Thứ Năm, 10/10/2024 21:23 CH
Canh lá sắn
Chủ Nhật, 21/01/2018 11:00 SA

Lá sắn non thái nhỏ hoặc vò nát đem đun vùi trong bếp than, khi chín màu xanh non biến mất chỉ còn lại màu vàng nhờn nhợt. Món này khi ăn vô thấy ngăm ngăm đăng đắng, ăn xong lại thấy dịu nhẹ nơi cuống họng và dạ dày. Ở vùng núi cao này, mùa mưa rét có được bát canh lá sắn dằm với ớt xiêm là rất ngon.

 

Đi tàu hỏa từ Sài Gòn về tới ga Tuy Hòa, rồi ra bến bắt xe đò về xã, từ trung tâm xã phải đi xe ôm cả một quãng dài mới về buôn, tới nhà nó. Cũng như mọi lần, năm nào nó cũng về quê vào dịp này để phụ ba mẹ thu hoạch sắn và kịp trồng vụ mới.

 

Bữa trưa muộn, len lỏi giữa những cơn mưa rả rích không ngớt là cái se se lạnh của mùa đông. Cái không khí cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm nghi ngút khói đã khiến nó vượt hàng trăm cây số để về nhà. Nó thích ăn nhất là cá cơm kho tiêu và canh lá sắn. Một miếng cơm đi kèm chút rau lá sắn và nửa con cá cơm nhỏ thì đưa cơm phải biết. Nó có thể đánh liền một lúc 5 chén mà vẫn thòm thèm.

 

Canh lá sắn khó ăn. Như nó nói, đây là thứ canh không dành cho những người sống trong no đủ. Hình như chỉ người miền núi mới dùng thứ canh này. Khi nhổ cây, phần củ quan trọng nhất bán cho nhà máy, còn lại người dân tận dụng những đọt sắn non hái mang về nấu canh. Đất núi đá sỏi cằn cỗi chỉ có cây rừng lâu năm rễ ăn sâu hàng tấc đất mới sống được. Một chút đất màu mỡ, ít sỏi dành để trồng sắn, mía bán lấy tiền trang trải cuộc sống; lấy đâu ra đất trồng rau màu. Nhưng đã có rừng nuôi, rau quả vào rừng hái, củ vào rừng đào, muốn thịt thì đặt bẫy trong rừng. Rồi những thứ từ rừng vì sạch, vì lạ trở thành đặc sản, đắt giá nên cũng khan hiếm dần. Người miền núi chẳng xuống xuôi thường xuyên để mua bán được nên lá sắn là thứ sẵn có quanh nhà đành phải tận dụng.

 

Nó nhớ lần đầu ăn canh lá sắn, vừa đưa lên miệng miếng cơm nghẹn cứng nơi cuống họng, nuốt mãi không trôi mà nhè ra không được. Thứ nhựa xin xít, hăng hăng của cây sắn xộc vào mũi cùng vị nhun nhũn đắng chát nơi đầu lưỡi. Mà cơm không rau như đau không thuốc, mẹ phải luộc trần qua để loại bỏ vị đắng hăng hăng của lá sắn; sau đó ủ trong bếp than giống như hầm để mềm gân lá cho nó dễ ăn. Tới khi quen miệng, lạ thay canh lá sắn lại trở nên bùi bùi, đằm đằm; đặc biệt ăn với cá kho, nó khử được vị tanh, kết hợp với cái béo ngậy của cá tạo nên một hương vị rất riêng. Mùa đông gió rét, mẹ dằm thêm vài quả ớt xiêm, vừa cay, vừa thơm rất ấm bụng.

 

Giờ nhiều nhà có điều kiện, người ta nấu canh lá sắn với móng giò, gà, cá… mỗi thứ một vị. Còn nó, nó vẫn thích bát canh lá sắn chay, thứ hương vị của núi rừng quê nó, chẳng lẫn đi đâu được. Vì vậy, mùa thu hoạch sắn nào nó cũng về, hái một mớ thật lớn những đọt sắn non, rửa sạch, chờ mẹ đi rẫy về tự tay vào bếp lửa. Phải là mẹ nấu, vừa vò lá nấu canh vừa rủ rỉ răn nó - sống ở Sài Gòn rồi nhưng cũng không được quên quê mình nghen con…

 

BẠCH VÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek