Ngày 1/3, UBND huyện Tây Hòa tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích Lịch sử - Văn hóa Mộ bà Lê Thị Loan (ở thôn Lạc Mỹ, xã Hòa Phú).
Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh trao bằng xếp hạng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh Mộ bà Lê Thị Loan cho đại diện lãnh đạo địa phương - Ảnh: TUYẾT DIỆU |
Bà Lê Thị Loan là một nhân vật lịch sử đã có công cùng chồng là danh nhân Lương Văn Chánh khai khẩn, mở mang vùng đất Phú Yên vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII.
Năm 1578, Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh đem lưu dân đi khai khẩn vùng đồng bằng Tuy Hòa hiện nay. Năm 1597, khi đang giữ chức Tri huyện Tuy Viễn trấn An Biên (nay thuộc tỉnh Bình Định), Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh đưa 4.000 lưu dân từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và Thuận Quảng vào vùng đất giữa đèo Cù Mông và đèo Cả khai hoang, lập làng. Vùng đất này trọng tâm là vùng ven biển và hạ lưu các con sông: Cù Mông, Bà Đài (hạ lưu Sông Cái), Đà Diễn (hạ lưu Sông Ba), Đà Nông (hạ lưu Sông Bàn Thạch) để hình thành vùng đất biên viễn phía Nam nước Đại Việt với tên gọi là Trấn Biên.
Đây là cơ sở mới để đến năm 1611, Nguyễn Hoàng cho thành lập thêm một đơn vị hành chính mới là phủ Phú Yên với 2 huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa. Trong quá trình khai khẩn, mở mang vùng đất Phú Yên, bà Lê Thị Loan đã đóng góp một phần không nhỏ.
Di tích Mộ bà Lê Thị Loan là dấu tích còn lại duy nhất cho đến ngày nay. Bên cạnh giá trị lịch sử - văn hóa, mộ bà Lê Thị Loan còn là địa điểm tham quan thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong nhân dân.
Hàng năm vào ngày 23/11 âm lịch, con cháu tộc họ Lương về đây thắp hương, tỏ lòng thành kính, tri ân, tưởng nhớ công lao của bà Lê Thị Loan.
Ngày 30/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích Lịch sử - Văn hóa Mộ bà Lê Thị Loan.
TUYẾT DIỆU