Thứ Bảy, 12/10/2024 23:32 CH
Võ Bình Định nhìn từ tâm thức dân gian
Thứ Năm, 02/03/2017 09:48 SA

NXB Đại học Quốc gia Hà Nội vừa cho ra mắt tp sách Võ Bình Định nhìn từ tâm thức dân gian của nhà văn - nhà nghiên cứu Trần Thị Huyền Trang. Đây là một công trình khoa học có giá trị về mặt tinh thần và thực tiễn.

 

Bìa sách “Võ Bình Định nhìn từ tâm thức dân gian” của nhà văn - nhà nghiên cứu Trần Thị Huyền Trang - Ảnh: ĐÀO TẤN TRỰC

Trong lời mở đầu sách, nhà nghiên cứu Trần Thị Huyền Trang viết: “Nỗi niềm trăn trở đau đáu của người đất võ… đã dẫn dắt tôi về với những làng xóm hiền hòa để đọc lại trong từng vầng trán, từng ánh mắt, từng dáng đi của người Bình Định chất võ lắng sâu; lắng nghe, góp nhặt từng câu chuyện lấm lem bùn đất, từng giai thoại về các cô gái áo đỏ giỏi cưỡi ngựa đi quyền, về những đấng mày râu đầu đội trời chân đạp đất lấy võ làm túi càn khôn gây dựng cơ đồ. Sau bao kiếm tìm và chắt lọc, những trang sách dẫu còn thô vụng này sẽ là đường dẫn để bạn đọc tiếp cận các làng võ nổi tiếng, các dòng võ lâu đời, các võ sư lừng danh, một số môn phái có xuất phát điểm là võ Bình Định và người Bình Định”.

 

Sách dày 375 trang, cả 7 chương đều tập trung tìm hiểu, nghiên cứu võ Bình Định dưới góc nhìn từ tâm thức dân gian. Nếu như ở chương I, tác giả giới thuyết về những khái niệm liên quan đến võ, võ Tây Sơn, võ Bình Định, văn hóa võ, văn hóa dân gian, tâm thức dân gian, bản sắc và kiến tạo bản sắc thì đến chương II, chị đi sâu tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của võ Bình Định trên các phương diện địa lý tự nhiên, dân cư, lịch sử; địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa qua các thời kỳ: quy tụ và tích hợp (1471-1558), phát triển (1558-1771), cực thịnh (1771-1802), hậu Tây Sơn (1802-1858), phục hưng (1858-1930), chuyên môn hóa võ thuật (1930-1975) và thời kỳ độc lập giao lưu hội nhập (từ 1975 đến nay). Sang chương III, tác giả nghiên cứu, tìm hiểu các yếu tố làm nên diện mạo võ Bình Định gồm các môn võ, võ khí tiêu biểu như võ tay không (quyền thuật), võ có vũ khí, trống, kỳ, y võ; các đặc điểm võ Bình Định như đặc điểm của quyền pháp (túc bất ly địa), đặc điểm của cách thức trao quyền (những bài thiệu võ), đặc điểm tổ chức (dòng võ, lò võ, làng võ) và đặc điểm về chủ thể (sự đa dạng về phong cách). Đến chương IV, chị đi sâu tìm hiểu một số dòng võ và làng võ Bình Định như dòng võ họ Đinh, họ Trương, họ Diệp, họ Lâm ở An Thái, họ Trương ở Phù Mỹ, họ Nguyễn ở An Vinh, họ Hồ ở Thuận Truyền, họ Lý ở An Nhơn, họ Hà ở An Hòa; một số làng võ nổi tiếng ở Bình Định như làng võ An Thái, làng võ An Vinh, làng võ Thuận Truyền; các xu thế biến đổi của võ Bình Định qua tương quan giữa dòng võ và làng võ. Ở chương V, chị đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu những phong tục trong làng võ như võ đạo, mối quan hệ thầy trò, quan hệ hôn nhân làng võ, các lễ giỗ tổ võ, tục tỷ võ và đấu võ đài. Trong 2 chương VI, VII, tác giả đề cập đến võ Bình Định với nghệ thuật và lễ hội dân gian qua các bộ môn nghệ thuật như trống võ và nhạc võ, võ và hát bội Bình Định; võ trong các lễ hội tiêu biểu, trong đời sống dân gian ở Bình Định; võ Bình Định trong sự kiến tạo bản sắc văn hóa nhìn từ truyền thống thượng võ, sự đóng góp quan trọng của nữ giới, các biểu tượng võ Bình Định…

 

Tất cả các chương sách đều được tác giả viết công phu, kỹ lưỡng, khoa học, nhất là những chương nghiên cứu sâu võ Bình Định trong mối qua hệ với văn hóa, từ đó có cái nhìn toàn diện, đa chiều và đánh giá đúng bản chất, bản sắc của võ Bình Định từ trước đến nay. Theo nhà nghiên cứu Trần Thị Huyền Trang, văn hóa võ Bình Định còn “ẩn chứa ý chí, lương tri và tâm hồn của mỗi con người, linh hồn của vùng đất và linh hồn của dân tộc. Trên mọi nẻo đường Đông - Tây, dù trong phạm vi một vùng nhỏ béhay bước vào một thế giới rộng lớn, võ không chỉ để chống trả mà còn để cứu giúp, không chỉ để chiến thắng mà còn để nhận diện và còn để kết giao bè bạn”. Đó là thông điệp mà chị đã “đọc” được qua võ Bình Định.

 

Được biết, cuốn sách này chính là bản luận án tiến sĩ, một công trình được Trần Thị Huyền Trang nghiên cứu công phu nhiều năm liền và đã bảo vệ thành công xuất sắc. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về võ Bình Định từ góc nhìn văn hóa. Công trình có nhiều đóng góp mới về mặt khoa học và thực tiễn, làm nên giá trị tốt đẹp, bất biến của võ Bình Định trong mối quan hệ với bản sắc, con người, vùng đất Bình Định nói riêng và trong mối quan hệ tổng thể với đời sống văn hóa dân gian vùng Nam Trung Bộ nói chung.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek