Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Tuy An vừa mở lớp dạy hát bài chòi cho các diễn viên quần chúng trẻ địa phương. Họ là học sinh, diễn viên trẻ có niềm đam mê ca hát; chất giọng phù hợp với các làn điệu dân ca từ phong trào văn nghệ địa phương.
Hào hứng học hát bài chòi
Lớp học hát bài chòi gồm 64 học viên, trong đó có 48 học viên chủ yếu là học sinh và thanh niên tham gia phong trào văn nghệ địa phương; số học viên còn lại là cán bộ văn hóa các xã, thị trấn thuộc địa bàn huyện Tuy An. Lớp học diễn ra trong 4 ngày. Học viên học giáo trình các làn điệu bài chòi cơ bản do nghệ sĩ Vũ Hoài, nguyên diễn viên Đoàn Văn công tỉnh Phú Yên và nghệ nhân Bình Thảng, hội viên Hội VH-NT tỉnh đứng lớp.
Lớp học sôi nổi với các bài giảng kỹ thuật về âm bậc, cách nhấn nhá chữ, nhịp phách, luyến láy, điệu bộ… Học viên được học các trích đoạn bài chòi kinh điển như: Quan Công phục Hoa Dung, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Đạm Tiên báo mộng cho Thúy Kiều, Bà kế… Từ các trích đoạn, học viên được truyền dạy các làn điệu bài chòi cơ bản như: xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò quảng…
Em Nguyễn Bảo Yến, 13 tuổi, học viên đến từ Trường THCS An Hiệp hát: Em quyết giữ trọn mối tình vàng đá/ Cho đến khi chàng quay gót trở về/ Gió trăng lưng túi đuề huề/ Đưa chàng đôi bước lòng se bên lòng/ Xa chàng em chỉ cầu mong/ Chàng đi đến chốn thành công khi về/ Chàng đi nhớ giữ lấy tình quê/ Vinh hoa phú quý chớ hề say sưa/ Lều tranh chung sống từ xưa/ Mẹ già tựa cửa sớm trưa đợi chờ… Bảo Yến chia sẻ thêm: “Em hát làn điệu xuân nữ thuộc trích đoạn Thoại Khanh - Châu Tuấn. Em thể hiện tính chất trữ tình, tự sự đúng chất của làn điệu xuân nữ. Kiến thức từ lớp học giúp em phân biệt được tính chất của từng làn điệu bài chòi. Ví dụ như làn điệu xuân nữ hát tự sự, trữ tình đôi khi hài hước. Xàng xê hát than trách, bi lụy. Cổ bản được hát theo lối khuyên răn. Hò quảng là làn điệu mang màu sắc tươi sáng, sôi nổi. Càng học, em càng thích thú với bài chòi”.
Còn em Nguyễn Thị Kim Thao, học viên đến từ Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu (huyện Tuy An) cũng hào hứng, nói: “Em nhận thấy bài chòi hát là chính còn âm nhạc chỉ là phụ theo cách hát của diễn viên. Vì vậy, trong giờ học hát, ngoài việc phổ biến kiến thức phổ thông, giáo viên còn truyền dạy kiến thức theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Thầy hát một câu, trò hát một câu. Từ cách hát, chúng em sẽ nhận ra bản thân hát đúng chỗ nào, sai chỗ nào; chất giọng ra sao và phù hợp với làn điệu nào? Em yêu thích các làn điệu trữ tình nên rất thích thú với lớp học hát bài chòi này”.
Quyết tâm phổ biến bài chòi
Điều đáng mừng tại lớp học hát bài chòi lần này là học viên đều rất trẻ, chủ yếu trong độ tuổi đôi mươi, giàu nhiệt huyết và tiềm năng phát triển trong việc phổ biến nghệ thuật bài chòi trên địa bàn huyện. Em Trần Thị Mỹ Hà đến từ Trường THCS Kim Đồng, thổ lộ: “Em thường xuyên tham gia văn nghệ ở trường và xã. Trước đây, em chỉ hát dân ca còn giờ đây khi đã học hát bài chòi, được biết cái hay và giá trị truyền thống của môn nghệ thuật này, em sẽ hát trong các chương trình văn nghệ ở địa phương sắp tới”.
Là một học viên của lớp, chị Nguyễn Thị Trúc Loan, cán bộ VH-TT xã An Hải, cho biết: “Mấy năm gần đây, chương trình văn nghệ ở xã An Hải chủ yếu dàn dựng theo phong cách nhạc trẻ. Nhạc dân ca, trữ tình hiếm, còn bài chòi thì càng không có. Lần này, xã An Hải cử 4 học viên theo học lớp hát bài chòi này. Địa phương có thể có một đội văn nghệ hát bài chòi dù còn ít thành viên. Đây là cơ sở, nền tảng bước đầu giúp chúng tôi xây dựng các chương trình nghệ thuật địa phương có các tiết mục bài chòi”.
Sở dĩ lớp học hát bài chòi có thể tập hợp nhiều học viên trẻ là do Phòng VH-TT huyện Tuy An đã có định hướng phổ biến sâu rộng nghệ thuật bài chòi trong phong trào văn nghệ quần chúng địa phương. Ông Nguyễn Đức Duẩn, Đội trưởng Đội thông tin lưu động thuộc Trung tâm VH-TT huyện Tuy An, phụ trách lớp dạy hát bài chòi, cho biết: “Đây là năm đầu tiên huyện Tuy An mở lớp dạy hát bài chòi. Chúng tôi chọn học viên tuổi đôi mươi. Họ là những giọng ca trữ tình trong các phong trào quần chúng ở địa phương. Phòng VH-TT huyện Tuy An đã phối hợp với cán bộ văn hóa xã tham gia vận động, thuyết phục gia đình học viên và tạo điều kiện đi lại cho các học viên trẻ tuổi có thể tham gia lớp học. Phòng VH-TT kỳ vọng lứa học viên này sẽ phổ biến bài chòi trong phong trào văn nghệ địa phương. Đơn vị quyết tâm duy trì lớp học thường niên. Những năm sau, ngoài việc chiêu sinh học viên mới, các học viên khóa trước sẽ được đào tạo hát bài chòi nâng cao”.
Lớp học hát bài chòi với nhiều học viên trẻ là hạt nhân phát triển nghệ thuật bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang mai một dần trong phong trào văn nghệ quần chúng huyện Tuy An.
Học viên được tuyển chọn từ phong trào quần chúng, có sẵn chất giọng phù hợp với nhạc dân ca trữ tình nên thuận lợi cho việc học hát bài chòi. Qua lớp học, chúng tôi định hướng cho các diễn viên nên chuyên sâu vào làn điệu nào cho phù hợp với chất giọng. Đặc điểm của bài chòi là dễ tập nhưng khó nhớ, thời gian của lớp học ngắn hạn, các em chỉ được cung cấp kiến thức cơ bản nhất. Thực tế việc học hát bài chòi đang đứng trước hai khó khăn là thiếu giáo viên và ít học viên. Đây được coi là nỗ lực bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi của ngành Văn hóa huyện Tuy An.
Nghệ sĩ Vũ Hoài, nguyên diễn viên Đoàn Văn công tỉnh Phú Yên |
DIỆU ANH