Thứ Sáu, 11/10/2024 03:26 SA
Thành phố Khurramabad - Trích tiểu thuyết của ANDREY VOLOS (Nga)
Chủ Nhật, 24/12/2017 10:03 SA

Minh họa: PV

Andrey Volos sinh năm 1955 tại TP Dushanbe, trước kia thuộc Liên Xô, nay là nước Cộng hòa Tajikistan, trong một gia đình làm nghề địa chất, tốt nghiệp ĐH Công nghiệp Dầu - Khí, sống ở Moskva, vừa làm chuyên môn vừa viết văn, làm thơ, bắt đầu xuất hiện trên văn đàn vào năm 1979, xuất bản hơn chục đầu sách. Ngoài giải thưởng của các báo và tạp chí, Volos còn được trao Giải thưởng Văn học quốc tế “Moskva - Penne” (hợp tác Nga - Italya), 1988; Giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga, 2000 (tiểu thuyết Khurramabad); Giải thưởng Tiểu thuyết hay nhất trong năm (Russianbooker), 2013…

 

Ivachev không để ý đến cuộc tranh luận của họ nữa, nhưng những từ ngữ riêng lẻ vẫn đập vào trí não, cả những câu ngắn được tách ra từ một câu dài vang lên một cách vội vã. Chiếc bát trong tay anh cứ chao qua chao lại, trong đầu ong ong một cách dễ chịu. Anh tiếp thu ngôn ngữ của dân tộc khác một cách khó khăn, cũng như bộ rễ của một cái cây bám vào một mảnh đất cằn cỗi. Anh đã rất cố gắng - mỗi ngày đều đọc và dịch một trang sách, học các từ mới…

 

Đi Moskva, anh viết thư về cho Nuridin, và thư nào cũng kết thúc không chỉ bằng câu thành ngữ độc đáo trong đời sống mà bằng cả hàng chục câu khác chỉ tồn tại trên những trang giấy… Có thể, nếu Ivachev được học hành từ bé thì bây giờ đã không gặp trở ngại nào. Có thể trò chuyện ngang hàng… Nhưng cũng thật lạ… Sinh ra ở Khurramabad, lớn lên, đến trường cũng ở Khurramabad, kết bạn với những người Tajikistan, vậy mà cũng chẳng nhớ được gì ngoài mấy từ tình cờ còn lại trong đầu như: tereza là cửa sổ… talaba - sách giáo khoa… muallim - thầy giáo…

 

Vấn đề không phải ở chỗ giáo viên là người Tajikistan và họ cũng bỏ đi hết. Một thời gian sau, người khác đến thay - trang phục luộm thuộm, dáng vẻ thì gò bó, nói tiếng Nga rất tệ. Rõ ràng là việc đến lớp chẳng khác gì đến phòng tra tấn, lớp thì như chợ vỡ… chỉ cần thầy giáo quay vào bảng là bị ném ngay một miếng giấy nhai…

 

Có lần, thằng Nekrasov bị rối loạn thần kinh ném cả lọ mực lên bảng, và nó nổ như quả bom chỉ cách đầu thầy giáo - người tuẫn tiết tiếp theo ấy - khoảng nửa mét… Nhìn khuôn mặt thấy dính đầy mực chỉ còn lộ ra những chiếc răng trắng, cảm giác vừa kinh hoàng vừa nực cười…

 

Dĩ nhiên, các thầy cô cũng chẳng thể dạy dỗ được điều gì nên hồn - một phần vì chính họ cũng không giỏi công việc của mình, nhưng điều quan trọng hơn là không ai muốn học hành cái gì cả. Những người lớn hiểu rằng: chẳng ai cần đến người Tajikistan cả. “Tajikistan-an-an-an hả?! Để làm gì?” Bí thư Trung ương Đảng, nhất định phải là người Tajikistan, còn giám đốc nhà máy cũng nhất định phải là người Tajikistan, nhưng sau lưng họ lúc nào cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của cấp phó là một người Nga tháo vát.

 

Công việc của người Tajikistan là phải biết người Nga, để hiểu tất cả những gì mà họ khuyên bảo, chứ không phải là ngược lại. Là một người Nga rất có giá, còn là người Tajikistan thì cũng không tốt lắm… cũng hơi bất tiện… như thú hoang vậy… cho dù anh không mặc áo dài dân tộc, không phải là người nhà quê ở làng bản mà là dân thành phố và đã học được chút gì đó, tiếp thu được chút gì đó theo kiểu châu Âu, nhưng dẫu có thế nào anh vẫn không thể nào đánh mất được cái tính cách hoang dã của mình… “Còn nói gì nữa! Thú hoang - loài chim không biết bay!...”.

 

“Mà chắc là họ cũng khinh bỉ chúng ta!” - Ivachev bất chợt ngẫm nghĩ, một làn hơi nóng rát lùa qua mặt làm cho anh tỉnh hẳn. Đúng thế! Đúng thế! Chắc chắn là khinh bỉ - những người Nga thuần khiết, tự đắc… lúc nào cũng ngồi ở những vị trí xứng đáng… quan tâm đến công việc của nước Nga… khinh bỉ né tránh bất kỳ một sự va chạm nào đó, cho dù là thoáng qua với những vấn đề bạo lực… Những người Nga sống trên lớp vỏ mỏng của cuộc sống đô thị, mà bên dưới đó vẫn còn sôi réo sùng sục lớp macma tích tụ hàng thế kỷ của những cuộc sống khác - cuộc sống hoang sơ, khó hiểu, kỳ lạ, bẩn thỉu, ngu ngốc và tẻ nhạt…

 

- Cái gì? - Ivachev giật mình hỏi lại.

 

- Tôi bảo, người Tajikistan không bao giờ có chuyện đó. - Nuridin nhắc lại. - Không bao giờ!

 

Bakhrom gật đầu tán thưởng.

 

- Tôi biết nhân dân mình! - Nuridin vừa nói vừa lắc lắc chai Vodka và rót đầy các ly. - Đó là một dân tộc thuần khiết… nói thế nào nhỉ?... chất phác… có một trái tim rộng mở… không có một nỗi vất vả nào trong cuộc sống có thể làm vấy bẩn tâm hồn họ… Tôi muốn nâng cốc vì những con người đó… Đến một lúc nào đó, nhân dân tôi sẽ có một ngày lễ! Một ngày tết thực sự! Tôi tin, ngày tết ấy sẽ đến! Tôi tin chắc!.. Tôi sẽ la toáng lên vì điều đó! Tôi sẽ hét lên như con gà trống gọi bình minh! Và nếu có con nào gáy quá sớm sẽ bị vặt đầu! Tôi có là con gà ấy cũng được! Cứ để cho tôi gáy sớm, cứ để tôi bị chặt đầu, tôi sẽ không bao giờ hối tiếc vì điều đó! Nào uống cạn!

 

*

 

Ivachev ngồi ghế trước, gác khuỷu tay lên cửa sổ, nheo nheo mắt vì làn gió mang theo hương vị ngọt ngào của hoa ô liu. Chiếc “Zaporozhes” chạy bon bon trên đường cái cắt ngang qua thung lũng, từ đầu này đến đầu kia, cảnh vật xung quanh xanh rờn ngoài bầu trời xanh màu ngọc bích.

 

Bakhrom, với chiếc kính râm rất hợp với bộ ria mép và cơ thể chắc nịch trông như một kẻ giết thuê, lẩm nhẩm hát một giai điệu gì đó và chỉ tham gia vào câu chuyện bằng những lời ậm ừ mơ hồ.

 

Nuridin và Khaiom đang rạng rỡ vì hạnh phúc ngồi ở băng sau.

 

- Một ngàn năm trước như thế nào thì bây giờ vẫn vậy. - Nuridin lên giọng, cố át tiếng xe. - Con người cũng không thay đổi, đúng không, Bakhrom! Tôi đã hiểu điều đó từ lâu rồi. Lúc nào con người cũng như thế! Tất cả các nhà tiên tri (ông cố ý nhấn mạnh từ đó) cũng đều bước vào một thế giới! Nào là thánh Zardushit, phật Thích ca, thánh Ika, thánh Muhammad, tất cả đều sống trong một thế giới như của chúng ta, nhân từ và độc ác! Nasir Khusraw cũng sống giữa những con người như chúng ta đang sống! Anh có biết, khi nào thì tôi nhận ra điều đó không? Hả?

 

Bakhrom bật ra, nghe như tiếng cạc cạc.

 

- Tôi hiểu ra điều đó khi nhìn thấy một bức ảnh trong cuốn sách… Ảnh trên tường… người ta gọi là gì nhỉ?

 

- Tranh tường phải không? - Ivachev hỏi.

 

- Đúng rồi! Tranh tường! - Nuridin vui mừng. - Ở thành phố Pompei! Nó có tên là “Nữ sĩ”! Bức tranh một ngàn năm tuổi! Khuôn mặt của cô gái rất hiền dịu… cô ấy cầm trên tay cây bút bằng sậy… cô gái có cặp mắt… gây cho tôi cảm giác là cô ấy đang nghĩ đến những điều mà tôi đang nghĩ! Chúng ta và cô ấy, chỉ là một! Chỉ đơn giản là hiện giờ tôi sống như thế nào thì hàng ngàn năm trước cô ấy cũng sống như thế! Không có sự khác biệt nào!

 

- Thế còn điện thì sao? - Bakhrom chỉnh lại đôi kính, bật lên. - Sao lại không có sự khác biệt!

 

- Điện đóm thì có liên quan gì? - Nuridin bực bội. - Tôi đang nói về tâm hồn! Điện không thể thay thế cho tâm hồn con người! Nasir Khusraw từng nói, hãy giết con quỷ đi! Hàng ngàn năm trước, con quỷ đã tồn tại trong tâm hồn con người, và bây giờ nó vẫn sống!...

 

- Ê-ê, không đâu. - Bakhrom phản đối. - Ngày xưa con người nhân từ hơn.

 

- Nhân từ hơn?! Họ không chỉ giết người sống mà cũng không để cho người chết được yên! Anh biết không, người thầy vĩ đại của chúng ta, Abd Ar-Rakhman Dzhami, một nhà tiên tri, một hiền triết, bị kẻ thù mà tài năng không bằng cái móng tay út của ông, suốt đời săn đuổi nhưng không làm gì được ông! Nhưng đến khi ông qua đời... khi kẻ thù đã chiếm được thành Great... thì bàn tay của chúng mới chạm được vào thân thể của người đã khuất… Anh biết chúng đã làm gì không? Anh bảo, ngày xưa người ta tốt bụng hơn, nhưng anh có biết, những người có con quỷ trong tâm hồn đã làm gì không? - Nuridin dừng lại giây lát rồi kết thúc: - Họ đã thiêu trụi nấm mồ của ông ấy!...

 

- Thiêu trụi là thế nào? - Bakhrom ngạc nhiên hỏi. - Ôi, trên đời có đủ loại điên khùng.

 

Ông lấy cặp kính mắt ra đặt dưới kính xe.

 

- Đúng là một lũ điên khùng! - Nuridin bực tức. - Nếu đúng như vậy thì thế giới này từ lâu đã phát điên lên hết cả rồi!

 

- Anh Nikita này, - Khaiom ghé sát tai hỏi nhỏ bằng một giọng lo lắng: - Con rùa vẫn còn động đậy đấy chứ?

 

- Còn hơn nữa. - Ivachev đáp. - Đúng là một con rùa bận rộn…

 

Mấy phút sau, họ ngoặt khỏi đường cái.

 

- Đúng là một chốn thiêng liêng. - Bakhrom nói. - Nhìn cây cối kìa, thấy không?

 

Cuối tháng sáu, thảo nguyên đã phải chuyển thành hoang mạc đầy bụi màu vàng sậm, mặt trời đã giết chết tất cả sinh vật, chỉ còn lại những con thằn lằn, châu chấu là vẫn còn biểu hiện những dấu hiệu của sự sống bất diệt. Nhưng bây giờ, vùng bình nguyên nhuốm một màu xanh rực rỡ và phía trước thấp thoáng những vạt cây lớn tạo thành những ốc đảo hiện rõ trên nền trời.

 

- Cây tiêu huyền? - Ivachev ngạc nhiên.

 

Bakhrom gật đầu.

 

- Tiêu huyền, và liễu… ở đó có nước.

 

- Hai năm trước, không ai nghĩ đến chuyện ấy! - Nuridin nói.

 

Ivachev quay đầu lại. Nuridin lơ đãng nhìn ra cửa sổ, một màu xanh trải khắp vùng thảo nguyên, gió mang theo mùi hoa ô liu từ hai bên đường.

 

- Hai năm trước, không ai có thể nghĩ đến chuyện có thể ập vào nhà người khác… hành hạ con người… giết chóc… Tại sao lại như vậy? Chuyện gì đã xảy ra? - Nuridin quay đầu lại, ánh mắt họ gặp nhau. - Chuyện gì vậy, hả Nikita? Chẳng lẽ mọi thứ đều có nguyên do?...

 

- Chuyện gì phải diễn ra thì cũng diễn tra rồi! - Ivachev quay mặt đi, cục cằn nói. - Nuridin à, anh còn ít tuổi nhưng cũng đã cảm nhận được sự tự do! - ông giơ nắm tay lên. - Nếu là tự do thì có nghĩa là tự do cho tất cả mọi người! Anh nhớ không, hai năm trước chúng ta đã từng mơ ước, rằng sách của anh sẽ được in, dù là nguyên bản hay là bản dịch cũng được. Anh quên rồi sao? Chẳng ai thích chúng cả. Những gì anh viết ra đều không hợp thời, nhưng thực ra, tất cả đều mang tính thời sự, chỉ có điều lúc đó không có sự tự do!... Còn bây giờ! Anh nhìn xem, anh đã in được hai cuốn sách và hàng chục bài in trên báo. Mọi việc dễ như trở bàn tay! Chỉ cần viết! Tất cả đều muốn in, ở nước Nga, ở Khurramabad, tất cả!... Tự do! Đẹp tuyệt vời! Tự do cho tất cả mọi người! Chính anh đã nói, con quỷ! Con quỷ cũng tự do!...

 

Ivachev im lặng, ngồi phịch xuống ghế. Vệt đường màu xám lướt nhanh qua mắt.

 

Ốc đảo đang xích lại gần, đã có thể nhìn thấy những ngọn cây tiêu huyền khổng lồ dập dờn như sóng.

 

- Không. - Nuridin nói bằng một giọng yếu ớt. - Không. Ở đây sẽ không có chuyện ấy đâu. 

 

 

ĐÀO MINH HIỆP dịch

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Rực rỡ Festival Hoa Đà Lạt
Chủ Nhật, 24/12/2017 09:43 SA
Vì sao Giáng sinh luôn có cây thông?
Chủ Nhật, 24/12/2017 09:32 SA
Khắc họa hình ảnh người lính can trường
Chủ Nhật, 24/12/2017 08:21 SA
Họa sĩ xứ Nẫu tham gia sân chơi quốc tế
Thứ Bảy, 23/12/2017 17:00 CH
Chung kết cuộc thi “Miss MUCE Open 2017”
Thứ Bảy, 23/12/2017 08:17 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek