Thứ Bảy, 12/10/2024 07:15 SA
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Người không chỉ chạy theo sự kiện
Thứ Năm, 08/06/2017 14:00 CH

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (ảnh từ Facebook của nhân vật)

Là cây bút phóng sự lừng lẫy trong thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nghỉ hưu đã mấy năm nay nhưng vẫn chưa thôi việc. Ông mê mải viết. Còn những tác phẩm báo chí của ông trong thời vàng son vẫn làm xao động tâm hồn nhiều người cầm bút hậu sinh.

 

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955 tại Thanh Hóa, sống ở Hà Nội cho đến ngày đất nước thống nhất thì chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Cha ông là nhà báo gạo cội Huỳnh Hùng Lý, người Bến Tre; mẹ ông, bà Lê Thị Lý, là người Rạch Giá, cũng từng công tác trong ngành Báo chí. Trước khi trở thành cây bút phóng sự lừng lẫy, Huỳnh Dũng Nhân tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương Hà Nội (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). Ông là thành viên trong một gia đình có 3 thế hệ với 9 người làm báo.

Gần 20 năm trước, lúc vừa bỡ ngỡ bước vào nghề báo, tôi bị hút vào trang viết của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Đó là những phóng sự đầy lôi cuốn lột tả muôn mặt đời thường mềm mượt chất văn chương, có nhiều chi tiết “đóng đinh” vào tâm trí độc giả. Và “cái tôi”, dù hiển hiện rõ ràng hay kín đáo, vẫn không lẫn vào đâu. Những Con đường bia bọt, Tôi đi bán tôi, Vượt cạn thời dịch vụ, Tôi là đà điểu Củ Chi, Ăn tết trong rừng chó sói… in đậm vào tâm trí tôi, sống động cho đến tận bây giờ. Và tôi đồ rằng, nhiều sinh viên Khoa Báo chí, nhiều cây bút trẻ mới bước vào nghề cũng đã say mê phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân. Hàng chục năm sau vẫn còn say mê!

 

Sau tập phóng sự Ăn tết trong rừng chó sói, Ký sự xuyên Việt, Tôi đi bán tôi, năm 2012, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ra mắt một lúc hai cuốn sách. Ông đúc kết kinh nghiệm hơn 30 năm làm báo, gần 20 năm giảng dạy môn Phóng sự tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh vào cuốn Để viết phóng sự thành công, đồng thời tập hợp những phóng sự làm nức lòng đồng nghiệp và độc giả một thời vào cuốn Kính thưa ô-sin!. Và mới đây, ông ra mắt bạn đọc tập thơ thứ hai Tự tình với facebook, giới thiệu hơn 40 bài thơ được sáng tác trong thời gian gần đây. Có thể nói, Huỳnh Dũng Nhân là một cây bút đa tài.

 

Lần đầu tiên, tôi gặp nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong một chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cách đây mấy năm, khi ông đã thôi “tung hoành” trên mặt báo mà lui vào “hậu trường”, giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập tạp chí Nghề báo của Hội, giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. “Ông trùm phóng sự” chia sẻ với các học viên niềm đam mê phóng sự và quan điểm hơi… khác người: Thứ nhất, phóng sự luôn có chất văn, ông nghĩ như vậy và đã viết như vậy. Thứ hai, phóng sự phải có “cái tôi”. “Cái tôi” được đưa vào mềm mại, dễ chịu thì độc giả chấp nhận. Thứ ba, phóng sự là phải đi. Đi địa bàn, đi cơ sở, gặp gỡ mọi người. “Tôi nghĩ đề tài và tìm đến chuyến đi. Trong chuyến đi tôi tìm đến nhân vật. Và khi gặp nhân vật thì tìm đến câu chuyện, tìm đến chi tiết mình cần. Trong 1.000 phóng sự của tôi, chỉ có khoảng 5 phóng sự tôi không cần đi ra khỏi nhà mà vẫn viết được, còn lại là phải đi. Tôi dám chắc như vậy”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói.

 

Sự “xông pha”, lên rừng xuống biển của Huỳnh Dũng Nhân thì khỏi phải bàn. Với chiếc xe máy, ông dọc ngang đất nước. “Đi, gặp con người, và “đào” ra từ chính họ những kho đề tài”, ông nói vậy.

 

Những đề tài, những chuyến đi “hút” ông và có khi ông suýt mất mạng. Ngày 14/11/1992, chiếc máy bay dân dụng của Hãng Hàng không Việt Nam rơi xuống đỉnh núi Ô Kha (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa), chỉ còn một hành khách sống sót. Chiếc trực thăng cứu hộ MI-08 với phi hành đoàn 8 người nhận nhiệm vụ bay đến đỉnh núi Ô Kha để tìm kiếm, cứu nạn. Là cây bút sung sức của Báo Lao Động lúc bấy giờ, Huỳnh Dũng Nhân quyết đến hiện trường vụ tai nạn nên đã năn nỉ người chỉ huy chiếc MI-08 cho ông lên trực thăng. Tuy nhiên, cơ trưởng nhất mực từ chối. Không ai ngờ, trên đường làm nhiệm vụ, chiếc MI-08 rơi xuống đỉnh núi Ô Kha. 8 người trong phi hành đoàn, không một ai trở về!

 

Ngoài chất văn chương và “cái tôi” riêng biệt, phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân còn đi vào lòng người đọc bởi tính nhân văn, bởi sự cảm thông, chia sẻ. Đọc Tôi đi bán tôi, Hai giờ dưới lòng đất, Nỗi đau máu trắng… là thấy rõ điều đó. Mà lạ, hình như cái gì đập vào mắt vào tai Huỳnh Dũng Nhân cũng có thể trở thành phóng sự. Tìm mua nhà chung cư, ông có ngay phóng sự về cuộc săn lùng toát mồ hôi này. Đưa vợ đi sinh và có mấy ngày “lăn lê bò toài” trong bệnh viện, ông viết Vượt cạn thời dịch vụ. Đến “chuyện tế nhị thường ngày” của con người mà cũng thành một phóng sự hóm hỉnh và lôi cuốn, thì không thể không phục tài cầm bút của Huỳnh Dũng Nhân!

 

Viết từ những chuyện tưởng như bình thường nhất, song đừng nghĩ ông chỉ viết bông phèng, vô thưởng vô phạt. “Phóng sự là gửi đi một thông điệp về tình người, về sự thật, về một vấn đề mà bạn đọc quan tâm, nếu không có thông điệp gì thì đừng viết. Phóng sự mà chưa có vấn đề thì nó nhạt, khi đó dù có đưa vào “cái tôi” cũng không thắng được, có chất văn chương cũng không thắng được”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.

 

Lại có người bảo ông viết văn chứ không phải viết báo, và cái gì cũng “tương” lên báo. Kỳ thực Huỳnh Dũng Nhân chỉ “tương” những điều mà ông tin rằng bạn đọc quan tâm hoặc có thể chia sẻ.

 

Trong số các tài liệu tham khảo mà nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mang đến cho sinh viên và học viên, không thể thiếu tác phẩm của Vũ Trọng Phụng - ông vua phóng sự đất Bắc. Tác giả Tôi đi bán tôi, Ăn tết trong rừng chó sói… nói: “Nếu chỉ dựa vào sự kiện thì ngay lập tức người ta đã quên, nhưng trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, ngoài sự kiện còn có nhân vật, còn có nỗi đau đời, còn có chất văn học, có cám cảnh, có tự sự, có nhiều chuyện để bạn đọc chia sẻ. Tác phẩm của ông từ đầu thế kỷ XX đến giờ người ta vẫn còn mua, còn đọc là vì sao? Vì ông ấy không chỉ chạy theo sự kiện”.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek