Thứ Năm, 10/10/2024 21:26 CH
Trần Văn Mười - một hình mẫu Bộ đội Cụ Hồ
Thứ Bảy, 20/01/2018 14:00 CH

Sinh ra và lớn lên trong gia đình, quê hương có truyền thống cách mạng, ông Trần Văn Mười (quê xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) sớm giác ngộ và đi theo cách mạng. Ông là hình mẫu Bộ đội Cụ Hồ, tấm gương tiêu biểu của LLVT tỉnh, thế hệ tham gia những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Đại tá Trần Văn Mười thời trẻ - Ảnh: CTV

Nay ông Mười ở tuổi 76, nhưng những đóng góp của ông đối với LLVT, Hội Cựu chiến binh tỉnh hết sức quan trọng và giá trị. Thường ngày, đồng đội vẫn đến thăm ông với tình cảm thân thương, trân trọng. Mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn tích cực học tập, nghiên cứu, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của địa phương.

 

Tôi luyện trong chiến tranh

 

Những năm 1954-1959, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp tiến hành xâm lược miền Nam Việt Nam, chúng thực hiện chính sách đàn áp cách mạng bằng “Luật 10-59”, hết sức dã man, đưa máy chém khắp mọi nơi, chém giết hàng ngàn người mà chúng cho là người của cách mạng. Tuy nhiên, phong trào cách mạng ở Phú Yên vẫn phát triển mạnh mẽ. Ông Mười được giác ngộ, tham gia cách mạng vào đầu năm 1960, ở Đội Công tác Hà Roi. Tháng 10/1960, ông trở thành chiến sĩ giải phóng quân. Ông là một chiến sĩ mưu trí, dũng cảm, một cán bộ quân sự “được thực tiễn lựa chọn”, lập được nhiều chiến công xuất sắc.

 

Là cán bộ có năng lực, phát triển nhanh, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông giữ chức Đại đội bậc trưởng, cán bộ tác chiến Tỉnh đội Phú Yên, có nhiệm vụ trinh sát mũi chủ yếu đưa sở chỉ huy vào trực tiếp tham gia chiến dịch tiến công TX Tuy Hòa. Đó cũng là một trong những lần ông may mắn thoát chết trong gang tấc. Ông Mười kể: “Ngày 4/3/1968, tôi cùng Sở Chỉ huy của Tỉnh đội tại thôn Ninh Tịnh trực tiếp theo dõi, chỉ huy bộ đội ta chiến đấu tiến công vào TX Tuy Hòa. Sau khi bị ta tiến công, địch phản kích quyết liệt. Bộ đội ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đánh bại nhiều đợt phản kích của chúng. Địch tập trung dồn lực lượng máy bay, xe tăng, bộ binh dồn hỏa lực đánh vào trận địa ta, tôi và hai chiến sĩ liên lạc đang tìm đường rút lui cho sở chỉ huy; khi vừa ra khỏi hầm chưa đầy 3 phút thì hầm sở chỉ huy của ta trúng bom. Nhiều đồng chí hy sinh, trong đó có đồng chí Liêu (Tỉnh Đội trưởng), đồng chí Khánh (Chính trị viên Tỉnh đội). Bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu, chờ trời tối, ta rút lui về phía sau, nhưng không thể đưa được các tử sĩ đi cùng”.

 

Nghe ông kể, tôi thật sự hồi hộp, những tình tiết vô cùng ác liệt như vừa mới xảy ra. Tôi như cảm nhận được tiếng bom đạn nổ, mùi thuốc súng quyện lẫn với mùi máu xương…

 

Những năm sau đó, địch đẩy mạnh leo thang chiến tranh, chiến trường Phú Yên vô cùng ác liệt, ông Mười được phân công giữ nhiều cương vị khác nhau, khi làm chỉ huy, khi làm ở cơ quan của Tỉnh đội; dù ở cương vị nào, ông đều vượt qua gian khổ ác liệt, bị thương, bị sức ép nhiều lần nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong chiến tranh, con người được thử thách toàn diện cả về ý chí, nghị lực tinh thần, cả về khả năng chịu đựng gian khổ thiếu thốn. Trước khó khăn không lùi bước, trước tàn bạo không khuất phục, trước thương đau biết nén lòng vượt qua, “biến đau thương thành hành động cách mạng”, tin tưởng tuyệt đối đến thắng lợi cuối cùng. Lòng căm thù giặc, tình yêu thương đồng chí đồng đội, đồng bào như được nhân lên gấp bội, đó là cội nguồn sức mạnh để quân và dân ta đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

 

Sau giải phóng, ông tham gia lãnh đạo LLVT tỉnh Phú Khánh, tổ chức truy quét bọn Fulro, rà phá, tháo gỡ bom mìn, nhanh chóng đưa cuộc sống của nhân dân trở lại bình yên, lao động, sản xuất. Trong hòa bình, ông Mười vẫn luôn giữ phẩm chất trong sáng của “Giải phóng quân”, cùng đồng đội đi đến các vùng đất của tỉnh Phú Khánh để tiếp tục nhiệm vụ của người lính. Vừa truy quét Fulro, rà phá bom mìn vừa rèn cán, luyện binh nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu chống phá của kẻ thù.

 

Hòa bình chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bộ đội “Tình nguyện” của Việt Nam lại phải lên đường chiến đấu, bảo vệ quê hương và giúp đỡ nhân dân Campuchia giải phóng khỏi bàn tay tàn bạo, dã man của tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng xa ri. Đầu năm 1985, ông Mười được tổ chức tin tưởng phân công chỉ huy LLVT “Tình nguyện” của tỉnh Phú Khánh giúp đỡ tỉnh Mundunkiri, Campuchia chiến đấu, xây dựng chính quyền. Một lần nữa chia tay quê hương, gia đình, ông vác ba lô lên đường đi chiến đấu. Người lính, người thương binh ấy lại tiếp tục chịu đựng những thử thách khốc liệt của chiến trường nước bạn xa xôi. Cuối năm 1987, ông hoàn thành nhiệm vụ được lệnh rút về nước.

 

Đại tá Trần Văn Mười trong buổi giao lưu kể chuyện truyền thống “Nối tiếp truyền thống - viết tiếp chiến công” - Ảnh: CTV

 

Để lại nhiều dấu ấn

 

Đại tá Nguyễn Như Trí, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, đánh giá: “Anh Trần Văn Mười là lớp cán bộ đi trước của LLVT tỉnh; tấm gương để các thế hệ trẻ học tập, nhất là về bản lĩnh, kinh nghiệm, năng lực chỉ huy; phẩm chất trong sáng và tình thương yêu đồng chí, đồng đội… Anh luôn được mọi người tôn trọng, quý mến”.

Tháng 7/1989, chia tách tỉnh Phú Khánh thành Phú Yên và Khánh Hòa, ông Mười là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Yên. Trong điều kiện vừa tách tỉnh, ông đã cùng tập thể cấp ủy khẩn trương củng cố tổ chức, ổn định tình hình, đoàn kết lãnh đạo xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong 10 năm làm Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, ông luôn là cán bộ tiên phong gương mẫu, có bản lĩnh vững vàng, bình tĩnh, điềm đạm, tôn trọng cấp trên, cấp dưới, được đồng đội tin tưởng. Ông đã để lại nhiều dấu ấn tích cực, góp phần quan trọng xây dựng LLVT vững mạnh, củng cố quốc phòng - an ninh, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Năm 2000, ông nghỉ hưu và tham gia phong trào cựu chiến binh; đến năm 2002 được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh. Suốt 2 nhiệm kỳ (2002-2012), ông đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, hoạt động của Hội, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh ở địa phương.

 

Trong quá trình công tác cũng như khi nghỉ hưu, ông Mười luôn toát lên tinh thần của một chiến sĩ cộng sản được tôi luyện, có phẩm chất trong sáng của Bộ đội Cụ Hồ. Là người thực sự có bề dày thành tích, nhiều đóng góp quan trọng trong sự trưởng thành và lớn mạnh của LLVT Phú Yên, nhưng ông chưa một lần tỏ thái độ công thần, kể công, so đo hơn thiệt mà trái lại luôn chứng tỏ là người từng trải trận mạc, bản lĩnh vững vàng, tự tin; luôn tôn trọng quá khứ và những đóng góp của thế hệ đi trước; có tình thương yêu đồng chí, đồng đội, luôn chăm lo cho thế hệ mai sau.

 

Qua 52 năm công tác, với những thành tích đạt được, ông Trần Văn Mười vinh dự được tặng các danh hiệu cao quý: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì và nhiều phần thưởng khác.

 

Đặc biệt ở ông là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng. Ông tham gia đầy đủ hoạt động ở địa phương, tích cực học tập nghiên cứu, cộng tác với báo, tạp chí đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chống lại các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Nói với chúng tôi, ông thường dặn: “Dù ở đâu, bất cứ lúc nào, các cháu cũng phải luôn đề cao cảnh giác với mọi âm mưu của kẻ thù, cảnh giác với những ham muốn đời thường, nhiều khi chủ quan để rồi tự nhuốm màu, bị lôi kéo hư hỏng lúc nào không hay biết…”. Trong những lần nói chuyện truyền thống vào các dịp lễ kỷ niệm, ông không quên nhắc nhở lớp trẻ phải biết cảnh giác, nhất là cảnh giác với “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trước hoàn cảnh mới. Ông Mười luôn là tấm gương truyền lửa, truyền nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ.

 

Ông Lê Văn Nghiên, nguyên cán bộ quân đội có thời gian dài công tác với ông Mười, nay đã nghỉ hưu, nhận xét: “Ông Mười là người đức độ, có năng lực lãnh đạo, tổ chức chỉ huy đơn vị. Ông rất chịu khó học tập, nghiên cứu và có hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Gia đình ông là gia đình văn hóa tiêu biểu, con cháu ngoan hiền, thành đạt, hiếu thảo. Bản lĩnh và phong cách làm việc của ông luôn là tấm gương để thế hệ chúng tôi học tập và noi theo”.

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek