“Ơ cái gió Tuy Hòa” - câu thơ của Trần Mai Ninh - nhà thơ, chiến sĩ viết vào năm 1946. Thấm thoát thời gian đến nay cũng vừa tròn 70 năm. 70 năm, ngọn gió trong thơ Trần Mai Ninh vẫn không ngừng thổi, vào cái thời khắc lịch sử đáng nhớ, rất đáng trân trọng và đáng tự hào ấy.
Trần Mai Ninh có mặt ở Tuy Hòa, trên con đường Nam Tiến đã dựng nên cột mốc trong thi ca, cùng với hàng loạt nhà thơ, nhà văn khác tiên phong trong phong trào đổi mới, dòng thơ ca cách mạng, rạo rực, náo nức, sục sôi với “Tình sông núi”, “Nhớ máu”, “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu, “Đèo Cả”, “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan.
Tôi đồng cảm, cùng chia sẻ cảm xúc với nữ PGS-TS văn học Nguyễn Thị Thu Trang về nhận xét, đánh giá, cảm nhận bài thơ “Tình Sông Núi” và “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh, năm tháng qua đi, vạn vật đổi thay song hồn cốt linh thiêng của bài thơ vẫn không thay đổi. Bài thơ ấy tôi đọc, học trong những năm 1975 và mãi đến tận bây giờ, 40 năm sau, mới cảm nhận được vẻ đẹp hào hùng nơi vùng đất bao thế hệ đã ngã xuống. Gió đấy, nắng đấy, đất ấy và thi ca có phần hư cấu, tưởng tượng gió chính là hình ảnh của con người, bền bỉ, kiên trung, anh dũng, bất khuất của mảnh đất Nam Trung Bộ này.
Ngạc nhiên quá, con người nơi đây chuyên cần, phóng túng, ngang dọc một cõi biên thùy, mảnh đất lịch sử ghi dấu ấn trên 400 năm lẻ. Lối nhân hóa trong văn chương, đưa ngọn gió vô hình thành cái hữu tình, đó chính là con người, con người là trọng tâm của vũ trụ, “gió trở lại - lưng chừng, gió nghĩ, gió cười, gió reo lên lồng lồng” tự do, phóng khoáng mãnh liệt, những câu thơ tự do như tâm hồn tràn đầy cảm xúc của những người lính ra trận bảo vệ giang sơn bờ cõi một thời cách đây vừa tròn 70 năm (bài thơ ra đời năm 1946).
Cầm tờ nhật báo sáng nay, trên chuyên trang Văn hóa - Văn nghệ, tôi lại được biết bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được trao giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế HA NIFF 2016 tại Hà Nội, bối cảnh đất, người, dòng sông, cánh buồm, ngọn gió tất cả đều lấy hình ảnh từ Phú Yên. Đó là đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, đồi Diều ở huyện Tuy An; Vũng Lắm ở TX Sông Cầu, cánh đồng lúa Tuy Hòa, nương rẫy, bãi bắp dọc sông Ba (Đà Rằng), và cả gió Tuy Hòa... “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là sự kết tinh của đất và người hòa quyện thiên nhiên nơi đây. “Ơ cái gió Tuy Hòa”, thời gian đi qua, con người của bao thế hệ ngã xuống, cho ngọn gió Tuy Hòa mãi thổi đến hôm nay. Một Tuy Hòa trong thơ ca và một Tuy Hòa trong hiện thực đang sống dậy, nơi tôi đến và đi, mãi mãi ngọn gió ấy truyền cảm hứng trong tôi, bè bạn. Hãy một lần đến nơi đây cũng cảm nhận, thưởng ngoạn, trải nghiệm chia sẻ, một Vịnh Xuân Đài mênh mông sóng vỗ, một gành Đá Đĩa độc đáo kỳ vỹ thiên nhiên, một Vũng Rô đi vào lịch sử hào hùng, là điểm dừng chân đón ánh bình minh sớm nhất nơi đất liền với biển, một vùng bát ngát sử thi, nơi cội nguồn của Trường ca “Đam San”, “Xinh Nhã” huyền thoại bất tử của sử thi Việt Nam.
Gió Tuy Hòa đã ẩn mình, lắng đọng vào hồn thiêng núi sông nơi đây, một ngọn gió, nhiều ngọn gió hội tụ vào đất - người một bài thơ, một bộ phim, một hay nhiều ngọn gió đã và đang làm nên một Phú Yên bừng sáng, tất cả sẽ đi từ cội nguồn, mạch ngầm văn hóa chảy mãi trong núi sông, cỏ cây, đầm vịnh, vùng biển, trời nơi đây. Cảm ơn ngọn gió Tuy Hòa đã đánh thức niềm cảm xúc trong tôi, gợi tôi nhớ về một miền xa thẳm trong ký ức, ký ức của một thời cả dân tộc đứng lên vì độc lập tự do. Ơ cái gió Tuy Hòa đầy thú vị.
HỮU BÌNH