Sau nhiều năm rong ruổi với nghề, nhà báo mê văn chương Mạnh Hoài Nam ra mắt bạn đọc tập tạp bút Về lại Ô Loan với những dòng nhớ dòng thương đong đầy kỷ niệm.
Về lại Ô Loan (do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên hỗ trợ kinh phí xuất bản) gồm 40 tạp bút. Mỗi tác phẩm như một mảnh ghép của bức tranh làng quê, nơi có xóm Gõ bên đầm Ô Loan với những ngôi nhà dựa lưng vào vách núi, có dòng sông tuổi thơ, có cây sung già trước ngõ, có ao làng với bầy cá rô, hoa sen hoa súng… Văn của Mạnh Hoài Nam mộc mạc chân phương và “đậm đặc” chất quê. Đây là hình ảnh những người dân ở xóm Gõ bên đầm Ô Loan: “Con đường viền theo xóm nhà cạnh đầm là nơi “chở” những hình ảnh quen thuộc. Cô, thím đi xe đạp, chở phía sau thau sò, rổ tôm, gió từ đầm thổi mạnh làm trật chiếc nón ra phía sau; còn chú bác trong vùng chở đầy trong giỏ cần xé hàu, cua, cá… cố rướn qua chỗ cát lún… Ngày trước bắt đầu mùa sò, má ra đầm nhúng chân xuống nước “làm phép” để sau rà lấy hên. Thế nhưng qua hai mùa sò, má nhúng nước bàn chân “lấy ngày” chờ mãi không thấy sò huyết hồi sinh…” (Về lại Ô Loan). Đây là hình ảnh không thể nào quên nơi quê nhà: “…Những đêm mùa đông mưa dai dẳng, nước trên trổ máng ào ào đổ xuống sân sau chảy ra ao tạo thành một luồng, cá rô dưới ao “ức” nước róc lên bờ, sáng ra mở cửa thấy cá rô ngúc ngoắc vào tận cửa sau chái bếp, mắc cạn. Tôi bắt cá rộng vào trong lu nước. Trưa má đi làm đồng về nấu canh chua lá giang, múc một tô bảo tôi bưng sang cho ngoại. Tôi bưng tô canh cẩn thận đi từng bước trên bờ ao, không dám đi nhanh sợ canh tạt ra ngoài…” (Ao làng).
Là phóng viên phụ trách mảng kinh tế, song Mạnh Hoài Nam (bút danh La Hai, Trâm Trân) lại có duyên với tạp bút. Anh viết rất tự nhiên. Người đọc có cảm giác như câu chữ tuôn ra theo dòng hồi ức và cứ thế “tràn” lên trang giấy một cách dung dị. Hãy nghe anh kể chuyện: “Hồi đó cả xóm chỉ có nhà ông Năm Vụt sắm được máy cassette. Tối, năm anh em dắt díu đi nghe cải lương. Chủ nhà tốt bụng ngả cái nong tre ra giữa sân, mấy đứa nhỏ cùng nằm duỗi chân, máy cassette để trên đầu mở mấy tuồng cải lương Tâm sự loài chim biển, Máu nhuộm sân chùa, nghe mùi tai, ngủ quên. Sáng thả bò đi ăn, bụng đói cồn cào đi dọc bờ sông hái trái cơm rượu ăn, cơm rượu chín đỏ cây, không có hột cơm sáng lót bụng, ăn nhiều trái cơm rượu say đi nghiêng ngả”. (Đi qua dòng Trà Bương). Còn đây là một kỷ niệm khó quên, cũng vào thập niên 80 của thế kỷ trước: “Năm ấy, cơn mưa đầu mùa ập xuống, mọi người trong xóm ra đồng be bờ hứng nước cày ải vào vụ lúa mới, còn má tôi bệnh nặng nằm liệt giường, bà ngoại thì tuổi già ngồi một chỗ trong nhà. Khi cánh đồng trước nhà sạ xong, lúa nhú mầm xanh, má mới vừa bớt bệnh, miệng chưa bén cơm cũng ráng ra đồng sạ muộn đám ruộng. Cuối vụ, ruộng chung quanh chín thu hoạch xong, ruộng nhà tôi còn xanh, bò trong xóm thả ăn qua ăn lại chỉ còn lõm giữa… Sau vụ lúa, ai thuê gì má làm nấy kiếm tiền chạy gạo ăn từng bữa. Hôm thạp gạo trong nhà cạn đáy, túi áo cũng trống không, má sai tôi bưng thau nhôm qua nhà cô Ba hàng xóm mượn gạo. Trên đường về, chân vấp rễ gốc mít trước ngõ làm tôi ngã sấp, thau gạo đổ ụp xuống đất văng tứ tung. Vào nhà tôi thưa thiệt với má. Má nghe xong không nói không rằng mà nhìn chỗ khác rồi lặng lẽ chùi nước mắt” (Nhớ rổ bánh luộc).
Trong tập tạp bút Về lại Ô Loan (NXB Hội Nhà Văn), làng quê hiện lên thật sinh động dưới góc nhìn và tâm tư của một người gắn bó với làng. Nhà báo Mạnh Hoài Nam sinh năm 1973, quê ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân). Tuổi thơ anh gắn bó với dòng sông Trà Bương, với những đêm hè đạp lúa, những lần đi soi nhái, những mùa keo chín… Anh nhớ lần phụ má làm bánh tết, những lúc đi chợ đêm, những mùa mưa ba cất vó, và nhớ cả cái trổ máng, chén cơm nguội, nồi cá kho đậm đà hương vị đồng quê. Từ Đồng Xuân vào Tuy Hòa làm việc tại Báo Phú Yên, anh mang theo cánh đồng, dòng sông… trong mênh mang ký ức. Và anh thong thả chia sẻ chúng với người đọc, với những ai vẫn giữ trong tim hình bóng làng quê để rồi mỗi khi nghe tiếng sẻ nâu lại thấy rộn lên bao kỷ niệm.
Không có mỹ từ, không có những câu văn trau chuốt, Về lại Ô Loan giản dị là dòng nhớ dòng thương của một người con lớn lên từ làng quê. Người con ấy đã rời làng vào phố, tất bật với công việc nhưng vẫn luôn hướng về mảnh đất đã nuôi mình lớn khôn, nơi có má, có chị hai… tảo tần lam lũ, có những người hàng xóm chất phác, tốt tụng. Bởi thế mà tập sách đầu tay của nhà báo Mạnh Hoài Nam ấm áp tình thân và đong đầy tình yêu làng xóm, ruộng đồng.
YÊN LAN