Vào đầu tháng 7 cách đây 28 năm, Đài Phát thanh tỉnh Phú Yên (nay là Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên) vừa được thành lập, công việc như núi mà số lượng biên tập viên và phóng viên thì quá ít. Vì vậy, mỗi người phải kiêm nhiệm nhiều việc để kịp đáp ứng các chương trình phát sóng. Anh Hùng Thi, Giám đốc đài và anh Kỳ Linh, phụ trách Phòng Biên tập (giờ 2 nhà báo này đều thành người thiên cổ) phân công tôi hàng tuần xây dựng 3 chương trình phát sóng. Đó là chương trình Văn hóa văn nghệ 30 phút vào chiều chủ nhật, chương trình Văn học nghệ thuật 30 phút vào chiều thứ tư và chương trình Vì trẻ thơ 15 phút vào sáng thứ bảy.
Các chương trình “nuốt” lượng bài vở khá lớn. Để có đủ bài vở phát sóng hàng tuần, tôi thường xuyên “bám” các cơ quan, từ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Sở VH-TT, Sở GD-ĐT, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh đến Trung tâm Văn hóa, Thư viện tỉnh, đoàn ca múa nhạc, phòng VH-TT các huyện, câu lạc bộ thơ nhạc, dân ca tuồng cổ ở cơ sở... Ngoài ra, tôi còn đi tìm kiếm, giao lưu, đặt bài theo mỗi chủ đề với các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà nhiếp ảnh, họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân, nhà giáo... cùng nhiều cộng tác viên gần xa. Ban đêm, tôi viết, sửa bài của cộng tác viên gửi đến, sắp xếp cho đủ thời lượng chương trình, kịp hôm sau phát thanh viên thu âm, phát sóng.
Trong mấy chương trình hàng tuần được phân công lúc ấy, Văn học nghệ thuật là chương trình cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Bởi trong thời kỳ tỉnh nhà vừa tái lập, nhiều văn nghệ sĩ về thăm thú địa phương. Chúng tôi có dịp tiếp xúc, phỏng vấn, giới thiệu nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, học giả... trên sóng, như các nhà văn: Vũ Tú Nam, Võ Hồng, Cao Duy Thảo, Thanh Quế; các nhà thơ: Nguyễn Đình Thi, Giang Nam, Thu Bồn, Nguyễn Duy, Nguyên Hồ..., các nhạc sĩ: Phạm Tuyên, Doãn Nho, Lư Nhất Vũ, Thế Song, Trương Tuyết Mai, K’pá YLăng... Tuy nhiên, nòng cốt thường xuyên cho các chương trình nêu trên vẫn là lực lượng cộng tác viên trong tỉnh. Ngoài các cây bút uy tín như nhà thơ Văn Công, Liên Nam, Triệu Lam Châu, nhà văn Y Điêng, Đào Minh Hiệp, Trần Huiền Ân, Đào Khải, nhà giáo Nguyễn Thị Thu Trang... và một số cây bút khác ở Trường sư phạm Phú Yên, chương trình văn nghệ còn được một số cộng tác viên từ các huyện gửi bài vở, sáng tác về đóng góp.
Nhằm xây dựng những cộng tác viên nòng cốt gắn bó với chương trình, hàng tháng, hàng quý, Ban Biên tập tổ chức họp mặt câu lạc bộ; hầu hết là giới văn nghệ sĩ nên đêm sinh hoạt thường có chén rượu nhâm nhi trò chuyện văn chương nghệ thuật. Có cộng tác viên rượu ngấm vào, đọc thơ, hát hò đến quá khuya vẫn không chịu về, lại còn lý sự: “Đài mời, ghi giờ đến sinh hoạt chứ trong giấy đâu ghi giờ mời về nghỉ”. Ban Biên tập phải “dỗ dành”, đưa cộng tác viên ấy về tận nhà. 5 năm sau (1994), tôi được ra Hà Nội học khóa biên tập ở Trường Viết văn Nguyễn Du. Tại đây, các thầy Tô Hoài, Nguyễn Khoa Điềm, Lữ Huy Nguyên, Trần Hoàn, Trúc Thông... đều giảng đó là công tác “biên tập ngoài biên tập” rất cần thiết, tức là tạo cảm hứng cho người khác để họ sáng tạo tác phẩm cộng tác với mình, bởi biên tập viên mảng văn hóa văn nghệ không phải thụ động chờ khi nào có tác phẩm thì biên tập, mà phải năng động “săn lùng”, giao lưu, kích thích sự sáng tạo của văn nghệ sĩ và khi có tác phẩm tốt họ sẽ ưu tiên trao cho mình sử dụng. Việc này rất tốn thời gian, đôi khi thiệt thòi cả vật chất cho người biên tập, nếu không say nghề thì khó làm được.
Trong biên tập, sử dụng bài vở, đôi lúc tôi gặp một số cộng tác viên chưa hiểu hết công việc của người trong cuộc nên mặt nặng mày nhẹ khi chương trình không (hoặc chưa) sử dụng tác phẩm của mình; có bài vở chưa hay nhưng áp lực công việc lại được chọn, lại có sáng tác hay được gửi đến song bối cảnh, thời điểm không phù hợp... Tất cả tình huống này đều khiến người “làm dâu trăm họ” khó xử.
May mắn cho tôi thời ấy là được làm việc với một đội ngũ phóng viên, biên tập viên tuy còn mỏng và thiếu thốn mọi bề nhưng vô cùng đoàn kết, thương yêu, sẵn sàng giúp đỡ nhau, bằng ngòi bút chân chính đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn, sóng gió, góp phần xây dựng cuộc sống tươi đẹp.
NGUYỄN TƯỜNG VĂN