Thứ Bảy, 12/10/2024 05:19 SA
“Chinh phục” Fansipan
Thứ Sáu, 16/06/2017 12:22 CH

Ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT-TT Phú Yên (trái) cùng nhà báo Nguyễn Hữu Bình (thứ 2 từ phải sang) tại di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng - Ảnh: KIM LIÊN  

Chuyến đi Tây Bắc của tôi vào những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 này với nhiều cảm xúc và được ghi chép kín cả cuốn sổ hàng chục trang giấy. Bạn đồng hành cùng chuyến đi còn có Phó Giám đốc phụ trách Sở TT-TT Phú Yên Lê Tỷ Khánh. Hình ảnh những người dân nơi đây đang bán những mặt hàng thổ cẩm, những giò phong lan rừng đậm sắc màu rực rỡ, những cung đường Tây Bắc tuyệt đẹp đã vào “tầm ngắm” của Khánh với chiếc máy ảnh Nikon đời mới.

 

Câu chuyện tìm đường lên đỉnh Fansipan đã có từ xa xưa, khi người Pháp đặt chân lên mảnh đất Sapa - Lào Cai này. Thị trấn Sapa xinh đẹp, khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm, thi thoảng mùa đông tuyết phủ, với nhiều huyền thoại và hiện thực quyến rũ đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Ngày tôi có mặt nơi đây, khí hậu đã khác xưa nhiều lắm. Ở độ cao 3.143m đỉnh cao nhất Fansipan, trời mưa gió và nhiệt độ 120c, còn ở thị trấn Sapa nhiệt độ nắng nóng lên đến 300c và lúc đó ở Hà Nội kỷ lục về nắng nóng trên 420c. Theo Đài khí tượng thủy văn Việt Nam, hiện tượng này 45 năm qua giờ mới lặp lại. Thế mới biết biến đổi khí hậu cực kỳ nguy hại với nhân loại trong thế kỷ này và mai sau…

 

Tìm đường lên đỉnh Fansipan

 

Fansipan nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, nơi được mệnh danh là “mái nhà Đông Dương”, là “cổng trời”, đỉnh cao vời vợi, quanh năm mây phủ trắng một màu; những ngày trời quang, mây tạnh hơi hiếm. Từ đỉnh này phóng tầm mắt bao quát non nước, mây trời, càng nhớ hơn những áng thơ văn của cha ông thời Tây Tiến…

 

Theo những điều tôi được biết, những năm đầu thế kỷ XX, khi đặt chân đến mảnh đất Sapa chưa lâu, người Pháp đã tìm đường lên đỉnh Fansipan song cũng chưa lên đến đỉnh mà vào năm 1905, họ đã ghi dấu mốc ở độ cao 2.963m bằng bê tông cốt thép. Song năm tháng trôi qua, với sự khắc nghiệt của thời tiết, cột mốc đó không trụ nổi, tan vỡ… Mãi đến năm 1960, đoàn chuyên gia địa chất Ba Lan đã lên đến đỉnh Fansipan trong chuyến khảo sát công phu khắp miền Tây Bắc. Họ cũng xây dựng một trụ bê tông nhưng rồi cũng bị nứt vỡ vì sự khắc nghiệt đó. Rồi đến năm 1984, đoàn vận động viên leo núi người Nga và người Đức, đã dùng dụng cụ leo núi chuyên nghiệp để chinh phục đỉnh Fansipan. Họ đã dựng một trụ hình chóp bằng Inox, khối kim loại này cao chừng 70cm, đáy hình vuông, mỗi cạnh 50cm.

 

Đến năm 1990, khi du lịch mở rộng cửa, khách đến Sapa nhiều hơn và thế là loại hình leo núi, sản phẩm du lịch độc đáo nơi đây lại được nhiều khách quan tâm, hướng đến “mái nhà Đông Dương” này. Từ đó trở đi, việc dẫn khách du lịch lên đỉnh Fansipan là một dịch vụ du lịch hút khách, họ đã chinh phục đến độ cao 2.600m.

 

Tùy theo sức khỏe, điều kiện của khách bộ hành, ít nhất có 3 con đường leo núi đến với đỉnh Fansipan mà anh bạn người bản địa cho tôi biết. Một là đi theo lối mòn của người Mông dọc theo suối vàng Cát Cát, đường thứ hai đi qua bản Xín Chải và đường thứ ba là từ đỉnh đèo Ô Quy Hồ. Đường qua Xín Chải dốc cao, vực sâu đá lởm chởm cực kỳ khó đi. Con đường qua Ô Quy Hồ thì xa, chỉ có con đường qua suối vàng Cát Cát là hợp lý hơn cả. Nếu cả đi và về mất 4 ngày ròng rã, đêm ngủ sớm, sáng dậy sớm đi liên tục, nếu không gặp bất trắc gì thì mới được an toàn trở về.

 

Con đường thứ tư lên đỉnh Fansipan

 

Câu chuyện kể về con đường chinh phục “mái nhà Đông Dương” - đỉnh Fansipan hùng vĩ ấy là câu chuyện của những năm trước năm 2016, còn giờ đây bạn “chinh phục” Fansipan dễ dàng hơn nhiều. Đó là nhờ vào sự trợ giúp cực kỳ hữu hiệu của công nghệ hiện đại, thông minh, hiệu quả, tiện ích, đỡ tốn thời gian và công sức. Chỉ cần hơn 40 phút, bạn đã có mặt tại đỉnh cao nhất, được chụp ảnh lưu niệm, một lần đáng nhớ trong đời ở độ cao 3.143m so với mặt nước biển với số tiền bạn bỏ ra là 600.000 đồng.

 

Đi cáp treo 3 dây hiện đại nhất hiện nay, với độ dài toàn tuyến là 6.292,5m, bạn được sở hữu toàn bộ không gian phía dưới với điệp trùng núi, điệp trùng mây bay gió thổi và những triền ruộng bậc thang Tây Bắc tuyệt vời. Mùa này hoa ban không còn nở nữa (hoa ban thường nở vào mùa xuân đến cuối tháng 4 dương là hết mùa); ngắm nhìn nhiều loại hoa rừng khác cũng rất sinh động, muôn sắc, đặc biệt là hoa đỗ quyên, nơi đây thường tổ chức lễ hội hoa đỗ quyên…

 

Sau khi dừng ở tuyến cáp treo, đi khoảng 30 bậc đá tiếp đến, bạn sẽ đi tàu điện chừng hơn 60 giây, độ dốc cao dựng đứng. Sau đó đi khoảng 100 bậc đá nữa, bạn sẽ đến đỉnh Fansipan. Giờ đây tập đoàn SunGroup, tập đoàn sở hữu nhiều tuyến cáp treo độc đáo ở Việt Nam, đang vận hành tổ hợp du lịch hiện đại, giúp bạn cảm nhận Fansipan hùng vĩ hơn. Khi hết tuyến cáp treo cũng đồng nghĩa với việc các bạn sẽ vào thắp hương vãn cảnh chùa. Chùa trên núi cao được xây dựng kiên cố, toàn bằng đá, mái thấp. Ngày tôi và anh Lê Tỷ Khánh đến là lúc Fansipan mưa mù, gió to. Bất lợi là hình ảnh đưa vào ống kính không đẹp, mù mịt trong hơi sương giá lạnh…

 

Sự chênh lệch độ cao của tuyến cáp treo Fansipan này trên 1.410m, cũng là độ cao với 63 ca bin có sức chứa gần 30 người - kỷ lục của tuyến cáp treo ở Việt Nam và thế giới. Tôi đã đi cáp treo Bà Nà, cáp treo núi Bà Đen, cáp treo Yên Tử song không đâu có cáp treo dài nhất, độ cao chênh lệch cao nhất như cáp treo 3 dây này. Người Việt chúng ta đang bắt đầu đạt thêm nhiều “cái nhất” trong thời hội nhập và phát triển.

 

Cảm hứng tháng 6 trỗi dậy trong tôi, con số 6 với tôi giờ có nhiều ý nghĩa, 60 năm cuộc đời đầy hỉ, nộ, ái, ố đã đi qua, tháng 6 kỷ niệm ngày tuổi thơ 1/6, rồi đến ngày 21/6 - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, lần đầu đi tuyến cáp treo dài nhất trên 6.000m… Ấn tượng về không gian, thời gian vô hình, hữu hình và hiện thực đầy cảm xúc luôn luôn là nguồn năng lượng tiếp sức, giúp tôi vượt qua trở ngại sức khỏe để bước tiếp - đoạn cuối.

 

Tôi muốn kể cùng các bạn là khi trở về nhà ga đầu tuyến cáp treo Fansipan, tôi đọc được dòng chữ khuyến cáo quý khách bằng tiếng Việt và tiếng Anh, được trang trọng đóng khung, chữ vàng trên nền xanh đậm, trang trí hoa văn sặc sỡ: “Quý khách có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, sợ độ cao, sức khỏe không đảm bảo… nên cân nhắc thật kỹ trước khi đi cáp treo hoặc mang theo thuốc đặc trị riêng”. Lời khuyên ấy, tôi đọc được sau chuyến đi an toàn đầy hứng khởi trở về, thế là mình đã “chinh phục” Fansipan. Những thông tin trên mà bản thân được tiếp nhận trước, không biết sẽ ra sao? Song với tôi, một lần được tới đỉnh Fansipan là niềm kiêu hãnh lắm rồi. Cảm xúc về đất Việt thân yêu lại trỗi dậy và thêm một lần tự hào yêu quý Tổ quốc mình. 

 

 

Bút ký của HỮU BÌNH 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek