Thứ Sáu, 11/10/2024 15:27 CH
Lời hứa thanh xuân – truyện ngắn của BẠCH TỬ
Thứ Hai, 25/09/2017 07:32 SA

Minh họa: PV

Anh ngồi xuống bàn, nhìn dĩa cá rô kho tiêu với tô canh chua bông súng bốc khói thơm lừng. Ngoài hiên, gió thổi làm mấy bóng cây lao xao, mát rượi. Thoáng trong không khí hương hoa chúa sực nức cả trời trưa. Thấm thoát, anh đã ở cái xóm heo hút này hơn nửa năm. Không tiệc tùng, không vũ trường, không có rắc rối gia đình… đời thanh bình đến lạ. Thanh Bình như cái tên của anh.

 

Nhớ mấy tháng trước, đầu óc anh rối tung rối mù vì ba mẹ bắt lấy vợ. Một người xinh đẹp, thông minh, là con gái rượu của ông giám đốc công ty dược phẩm lớn nhất tỉnh. Ai gặp cô cũng phải xiêu lòng, nhưng anh thì không, vì trong tim anh đã có một hình bóng khác cùng một lời hứa chưa được hoàn thành.

 

Anh tìm mọi cách từ chối. Như người chết đuối gặp đò, anh nhận lời mời của nhỏ bạn quen thời đại học, lúc đi Mùa hè xanh: “Ông về quê tui làm bác sĩ tình nguyện đi. Vừa tránh nạn, vừa có ích cho người khác”.

 

Thế là anh cuốn gói lên đường. Ba mẹ anh cũng chẳng cản được thằng con ngang bướng hay lý sự: “Con còn trẻ, còn lý tưởng sống. Con muốn phục vụ quê hương, đến với những người cần con. Như vậy thì có gì sai?!”.

 

Ngày đầu đến đây, nhỏ bạn chạy chiếc xuồng máy ra rước anh ở chợ huyện. Nhỏ mặc áo bà ba bông tím, quần đen rộng và đội nón lá quai nhung. Hình ảnh cô sinh viên Tây Đô bụi bặm bốc hơi mất tiêu làm anh nhìn không ra. Anh bước xuống xuồng, xém té làm nhỏ cười ngặt nghẽo. Con trai thị thành hơn hai mươi lăm năm sao mà quen sông nước. Đến nơi, đoàn đón tiếp làm anh choáng váng. Toàn bộ nhân vật tai to mặt lớn trong xóm còn gì. Họ mừng anh, mừng vì cái xóm này hai năm rồi mới có bác sĩ về. Nhưng không biết ở được bao lâu, hay mấy tháng là chịu hết nổi, và bỏ đi như bao người trước.

 

Nói thật, lúc đầu anh cũng chịu không nổi. Đêm nào cũng ngủ từ lúc gà mới lên chuồng, thức thì sớm bửng khi mặt trời chưa mọc. Nằm trong mùng nghe muỗi bay vo ve, tiếng ễnh ương ếch nhái vọng từ ngoài đồng buồn thúi ruột. Mưa thì sình sịnh đầy đường, nắng thì nóng muốn phỏng da. Chưa kể chuyện ăn uống cực khổ, hơi bị thiếu vệ sinh. Anh nhớ thành phố, nhớ cái phòng đầy đủ tiện nghi. Nhiều lúc, ý nghĩ chấp nhận số phận vây lấy anh, chỉ muốn thu dọn đồ đạc về nhà lấy vợ sinh con cho ba mẹ vui lòng, nhưng lời hứa năm xưa lại hiện về khiến quyết tâm trong anh bừng lên lần nữa.

 

Anh ở cái xã nghèo riết rồi cũng quen. Sự chất phác, chân tình của bà con nơi đây níu chân anh lại. Họ thương yêu, quý trọng anh hết lòng hết dạ. Có cái gì cũng đem qua cho ông bác sĩ, khi thì nải chuối, rổ khoai, khi thì con cá lóc đồng hay đòn bánh tét… có đám tiệc gì cũng mời ông bác sĩ, từ đám cưới, đám giỗ đến đầy tháng, thôi nôi… mà chẳng cần ông bác sĩ quà cáp đáp lại, chỉ cần ông bác sĩ đừng bỏ đi.

 

Anh nhớ bữa tối ngồi uống trà với mấy bác lớn tuổi trong xóm, nghe đờn ca tài tử, ông Ba “Ếch” vừa khóc vừa thật thà kể làm anh muốn rớt nước mắt: “Xã này nghèo lắm ông bác sĩ ơi. Mấy đứa nhỏ học hành hông bao nhiêu, mà còn bịnh hoài. Bệnh viện huyện thì xa. Mấy năm trước, tui có đứa cháu độc nhất, hồi ba tuổi nó bị sốt xuất huyết, chở đi bệnh viện hông kịp. Nó chết. Nếu hồi đó có bác sĩ ở đây…”.

 

Tối nay, anh được mời nhậu ở nhà bác Tư với lý do vô cùng dân dã: con trai Út của bác Tư đang học năm nhất đại học khoa Nông nghiệp được nghỉ hè về thăm nhà. Ở cái xã này, học tới đại học là điều vô cùng cao xa hiếm thấy. Gia đình bác Ba Thành khá giả, nề nếp lại có con học cao nên rất được tôn trọng. Nhỏ bạn anh đang là y tá xã, chính là con gái thứ ba của bác. Nhỏ từng kể về sự tích oanh liệt của thằng em khiến anh ngưỡng mộ.

 

Thằng bé đã dám tự tin tuyên bố rằng: “Ba má muốn con học kỹ sư, bác sĩ để được làm ông này bà kia, để thoát khỏi cái số nông dân nghèo khổ. Con hiểu và con cũng từng nghĩ đến. Nhưng mà… con làm vậy chỉ giúp được một mình con hà. Ba từng nói làm nông dân thì không học cũng làm được. Con biết chớ. Nhưng nông dân như ba nói hông biết trồng như thế nào để giàu lên. Nông dân mình làm quần quật cả đời vẫn nghèo là vì thiếu kiến thức, thiếu kỹ thuật. Con học nông nghiệp chính là vì muốn mang lại thứ đó cho bà con. Cụ thể là xã mình nè”.

 

Chuyện này luôn khiến anh nhớ đến một người, người đã rót vào anh bầu nhiệt huyết thanh xuân, khiến anh tự nguyện đến nơi này để cống hiến sức lực và trải nghiệm cuộc sống. Người đó đã cho anh biết đến một môi trường hoàn toàn khác chiếc tháp ngà đã bảo bọc nâng niu anh suốt mấy chục năm. Người đó có đôi mắt rất đẹp, rất quyết đoán cương nghị khi giải quyết công việc, nhưng rất dịu dàng bao dung mỗi lần nhìn anh. Tâm hồn anh đã sa vào một đôi mắt như vậy, không thể phản kháng.

 

*

 

Hôm nay, trong xóm có người đổ máu. Anh ngồi trong trạm xá, băng bó cái chân đứt cho thằng Tâm. Nó là cháu ông Tám “Rắn”, đi thăm ruộng đá phải con dao làm cỏ ai bỏ quên. Máu đổ ào ào, mọi người phải cõng chạy về.

 

Nhỏ nhìn anh chăm chú công tác, đột nhiên nhớ tới chiến công dở khóc dở cười của anh cách đây mấy ngày. Số là trạm xá chỉ có ba người: một y tá trẻ, một dược tá già và anh. Chẳng ai có kinh nghiệm trong chuyện vượt cạn. Những bà bầu sắp sinh đều lên bệnh viện huyện hết. Trong xã có chị Hương, tính đúng ngày là cuối tuần nhưng mới tối thứ ba đứa nhóc đã quậy đòi ra. Cả nhà chạy khắp xóm tìm bà mụ, nhưng bà đã đi thăm con trên huyện. Thế là ông bác sĩ trẻ bị đặt hết kỳ vọng. Cũng may là mẹ tròn con vuông.

Lúc bồng đứa trẻ trên tay, anh thở phào nhẹ nhõm như được giải thoát, thì thầm với nhỏ: “May là mẹ tui là bác sĩ khoa sản…”.

 

Vừa băng bó xong, anh ngẩng mặt lên thì thấy bác dược tá đi vào. Gương mặt bác hầm hầm thấy sợ, nhưng đôi mắt lại khắc khổ đau lòng pha nét mệt mỏi bất lực. Anh biết số thuốc mới phát cho xóm lại quá hạn, chuyện này không phải lần đầu.

 

Nhỏ bạn anh điên tiết la lên: “Dân xóm này có nghèo khổ cũng là người, chứ có phải gà vịt đâu mà cái đám trên đó làm việc như vậy. Đúng là lương tâm chó cắn. Không sợ trời đánh chết…”.

 

Mấy lần trước cũng vậy, nhỏ phải chở lên huyện đổi lại. Có lần phải gửi hoa hồng cho mấy cha trên đó mới chịu đổi. Nói một hồi, anh hùng hồn tuyên bố: “Để lần này tui đi với bà rồi nói chuyện với mấy người đó luôn”.

 

Nhỏ cùng anh ôm mấy thùng thuốc xuống xuồng, chở lên huyện. Đến nơi, anh giao cho nhỏ việc đổi thuốc, còn mình đi tìm thủ trưởng đơn vị. Nhỏ nhìn theo dáng anh, vừa mừng vừa lo. Trước giờ, anh không lên tiếng, vì lo lắng ba mẹ phiền hà, ngại thiên hạ nói mình dựa quyền cậy thế. Nhưng con giun xéo quá cũng quằn, huống chi con người. Nhỏ đổi thuốc xong, chính xác là vừa cãi nhau ỏm tỏi xong, anh cũng đến.

 

Thấy nhỏ căng thẳng nhìn mình, anh khoát tay tỏ vẻ không sao, lời nói khí phách như đinh đóng cột: “Yên tâm đi, từ giờ sẽ không có chuyện gì nữa”.

 

Anh cùng nhỏ trở về lúc nắng gắt. Mấy đám chuồn chuồn bay là đà mặt nước. Đám mây xám xịt phía chân trời dâng lên ngày càng cao. Hai người đi được nửa đường thì trời đen kịt, rồi những hạt mưa đầu tiên đổ xuống. Giữa đồng không mông quạnh, không có chỗ trú mưa. Anh cho xuồng tấp vào bờ, núp dưới mấy cây tràm. Mưa giăng trắng xóa cánh đồng. Gió thổi ào ào như nổi bão, mấy đám lau sậy ngã rạp trong gió.

 

Chiếc xuồng ngập đầy nước. Cả hai phải ra sức tát. Anh không mặc áo mưa. Cái áo đang bọc những thùng thuốc dù chúng đã được bao mấy lớp. Thuốc là trên hết. Anh dốc sức tát nước, quên cả mệt. Người anh dầm mưa, ướt nhẹp. Nước mưa trên mặt anh hòa với mồ hôi đang túa ra. Mặn chát và lạnh ngắt. Công tử thị thành thư sinh nho nhã sống ở xóm nghèo mấy tháng đã biết bơi xuồng tát nước, còn chịu cực không thua người nào, đã trở thành đàn ông chân chính.

 

Anh thầm nghĩ, nếu người đó nhìn thấy anh bây giờ, chắc sẽ vui mừng lắm. Và từ ngày đó, anh có thêm biệt danh Bình “Khùng”.

 

Cái từ “khùng” giống như huân chương hơn sỉ nhục, không chỉ vì chuyện đổi thuốc nổi tiếng trên huyện, mà còn vì chuyện từ bỏ cuộc sống nhung lụa cùng tương lai xán lạn huy hoàng. Gia đình anh giàu sang quyền quý, ba là giám đốc, mẹ là trưởng khoa trong bệnh viện lớn nhất tỉnh, lại tốt nghiệp bác sĩ loại xuất sắc. Thế mà tình nguyện về cái xã khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn sỏi. Ai lại không đặt dấu hỏi to đùng. Nhưng mỗi lần nghe thiên hạ thắc mắc, anh chỉ cười giả lả cho qua.

 

Lời hứa của anh với người đó, chỉ mình anh biết là đủ rồi. Anh sẽ dùng hành động cụ thể để chứng minh thành ý. Anh sẽ không còn là chim hoàng yến yếu đuối trong lồng son, có thể là bờ vai vững chắc để người đó dựa vào mỗi lần mệt mỏi, cũng cho người đó thấy anh đã trưởng thành, có lý tưởng cùng niềm tin xây dựng quê hương.

 

Một ngày nào đó hai người sẽ gặp lại nhau, một bác sĩ vùng đất phèn ngập úng và một giáo viên cắm bản vùng biên giới núi cao. Khi hai người đã thực hiện được lời hứa năm xưa, một lời hứa thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết và hoài bão.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek