Đoàn Xiếc 3 thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa có những buổi biểu diễn ấn tượng tại sân vận động TP Tuy Hòa. Các nghệ sĩ trẻ của đoàn đã mang đến cho khán giả Phú Yên một số tiết mục đoạt giải vàng, giải bạc… tại các liên hoan xiếc trong nước và quốc tế. Những tiết mục xiếc người táo bạo, kịch tính đến nghẹt thở, những tiết mục xiếc thú lôi cuốn và các chú hề vui nhộn đã làm khán giả reo hò, vỗ tay không ngớt.
Nghệ sĩ trẻ Trịnh Trà My biểu diễn tiết mục “Đế kiếm” vô cùng ấn tượng - Ảnh: YÊN LAN |
Trong 5 ngày vừa qua, khán giả, đặc biệt là các bạn nhỏ, vô cùng thích thú khi đến với Rạp xiếc Trung ương. Chẳng phải vì lâu lâu mới có đoàn xiếc đến Tuy Hòa, mà chính là bởi những tiết mục rất ấn tượng do các nghệ sĩ trẻ đến từ Hà Nội biểu diễn. Rạp xiếc Trung ương với 1.400 chỗ ngồi hầu như kín người xem. Những tiếng reo hò cổ vũ, những tràng pháo tay tán thưởng liên tục dậy lên khi các nghệ sĩ biểu diễn những tiết mục nhào lộn đẹp mắt, khi họ thể hiện kỹ thuật giữ thăng bằng khó tin trên không trung, khi 2 chú hề tung hứng với nhau và khi các “diễn viên” bốn chân, “diễn viên” có lông vũ xuất hiện trên sân khấu, biểu diễn đủ trò.
Đưa con trai đi xem xiếc, chị Nguyễn Thị Thanh Liêm ở phường 1 (TP Tuy Hòa), nhận xét: “Đoàn này diễn rất hay, đầy kịch tính, làm cho khán giả hồi hộp. Người lớn thích các tiết mục xiếc người, còn trẻ em thích các chú hề vui nhộn và xiếc thú”. Chị Nguyễn Thị Trúc ở phường 7 (TP Tuy Hòa), nói: “Các tiết mục rất ấn tượng, thể hiện đẳng cấp của một đoàn xiếc Trung ương”, còn em Trịnh Bảo Hân ở phường 3 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Lâu lắm rồi em mới đi xem xiếc. Các nghệ sĩ biểu diễn quá hay, rạp xiếc cũng rất hoành tráng”.
Theo nghệ sĩ Phùng Đắc Nhẫn, Phó Trưởng Đoàn Xiếc 3, mang thương hiệu Liên đoàn Xiếc Việt Nam đi lưu diễn thì phải có rạp. Đây là cả một vấn đề. Ở những địa điểm bằng phẳng, dễ dàng đóng cột, dựng rạp thì cũng phải mất cả tuần, nếu gặp nơi có nền đá cứng lại càng vất vả, phải mất từ 10-12 ngày cho khâu dựng rạp!
Rạp xiếc khổng lồ tất nhiên thu hút sự tò mò của người dân địa phương, nhưng muốn gây ấn tượng với khán giả thì phải có những tiết mục đặc sắc. Đó chính là “Đế kiếm” của nghệ sĩ trẻ Trịnh Trà My - tiết mục đoạt 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc tại 2 kỳ liên hoan xiếc quốc tế, là “Tạo hình trên đôi giày trượt” của nhóm nghệ sĩ đến từ Đoàn Xiếc 2, đã đoạt giải vàng, bạc trong nước và quốc tế… Tham gia biểu diễn cùng các đồng nghiệp tại thành phố biển Tuy Hòa, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Quốc Đông, Phó Trưởng Đoàn Xiếc 2, cho biết: “Chúng tôi tập tiết mục này trong 2 năm rồi bắt đầu biểu diễn, càng tập thì càng “ngấm”. Cho đến năm thứ 8, thứ 9 mới bắt đầu có cảm giác tốt. Để được như ngày hôm nay, chúng tôi mất rất nhiều công sức. Điều tôi cảm thấy hài lòng là đem khả năng, nghệ thuật xiếc của mình đến với khán giả trong nước và cả ngoài nước, để họ biết đến nghệ thuật xiếc của Việt Nam”. Nghệ sĩ 9X Trà My chia sẻ: “Tôi đam mê bộ môn này và muốn thử thách bản thân nên cố gắng tập, biểu diễn một tiết mục để khán giả xem và nhìn nhận là xiếc Việt Nam có thể làm được như thế”.
Trong chương trình biểu diễn của Đoàn Xiếc 3, các chú hề luôn làm cho khán giả nhí thích thú. Nghệ sĩ Phùng Đắc Nhẫn, người vào vai hề xiếc đã 17 năm nay, chia sẻ: “Diễn viên hài có thể thuê đạo diễn, còn hề xiếc thì chính mình đạo diễn tiết mục của mình, thiết kế đạo cụ cho mình. Xây dựng câu chuyện hay đã khó, xây dựng câu chuyện để khán giả đón nhận, thấy hài hước thì càng khó hơn”.
Không chỉ có các chú hề vui nhộn, “lực lượng diễn viên” 4 chân gồm các chú khỉ, dê, anh em nhà gấu, chú chó bec-giê, nàng (cũng có thể là chàng) mèo đỏm dáng có “quốc tịch” Anh và các “bạn diễn” mang 2 “dòng máu” Việt - Anh… cũng làm cho khán giả nhỏ tuổi thích thú. Nghệ sĩ Tạ Duy Lâm, người gắn bó với xiếc thú từ năm 2002 đến nay, bật mí: Để các con vật “chung sống hòa bình” và có sự phối hợp nhịp nhàng khi biểu diễn thì phải cho chúng chơi chung với nhau từ nhỏ, để chúng thân thiết và không “đánh” nhau. Đoàn xiếc phân công một người trông coi, chăm sóc các “diễn viên” 4 chân, “diễn viên” có lông vũ, và Tạ Duy Lâm cũng thường dành thời gian chăm sóc, chơi đùa với chúng.
Có một thắc mắc là bên cạnh các biện pháp an ninh, làm sao để những con thú ăn thịt không bộc lộ bản tính hoang dã? Nghệ sĩ trẻ Tạ Duy Lâm cho biết: “Khi những con thú bị nuôi nhốt trong chuồng chật hẹp, ít được tiếp xúc với bên ngoài thì tính hung dữ sẽ trỗi dậy. Ngay từ nhỏ, các con thú đã được cho đi chơi, tiếp xúc với nhiều người, để cho chúng quen và thân thiện. Nếu cứ nhốt suốt ngày và không cho chúng tiếp xúc với bên ngoài thì chúng sẽ rất dữ”.
Niềm vui của Duy Lâm là trước và sau giờ biểu diễn có thể thoải mái chơi đùa với các “bạn diễn” đặc biệt của mình. Và Duy Lâm, cũng như nhiều nghệ sĩ trong đoàn, đã thăng hoa khi có tiếng reo hò, những tràng pháo tay của khán giả.
YÊN LAN