Từng là bộ đội tham gia bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, đã cất lên tiếng nói của những người lính sau hòa bình. Ông quan niệm: “Sống và viết về thế hệ mình, viết cho tốt, có thể là một đóng góp nho nhỏ của bản thân vào sự nghiệp to lớn của nhân dân anh hùng. Và có thể cũng trả dần được món nợ thiêng liêng đối với đồng đội, với dân tộc…”.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu trong chương trình giao lưu với bạn yêu thơ Phú Yên - Ảnh: XUÂN HIẾU |
11 tuổi, Phạm Sỹ Sáu đã xa nhà, xuống Đà Nẵng học. Thế mạnh của ông là các môn khoa học tự nhiên, song cuộc sống xa nhà cũng sớm đưa ông đến với văn chương chữ nghĩa. Năm 1972, sau khi cha mất, ông bước vào nghề báo. 16 tuổi, Phạm Sỹ Sáu đã phụ trách một trang của tờ tuần báo ở Đà Nẵng khi đó. Để có “vốn” làm báo, Phạm Sỹ Sáu phải đọc rất nhiều. “Ngay cả tiểu thuyết “ba xu” tôi cũng đọc. Đọc để biết “gu” của độc giả, để làm báo tốt hơn”, nhà thơ chia sẻ.
Sau khi lấy bằng tú tài hạng tối ưu, Phạm Sỹ Sáu thi đậu vào Trường đại học Khoa học Sài Gòn, Khoa Lý hóa vạn vật. “Tôi mơ ước thành bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân, cuối cùng cũng thành bác sĩ, nhưng mà chăm sóc tinh thần cho nhiều người”, ông chia sẻ với các bạn trẻ trong chương trình giao lưu tác giả - tác phẩm, được tổ chức tại Trường đại học Phú Yên cuối tháng 4 vừa qua.
Năm 1977, Phạm Sỹ Sáu tình nguyện nhập ngũ. Vào quân đội, ông nhận thấy người lính sau chiến tranh khác với hình ảnh anh giải phóng quân, anh vệ quốc quân trong văn chương. “Máu” làm báo nổi lên, tôi phải nói lên tiếng nói của thế hệ mình; chiến sĩ tham gia nghĩa vụ quân sự khác anh vệ quốc quân, anh giải phóng quân như thế nào. Vì lý do đó mà tôi lại viết văn và trở thành nhà thơ, nhà văn từ lúc nào không biết. Có lẽ chính tiếng nói về thế hệ mình, sau hòa bình, đã cho phép tôi trở thành nhà văn”, tác giả Điểm danh đồng đội, Chia tay cửa rừng, Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ, Khúc ca đồng đội, Ra đi từ thành phố… tâm sự.
Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, mỗi người tự quyết định một cuốn sách cho mình. Đó là cuốn sách được viết bằng chính đời mình và cuốn sách viết ra từ cuộc đời mình bằng những quyết tâm. Có quyết tâm thì không một trở ngại nào là không thể vượt qua.
Nhiều người cho rằng làm thơ không khó, bằng chứng là “thơ” xuất hiện khắp nơi, số lượng “nhà thơ” nhiều không đếm xuể. Tuy nhiên, theo Phạm Sỹ Sáu, làm thơ cho đúng nghĩa, đôi khi phải đánh đổi bằng xương máu của chính mình. “Tôi trải qua 7 năm ở Campuchia, chỉ viết được khoảng 30-40 bài thơ. Tôi thậm chí suýt chết để có được những trang viết”, ông thổ lộ.
Sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và đồng đội đã sống không đắn đo, sống với quyết tâm vượt lên tất cả, sống như thể ngày mai mình không còn sống nữa. Ông tâm sự: “Tôi đi lính 11 năm 3 tháng, trong đó có 7 năm ở Campuchia, 1 năm ở Hà Nội và 2 năm ở TP Hồ Chí Minh. Tôi dùng chính cuộc đời mình để đổi lấy những bài thơ”. Và đây là một đoạn của một trong những tác phẩm thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu:
… Mai mày về bình yên trong giấc ngủ
Có nhớ bạn bè biên giới ướt sương đêm
Có nhớ tụi tao khao khát hôn lên mái tóc mềm
Của con gái một thời thương nhớ nhất
Mày về mùa mưa, quần áo không lấm lem bùn đất
Dép sa-bô-gô trên phố chiều vàng
Quen tính hay đi mày cỡi xe đạp lang thang
Có nhớ tụi tao cởi trần đi phục.
Hãy mở mắt ra nhìn đời trong đục
Nhìn thật bao dung và cũng thật ra người
Hãy nhớ trong gian lao tụi mình vẫn cười
Trong thiếu thốn vẫn kiên trì khắc phục
Đừng chùn chân nếu chạm vào tiêu cực
Dấu ấn chiến trường nào dễ phôi phai…
(Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ)
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu cho biết, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nhà thơ Quang Dũng. Năm 1970, tạp chí Văn học thực hiện số chuyên đề về Quang Dũng, đăng bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây, Tây Tiến, Phạm Sỹ Sáu đọc một lần là thuộc và “thấm” luôn. Tuy nhiên, không phải vì chịu ảnh hưởng từ Quang Dũng mà hình ảnh người lính tràn ngập trong tác phẩm của Phạm Sỹ Sáu, từ các tập thơ Điểm danh đồng đội, Ra đi từ thành phố… đến Chia tay cửa rừng, Khúc ca đồng đội. Phạm Sỹ Sáu thổ lộ rằng ông viết để có thể trả dần được món nợ thiêng liêng đối với đồng đội, với dân tộc trong cuộc chiến tranh sau ngày 30/4/1975.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu sinh năm 1956 tại Hòa Hiệp (Hòa Vang, Quảng Nam), nay thuộc TP Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp Khoa Lý hóa vạn vật Trường đại học Khoa học Sài Gòn. Tháng 7/1977, ông tham gia quân đội, chiến đấu ở Campuchia.
Tháng 9/1986, Phạm Sỹ Sáu đi học báo chí Trường Sĩ quan chính trị Bắc Ninh, làm phóng viên báo Quân khu 7. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu hiện là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khóa VII (nhiệm kỳ 2015-2020), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm đã xuất bản: Hãy mở lòng ra mùa thu tới(thơ, Mây Biển, 1973), Khúc ca vào chiến dịch (ký sự thơ, in chung, NXB Văn Nghệ & Báo Tuổi Trẻ, 1981), Điểm danh đồng đội (thơ, NXB Văn Nghệ, 1988), Ra đi từ thành phố (trường ca, NXB Trẻ, 1994), Chia tay cửa rừng (thơ NXB Trẻ, 2002), Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ (thơ, NXB Trẻ, 2004), Phạm Sỹ Sáu, thơ với tuổi thơ (thơ, NXB Kim Đồng, 2005), Khúc ca đồng đội (thơ, NXB Trẻ, 2008)… |
YÊN LAN