Thứ Năm, 10/10/2024 21:23 CH
Cuối năm có ngày giỗ họ - truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Thứ Hai, 22/01/2018 07:00 SA

Minh họa: PV

1. Hồi còn nhỏ, tôi thường trông chờ đến ngày giỗ họ. Chờ tới giỗ họ vì được gặp nhiều bà con từ xa về, được cho quà, được nghe kể chuyện ở phố.

 

Giỗ họ làm to lắm, rất đông vui. Náo nhiệt, hào hứng nhất là tiết mục chen nhau xếp hàng, nín thở chờ người lớn chia bánh ít lá gai, bánh nậm, quả chuối, cái bánh xốp… Lúc ấy có cảm giác mình đặc biệt lắm, được quan tâm, yêu thương công bằng. Vì cái cảm giác ấy nên đứa nhỏ nào trong họ cũng hồ hởi xếp hàng, rất đạo mạo khuôn thước khi chờ nhận bánh nhưng đến khi nhận được rồi có khi lại đem cho bạn chứ không ăn. Tiết mục được lũ tôi chờ đợi nhất là được ngồi cỗ - như người lớn, một bàn toàn con nít, mỗi đứa một chén một ly, chỉ việc ăn thôi, có người chạy bàn hẳn hoi. Trông mặt đứa nào cũng phấn khởi vì thấy mình rất ra dáng.

 

Hồi ấy tôi còn nhỏ lắm, không biết nhiều về đạo lý, lễ nghĩa gì đâu. Nhưng tôi biết một điều, bình thường thì mạnh ai nấy sống, gặp nhau có khi không buồn chào nhưng đến giỗ họ thì ai nấy thân tình, chị chị em em ngọt xớt. Dù là con nít thì chúng tôi cũng học rất nhanh nội quy của họ, tất cả là anh em đấy, lũ tôi sẽ không đánh nhau nếu cãi lộn, giả có đứa hăng xằng lao vào thách đấm đá thì đằng nào cũng có đứa can.

 

Rồi có một năm tôi không đến giỗ họ được, đấy là năm tôi học lớp 7. Bị bệnh sốt xuất huyết, mẹ nhốt trong buồng không cho ló mặt ra cửa. Ức gớm, tôi nằm trên giường mà trân mà giãy, nghĩ tới cảnh mấy nhỏ đang xếp hàng nhận bánh, hí hửng leo lên cỗ, muốn ăn cái gì thì gọi mà tiếc hùi hụi. Mẹ đem về cho ít bánh và cơm canh, thấy cái mặt tôi tiu nghỉu thì bảo, năm sau ăn bù, giỗ họ năm nào chẳng có...

 

2. Giỗ họ năm nào cũng có nhưng không phải lúc nào cũng đông vui, nồng ấm.

 

Làng quê thời hội nhập, người nông dân không còn sống trong cảnh “lão nông tri điền” nữa. Ngoài phố có quá nhiều việc để hái ra tiền nên trai tráng và nhiều chú bác trong họ rời làng đi làm ăn xa, thi thoảng nhà có việc trọng đại như hiếu hỉ, giỗ chạp, tết nhứt mới về.

 

Mấy năm liền trước, giỗ họ tới ngày vẫn nghi ngút khói nhang nhưng rời rạc vài người lớn tuổi, những người không còn sức lao động và mấy nhỏ đang tuổi ẵm bồng. Giỗ họ mà buồn hiu. Vài người lớn tuổi thì đâu thể đông vui, mấy nhỏ không còn ham tiết mục bánh trái, ngồi cỗ như lũ tôi ngày xưa. Chúng có tò mò thì cũng tới nhìn nghiêng ngửa một chút rồi về. Cuộc sống đã không còn nặng cơm áo, nhà nào cũng một hai đứa con nên bánh trái ê hề, cúng xong gọi vào cho bánh con nít chẳng buồn vô. Mấy nàng con gái cặp kê, hay mấy anh choai choai không phải đi học (làm) cũng ở nhà chứ không đến giỗ họ nữa, ai nấy đều nghĩ chuyện sửa soạn cúng kính là của mấy bác mấy mẹ.

 

Nhiều năm liên tục như vậy, cứ sau một lần giỗ thì mẹ lại than: Cứ cái ngữ này thì chắc tan đàn xẻ nghé hết! Họ hàng lạnh lẽo quá…

 

3. Tôi lớn lên, đi học, đi làm rồi lấy chồng xa. Tôi người miền Trung gặp chồng miền Bắc. Xuất giá tòng phu, tôi theo chồng về làm dâu xứ lạ.

 

Tôi lấy chồng, họ thì không đổi nhưng con gái ngoài họ tộc nên giỗ họ dù muốn lắm cũng không dám về nếu không có lệnh của trưởng họ.

 

Bên nhà chồng tôi không có tục hàng năm về giỗ họ, tôi có đem chuyện đó thắc mắc thì ba chồng bảo: họ nghèo, sinh ra ở chốn khỉ ho cò gáy nên bỏ làng đi tha phương cầu thực khắp nơi. Như ba đây, chuyển về vùng kinh tế mới thì làm gì có họ hàng với ai, còn về quê thì khó quá, mà thực tình bây giờ trở về có khi đã là khách, cũng không biết họ hàng còn những ai. Người cùng thời cũng như mình, xa xứ kiếm cơm, lớp trẻ thì có đứa nào biết mặt mà nhận họ hàng. Ba ngậm ngùi nói, bao nhiêu năm làm khách trên đất người, nếu về thăm quê thì cũng như khách. Cái cảm giác làm khách ở nơi chôn nhau cắt rốn thật không dễ chịu chút nào. Là phận gái, nghĩ đến chuyện đã bao năm không về giỗ họ thì tôi đã phần nào đồng cảm với chuyện lạc mất họ hàng của ba.

 

Cuối năm, tôi có chút công việc ở quê nên về sẵn ghé mẹ. Ơ hay, sao lại giỗ họ vào tháng này? Mẹ kéo tôi vào giỗ họ chơi, thăm bác thăm chú, nhận chị nhận em rồi giải thích chuyện thay đổi ngày giỗ. Mẹ bảo, từ sau lần đó, năm nào tới giỗ họ, con cháu cũng tề tựu đông đủ.

 

Lần đó mẹ nói là năm đầu tiên giỗ họ chuyển địa điểm. Trước giỗ nhà nội Ba, sau nội Ba mất thì họ chuyển về nhà nội Năm cúng giỗ.

 

Trước giỗ, nội Năm tổ chức họp trước cả tuần, một hai dặn rằng phải thông báo đầy đủ để con cháu đi làm ăn xa nhớ ngày mà về. Những chú bác ở xa, nội nhất định liên lạc bằng được, nội nhắn nếu gia đình nào có con gái lấy chồng thì cũng mời về giỗ họ.

 

Giỗ được làm đàng hoàng, đến giờ bày cỗ bàn ra ăn uống, nội Năm vẫn cứ khăng khăng dặn mấy bác ở nhà dưới phải cất lại một bàn để đón chú bác ở xa không về kịp. Đến xế vẫn không thấy ai về nhưng nội thì cứ ra vô, nóng ruột đợi chờ… Đợi mãi, ai kêu lại dùng cơm nội cũng không, rồi qua giờ cơm, đến khi nội mệt vì từ sáng sớm tới nửa buổi chiều cứ loay hoay mà không có gì vào bụng đã làm nội run, lả ra vì đói. Mấy chú phần xót ruột, phần tức giận điện cho mấy anh em ở xa mới hay, họ ừ lấy có cho nội Năm yên tâm chứ không chủ động thu xếp về. Nội Năm nghe được, đôi mắt già nua ngân ngấn nước, ai nhìn thấy cũng động lòng.

 

Câu chuyện chờ cơm đến ngất của ông trưởng họ già nua đã lan truyền trong đám con cháu, từ đấy, dù đi đâu làm gì, ngày giỗ họ hầu như gần đủ mặt cháu con. Nội Năm cũng muốn tạo điều kiện để con cháu tiện bề làm ăn nên quyết định thay đổi ngày giỗ họ. Giỗ làm tháng Chạp, thời gian này con cháu sẽ có nhà đông đủ hơn. Nhưng ngày giỗ đâu tùy tiện thay? Giỗ quan trọng là ở tấm lòng chứ không phải ngày giờ. Cũng từ đó, ngày giỗ ấm áp, người trong họ mừng rỡ gặp nhau, hàn huyên tâm sự. Con gái trong họ lấy chồng, không bắt buộc phải về nhưng nội bảo, cháu gái nào muốn cứ về với họ, cứ nhớ giỗ họ mà về, con người có tổ có tông…

 

4. Làm một việc gì, nội cũng nghĩ đến họ tộc.

 

Nội mua đất của một người em trong họ cho con trai làm nhà. Vì chỗ thân tình quen biết, họ hàng dòng tộc nên nội tin tưởng tuyệt đối, không làm giấy mua bán. Con nội ở được 10 năm, bỗng một ngày nhận được giấy triệu tập của ủy ban, con trai nội là bị đơn của vụ án cất nhà trái phép trên đất của người khác. Nguyên đơn lại là một người cháu trong họ. Không hiểu từ đâu, người cháu đó là biết rằng miếng đất đó nằm trong sơ đồ địa chính thuộc sở hữu của mình nên khởi kiện. Miếng đất đó theo xét xử sẽ phải trả lại cho người đang sở hữu nó trên bản đồ địa chính. Chính quyền tư vấn, nếu không muốn mất miếng đất mình bỏ tiền ra mua thì nội phải làm đơn trình bày sự việc và lại khiếu kiện người ngày xưa đã bán miếng đất không thuộc sở hữu của mình để họ hoàn tiền và đền bù ngôi nhà bị tháo bỏ.

 

Người trong họ biết chuyện, ai cũng bức xúc khi thấy con nội đùm túm về ở với nội trong căn nhà cấp bốn chật chội. Cả họ ủng hộ nội việc làm đơn khiếu nại người đã bán miếng đất không phải của mình nhưng nội vẫn không động tĩnh. Mẹ gặp nội thắc mắc nguồn cơn, nội bảo rằng, nếu làm theo lý thì tình cảm họ tộc bị sứt mẻ. Nếu hai bên kịch liệt tranh chấp một miếng đất, ai thắng thì chưa biết nhưng chắc chắn người thua sẽ rời họ…

 

Nội bảo, miếng đất quý nhưng nếu đủ tiền thì sẽ mua được miếng đất khác, chỉ họ hàng là không thể mua.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek