Thứ Sáu, 11/10/2024 09:24 SA
Cưới kiểu Nga
Thứ Năm, 02/11/2017 14:00 CH

Nghi thức đốt chìa khóa sau khi đã “khóa” 2 trái tim cô dâu và chú rể

Như những người đã từng sống, công tác, học tập, lao động trên đất nước Liên Xô (trước đây), tôi và Vân luôn nhớ mãi những kỷ niệm tươi đẹp trên quê hương Cách mạng Tháng Mười với những người dân Liên Xô hiền hòa, đôn hậu, những tình cảm của các thầy cô giáo, những người bạn học Liên Xô, bạn học Việt Nam thân thương...

 

Ngoài ra, chúng tôi còn có một kỷ niệm (mà chắc chắn sẽ theo suốt cuộc đời), đó là lễ cưới của chúng tôi ngay tại ngôi trường đang học ở Mát-xcơ-va, với những phong tục hết sức lạ lẫm mà các bạn Liên Xô đã “đạo diễn” trong lễ cưới.

 

Tôi và Vân học cùng Trường cao cấp phong trào công đoàn Liên Xô (nay là Học viện Lao động và Quan hệ xã hội). Khi được hai gia đình và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô cho phép tổ chức đám cưới, chúng tôi không có điều kiện xem ngày giờ tốt xấu (thực tình lúc đó cũng không chú trọng) nên chọn ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1989), dịp nhà trường cho sinh viên nghỉ lễ để tổ chức lễ cưới.

 

Vì người thân, họ hàng đều ở Việt Nam nên chúng tôi nhờ các anh bạn đồng hương, các bạn học người Nga ở hai lớp thay mặt hai họ nhà trai, nhà gái và cùng đứng ra tổ chức lễ cưới. Qua đó mà chúng tôi được trải qua một đám cưới kiểu Nga.

 

Đối đáp khi vào nhà gái

 

Đoàn họ nhà trai chúng tôi hơn 10 người đi bộ đến nhà gái (từ tầng 6 lên tầng 9 ký túc xá sinh viên). Vừa lên đến hành lang tầng 9 đã bị họ nhà gái chặn lại, các cô gái khoa tay múa chân nói chuyện với âm điệu trầm bổng như diễn viên kịch:

 

- Các anh đi đâu mà đông thế, ăn mặc đẹp thế?

 

Anh chàng trưởng họ nhà trai lên tiếng:

 

- Chúng tôi đi rước dâu.

 

Phía họ nhà gái giả vờ không biết, gây khó khăn:

 

- Cô dâu nào mà rước?

 

- Chúng tôi rước cô dâu Vân - Nhà trai trả lời.

 

Hai họ đối đáp thêm một lúc nhà gái mới chịu cho nhà trai tiến về phía phòng ở của cô dâu… và một cửa ải nữa được đặt ra.

 

Cô dâu và chú rể mang những vòng hoa kết bằng tiền hôn nhau để các bạn uống rượu

 

Dấu son môi trước cửa

 

Ngay trước cửa phòng cô dâu dán một tờ giấy trắng dày, rộng khoảng 1m2, trên đó có in cả trăm dấu môi son. Họ nhà gái hỏi tôi rằng tôi và Vân có hôn nhau không? Nếu có thì có biết dấu môi son nào của cô dâu thì mới mở cửa cho vào nhà. Thực ra trước đó, trưởng lớp của Vân đã đưa cho tôi xem trước và mách cho tôi biết dấu son của Vân rồi. Cánh cửa phòng được mở ra, hai họ cùng vào và một thử thách nữa được đưa ra.

 

Hai cô dâu cùng trùm kín đầu

 

Trước mắt chúng tôi là hai cô dâu trùm khăn kín đầu, nhà gái yêu cầu phải chỉ đúng ai là cô dâu thật mới cho rước dâu. Điều này đối với tôi hơi dễ vì quần áo cưới gia đình may từ Việt Nam gửi sang, tôi đã biết trước. Nếu cả hai cô gái cùng mặc bộ váy dân tộc Nga như nhau thì khó phân biệt được vì cô dâu phụ dáng người cũng giống như Vân. Sau khi tôi chỉ đúng cô dâu, cả hai họ nhà gái, nhà trai vui vẻ cùng nhau tiến về sảnh hội trường lớn của nhà trường - nơi tổ chức lễ cưới.

 

Cắn bánh mì, muối

 

Trước cổng vào hội trường, một bạn gái người Nga lớp tôi mặc y phục dân tộc bê một chiếc khay, trên ấy để một ổ bánh mì tròn to đường kính khoảng 30cm, một ít muối và yêu cầu cô dâu, chú rể mỗi người cắn một miếng bánh mì. Vân mắc cỡ chỉ hé môi cắn nhẹ một miếng, còn tôi ỷ mình là con trai, không ngại nên há miệng cắn mạnh. Các bạn Liên Xô trong lớp cười giòn giã. Lúc này lớp trưởng mới giải thích là theo phong tục cưới của nước bạn thì cô dâu và chú rể cùng cắn vào ổ bánh mì, ai cắn được miếng lớn hơn sau này sẽ làm chủ gia đình!

 

Đập ly rượu cưới

 

Bước vào hội trường, các bạn Liên Xô trong lớp đã đến trước chuẩn bị sẵn một nghi thức uống rượu cưới rất ngược với phong tục Việt Nam. Một bạn bê chiếc khay có một chai rượu sâm banh và hai chiếc ly, các bạn bảo tôi mở chai rượu rót đầy hai ly: Cô dâu - chú rể mỗi người uống một ly. Sau khi uống xong các bạn Liên Xô bảo đập ly đi. Tôi ngạc nhiên và phân vân vô cùng... nhưng các bạn nhắc lại một lần nữa nên tôi ném cái ly xuống sàn nhà vỡ toang và bảo Vân cũng làm như vậy.

 

Lúc bấy giờ các bạn mới giải thích: Đây là ly rượu cưới của cô dâu và chú rể. Hai người uống xong thì đập vỡ đi để không có người thứ ba nào được uống rượu trong hai ly này, để cầu chúc hạnh phúc, một vợ một chồng.

 

Gắn liền hai trái tim, khóa và đốt chìa khóa

 

Sau một loạt nghi thức do các bạn Liên Xô “đạo diễn”, chúng tôi bắt đầu tiệc cưới. Anh Ty học khóa tôi (người tỉnh Lai Châu) trang trí một tấm phong cưới thật hoành tráng: Cũng song hỷ, đôi chim câu, những cánh hoa hồng rực rỡ, tên của cô dâu chú rể lồng vào nhau… Các thầy cô giáo và các bạn học Liên Xô rất thích.

 

Cô dâu, chú rể và đại diện hai gia đình cùng chú rể phụ, cô dâu phụ ngồi vào bàn tiệc, ngay trước tấm phong. Một cô bạn cầm chiếc đĩa có đặt hai trái tim cắt bằng giấy hồng, được nối với nhau bằng một sợi ruy-băng đỏ, bên trên để một chìa khóa bằng giấy và một hộp diêm. Cô bạn gắn một trái tim lên ngực cô dâu, một trái tim lên ngực chú rể, rồi cầm chiếc chìa khóa bằng giấy làm động tác khóa hai trái tim lại, sau đó dùng diêm quẹt đốt cháy chiếc chìa khóa. Cô bạn giải thích với mọi người là hai trái tim của cô dâu, chú rể đã kết nối với nhau và đã khóa chặt, chìa khóa đã bị đốt hủy, không ai có thể mở trái tim của cô dâu, chú rể để chen vào tình yêu của đôi vợ chồng.

 

Thiên sứ tặng quà

 

Các bạn Liên Xô trong lớp tôi và Vân hóa trang thành 3 con ngựa kéo xe, trên xe có 2 thiên sứ mang hoa, quà và một bức thông điệp viết những vần thơ chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu chú rể. Các bạn đọc những câu thơ chúc hay như những diễn viên biểu diễn trên sân khấu, cả lễ cưới vỗ tay ầm ĩ.

 

Sau đó từng nhóm bạn tặng quà cưới. Riêng các bạn Liên Xô tặng quà và choàng vào cổ chúng tôi những vòng hoa kết bằng những đồng tiền rúp dán dính lại với nhau, kèm theo nhiều lời chúc: “Vòng hoa này mua dụng cụ gia đình”, “Vòng hoa này để đi du lịch”. Có bạn tặng và nói: “Vòng hoa này là để mua xe nôi em bé”. Mọi người cười vang…

 

Lễ cưới diễn ra với nhiều trò vui khác, thỉnh thoảng các bạn lại la to: “Gô-rờ-ka, gô-rờ-ka” để cô dâu và chú rể hôn nhau. Ý các bạn đùa rằng đang uống rượu cưới nhưng “đắng lắm, đắng lắm”, cho nên cô dâu và chú rể phải hôn nhau, hôn nhau thật ngọt để các vị khách uống rượu cho ngon… và cứ mỗi lần cô dâu chú rể hôn nhau thì các vị khách lại vỗ tay cười vui và uống cạn ly rượu. Tiệc cưới cứ thế kéo dài… nhưng phong tục cưới của Nga vẫn chưa hết…

 

PHẠM NGỮ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek