Thứ Bảy, 12/10/2024 01:27 SA
Những trang viết đổi bằng máu trên đất lửa
Thứ Năm, 20/07/2017 13:00 CH

Cùng với nhiều người từng sống, chiến đấu và am hiểu sự hy sinh của các nhà văn ở vùng đất lửa xứ Quảng, nhà thơ Thanh Quế cho rằng ngoài nhà văn Chu Cẩm Phong thì nhà văn Dương Thị Xuân Quý và nhà thơ Nguyễn Mỹ cũng xứng đáng được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang.

 

(Từ trái sang) Nhà văn Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Nguyễn Mỹ, nhà văn Chu Cẩm Phong - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Thanh Quế họ Phan là người quê Phú Yên, tập kết ra Bắc học Trường Học sinh miền Nam, rồi nghe theo lời khuyên của nhà thơ, thầy giáo dạy sử Ca Lê Hiến mà thi đậu, học tốt nghiệp Khoa Sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Nối gót Ca Lê Hiến và những bậc đàn anh đàn chị đi trước, Thanh Quế cũng vào chiến trường vào mùa đông năm 1969, làm báo viết văn ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 đóng căn cứ trên vùng núi thuộc tỉnh Quảng Nam. Tại chiến trường này, Thanh Quế có dịp hội ngộ, công tác chung với nhiều văn nghệ sĩ như Phan Huỳnh Điểu, Thu Bồn, Phan Tứ, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Chí Trung, Vương Linh, Trần Vũ Mai, Liên Nam, Văn Cận…

 

Điều tiếc nuối nhất của nhà thơ Thanh Quế là khi ông vào chiến trường không gặp được nhà văn Dương Thị Xuân Quý vì bà đã hy sinh hơn nửa năm trước trong một trận càn của quân Nam Triều Tiên tại Xuyên Tân, nay thuộc tỉnh Quảng Nam. Vốn sinh trưởng trong một gia tộc trí thức nổi tiếng ở Hà Nội, bà tốt nghiệp trung cấp ngành mỏ và đại học báo chí, về làm ở Báo Phụ Nữ Việt Nam, rồi xung phong vào chiến trường cùng chồng khi bà mới sinh đứa con gái đầu lòng được 16 tháng tuổi gửi lại cho bà ngoại nuôi dưỡng.

 

Thời kỳ công tác ở cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5, nhà văn Dương Thị Xuân Quý vừa tham gia những công việc hàng ngày như cắt tranh làm nhà, sản xuất, gùi cõng lương thực lại vừa đề ra kế hoạch sáng tác, đêm đêm bên ngọn đèn dầu bà ngồi cặm cụi viết. Thời gian sau chiến dịch tổng tấn công Mậu Thân 1968, dù tình hình rất căng thẳng khi địch liên tục càn quét để tạo nên những vùng trắng nhưng bà vẫn xuống tận cơ sở để bám trụ cùng bà con để lấy tư liệu thực tế mà viết ký sự và truyện ngắn. Từ lời kể của một cán bộ tuyên huấn huyện Duy Xuyên, nhà thơ Thanh Quế đã thuật lại trong bài viết Người phụ nữ gầy yếu và mạnh mẽ rất xúc động về nhà văn Dương Thị Xuân Quý:

 

“Ngay trước đêm bị địch càn, chị Quý còn ngồi làm việc tới hơn 11 giờ khuya. Chị bảo chị cố gắng hoàn thành cái bút ký về xã Xuyên Hòa, xã anh hùng nổi tiếng ở Quảng Đà.

 

Nhưng chị đã ngã xuống không kịp hoàn chỉnh cái bút ký ấy. Nó cũng như những cái ký và truyện đã hoàn thành theo chị ra đi, không còn đến với chúng ta nữa. Chị hy sinh tại vùng cát Xuyên Tân ngày 8/3/1969. Và tôi biết không có gì lại dẫn dắt những người còn sống chúng ta tới gần bản chất của sự sống bằng cái chết của những người như chị. Chị dạy cho chúng ta sống đúng đắn hơn, dũng cảm hơn”.

 

*

 

Đối với nhà văn Chu Cẩm Phong thì nhà thơ Thanh Quế may mắn được gặp ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội lần đầu từ tháng 9/1963, rồi sau này lại hội ngộ ở chiến trường đất Quảng. Lúc Thanh Quế mới vào học năm thứ 1 khoa Sử thì Chu Cẩm Phong đã học khoa Văn năm thứ 4 lại được tuyển chọn du học nước ngoài nhưng ông từ chối và xung phong về Nam theo đoàn của Thông tấn xã từ cuối năm 1964. Chu Cẩm Phong tên khai sinh là Trần Tiến, quê ở Hội An, Quảng Nam nên khi về quê công tác, ông cố tìm cách gặp mẹ nhưng không thành. Mẹ của ông là cơ sở nuôi giấu cách mạng trong phố cổ, hay đi liên lạc nơi này nơi khác, nên hai mẹ con như đuổi bắt nhau mà không bao giờ giáp mặt. Giữa hoàn cảnh cách trở ấy, hình ảnh người mẹ dịu dàng cứ hiện lên trên trang văn của ông qua những truyện ký Mẹ con chị Hiền, Bà mẹ Sáu

 

Nhà thơ Thanh Quế cho hay: “Chu Cẩm Phong ghi chép rất kỹ lưỡng. Trong sổ tay, anh tả từng khuôn mặt người, từng câu nói, từng từ lạ, những từ mang bản sắc vùng đất, cùng với những vật dụng mà bà con thường dùng ở từng vùng… Những gì anh viết ra chỉ là một phần rất nhỏ so với những điều anh thu nhận được. Anh hiểu thấu đáo nhiều việc xảy ra ở đồng bằng, ở miền núi Khu 5”. Đối với Thanh Quế và một số cây bút cùng cơ quan, Chu Cẩm Phong là bậc đàn anh về kinh nghiệm sống và chữ nghĩa, mà khi viết bị bí chi tiết họ hay hỏi “xin” ông. “Tạng của anh là tạng của một nhà tiểu thuyết lớn. Nhưng… tôi cứ nghĩ về anh như nghĩ đến Trần Đăng”.

 

Vào cuối tháng 3/1971, Chu Cẩm Phong đi công tác ở Quảng Đà, gửi lại 3 cuốn nhật ký cho Thanh Quế giữ giùm, đựng trong một thùng đạn đại liên không thấm nước. Ông chỉ mang theo bên mình một cuốn nhật ký đang dùng. Và cuốn nhật ký cuối cùng này đã biến mất khi nhà văn Chu Cẩm Phong anh dũng hy sinh ngày 1/5/1971 cùng 3 đồng đội trong một căn hầm bí mật bị địch phát hiện bao vây tấn công liên tục. Nhưng rồi sau ngày đất nước thống nhất, một thầy giáo từng là sĩ quan dưới chế độ cũ đã tìm đến trụ sở Hội Văn nghệ giải phóng miền Trung trao lại cuốn nhật ký này tận tay một nhà thơ bạn thân của ông. Và gần 30 năm sau, cuốn nhật ký lưu lạc ấy hợp cùng 3 cuốn nhật ký vốn do nhà thơ Thanh Quế cùng đồng đội, gia đình lưu giữ in thành tác phẩm Nhật ký chiến tranh nổi tiếng của nhà văn Chu Cẩm Phong. Rồi 10 năm sau, ông được Chủ tịch nước truy phong Anh hùng Lực lượng vũ trang, trở thành nhà văn Việt Nam đầu tiên được phong tặng danh hiệu này.

 

*

 

Cây bút thứ ba hy sinh trên chiến trường đất Quảng mà nhà thơ Thanh Quế luôn nhớ tới với tất cả nỗi tiếc thương, day dứt là nhà thơ Nguyễn Mỹ, em ruột của nhạc sĩ Nhật Lai, đồng hương cùng huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên với nhà thơ Thanh Quế. Với bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ nổi tiếng in trên Báo Văn Nghệ năm 1965, Nguyễn Mỹ sớm trở thành gương mặt thơ sáng giá.

 

Cuối năm 1968, Nguyễn Mỹ rời NXB Phổ Thông mà mình đang công tác, xung phong trở về miền Nam chiến đấu, được các bạn thơ tiễn bằng bữa bia hơi gần vườn hoa có những cô gái mặc áo đỏ ngang qua “Như không hề có cuộc chia ly”. Tròn một năm sau Thanh Quế cũng rời Hà Nội vào đất Quảng. Vừa đến nơi hay tin Nguyễn Mỹ không được công tác ở hội văn nghệ mà đang sản xuất, làm ca dao hò vè tuyên truyền ở tận Trà My, ngay hôm sau Thanh Quế đã vượt núi băng rừng hơn ngày ròng đi cõng sắn và thăm người anh đồng hương.

 

Một lần trên đường đi công tác, nhà thơ Nguyễn Mỹ ghé hội văn nghệ giải phóng, được đãi bữa bánh sắn. Trong câu chuyện văn chương, ông rút trong gùi ra một xấp giấy bọc ni lông, cho biết đã sáng tác được chín bài thơ toàn có màu như Cánh đồng vàng, Hoa ê-pan trắng, Hoa tím… để hợp cùng Cuộc chia ly màu đỏ thành bộ tranh “có màu”. Nghe vậy, nhà văn Chu Cẩm Phong cười thốt lên: “Thế thì ông là nhà thơ của những sắc màu rồi”! Họ xin thơ để in trên tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng, nhưng Nguyễn Mỹ nói để sửa chữa cho kỹ rồi gửi, nhưng cuối cùng những bài thơ sắc màu ấy đã biến mất theo nhà thơ khi ông hy sinh trong một trận càn của địch ở căn cứ Nước Ta, huyện Trà My sáng 16/5/1971.

 

Cùng với nhiều người từng sống chiến đấu và am hiểu sự hy sinh của các nhà văn ở vùng đất lửa xứ Quảng, nhà thơ Thanh Quế cho rằng ngoài nhà văn Chu Cẩm Phong thì nhà văn Dương Thị Xuân Quý và nhà thơ Nguyễn Mỹ cũng xứng đáng được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang.

 

PHAN HUỲNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek