Thứ Bảy, 12/10/2024 01:26 SA
Sông Hinh trong tôi
Thứ Sáu, 21/07/2017 11:00 SA

Thị trấn Hai Riêng, trung tâm huyện lỵ Sông Hinh ngày càng khang trang, hiện đại - Ảnh: VĂN THÙY

Sông Hinh được thành lập ngày 17/12/1984 trên cơ sở chia tách huyện Tây Sơn (tỉnh Phú Khánh) thành hai huyện Sơn Hòa, Sông Hinh.

 

Từ một huyện miền núi nghèo nàn, lạc hậu, Sông Hinh bây giờ có thể gọi bằng cụm từ “miền đất hứa”. Tôi xin viết lại những điều mắt thấy tai nghe về một Sông Hinh, bằng hành trình thâm nhập và trải nghiệm của một cô giáo đã đến và ở lại Sông Hinh.

 

Sông Hinh, ngày tôi đến

 

Năm 2002, tôi tình nguyện ôm hồ sơ lên Sông Hinh xin việc. Đứng trước cửa Phòng GD-ĐT huyện, tôi há hốc mồm. Cơ quan chủ quản giáo dục của một huyện mà nhỏ thế này thì giáo dục của huyện sẽ ra sao, tôi có chút bất an nhưng đã lỡ rồi, đâm lao thì phải theo lao. Một tuần sau, tôi được bổ nhiệm về Trường THCS Sơn Giang.

 

Không biết xã Sơn Giang nằm chỗ nào nên tôi âm thầm đi thăm dò. Gặp bác Tám, người trước đây “ẩn mình” trên Sông Hinh mấy năm đi thồ cây, đãi vàng bảo: Đó là vùng kinh tế mới. Dân di cư chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, có cả người dân tộc thiểu số, họ giống nhau ở chỗ đều rất… rất nghèo. Bộ mày không nghe chuyện cô giáo hỏi học trò, nếu cho em chọn hình phạt, em sẽ phạt Lý Thông thế nào, thì cậu học trò trả lời, em đày hắn tới vùng kinh tế mới hả? Đúng là sự “khủng bố” của bác Tám rất hiệu quả, tôi tái mặt ngay.

 

Hành trình đi tìm trường của tôi là một tấn “bi hài kịch”. Ngày hôm ấy, trời hửng nắng rất đẹp. Vậy mà vừa qua khỏi Sơn Thành, xe mới ló qua Sơn Giang được 2km thì phải xuống trả tiền cho người ta… khiêng xe qua bờ tràn. Chao ôi là nước! Đục ngầu cuồn cuộn. Nghe bảo đêm hôm trước mưa rừng to nên nước tràn xuống đường rất mạnh, đoạn có bờ tràn thì nước rất dữ nên phải khiêng xe. Người ta kể chuyện học sinh, người dân đi làm rẫy về bị lũ cuốn mất xác. Tôi nghe mà lạnh cả sống lưng.

 

Ngôi trường tôi đến mục nát còn thua cái cửa hàng cũ của hợp tác xã mà ở quê tôi (huyện Đông Hòa) người ta bỏ hoang. Trường được 6 lớp. Thầy hiệu trưởng đưa tôi đến khu nội trú - y như căn lều trú tạm của dân sơn tràng.

 

Tôi được chia ở với hai chị đồng nghiệp. Chiếc giường đơn cho hai cô giáo đã quá nhỏ, giờ thêm cô nàng “hột mít” là tôi nên đành phải lên trường khiêng hai cái ghế dài học sinh về kê vào cho có chỗ ngủ. Ngủ trên hai chiếc ghế kê cạnh giường chẳng thể đơn giản như cái cách người ta vẫn… ngủ. Cha mẹ ơi, đêm đầu tiên xa nhà, tôi nằm ngủ mà phải ngay đơ như cây… cơ, chỉ cần cựa mình là trúng cạnh ghế nên cứ cố mà nằm bất động.

 

Dạy ở Sơn Giang, nếu phải đi tập huấn hay hội giảng thì lên trị trấn. Kiếp nạn lớn nhất là giao thông. Chỉ cần mưa lớn là đứng bên cầu Sông Hinh (cầu nối xã Đức Bình và thị trấn Hai Riêng) ngó qua bên kia chứ không thể chạy qua. Nước vàng khè, ầm ào chảy, người đứng chờ nước rút bảo, cầu Sông Hinh không có đáy, xe cộ rớt xuống tìm không ra, nghe xong là đổ mồ hôi hột liền.

 

Hồi ấy Sông Hinh rất nghèo, cảnh thê lương, heo hút.

 

Học sinh Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt (huyện Sông Hinh) vui mừng bên ngôi trường mới - Ảnh: BÍCH NHÀN

 

Sông Hinh bây giờ

 

Sông Hinh chỉ cơ man là cỏ lau, cỏ tranh, núi rừng bạt ngàn, đường sá hỏng hóc, nhà dân thưa thớt như cái lược gãy răng là chuyện của ngày xưa. Sông Hinh bây giờ khang trang, sầm uất.

 

Cơ sở hạ tầng được xây dựng đàng hoàng, điện đã về hết các thôn buôn, mạng lưới viễn thông phủ khắp huyện.

 

Đã không còn những ngôi trường tạm bợ nữa, bây giờ trường học trong toàn huyện được nâng cấp kiên cố và đã đạt được nhiều thành tích đáng nể. Cụ thể, Trường THCS Ea Lâm là trường đầu tiên của huyện được công nhận chuẩn quốc gia. Sau đó là một loạt trường khác như: THCS Trần Phú, tiểu học Hai Riêng số 2, tiểu học Tân Lập, THCS Ea Trol… cũng được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Như vậy, từ một địa phương “trắng” trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay, huyện Sông Hinh đã có 9/34 trường đạt chuẩn.

 

Các trạm y tế gần như đều đã có một bác sĩ. Huyện đã và đang hoàn thành hệ thống thủy lợi. Đến với Sông Hinh bây giờ, bạn có thể ghé thăm thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ, hoặc đến điểm du lịch sinh thái tự nhiên ở hồ trung tâm thị trấn Hai Riêng, vui chơi ở đồi thông nằm cạnh hồ hoặc ghé thăm thác Jraităng ở Ea Trol, thác H’ly ở xã Sông Hinh và một số địa điểm du lịch khác.

 

Điều đặc biệt đã làm nên “thương hiệu” của Sông Hinh là đời sống văn hóa. Một mảnh đất hội tụ 19 dân tộc sinh sống đã tạo nên sự phong phú, độc đáo cho văn hóa Sông Hinh. Sông Hinh được xem là cội nguồn của Trường ca Đam San - Xinh Nhã, của cồng chiêng, hát khan và nhiều lễ hội độc đáo khác.

 

Vùng đất của A ráp

 

Đêm đặc quánh, núi rừng huyền bí. Đám lửa cháy to, sáng rực, tiếng nổ tí tách, lụp bụp cộng với tiếng cồng chiêng, tiếng trống đôi - âm điệu vừa linh thiêng vừa rộn ràng, say đắm.

 

Nhảy A ráp (còn gọi là múa xoan) gắn bó với đời sống của người Ê Đê, Chăm H’roi, Ba Na. Điệu múa này hiện hữu trong các dịp lễ hội như mừng tết, cầu mưa thuận gió hòa, lễ tạ ơn, ăn mừng, lễ hội đâm trâu, bỏ mả, lễ cúng vòng đời… Điệu nhảy đơn giản nhưng nghĩa tình, thể hiện tính cộng đồng, sự đoàn kết, và cả tình yêu với núi rừng, sông suối.

 

Một đống củi khô gồm những gộc cây to, xếp cao thành đống, bên cạnh đặt ché rượu cần, những chàng trai, cô gái, đôi khi là những người lớn tuổi cầm chặt tay nhau, xếp thành vòng tròn xung quanh. Khi tiếng cồng chiêng A ráp nổi lên, một mồi lửa được đặt vào đống củi, tiếng gọi thần thánh vang rền, tiếng nhạc nổi lên, lửa bừng cháy cũng là lúc những bước chân trần nhịp nhàng, đong đưa đều đặn, vòng tròn uyển chuyển xoay quanh đống lửa bập bùng cháy.

 

Những người tôi đã gặp

 

Những ngày đầu ở Sông Hinh thật khó khăn: dân trí thấp, trẻ bỏ học giữa chừng nhiều, ban ngày lên lớp, ban đêm phải đi dạy phổ cập. Nhiều lúc nản, muốn trốn về xuôi.

 

Rồi một buổi sáng, bình thường như bao buổi sáng khác ở khu nội trú, tôi thức dậy muộn, mở cửa đã thấy cậu học trò ngồi thu lu tự lúc nào trước hiên nhà. Tay cậu ôm bó rau muống to. Cậu rụt rè bảo: Em đem cho cô nấu canh! Có hôm tôi bệnh, học trò mang tới trái cam nhà, trái đu đủ. Chưa hết, những ngày lễ, quà các em tặng là những bó hoa cỏ rất đẹp. Quả thật, đó là những khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc.

 

Không chỉ là những cô cậu học trò thân thương tình nghĩa. Khi gắn bó với miền đất Sông Hinh, tôi chứng kiến cảnh người dân phấn khởi hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình nông thôn mới. Điển hình như ông Nguyễn Hòa, Võ Văn Thinh ở xã Sơn Giang đã hiến 2.800m2 đất để làm đường liên xã Đức Bình Đông - Sơn Giang. Còn hộ ông Phùng Văn Chính hiến 500m2 đất, ông Đặng Công Thắng hiến 800m2 đất để xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng…

 

Tôi còn được gặp gỡ một thanh niên quê ở thành phố biển Nha Trang, gánh vác trách nhiệm trưởng trạm y tế, đã tận tụy với công việc tại xã Sơn Giang - vùng đất từng được xem là điểm nóng sốt rét. Để đẩy lùi căn bệnh trong tình trạng nhận thức của người dân còn rất kém, anh Lê Văn Tính đã ngày đêm trực tại trạm, vật lộn với từng ca bệnh, dù ngày đó cái trạm nhỏ phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân sốt rét, nhưng đã không để xảy ra một ca tử vong nào. Anh Tính đã đến từng thôn, buôn nói chuyện với người dân về cách phòng tránh bệnh, đến từng nhà dân nhắc nhở. Những đợt kêu gọi người dân đem mùng tẩm thuốc chống muỗi, anh theo dõi kỹ càng danh sách từng hộ; nếu hộ nào vì lý do gì đó mà không đem mùng tập trung tẩm thuốc, anh Tính sẽ đến tận nhà nhắc nhở.

 

Tôi còn chứng kiến cảnh ông Trần Đức Hiển, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Sơn Giang đi vận động kinh phí của các nhà hảo tâm để tặng quà cho người già neo đơn, khuyết tật và may đồng phục, tặng đồ chơi cho trẻ trường mẫu giáo. Điều đáng ghi nhận là ông lao tâm lao lực trong việc đầy lùi các hủ tục của đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Hiển chia sẻ: Nhà có tang, có người để thi thể mấy ngày không chịu được. Mình không thể nhân danh tổ chức hô hào, chỉ thị họ phải làm thế này thế kia. Với đồng bào dân tộc lại càng khó. Vậy là chỉ còn cách có mặt kịp thời, khéo léo, nhẹ nhàng động viên gia quyến cũng như nhắc nhở người khâm liệm làm cho đúng cách. Vậy là hễ nghe ở đâu có đám tang, ngay lập tức ông Hiển có mặt.

 

* * *

 

Tôi đến Sông Hinh và gắn bó với vùng đất này 15 năm. Chứng kiến những thay đổi của Sông Hinh từng ngày và được tiếp xúc với rất nhiều “người vô danh”, tất cả đã nói rằng, khi trên dưới đồng lòng thì “không có việc gì khó”. Đất và người Sông Hinh đã bảo tôi rằng, hãy lặng lẽ dâng cho đời, dù là tuổi hai mươi, dù là khi tóc bạc (*)…

 

(*): Ý thơ trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.

 

BÍCH NHÀN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek