Thứ Bảy, 12/10/2024 07:18 SA
Nợ roi – truyện ngắn của VŨ HOÀNG GIANG
Chủ Nhật, 04/06/2017 10:36 SA

Minh họa: PV

Dân gian có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Tôi còn nhớ lớp cha ông trong những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước thường ứng dụng câu này vào việc răn dạy con cái.

 

Mỗi khi đứa nào trong gia đình phạm phải một “tội” nào đó tỉ như: Lười học ham chơi, hoặc trốn học đàn đúm theo trẻ chăn bò dang nắng cả ngày ngoài đồng tìm bắt dế, cào cào, nhái hun lửa nướng ăn; hay leo tót trên ngọn cây cao bắt tổ chim. Hoặc nghiêm trọng hơn, chui rào qua nhà bà hàng xóm hái trộm bưởi, trộm me, có khi đánh lộn với bọn nhỏ làng trên sứt đầu mẻ trán…

 

Tùy theo mức độ phạm tội mà nhận hình phạt của các cụ. Và, dụng cụ đem ra trị tội là “chiếc roi”. Roi có ba loại đó là: Roi mây, roi tre và roi thường. Roi mây là roi bằng cây mây thường mọc trong núi, củ roi to bằng ngón tay cái, thân roi nhỏ bằng ngón tay trỏ. Các cụ đào lấy về tước lá phơi khô, trông cây roi rất “đẹp mắt” nhưng cũng không kém phần ớn lạnh, vì loại roi này đánh rất đau. Roi tre thì các cụ lấy thanh tre cật vót nhỏ thành cái roi trơn tru. Roi thường là thân, cành của những loài cây mọc ở bờ rào như râm bụt, bông trang, táo, chim chim, dủ dẻ. Loại roi này lúc cần thì các cụ đi ngay ra hàng rào trước cửa nhà bẻ, tuốt sạch lá đem vô tra vào mông kẻ “phạm tội”. Loại roi thường này khi đánh ít đau hơn hai loại roi kia.

 

Tôi là “quý tử” sinh ra trong một gia đình thuộc dạng “trung nông” thời đó. Là “con một” nên nhiều người trong làng hay đùa gọi tôi là thằng “bánh tráng treo đầu gậy”. Ngày ấy tôi chưa hiểu thế nào là “bánh tráng treo đầu gậy”. Tôi chỉ biết cha mẹ cưng tôi như “trứng mỏng”. So với bọn trẻ trong làng, tôi là đứa ăn mặc đầy đủ nhất ngày ấy. Mãi sau này tôi được biết, cha mẹ tôi lấy nhau rất lâu nhưng không có con. Đến lúc mẹ tôi ngoài bốn mươi thì “trời cho” bà mang thai. Cả hai bên nội, ngoại mừng rơi nước mắt, lên chùa lễ phật cầu mong con trai.

 

Sau lần vượt cạn, chẳng may mẹ tôi bị “sản hậu”. Bệnh tình mẹ tôi thập tử nhất sinh, cha phải bán đi mấy mẫu ruộng và cả đàn bò lo chạy chữa. Ơn trời phật, mẹ tôi qua khỏi. Vú mẹ tóp khô không còn lấy một giọt sữa, cha bồng tôi sang bú thép các bà quanh xóm. Ai thấy tình cảnh của mẹ tôi cũng chạnh lòng, có người canh đến giờ tôi “khát sữa” họ tự động sang nhà tôi cho tôi “nút”. Mẹ tôi cảm động cầm tay chị hàng xóm, rơi nước mắt…

 

Tôi lớn lên với vóc dáng, gầy ốm, cao lêu nghêu, lại thường “ấm mình”. Mỗi khi trái gió trở trời, tôi lại nhức đầu sổ mũi, khiến cha mẹ phải quên ăn mất ngủ vì tôi.

 

Lên 6, 7 tuổi rồi, nhưng mỗi khi có gánh hát tuồng về làng, người đi xem đông quá đứng chật cả sân bãi lộ thiên, lớp trong lớp ngoài chen lấn. Mẹ cõng tôi ngồi trên vai, hai chân buông thõng trước ngực, tay tôi ôm đầu mẹ, thế là tôi cao hơn những đứa trẻ trong làng tha hồ xem hát. Mấy đứa bạn trong xóm thấy tôi ngồi chễm chệ trên đôi vai mẹ, nó chạy lại trêu chọc “Ê, lêu… lêu, bây lớn mà mẹ còn cõng xem hát, lêu… lêu”. Nói xong, bọn nó cười toe toét rồi bỏ đi.

 

Khi tôi vào học lớp năm, lớp tư, lớp ba (tức lớp 1, 2, 3 bây giờ) thì mức độ nghịch ngợm, phá phách làng xóm của tôi càng tăng dần. Nào là chui rào sang nhà bà hàng xóm hái trộm bưởi, trộm me, nào là cầm đầu đám trẻ trong làng “dẫn quân” qua chiếc cầu khỉ sang bên kia sông đánh trận giả với bọn chăn bò. Tôi bị chúng bắt làm “tù binh”, sai vào rẫy nhổ sắn trộm ra đồng hun lửa lên lùi. Rồi thì tôi trốn học cả ngày dang nắng ngoài đồng câu cá, leo tót lên ngọn cây đa đình bắt tổ chim. Trầm trọng hơn là cái hôm tôi rủ nhỏ Lan thừa lúc cha mẹ đi vắng, hai đứa tôi chơi đồ hàng nấu nướng giả làm vợ chồng. Tôi bảo nhỏ Lan “đi chợ” tức đi quanh đó chừng năm ba đám ruộng tìm bắt cua, nhái bén… tôi ở nhà nhen lửa đợi nhỏ Lan đem đồ về nấu nướng. Nào ngờ chỗ tôi chơi gần bên cây rơm, lửa bốc cháy. Tôi và nhỏ Lan hoảng sợ la khóc, cũng may mấy người hàng xóm kịp thời chạy sang dập tắt lửa.

 

Đó là những tội tôi chỉ sơ lược chứ không kể ra hết được. Cứ mỗi lần phạm tội, cha lại bắt tôi đứng “nghiêm” chụm hai chân trước mặt ông, ông phân tích chỉ rõ tội của tôi, đồng thời có những câu răn dạy. Phần tiếp theo là đánh đòn!

 

“Lần trước mày chui rào sang nhà người ta hái trộm đu đủ chín, tao đánh mày “còn nợ” tao ba roi. Lần này mày phạm tội lớn, nấu nướng thế nào cháy lan nọc rơm, suýt cháy nhà may mà có bà con phát hiện. Vậy bữa nay mày chịu mấy roi? Nói mau!”. Tôi ngập ngừng, lí nhí “Dạ... dạ, năm roi”. Cha tôi gật gật mái đầu bạc, được, được. Trên tay ông là chiếc roi tre ông đã chuẩn bị sẵn trước đó. Ông quất quất cái roi rồi bặm trợn: “Lần trước nợ ba lần này năm, vị chi là tám roi. Nằm xuống!”, ông lệnh, và bắt đầu đánh: Một roi, hai roi, ba roi…! Chao ôi, đau quá! Tôi òa khóc. Lúc nào cũng vậy, hễ cha đánh đòn tôi thì mẹ thập thò ở đâu đó, chuẩn bị vào can. Lỡ cha nóng giận đánh nặng tay, mẹ nói vọng ra: “Thôi ông đừng đánh nữa, cho nó “nợ” đi”. Cha tôi gầm gừ bảo tôi đứng dậy, ông chỉ vào mặt tôi “Mày biết tội của mày chưa, lần sau nếu còn tái phạm tao đánh hết không cho “nợ roi” nào. Lần này mày còn nợ năm roi đấy...”.

 

Thời gian thấm thoát thoi đưa, thoắt cái nay tôi đã là ông lão chân yếu mắt mờ. Đời tôi đã qua bao thăng trầm dâu bể. Giờ thì cha mẹ tôi không còn trên cõi đời này để tôi trả hết “nợ roi”.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek