Thứ Sáu, 11/10/2024 03:29 SA
Cuộc thi văn học và ca khúc “Hào khí cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”:
Khắc họa hình ảnh người lính can trường
Chủ Nhật, 24/12/2017 08:21 SA

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng trao giải nhất cho 3 tác giả có tác phẩm xuất sắc ở 3 thể loại: ký, thơ và âm nhạc - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Thiết thực kỷ niệm 50 năm chiến thắng Mậu Thân 1968 (1968-2018), Hội VH-NT Phú Yên tổ chức cuộc thi sáng tác văn học và ca khúc với chủ đề “Hào khí cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”. Qua đó khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; ca ngợi hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng, anh Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

 

Với thời gian phát động ngắn, Ban tổ chức đã nhận gần 100 tác phẩm dự thi và hưởng ứng cuộc thi của nhiều thành phần, nhiều độ tuổi, trong đó có rất nhiều người viết trẻ tỉnh nhà. Ban tổ chức đã mời các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nhiều kinh nghiệm ngoài tỉnh tham gia chấm giải. 25 tác phẩm được trao giải là những lát cắt hiện thực nhất cho một giai đoạn chiến tranh anh dũng, một độ lùi đến 50 năm của cuộc chiến, càng lùi xa thì chúng ta càng nhớ, và với hiện tại, cách viết không còn cảnh đầu rơi máu chảy và cũng không còn tiếng súng ì ầm. Giờ đây, chiến tranh đã kết nối hòa bình, quá khứ sẽ kết nối với hiện tại. Do đó, người lính trong chiến tranh hay thời bình cũng nằm trong quá trình sáng tạo tác phẩm VHNT, như một vỉa tầng càng đào xới càng bật lên những giá trị nhân văn không bao giờ dứt.

 

Hầu hết tác phẩm dự thi đều khắc họa rõ nét, sinh động về người chiến sĩ giải phóng, hình ảnh người lính can trường trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968 trên đất Phú Yên. Có thể nói, cuộc chiến đã đi qua nhưng sự mất mát vẫn còn đọng lại trong ký ức mọi người, đã dần đi vào quá khứ mà nhìn về tương lai. 50 năm qua đi và hơn 40 năm đất nước hòa bình, đề tài chiến tranh vẫn luôn được khai thác nhiều nhất và do vậy, đôi khi chúng ta sẽ cảm thấy cuộc thi nào cũng có những tác phẩm chất lượng chưa cao, bài viết, bản nhạc chưa thấu đáo do lối sáng tác, cách diễn đạt, từ ngữ (nhất là mảng thơ trong cuộc thi này) đôi lúc sáo mòn và đánh bóng, đó là điều không thể tránh khỏi.

 

Hội viên Chi hội Sân khấu công diễn vở kịch dân ca bài chòi “Sáng mãi tên anh” - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Mảng thơ khá đa dạng, vừa hồi tưởng vừa ngợi ca cuộc chiến đấu dũng cảm, kiên cường của chiến sĩ và nhân dân Phú Yên trong Xuân Mậu Thân 1968 với những gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng anh dũng. Bật lên trong cuộc thi để về đích với số điểm cao là các khuôn mặt quen thuộc: Lê Hào, Y Nguyên, Lưu Phúc, Lê Văn Hảo, Nguyễn Tường Văn… Tác giả Lê Hào (Trường đại học Phú Yên), đạt giải nhất về thơ với chùm thơ 3 bài Những hạt cát vẹn nguyên, Đường lên Vân Hòa, Di ảnh người chồng là điểm sáng của phần thơ dự thi. Thơ anh có lối diễn đạt tự nhiên, mạch cảm xúc tuôn trào và hình ảnh đã làm sống dậy cuộc chiến đấu gian khổ cùng sự hy sinh cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng: Xông lên, xông lên, không sợ gì, không tiếc gì/ máu tuôn, máu tuôn/ nóng hổi/ tình mẹ không cầm được/ quê hương không cầm được/ họ về với ngọn cỏ/họ về với ruộng vườn/ họ về với mênh mông sông núi (Những hạt cát vẹn nguyên).

 

So với thơ, mảng truyện ngắn và ký khá phong phú, đa dạng cách viết nên chứng tỏ người viết có nghề. Các tác giả đạt giải là những cây viết mới, ở nhiều độ tuổi, có góc nhìn sắc bén và sự so sánh phù hợp. Một đoạn trong bút ký “Tiếng vọng từ những tượng đài”, đạt giải nhất của tác giả Nguyễn Bá Thuyết: “…Ở dưới đó, trong lòng đất mọi sinh hoạt vẫn diễn ra như thường lệ, cái Tết Nguyên đán của Xuân Mậu Thân vẫn còn ít bánh kẹo, mứt chưa ăn…” hay “...Những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, thân xác họ có thể hòa tan, thấm sâu trong lòng đất nhưng linh hồn và tình cảm thì mãi mãi trường tồn; họ không chỉ về trong nghĩa trang, trên những tượng đài mà họ ở bất cứ nơi đâu, nơi xa xăm, ở quanh chúng ta…”. Đọc đến đây tôi bồi hồi cảm xúc đến ứa nước mắt. Thiên chức của văn nghệ sĩ là truyền tải thông điệp chân thiện mỹ đến với mọi người, và tác giả đã làm được điều đó. Và còn nhiều tác giả như Lê Pha Lê, Trịnh Văn Đạt, Hải Sơn, Nguyễn Thị Bích Nhàn… đều có những trang viết chất lượng.

 

Ở mảng ca khúc, những tác giả đạt giải lần này là các nghệ sĩ thành danh, có tên tuổi trong tỉnh, khắp cả nước và đã đạt nhiều giải trong các cuộc thi, biểu diễn. Các nhạc sĩ đã bám sát đúng đề tài, có chất liệu lịch sử nên thành công. Chúng ta có Nghệ sĩ Ưu tú Cao Hữu Nhạc với “Ký ức Mậu Thân”, nhạc sĩ Huỳnh Tấn Phát với “Tự hào xuân 68”, rồi Nguyễn Ngọc Thạch “Xuân về nhớ Mậu Thân”, Huỳnh Trọng Thống, Nguyễn Kim Huyền, Công Giang. Những ca khúc này sẽ được chọn biểu diễn trong những ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968.

 

Khép lại một cuộc thi và mở ra các giá trị nhân văn của thời đại, độ lùi của chiến tranh sẽ là 70 năm, 90 năm, 100 năm sau vẫn trường tồn theo thời gian, vẫn đời đời ghi nhớ, là sự phục dựng hồi sinh của đất nước, của dân tộc.

 

HUỲNH THẠCH THẢO 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Họa sĩ xứ Nẫu tham gia sân chơi quốc tế
Thứ Bảy, 23/12/2017 17:00 CH
Chung kết cuộc thi “Miss MUCE Open 2017”
Thứ Bảy, 23/12/2017 08:17 SA
Đón nhận Bằng di tích lịch sử
Thứ Sáu, 22/12/2017 08:12 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek