Thứ Bảy, 12/10/2024 13:24 CH
Độc đáo sắc màu hoa văn thổ cẩm
Chủ Nhật, 07/05/2017 14:00 CH

Phụ nữ xã Suối Trai tại cuộc thi dệt thổ cẩm - Ảnh: CVN

Cộng đồng dân tộc thiểu số chung sống trên các huyện miền núi tỉnh Phú Yên có nét văn hóa phong phú đa dạng, trong đó có nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Vai trò của người phụ nữ hết sức quan trọng trong việc trồng bông kéo sợi, tìm tòi nguyên vật liệu (vỏ cây rừng) áp dụng những kỹ thuật pha chế, ngâm tẩm nhuộm màu và bí quyết dàn trải sắc màu phù hợp khi dệt, để tạo ra những tấm thổ cẩm với hoa văn độc đáo, giá trị nghệ thuật cao.

 

Đến xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) nơi vừa diễn ra cuộc thi dệt thổ cẩm do Hội LHPN xã Suối Trai và Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa phối hợp tổ chức, nhằm khôi phục nghề truyền thống, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho chị em trong cộng đồng, chứng kiến các công đoạn để làm ra được tấm thổ cẩm mới thấy những khó khăn, vất vả cũng như sự tài hoa, tinh tế của người dệt trong từng nét hoa văn. Bà Khiêm, 60 tuổi, dân tộc Ê Đê, ở buôn Xây Dựng, tâm sự: “Tôi biết tạo màu nhuộm sợi, dệt thổ cẩm từ lúc còn con gái, do mí tôi truyền dạy. Những màu sắc hoa văn trên vải thổ cẩm do mẹ tạo ra, làm tôi thích thú muốn biết. Mỗi khi đi rẫy về, mẹ vào bếp nấu cơm cho cả nhà, còn tôi ngồi vào khung dệt luyện tập. Lâu ngày, tôi cũng đã dệt được. Bây giờ tuổi đã lớn, tôi muốn truyền dạy cho con cháu nhưng chúng chẳng ham học hỏi như mình trước đây”.

 

Muốn có được những dải hoa văn nhiều màu sắc đan xen sinh động mang hình dáng đặc trưng của rừng núi, sông, suối, cây, trái, hoa, cỏ, chim, thú… trên tấm thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và tài năng sáng tạo nghệ thuật của người thợ dệt từ khi se sợi, pha chế màu thuốc nhuộm sợi… đến khi ngồi vào khung dệt dàn trải sợi màu tạo hình là một chuỗi công việc không dễ dàng. Bà Khiêm cho biết thêm: “Sợi bông se xong còn nguyên màu trắng, người ta đem sợi ngâm vào chậu nước thuốc (vỏ cây chàm và vỏ ốc đá) để tạo sợi thành màu xanh chàm. Nhuộm xong đem phơi sợi khô ráo, sợi sẽ chuyển dần thành màu đen. Tiếp theo người ta sẽ tạo ra những màu sắc khác như màu xanh (mực), màu đỏ (vỏ cây dần), màu vàng (củ nghệ), màu tím (vỏ cây sim)… Nhuộm sợi màu xong, người ta đem tất cả chúng nhúng vào chậu nước thuốc giữ màu không bị phai trong quá trình sử dụng (nước keo). Những sợi màu này dùng để dệt hoa văn trang trí trên tấm vải thổ cẩm”.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa Ka Sô Liễng đánh giá cao những hoa văn trang trí tạo hình nghệ thuật dân gian trên vải thổ cẩm. “Hoa văn trang trí trên vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc được tạo ra bằng kỹ thuật pha chế thuốc khi nhuộm sợi và nghệ thuật sáng tạo sắp xếp dàn trải màu sắc theo ý của người thợ dệt rất tự nhiên và mộc mạc, mô phỏng lại cuộc sống đời thường của dân tộc từ thuở xa xưa qua những đường nét hoa văn hư hư, thực thực… Được nhiều người ưa thích, các sản phẩm thổ cẩm có hoa văn trang trí thường dùng để may trang phục lễ hội cho cả nam, nữ, người già đều thích hợp. Một bộ trang phục lễ hội được may từ thổ cẩm hoa văn truyền thống toát lên vẻ đẹp tự nhiên, vừa sang trọng vừa bình dị, rất có giá trị. Ngày trước, 4 tấm vải thổ cẩm cỡ vừa đã có thể đổi được cặp bò, trâu to hoặc làm lễ vật trong việc cưới xin cho con trẻ”, ông Ka Sô Liễng nói.

 

Nhưng đấy là nói chuyện… ngày xưa. Ngày nay, với nhiều tiến bộ, những công đoạn se sợi, nhuộm màu không còn phải làm thủ công nữa mà chỉ dệt thổ cẩm nhiều màu sắc được bán phổ biến ở chợ. Người dệt chỉ cần biết dệt, và tâm huyết với nghề truyền thống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều để tạo ra một tấm thổ cẩm so với ngày trước.

 

Trở lại cuộc thi dệt thổ cẩm xã Suối Trai, tại đây, ai cũng tấm tắc khen các nghệ nhân trẻ “tài hoa” cần mẫn tạo ra những sản phẩm thổ cẩm với hình ảnh hoa văn đầy tính nghệ thuật bằng đôi tay mềm mại khéo léo. Những động tác chuyển động luồn sợi qua lại đều đặn để rồi trên nền vải thổ cẩm hiện dần những hoa văn mang hình dáng khác nhau, tròn tròn như hạt nút, trái cà, dài nhọn hai đầu trông giống chiếc lá tre, nhấp nhô như dợn sóng lúa hay những nhà sàn, núi rừng, sông suối… gợi lên cho người xem một cảm giác như xem một bức tranh phong cảnh hoặc cảnh sinh hoạt của người xưa huyền ảo.

 

Kpá Y Hôn, Chủ tịch UBND xã Suối Trai, cho biết: “Những nghệ nhân trẻ biết sáng tạo dàn trải những sợi chỉ màu để tạo ra hoa văn độc đáo trên vải thổ cẩm truyền thống rất bắt mắt, được nhiều người ưa thích. Thổ cẩm dệt của bà con dân tộc thiểu số chúng tôi có tự ngàn xưa, được các mẹ các chị truyền lại cho nhau sau giờ lao động, chủ yếu là để tự phục vụ chứ chưa phát triển thành làng nghề truyền thống, sản xuất theo hướng hàng hóa phục vụ du khách gần xa”.

 

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sơn Hòa, vẫn được bà con lưu truyền rải rác. Trước đây, huyện đã thành lập làng nghề ở một số địa phương, nhưng vì nhiều yếu tố làng nghề chưa ổn định và phát triển. Cuộc thi dệt thổ cẩm vừa rồi tại xã Suối Trai, nhằm tập hợp những phụ nữ biết nghề dệt thổ cẩm, tiếp tục khơi gợi niềm đam mê sáng tạo, duy trì nghề dệt thổ cẩm, đồng thời tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho chị em phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua cuộc thi này, chúng tôi phát hiện nhiều chị em có tay nghề vững, biết sáng tạo cho ra những dải hoa văn độc đáo, đẹp mắt cuốn hút người xem. Thời gian tới, huyện Sơn Hòa tiếp tục tìm cách thúc đẩy xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm bền vững, nhằm bảo tồn giá trị văn hóa nghệ thuật của nghề dệt đặc trưng này của bà con.

 

Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa

 

TRẦN CAO TRÍ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bốn mùa biển gọi
Thứ Bảy, 06/05/2017 08:43 SA
Dư vị ngọt ngào qua lời ca điệu nhạc
Thứ Năm, 04/05/2017 14:00 CH
Nỗi lo “hài nhảm”
Thứ Năm, 04/05/2017 09:55 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek