông cùng đồng đội có những ngày thử lửa giành giật từng mét đất trên thành cổ, lập nên những chiến công xuất sắc. Thời gian này ông lại một lần nữa bị thương, nhưng vẫn can trường chiến đấu đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

 

Kiên định trong thời bình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao

 

Hòa bình lập lại, ông Đặng Phi Thưởng tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Lục quân 2. Năm 1990, sau 28 năm tham gia cách mạng, đi khắp các chiến trường, ông được điều động về quê hương Phú Yên công tác. Với cương vị Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng và sau là Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Yên, ông luôn nêu gương người cách mạng kiên trung, đoàn kết cùng tập thể cấp ủy lãnh đạo xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Đại tá Phan Anh Khoa, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Anh Đặng Phi Thưởng là cán bộ quân đội có nhiều thành tích trong chiến đấu ở chiến trường. Quá trình công tác, lãnh đạo, chỉ huy, anh luôn hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Thời gian đảm nhiệm cương vị Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng và Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, anh đã góp phần quan trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Anh là người chỉ huy luôn được đồng đội tin yêu, quý mến”.

 

Tháng 6/2006, ông nghỉ hưu và tham gia làm Bí thư chi bộ khu phố nơi cư trú hai nhiệm kỳ. Nay do ảnh hưởng của vết thương, của chất độc da cam, ông lâm bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, ông vẫn kiên cường rèn luyện sức khỏe, tích cực tham gia viết tin bài gửi báo, tạp chí góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương. Đại tá Lê Thế Xinh, cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, có thời gian công tác với ông Đặng Phi Thưởng chia sẻ: Anh Thưởng là người kiên định, mẫu mực, chịu khó học tập, trong công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông là tấm gương cho thế trẻ hôm nay trân trọng, học tập”.

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek