Thứ Bảy, 12/10/2024 01:20 SA
Bình phong trước gió – truyện ngắn của BẠCH VÂN
Thứ Hai, 31/07/2017 07:00 SA

Minh họa: PV

Mới 9 giờ sáng, anh Ngân đã ngồi ngáp ruồi vì vắng khách. Ông Điếu bán quán nước bên cạnh nói với qua:

 

 - Qua đây uống chén nước và làm ván cờ cho đỡ buồn ngủ. Giờ thiên hạ đi lốp không săm, nghề vá xe của chú “lụt” rồi. Tìm cách chuyển nghề khác đi thôi.

 

- Không làm nghề này thì còn làm gì hả bác. Ngày trước còn sức khỏe, em đi vác thuê, phụ hồ cũng được một đến hai trăm ngàn mỗi ngày, phụ mẹ nó nuôi con bé tí. Từ cái dạo bị sụn lưng, mẹ con bé chỉ cho em ở nhà vá xe; kiếm được đồng nào thì kiếm còn cơm nước và phụ đón con cho mẹ nó đi chợ.

 

- Tính ra cô chú mới về xóm này được một năm chứ mấy. Trước xóm lụp xụp lắm, toàn dân lao động, trộm cắp cư ngụ. Từ ngày có con đường chạy qua, xóm khang trang lên hẳn, nhưng “thối”. Đấy chú nhìn con kênh chạy song song với con đường thì thấy, đen ngòm, bốc mùi, đi qua thì được chứ ở gắn bó như gia đình tôi và chú thì chỉ có không còn chỗ nào rẻ hơn mới phải vô đây thuê.

 

- Vợ chồng em ở dưới quê lên thành phố, tìm thuê được chỗ rẻ này là mừng lắm rồi, nên khuất mắt trông coi bác à. Ấy đến lượt bác đi rồi…

 

- Chú vừa đi quân gì ấy nhỉ?

 

- Em vừa đi quân xe, ăn con tốt của bác… Bác cứ nói xóm nghèo chứ em thấy nhà kia giàu quá trời. Cái nhà màu xanh ấy bác, ngày trước vợ chồng em còn tưởng đó là công ty định xin vô làm công nhân.

 

- Cái nhà ấy đó hả, từ khi con đường làm lên thì nhà đó cũng chuyển về. Họ mua một lần năm lô, nghe nói trả giá cao lắm; rồi xây biệt thự. Vợ chồng họ cũng có qua hàng xóm chào một lần; từ đó tới nay năm năm rồi cũng chẳng thấy ai nhìn thấy mặt họ. Họ giàu nên hàng xóm cũng ngại…

 

Đang đánh cờ, anh Ngân nghe tiếng khách gọi với:

 

- Thay cho cái lốp ông anh…

 

- Có ngay đây… Bác chờ em chút nhé. Bác nhớ từ từ hãy đi quân mã đợi em thay cho khách 15 phút là em qua liền.

 

Anh Ngân nhìn chiếc xe SH màu đen bóng cáu cạnh thì ái ngại:

 

- Anh thay lốp xe này hả…

 

- Xe kia, xe này ông thay được sao?

 

Người thanh niên vừa nói vừa chỉ vô chiếc xe cà tàng của cậu thanh niên đi đằng sau. Anh Ngân hồ hởi:

 

- Xe này tôi thay được, năm phút là xong.

 

- Ông cứ bình tĩnh làm, xe chiều 6 giờ mới lấy.

 

- Nhưng trưa tôi phải về nhà, trông xe cho cậu ấy sao được.

 

- Ông cứ để đó đi, mất tôi đền. Mấy thứ đồ này ai thèm lấy của ông. Đây, tôi đưa tiền trước cho ông.

 

Anh Ngân đang tính nhẩm, cả tiền công và lốp xe hết khoảng ba trăm ngàn đồng thì cậu thanh niên rút ra hai tờ năm trăm ngàn đồng nhét vào tay anh Ngân.

 

- Cầm cả nhé…

 

Người thanh niên ra hiệu cho người đi cùng lên xe SH và phóng thẳng vào biệt thự màu xanh.

 

 

Cất tiền cẩn thận trong bì bóng, anh Ngân chạy qua bên bác Điếu

 

- Bác đi mã chưa?

 

- Tôi chờ chú mà. Sao không thay cho khách…

 

- Ôi… chiều sáu giờ mới lấy mà bác. Họ giàu có khác, trả em tới cả triệu mà còn chẳng lo mất xe…

 

- Thế hả… cái ông đi con xe KIA bốn chỗ đó hả. Trước ông mua điếu thuốc lá cũng đưa tôi tới cả năm trăm ngàn.

 

- Lần này là cậu thanh niên đi SH. Chắc là con trai ông đó. Em và bác đúng là hên, ngồi ngay ngõ vào biệt thự nên thỉnh thoảng được hưởng lộc.

 

- Không chỉ tôi và chú đâu, mấy nhà gần đó cũng được cho tiền liên tục đó. Ở gần như tôi và chú hay được cho nhất. À có chuyện này tôi định kể với chú từ lâu mà giờ mới nhớ… Ngày trước, khi vợ chồng chú về được mấy tháng, thấy có người nhà đó đi hỏi xem cô chú là người thế nào… Kìa chú đi nhầm rồi, chú phải đi quân tịnh…

 

- Chết, chắc đói bụng hoa mắt bác à. Từ sáng tới giờ vợ nó cho ăn có ổ bánh mì. Mà vợ chồng em đâu quen biết gì mà họ hỏi. Em mà có họ hàng giàu vậy đã không phải ngồi vỉa hè như này.

 

- Không riêng vợ chồng chú, ai mới về đây họ cũng hỏi thăm kỹ lắm. Chắc họ giàu nên sợ trộm cắp. Giàu thì giàu chứ thái độ thế tôi không ưa. Từ dạo cầm năm trăm ngàn đồng đó, về sau cho tôi đâu nhận. Nói thật chú đừng nói với ai, tôi cũng từng vào lính nên thấy họ cứ mờ ám thế nào. Ngày đầu tôi cũng báo cho bên công an nhưng nhiều năm rồi chưa thấy gì…

 

-Thôi mười giờ rồi, em phải qua chỗ mẹ nó lấy thức ăn về nấu cơm rồi đi đón con bé. Bác cứ để đây, chiều rảnh em và bác đánh tiếp.

 

...

 

King cong…kiii…ng…cc..o…ng.

 

Anh Ngân bấm chuông ngôi biệt thự ba lần, tiếng đàn chó sủa inh ỏi, át cả tiếng chuông cửa.

 

- Hỏi ai?

 

Một cô gái thò qua lỗ cửa hỏi.

 

Cho tôi gặp cậu gì đi SH màu đen. Tôi gửi lại tiền thừa…

 

- Ở đây ai chẳng đi SH, ô tô.

 

- Vậy cô cầm tiền gửi cho cậu ấy và nhắn với cậu ấy tôi cầm xe về nhà, chiều tôi đi họp phụ huynh cho con nên không ngồi đầu ngõ. Nhà tôi bên vách nhà này, khi nào lấy xe cứ qua dắt, tôi không khóa cửa.

 

- Tôi sẽ nhắn lại. Tiền thừa thì cầm lấy đi, đáng gì đâu mà trả lại. Giờ ông về đi…

 

Cô gái đóng sập cửa trước mặt anh Ngân, chỉ còn lại đàn chó cào cào vào cửa sắt như muốn bứt dây xích xồ ra.

 

*  *  *

 

- Ngồi qua kia đi chị, em còn bán hàng.

 

- Chỗ này tôi vẫn bán buổi chiều mà. Có chị đi chỗ khác thì có.

 

- Chị nói vậy sao được. Em mua chỗ đóng phí theo tháng cho ban quản lý chợ. Thường em chỉ bán buổi sáng, nay rau ế còn nhiều nên phải ngồi cả chiều cho hết.

 

- Tôi cũng đóng phí cho ban quản lý chợ. Không ngồi đây thì ngồi đâu, cô sợ ế hàng phải đổ bỏ chẳng nhẽ tôi thì không sao.

 

- Tôi không nói nhiều với chị, chị không đi là tôi hất đống hoa quả của chị đi đấy…

 

Thủy hằn giọng rồi lẩm bẩm - mẹ nó chứ, mới đầu tháng nhà thì hết gạo, tiền học cho con cô giáo nhắc hoài… cả triệu bạc… mà bán mớ rau cũng có đứa định cướp cơm của bà…

 

- Con mẹ kia lầm rầm chửi ai đấy… Bà tưởng mình nhà bà hết gạo à. Chỗ đây đây ngồi nhé, không tranh không cướp của ai, cũng đừng ai mong tranh cướp được…

 

Người đàn bà đanh quánh chửi lại. Nghe tới đó, Thủy bỏ gánh rau, lao thẳng đến chỗ người đàn bà. Như bốc hỏa, hai bên lao vào nhau túm tóc…

 

- Thôi đi hai con mẹ này, cùng cảnh khổ với nhau, đánh nhau làm gì. Đã ở cái xóm này lại còn phải mưu sinh nơi góc chợ nữa, có đứa nào hơn đứa nào mà đánh nhau… Dừng lại đi không hoa quả và rau nát hết, bán còn ai thèm mua… An ninh khu phố xuống phạt là mất toi mấy ngày chợ đấy…

 

Tiếng chị bán cá cùng một vài người trong chợ can ngăn. Thủy buông người đàn bà mới đến chợ. Chị ngồi phịch xuống cái đòn, thở hồng hộc. Người đàn bà kia thu gom đồ rồi bỏ đi lúc nào không ai biết.

 

Chị bán chè ngồi sát bên đưa cho Thủy cái quạt:

 

- Hạ hỏa đi cô. Ngày thường cô hiền lành mà động vào cũng đanh đá chẳng kém ai.

 

- Mưu sinh thôi bác. Chứ em bán ở đây cả năm nào có thấy mặt con nhỏ đó. Bà con trong chợ em biết mặt hết, nói với nhau một câu nhờ vả thì cũng xong, đằng này…

 

- Mọi lần thấy người trong biệt thự vẫn mua rau của cô, sao hôm nay không thấy.

 

- Em nào có biết. Họ không mua nữa nên em mới ế thế này. Đúng là có tiền nó sướng thế đó bác. Mà nhà đó làm gì mà giàu dữ vậy bác?

 

- Nào tôi đâu có biết. Tôi ở đây cũng lâu rồi chỉ thấy họ đi ra đi vào toàn người có vẻ trí thức. Cũng lạ cô à, nhiều cô cậu như sinh viên, lúc vô thì xe đạp, xe Honda tàu, chỉ tháng sau đi ra đã SH, xe con. Thôi cô bán đi, có người hỏi mua hai mớ rau ngót kìa…

 

 

Ngân đi ra chợ tìm vợ. Anh đưa cho Thủy 1 triệu đồng được gói cẩn thận trong bì bóng:

 

- Đi họp cho con. Cầm tiền nộp cho hiệu trưởng. Sắp xong học kỳ rồi. Hôm nay nhà trường gặp mặt mẹ của học sinh. Em đi để anh bán cho.

 

*  *  *

 

Chín giờ tối, vợ chồng Ngân tắt đèn chuẩn bị đi ngủ, chỉ để lại ngọn đèn bàn cho bé Vi học bài. Một người đàn ông to béo đẩy cửa bước vào, đứng choáng hết khung cửa. Ngân bật dậy, định bật đèn thì một người đàn ông cũng to cao ngăn anh lại:

 

- Ông chủ qua muốn nói chuyện với vợ chồng anh.

 

- Ông chủ biệt thự màu xanh phải không? (chị Thủy nhanh nhảu).

 

Khác với vẻ lạnh lùng, người đàn ông này có giọng trầm ấm và nói rất nhỏ nhẹ:

 

- Trước tiên tôi qua chào anh chị. Anh chị về xóm cũng được một năm rồi, lại sát vách nhà tôi mà chúng ta chưa biết nhau.

 

- Vợ chồng em nhỏ hơn, nhẽ ra phải qua thăm trước. Hôm rồi định qua tiện thể gửi lại tiền thừa mà nhà bác kín cổng cao tường quá nên em cũng ngại. Xe em thay lốp mới rồi, để em dắt ra cổng cho bác (Ngân đáp lại).

 

- Thôi khỏi, tôi thấy cô chú cũng không có xe, cứ lấy mà đi. Tôi làm kinh doanh ở nước ngoài, cũng tiết kiệm được ít tiền chỉ muốn về chỗ yên tĩnh này an hưởng tuổi già. Hàng tháng tôi có thể giúp cô chú ít tiền coi như là giúp nuôi cháu nó học, chỉ mong cô chú giúp tôi có người lạ dòm ngó nhà tôi thì để mắt báo lại hộ tôi.

 

- Bác yên tâm, xóm này tuy toàn người nghèo nhưng không ai có tính tắt mắt, trộm cắp đâu. (Thủy lên tiếng).

 

- Bác ấy là bác không sợ người trong xóm, chỉ sợ người lạ bên ngoài. Ý bác là có người lạ nào dò hỏi, để ý nhà bác thì báo bác ấy với (Ngân giải thích cho vợ).

 

- Thế bác yên tâm. Chồng em vá xe ngay trước cổng vào, ai vô cũng đi qua trước mắt anh ấy. Còn cháu ở chợ, chuyện gì cũng tới tai, ai dò hỏi gì bác cháu sẽ nói cho. Bác uống nước đi…

 

Thủy đưa ly nước cho người đàn ông. Trước sự chân thành của hàng xóm ông cũng miễn cưỡng cầm qua lý nước và uống một ngụm nhỏ…

 

*  *  *

 

Sáng hôm sau, Ngân qua chơi nốt ván cờ với bác Điếu và cũng để chào tạm biệt:

 

- Mai cháu đưa vợ con về quê. Không giấu gì bác, vợ cháu có bầu đứa thứ hai. Ở đây cuộc sống mưu sinh vất vả, vợ chồng cháu trụ không được. Một đứa con thôi đã phải cố, giờ thêm đứa nữa không biết sẽ thế nào.

 

- Quý chú, cũng muốn giữ chú lại có bạn cờ, nhưng hoàn cảnh sao cho tiện là được.

 

Hai tuần sau, ông Điếu thấy xe cảnh sát đậu đầy ngoài cổng căn biệt thự màu xanh. Ông cũng như hàng xóm tò mò qua nghe cơ quan chức năng đọc lệnh khám nhà và bắt giữ ông chủ cùng đám tay chân. Năm năm trời, sống ngay cạnh biệt thự, tới giờ ông mới biết họ làm gì trong đó. Họ xây hầm ngầm sâu vào lòng đất 5m, đặt cả một hệ thống cáp mạng. Họ tuyển những sinh viên giỏi về công nghệ thông tin nhưng nghèo, cần tiền để thực hiện việc ăn cắp cước viễn thông. Số tiền mà tổ chức này đã lấy của Nhà nước lên tới hàng trăm tỉ đồng… Ông Điếu bất giác nhìn qua căn nhà lá của vợ chồng nghèo, bạn cờ của ông mấy tuần trước. Căn nhà vẫn chưa có người thuê, bỏ không, ông bước vào, căn nhà tối tập trung hết ánh sáng vào tấm ván gỗ bị thủng ngay sát mái. Hé ánh mắt qua nhìn, ông thấy gần như toàn bộ căn biệt thự bên cạnh….

 

Cuối năm, xóm nghèo được đầu tư tiền khơi thông con kênh, biến nó thành dòng nước trong lành. Ông Điếu được UBND thành phố mời dự tổng kết cuối năm và nhận bằng khen - Người cựu chiến binh góp phần giữ gìn bình yên khu phố.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek