Âm nhạc dân gian của các dân tộc thiểu số phía Bắc nước ta có sự cân bằng và đồng bộ giữa nhạc hát, nhạc múa qua các nhạc cụ truyền thống, trong đó nổi bật nhất là nhạc cụ đàn tính của dân tộc Tày - Nùng. Năm 1979 một số bà con dân tộc Tày - Nùng của hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Cạn “hành phương nam” đến Phú Yên lập nghiệp nên nhạc cụ đàn tính được nhiều người biết đến.
Vượt cầu sông Ba theo hướng tây nam đến thôn Suối Mây (xã Ea Bá, huyện Sông Hinh), tôi nghe các nghệ nhân đồng bào dân tộc Tày - Nùng ca hát với nhạc cụ truyền thống đàn tính lúc trầm, lúc bổng vang xa làm rung cảm lòng người. Sau những giờ lao động mệt nhọc, họ đến với nhau và hát cho nhau nghe những làn điệu dân ca của dân tộc mình gắn liền với tình yêu quê hương đất nước, con người trong lao động sản xuất, trong xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Ông A Tiếp, dân tộc Tày, 75 tuổi ở thôn Suối Mây, cho biết: “Đàn tính là nhạc cụ truyền thống của dân tộc chúng tôi có từ bao đời nay và đã ngấm sâu vào máu thịt của bao thế hệ chúng tôi, không thể thiếu được. Tiếng đàn đưa chúng tôi xích lại gần nhau, đoàn kết một lòng, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày, tạo thành sức mạnh tổng hợp cộng đồng không gì phá vỡ nổi”.
Đàn tính được các nghệ nhân làm bằng phương pháp thủ công từ các vật liệu địa phương. Bởi thế mỗi nhạc cụ, mỗi bản nhạc tấu lên đều mang đậm nét văn hóa đặc sắc rất riêng của dân tộc họ. Đặc biệt, đàn tính của dân tộc Tày - Nùng không sử dụng đơn lẻ mà thường tổ chức thành dàn nhạc hay tốp nhạc mỗi khi hát hoặc đánh nhạc đệm cho những bài hát trong các nghi lễ then. Các nghệ nhân vừa hát vừa tự đánh đàn đệm cho mình, nhiều chương đoạn còn dùng chân tự xóc nhạc hòa cùng với đàn mà hát hoặc có người khác xóc nhạc theo tiết tấu của đàn. Trong mỗi cuộc hát, nhiều đoạn đàn tính trình diễn như một nhạc cụ độc tấu, vừa làm tăng thêm sự hấp dẫn cho một cuộc chơi, vừa để cho người hát có thời gian nghỉ hơi chuyển tiếp sang nhịp. Đàn tính kết hợp với xóc nhạc làm cho các nghệ nhân khi hát và múa sôi nổi, hứng khởi.
Theo các nghệ nhân, đàn tính có nhiều kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau và âm thanh khi phát ra cũng khác nhau. Cụ thể, đàn tính cỡ nhỏ khi đánh âm thanh phát ra cao, tươi sáng phù hợp với giọng nữ trẻ; cỡ trung bình phù hợp với giọng của nhiều người, còn loại lớn phù hợp với giọng trầm ấm. Đàn tính được cấu tạo khá đơn giản, cần đàn làm bằng gỗ nhẹ, dai mịn; chiều dài cần đàn khoảng 75-95cm; bầu đàn làm bằng quả bầu khô có đường kính khoảng 15-20cm, bầu đàn phải có độ tròn và độ dày đều, tiếng đàn mới vang và chuẩn.
Mặt đàn làm bằng gỗ nhẹ mỏng xốp và chống được ẩm, người ta dùng nhựa cây làm chất keo gắn kết mặt đàn với bầu đàn. Dây đàn trước kia các nghệ nhân thường xe bằng sợi tơ, lấy sáp ong vuốt nhẵn, kêu gọn tiếng, lâu hỏng (ngày nay các nghệ nhân dùng dây cước). Ngựa đàn là mảnh gỗ hoặc tre có cắt khấc cho dây lọt xuống. Đàn tính có 3 dây; 2 dây ngoài cách nhau quãng 5 (đô - son), dây giữa trầm nhất, cách dây đô một quãng 8. Cần đàn không có phím, ngựa đàn thấp, cần đàn dài nên dây không quá căng. Do đó, trên thực tế tiếng đàn chỉ vang, có âm thanh hay chỉ ở 3 thế tay đầu tiên. Ở các thế tay cao, khi bấm dây bị dính vào mặt cần, tiếng đàn phát ra bị sạn và âm không chuẩn.
Người đánh đàn thường đặt bầu đàn bên đùi phải, dùng ngón tay cái của tay trái đỡ lưng cần đàn, các ngón còn lại dùng để bấm dây. Tay phải ngón cái và ngón 3, 4, 5 cầm ở chỗ tiếp giáp giữa bầu đàn và cần đàn. Ngón trỏ tay phải dùng gảy đàn theo hai chiều, nhiều khi tùy theo tình cảm của người trình diễn, ở những đoạn nhộn nhịp hoặc tương đối tự do, các ngón tay phải có thể dùng đập vào mặt đàn tựa như tiếng trống, tiếng gõ nhịp làm cho phần trình diễn thêm nhộn nhịp, sôi động và hứng thú hơn.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng cho biết: “Đàn tính là một loại nhạc cụ của các dân tộc phía Bắc của nước ta, trong số đó có dân tộc Tày - Nùng của hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Kạn, họ quen gọi tính then là “ăn tính” có nghĩa là cái đàn. Tính then được dùng để đánh nhạc đệm cho các nghệ nhân hát trong các nghi lễ then. Đây là một nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống âm nhạc, văn hóa tinh thần của đồng bào Tày - Nùng”.
TRẦN CAO TRÍ