Chủ Nhật, 13/10/2024 13:25 CH
Bùi Văn Tuấn với “Bức tranh màu sỏi”
Thứ Tư, 04/01/2017 08:00 SA

Bùi Văn Tuấn - Ảnh: ĐÀO TẤN TRỰC

Dù tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế nhưng Bùi Văn Tuấn đã “phải lòng” thơ văn. Tâm sự riêng lòng mình, nhớ người thân, quê nhà Phú Yên, nhất là những mùa bão lũ…, anh vừa gửi vào hai tập sách “Bức tranh màu sỏi” (truyện ngắn) in riêng và “Chút lãng mạn vào thu” (tập thơ in chung với Nguyễn Kiều Lệ) do NXB Thanh Niên ấn hành.

 

Bùi Văn Tuấn sinh năm 1967, quê thôn Đại Phú (xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa). Năm 1986, anh tốt nghiệp Trường THPT Trần Quốc Tuấn và vào học, tốt nghiệp chuyên ngành Giá, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh rồi ở lại thành phố này làm việc, sinh sống đến nay. 

Trong “Bức tranh màu sỏi” có 21 truyện ngắn, anh viết về những điều trong cuộc sống xung quanh và về những người thân. Đó là những thầy tôi, lớp tôi, người khiêng trống, bác thợ hòm, nhà báo và những người thân như cha làm thợ mộc, cháu bệnh tật… thực đến chạnh lòng. Nếu ai từng biết về gia đình cũng như cuộc sống của anh ở quê nhà và quãng thời gian anh lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh thì sẽ thấu hiểu được hiện thực mà anh tái hiện trong các tác phẩm. Dường như trong thâm tâm, nỗi lòng của mỗi kẻ xa quê đều hoài vọng quê nhà, sống trong tâm thức với người thân nhiều hơn thực tại và Bùi Văn Tuấn cũng vậy. Hơn thế nữa, nỗi nhớ nào trong anh cũng có đầu có cuối, đắm sâu, gần gũi nên nỗi nhớ đó đã thành những câu chuyện dễ thương, nặng lòng.

 

Bùi Văn Tuấn đến với văn chương tình cờ, nhẹ nhàng mà sâu lắng, những gì anh viết ra đều là máu thịt của chính mình. Trong truyện ngắn “Thằng Nghẻo”, anh viết về đứa cháu của mình ở vùng núi An Nghiệp (huyện Tuy An), bị bại não bẩm sinh suốt 9 năm trời sống đời thực vật. Vậy nên, cha mẹ nó sống trong cảnh lam lũ, cơ cực. Trước khi qua đời, nó đã cùng mẹ không ít lần vô Nam bán vé số. Thương nó tật nguyền, rất nhiều người tốt bụng ở đất Sài thành đã mở rộng vòng tay giúp đỡ. Và nó đã giúp cha mẹ trả bớt nợ nần, hai đứa em cũng được cắp sách đến trường mà không phải lo cái bụng sôi lên sùng sục.

 

Anh còn viết về thân phận của con người, như ông thợ mộc già, về những người khiêng trống trong các đám ma, bác thợ đóng hòm, chú hề dĩ vãng… Ở một nội dung khác, Bùi Văn Tuấn còn đề cập đến nhiều kỷ niệm thân thương nơi mình từng gắn bó một thời tuổi dại, đó là chân dung của những người thầy có “nụ cười hiền hòa, ánh mắt bao dung và gần gũi” đã dạy anh nên người, về “Chuyện lớp tôi”, nơi mái trường Trần Quốc Tuấn thân yêu và quãng đời sinh viên không thể nào quên ở Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh những năm 80 thế kỷ trước đầy khó khăn thiếu thốn. Lối viết của anh gần gũi, mộc mạc và lột tả được hiện thực nông thôn, tính cách của mỗi con người một cách chân thực, giàu nhân văn.

 

Ngoài truyện, Bùi Văn Tuấn còn làm thơ. Tập “Chút lãng mạn vào thu” có 29 bài, đa phần là những bài thơ viết về quê hương và người thân. Đọc tập thơ này, người đọc không khỏi nặng lòng với những câu thơ anh viết về quê nhà trong những ngày mưa lũ tàn phá Tháng mười chợt nhớ đến quê/ Liêu xiêu trong gió mẹ về nón nghiêng/ Bóng cha ngồi tựa bên thềm/ Nhìn đồng trắng lũ, chiếc thuyền chông chênh (Tháng mười chợt nhớ đến quê). Tình cảm, nỗi nhớ của anh không chỉ thoáng qua khi hay tin mưa lũ bời bời mà còn có cả một chuỗi dài kỷ niệm khó quên. Đó là Nhớ nồi cơm thoảng khói rơm/ Quyện mùi rô nướng nồng thơm mặn mòi/ Canh chua sam đất, măng vòi/ Cá trê kho sít chân nồi… giành chan. Đồng hành với nỗi nhớ, cái tôi trữ tình trong thơ anh còn biết cúi đầu tạ lỗi với quê hương xứ sở Con đi biền biệt mây ngàn/ Xứ người rong rủi bạc hanh mái đầu/ Thức mình trắng cả đêm thâu/ Thương cha vá lưới, mẹ khâu áo sòng… Nắng vàng, mây trắng, trời trong/ Tận phương Nam thấy thắt lòng mẹ ơi. Năm 2010, bà của anh qua đời. Tận phương Nam nghe tin buồn nhưng bệnh tật không về được, anh gửi lòng mình vào những câu thơ để tưởng nhớ bà thật cảm động: Bà đi giữa lúc đông tàn/ Cháu không về kịp tiễn qua bến bờ/ Núi non sương khói phủ mờ/ Suối ru như khóc ầu ơ kiếp người (Bà đi). Rồi hè 2015, người cha một đời làm thợ mộc ở quê lâm bệnh và cũng ra đi. Đôi chân không đi được nhưng anh tức tốc có mặt ở quê nhà để tiễn cha về cõi vĩnh hằng. Anh viết: Đến đất trời cũng sùi sụt mưa bay/ Khóc thương ba giữa chiều mùa hạ/ Hỡi cao xanh hãy ban phép lạ/ Cho ba được an lòng thanh thản ra đi (Rồi ba cũng ra đi). Ngoài tâm sự với quê hương, với người thân, thơ Bùi Văn Tuấn còn ẩn chứa một chút se sắt lòng với chính bản thân và cuộc đời.

 

Hai tập sách đầu tay in cùng một lúc, người đọc cũng dễ lý giải vì sao Bùi Văn Tuấn học kinh tế ở cái thời “dân kinh tế hiếm như vàng”, vậy mà không làm kinh tế. Hai tập sách là tấm lòng của anh với quê hương và cũng là động lực để một người nặng tình với văn chương như anh đam mê sáng tác, luôn vui, tin vào cuộc sống trên bước đường tương lai.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek