Thứ Sáu, 11/10/2024 09:24 SA
Hai nghệ sĩ, nhà thơ họ Lương với biển đảo
Thứ Bảy, 04/11/2017 12:00 CH

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Trường (thứ tư, từ trái qua) trên tàu cá ngư dân Phú Yên giữa biển Đông - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Lương Xuân Trường và nhà thơ Lương Ngọc An. Đang làm việc tại Hà Nội nhưng tâm huyết và bước chân của họ luôn dọc ngang cùng biển đảo Tổ quốc.

 

Ống kính và cây bút

 

Cuối năm 2014, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lương Xuân Trường nhắn tin cho tôi là đã rời Báo Nông Thôn Ngày Nay để chuyển sang Tạp chí Nông Thôn Mới và bây giờ xin nghỉ để chuyên chụp ảnh và làm vườn. Với chuyên nghề của một phóng viên ảnh và là cây bút gạo cội, tôi hiểu ở đâu anh cũng làm tốt công việc của mình. Từng công tác ở Thông tấn xã Việt Nam, rồi Báo Tuổi Trẻ, đối với Xuân Trường, không có “báo nhỏ, báo to”, chỉ có năng lực của người làm nhỏ hay lớn.

 

Cách đây khoảng 20 năm, anh em làm báo ở Phú Yên xuýt xoa khi có một phóng viên “đen đen, cục cục” từ Hà Nội vào để theo tàu câu cá ngừ đại dương. Ấy là thời điểm nghề câu xa bờ bắt đầu bùng phát; ngư dân đột phá được hướng thu khá trên những con tàu ọp ẹp lênh đênh dài ngày. Vốn đã có thương hiệu “lăn lộn” ở nhiều ngóc ngách đất nước, Xuân Trường xách gói đồ nghề “khỏe không” lên tàu xa bờ cùng ngư dân. Quả thật, bạn nghề nhìn nhau khá khắt khe nhưng ai cũng “lác mắt” trước sự “chịu chơi” của Xuân Trường. Anh còn nhiều lần nữa theo tàu cùng ngư dân giữa sóng cả bủa vây…

 

“Rất nhiều chuyến đi của mình không “dôi ra” về thu nhập, lại nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng mình thích thế. Muốn có một tấm ảnh giàu thông tin, đậm chất báo chí thì chỉ có con đường “3 cùng” với những phận đời. Mình quan niệm yếu tố hàng đầu của ảnh báo chí là tính trung thực. Trong nhiều trường hợp, chuyện cơm áo lớn hơn chữ nghề. Tin viết vội, ảnh chụp nhanh… trở thành năng lực sinh tồn của phóng viên, nhất là giai đoạn báo điện tử phát triển mạnh. Nhu cầu có những khuôn hình “hot” thường trực ép lên người cầm máy, điều kiện tác nghiệp, sống trong hiện tại khiến người ta dễ dối trá trong nghề”, Xuân Trường nhấn mạnh.

 

Mãi đến gần đây, tôi mới biết Xuân Trường là con trai của nhiếp ảnh gia chiến tranh lừng danh Lương Nghĩa Dũng. Và tôi thầm nghĩ “đúng là con nhà tông…”. Vừa rồi, tôi gọi điện thoại thì biết anh đang lang thang với máy ảnh và cây bút ở thềm lục địa phíaNam. Mộc mạc, chân tình, anh thổ lộ: “Chẳng tết nào tớ ở Hà Nội, hai chữ “biển” và “đảo” đã ám vào đời tớ rồi…”.

 

Nhà thơ Lương Ngọc An trên đường tác nghiệp - Ảnh: ĐÀO ĐỨC TUẤN

 

Nhà thơ ký sự

 

Nhắc đến chuyện viết bài theo tàu cá ngừ đại dương Phú Yên, không thể không nhắc đến một… nhà thơ, đó là Lương Ngọc An - người nắm 2 giải đầu bảng trong cuộc thi bút ký, phóng sự của Báo Lao Động và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hai giải thưởng này là kết quả của chuyến chu du cùng ngư dân đánh bắt xa bờ. Ban đầu, nghe danh anh là một nhà thơ ở Văn Nghệ Trẻ, lại dân gốc Hà Nội, ai nấy đều chẳng tin anh dám leo lên tàu cá gian nan xa đất liền hàng tháng ròng. Thế nhưng, anh đi thật…

 

Lương Ngọc An thuật lại: Khi biết tôi có ý định theo tàu đi câu cá ngừ đại dương, bạn bè ở Phú Yên nhìn từ đầu đến chân rồi bảo: “Sức mấy ông chịu nổi. Trước đây đã có hai tay phóng viên đi một chuyến rồi; say sóng chỉ là một chuyện, nhưng coi chừng buồn lắm đó. Nhưng ông đã có tiền chưa?”. “Tiền gì vậy?” - “Tiền đặt cọc. Dân biển ở đây có quy định mỗi người lạ xuống tàu đều phải đặt cọc từ 10-15 triệu đồng. Đó là khoản tiền đủ chi phí cho một chuyến biển; phòng khi ông đau ốm hoặc say sóng phải bỏ dở chuyến đi để đưa ông vào bờ thì ông sẽ phải chịu toàn bộ khoản chi phí đó...”. 10 triệu đồng, biết lấy đâu ra bây giờ... Thôi thì, sẵn có chiếc xe máy đem theo, nay xuống biển không cần nữa, đặt luôn; cũng may mà được chấp nhận. Ông chủ tịch phường 6, TX Tuy Hòa (hồi chưa lên thành phố), nơi có bến tàu tôi sẽ đi, nói như phân bua: “Anh phải thật thông cảm với họ; mỗi chiếc tàu của họ, nhỏ thì 300-400 triệu đồng, lớn thì cũng phải 700-800 triệu đồng; chi phí mỗi chuyến đi cũng hàng chục triệu đồng, bao nhiêu gia đình đều trông chờ vào đấy nên họ phải thận trọng”. Còn ông Bảy Sót, chủ tàu thì bảo: “Cốt là để chú phải lượng sức mình và có thêm trách nhiệm với anh em thôi...”. Nhưng khi được biết tôi từng là lính xe tăng, lại cũng từng “hành quân” ra tới Trường Sa thì ông cười thật to và vỗ mạnh vào vai tôi: “Được!”...

 

Thế rồi, Lương Ngọc An đã “vô tư” sống cùng những gian khó của ngư dân lấy biển làm nhà. Anh tâm sự rằng tuổi ngày càng dày vẫn không thể bỏ được “tật” đi về với biển đảo để chắt lọc những ký sự thấm đẫm tình đất nước.

 

ĐÀO ĐỨC TUẤN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vui cùng lễ hội Halloween
Thứ Ba, 31/10/2017 14:00 CH
Làm cha
Thứ Ba, 31/10/2017 10:37 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek