Chủ Nhật, 13/10/2024 15:15 CH
Lại Văn Long gây bất ngờ với nhiều tiểu thuyết ấn tượng
Thứ Tư, 21/12/2016 14:00 CH

Có những cây bút mới ghi dấu ấn trên văn đàn lại biến mất. Có những cây bút viết hoài viết mãi nhưng chẳng gây ấn tượng gì đáng kể. Lại Văn Long là trường hợp biến mất sau khi đoạt giải nhất cuộc thi của Báo Văn Nghệ với truyện ngắn “Kẻ sát nhân lương thiện”, nhưng may anh không “biến” luôn mà gần đây đã trở lại văn đàn với các tập truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch bản phim đồ sộ, trong đó đáng chú ý là các tiểu thuyết “Thạch Đế”, “Đứa con thời hậu chiến” đã xuất bản và sắp tới là“Người khổng lồ đội mồ kể chuyện”, Mật danh Đ.9”, “Gia tộc tướng cướp” sẽ được trình làng…

 

 

Nhà văn Lại Văn Long

“Ngồi đồng” thư viện đọc tiểu thuyết và làm đủ thứ nghề mưu sinh

 

Tôi quen biết anh Lại Văn Long từ thời còn học chung ở Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Lúc tôi vào năm thứ nhất Khoa Văn thì anh đã học năm thứ tư Khoa Triết. Tôi có anh bạn đồng hương trùng tên đại thi hào Nguyễn Du học cùng lớp với Lại Văn Long. Thỉnh thoảng từ Thủ Đức tôi đạp xe lên ký túc xá Ngô Gia Tự ở quận 10 chơi với các anh và sống với không khí sôi động ở trung tâm thành phố.

 

Bốn năm sinh viên của chúng tôi gắn với thời bao cấp và là giai đoạn đất nước cực kỳ khó khăn với đói nghèo, tụt hậu và chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Sinh viên cũng nghèo đói chung số phận với đất nước. Chúng tôi ăn cơm bằng phiếu, mỗi phiếu là một suất ăn, gồm cơm hẩm với “nước chấm đại dương, canh toàn quốc”. Khi có “khách” như tôi đến “thăm”, thực ra có khi đói quá tìm đến nhau “kiếm cơm”, thường ba hoặc bốn sinh viên gom phiếu lại ăn chung. Xong bữa, chúng tôi kiếm tiền ra quán cà phê ngồi tán dóc.

 

Hồi ấy sinh viên khoa văn hay tỏ ra có năng khiếu viết lách, còn sinh viên khoa triết thì ít biểu hiện. Tôi cũng ít nghe Lại Văn Long nói chuyện văn chương mà toàn triết học và kinh tế chính trị. Thế nhưng anh rất mê đọc sách văn chương, nhất là tiểu thuyết của các văn hào thế giới. Nhà văn Lại Văn Long nhớ lại: “Hồi nhỏ tôi đọc sách rất nhiều. Thời sinh viên suốt ngày rỗi tôi “ngồi đồng” trong Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học xã hội và Thư viện Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Tôi thích những bộ tiểu thuyết như: “Nhà thờ Đức Bà Paris”, “Những người khốn khổ” của văn chương Pháp; “Sông Đông êm đềm” của Nga; “Tam quốc chí”, “Thủy hử”, “Tây du ký” của Trung Quốc; “Đèn không hắt bóng” của Nhật Bản; “Bố già” của Mỹ… Tiểu thuyết Việt Nam tôi đọc nhiều nhưng không có tác phẩm đạt tầm như những cuốn tôi vừa kể. Đó là điều mà các nhà văn Việt Nam rất trăn trở, còn với tôi là nỗi buồn”.

 

Học triết nên ra trường anh Lại Văn Long quay về Đà Lạt làm cán bộ tuyên huấn Tỉnh ủy Lâm Đồng, còn anh Nguyễn Du về quê nhà Phú Yên dạy đại học. Tưởng chừng an phận với nghề “chỉ đạo” ở cao nguyên nhưng rồi Lại Văn Long lại phiêu bạt đủ thứ nghề mưu sinh nữa trước khi trở thành cây bút nổi danh làng văn làng báo mà khởi đầu bằng truyện ngắn “Kẻ sát nhân lương thiện” được giải nhất cuộc thi năm 1990-1991 của Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Bên ly cà phê nhớ về một thời đói khổ và mơ mộng, nhà văn Lại Văn Long tâm sự: “Lúc đó đúng là lận đận nhưng có cái hay là rất tự do, có thể la cà với bạn bè thâu đêm suốt sáng dù tiền bạc rất hẻo, thậm chí là nhịn đói thường xuyên và phải ngủ nhờ trong phòng bảo vệ Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh trên đường An Dương Vương, quận 5. Đời tôi vui lắm, toàn làm những nghề không được đào tạo như viết báo, viết văn, thầy giáo, thủ kho, thợ mộc, và bây giờ là tham gia dự án phim hình sự “Hồ sơ lửa”… Lúc làm thủ kho, đàn anh khuyên tôi nên đi học nghề xây dựng. Tôi tính ôn thi thì Báo Văn Nghệ trao giải thưởng truyện ngắn và cuộc đời sang trang mới”.

 

Nhà văn Lại Văn Long cũng nói rằng anh không tham gia chiến đấu như bạn bè cùng lúa nhưng vẫn thấm thía một giai đoạn lịch sử quá nhiều mất mát, hy sinh của thập niên 1980. Đã vậy đầu thời đổi mới, nước ta lại chịu dư chấn từ sự sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu. Anh đang làm công tác tuyên huấn ở Lâm Đồng, hồi hộp từng ngày với diễn biến thế giới và ốm o với mức lương 36kg gạo/tháng. Hồi hộp lo lắng và ốm o đói khát nên người anh xanh xao. Máu phiêu bạt nổi lên, Lại Văn Long quyết định xuống Sài Gòn đi thỉnh giảng triết học, viết bài cộng tác cho nhiều tờ báo, làm thủ kho xi măng, sắt thép cho một công trình xây dựng ở Hóc Môn. Đến đầu năm 1992, sau khi nhận giải cao với truyện ngắn “Kẻ sát nhân lương thiện”, Lại Văn Long được Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành mời về làm việc tại Báo Công An TP Hồ Chí Minh cho đến nay.

 

 

Bìa tiểu thuyết “Thạch đế”

Đột ngột biến mất đột ngột xuất hiện

 

Lại Văn Long là nhà văn đi làm báo, rồi là nhà báo tranh thủ viết văn. Nhiều người ngạc nhiên chẳng hiểu vì sao tác giả “Kẻ sát nhân lương thiện” đột ngột biến mất trên văn đàn một thời gian dài, rồi lại bất ngờ khi nhìn thấy anh đột ngột xuất hiện trở lại với sức viết rất mạnh mẽ. Đằng sau những sự đột ngột ấy là gì? Theo anh, sau khi nhận giải thưởng của Báo Văn Nghệ cho cuộc thi truyện ngắn năm 1990-1991, anh rất muốn tiếp tục với văn chương, nhưng phải rẽ sang làm báo để nuôi thân và giúp đỡ gia đình. Và đã lao vào làm báo thì viết văn rất khó, nên 15 năm tiếp theo anh chẳng sáng tác được gì ngoài một, hai truyện ngắn được đăng báo chẳng đáng kể.

 

Vài năm gần đây có lẽ đến độ chín về tuổi đời lẫn tuổi nghề, Lại Văn Long viết rất sung sức, bạn bè gọi anh “viết như lên đồng”. Một cuốn tiểu thuyết cỡ 200-300 trang anh chỉ viết gần ba tháng là xong. Đó là chưa kể anh vừa viết thêm truyện ngắn, các bài báo để… lấy ngắn nuôi dài. Anh thổ lộ: “Tôi đã có 3 tiểu thuyết được phát triển từ truyện ngắn là “Thạch Đế”, “Người khổng lồ đội mồ kể chuyện” và “Đứa con thời hậu chiến”… Lúc đầu, mỗi tác phẩm tôi tính viết 5.000 chữ trở lại, song càng viết càng say sưa, bút không dừng được nên tôi cho cảm xúc tuôn chảy tự do, để mình “nửa mê nửa tỉnh” với giấc mơ ngọt ngào kéo dài suốt cả trăm ngày đêm luôn… Tôi thích viết tay bằng bút kim mực đỏ, trên giấy đã in một mặt mà tòa soạn báo thải ra. Mấy nghìn trang bản thảo trong 10 năm gần đây của tôi đều được viết như vậy, dù con cháu và bạn bè chê cười là… lạc hậu”.

 

Tính riêng trong năm 2016, Lại Văn Long đã viết gần xong 2 tiểu thuyết với độ dày từ nghìn trang trở lên. Cuốn thứ nhất là “Mật danh Đ.9”, đã đưa vào dựng phim 45 tập trong series “Hồ sơ lửa” gồm 1.100 tập, và cuốn thứ hai “Gia tộc tướng cướp” đã viết được 37/60 chương (mỗi chương tương đương 1 tập phim 45 phút). Anh hạ quyết tâm 2 tháng nữa là hoàn thành bộ tiểu thuyết mà nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đọc xong 15 tập đầu đánh giá là “có tính chất sử thi”.

 

Giờ giấc làm việc của Lại Văn Long rất nghiêm chỉnh. Ban ngày đi làm báo, đưa đón hai con đi học, 20 giờ tối coi thời sự xong anh ngủ đến 0 giờ hoặc 1 giờ rồi dậy viết luôn đến 5 giờ, tập thể dục, sau đó đưa con đi học và vô cơ quan làm việc. Nhờ chuẩn mực giờ giấc và tập trung sáng tác nên Lại Văn Long liên tục “đẻ” tác phẩm. Về mối quan hệ giữa công việc làm báo với văn chương, anh bày tỏ: “Nhiều người và bản thân tôi trước đây cũng nghĩ viết báo làm hư văn, nhưng thật ra nghề báo sẽ cho nguyên liệu dồi dào, phong phú và những cảm xúc rất mãnh liệt cho sáng tác văn học. Tôi có thể viết tiểu thuyết hay kịch bản phim hình sự rất nhanh (2 ngày có thể được 1 tập đủ chất lượng như các đạo diễn đánh giá) là nhờ vốn liếng, cảm xúc từ 25 năm làm Báo Công an TP Hồ Chí Minh”.

 

Nói về cái sự học, Lại Văn Long còn cười nói nửa đùa nửa thật: “Tôi chẳng được học một ngày về văn chương, báo chí, viết theo ý thích riêng của mình nên giờ hỏi lý thuyết về sáng tác văn hay viết báo tôi… “bó tay”! Cũng có thể nhờ “thất học” báo chí mà tôi có hơn hai chục giải thưởng báo chí, kể cả giải nhất, giải nhì báo chí TP Hồ Chí Minh, báo chí quốc gia và từng được mời thỉnh giảng các môn nghiệp vụ phóng viên, phóng sự điều tra ở nhiều lớp báo chí đại học. Cũng có thể “dốt văn” nên tôi mới viết bốn chục truyện ngắn đã được in hết trên các báo, cùng 6 tiểu thuyết và một nửa số đó đều trên nghìn trang sách in một cách nhanh, gọn như vậy… Nói vui vậy thôi chứ sáng tác văn hay viết báo đòi hỏi nỗ lực học tập ghê lắm. Cái gì còn lơ mơ phải đọc nhiều, đọc kỹ thì mới “thấu”, mới tuôn chữ được. Sợ nhất là viết ra bị người ta chê cười vì kém, vì lười, vì u mê…”!

 

Điều anh bày tỏ cũng đúng với nhiều trường hợp trong giới văn chương. Có những người khởi đầu cầm bút có dấu hiệu tài năng, được ưu ái đưa đi đào tạo ở trường viết văn Nguyễn Du hay Gorki trở về không viết được cái gì ra hồn được nữa. Mùa xuân này bước sang tuổi 54, Lại Văn Long nói vui… chờ về hưu thôi nhưng thực ra anh đang viết rất sung sức. “Năm 2017 tôi định sẽ xuất bản 4 cuốn tiểu thuyết dày, nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, khó nói trước”. Đó chỉ là cách nói khiêm tốn của nhà văn Lại Văn Long, bởi thực ra sách anh đang được các nhà xuất bản chờ đón để ra mắt bạn đọc!

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek