Chủ Nhật, 13/10/2024 19:18 CH
Lũ ở vùng cao – truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Thứ Hai, 19/12/2016 08:00 SA

Từ Thái Bình, gia đình tôi chuyển vào xứ H, đó là một huyện miền núi nghèo, đa phần là dân di cư.

 

Mở mắt ra đã nghe mùi bùn đất, tuổi thơ là những ngày băng đồng thả diều, lăn lộn trốn tìm bên những nụn rơm vàng óng nên lớ ngớ đến ngỡ ngàng khi được bọc bởi màu xanh của lá rừng.

 

Đã quen với những cơn mưa dịu dàng nơi đồng ruộng. Tôi đứng thở dốc vì giữa đường mắc mưa, giờ thì đã biết thế nào là mưa rừng. Mưa ầm ầm, những giọt nước to làm rát cả mặt, nước tràn xuống đường, đục ngầu chảy qua đoạn bờ tràn. Nhìn xung quanh chỉ thấy mây đen nằm là là trên đầu núi. Bầu trời như xuống thấp hơn. Người dân đứng hai bên bờ tràn giúp người đi đường đưa xe qua dòng nước. Người ta bảo đây là nước khách, vội vàng đến rồi hấp tấp đi.

 

Xã X là nơi ở mới của gia đình tôi, rừng chiếm hết một nửa diện tích đất tự nhiên. Địa hình của xã như lòng chảo, bốn bề là núi. Gia đình chúng tôi sống ở một triền đồi, đó là nơi cao nhất của xã X. Nhà được dựng trên một mô đất rộng thoáng dưới chân một ngọn đồi, mỗi lần nghe đài báo có bão gần bờ, tôi vẫn thấy bình an vì bão ở tận biển xa không hề hấn gì mình, nhà ở trên núi.

 

Không sợ lũ nhưng lại sợ mưa. Vì địa hình như lòng chảo nên nếu mưa lớn một buổi thì coi như xã bị cô lập với thế giới bên ngoài. Người lớn sợ mưa không đi làm được, học trò chúng tôi thì thích có mưa, mưa càng to càng tốt. Cứ thấy nước trút xuống như thác là mừng rỡ vì được nghỉ học, sẽ tha hồ ở nhà nghịch nước. Không phải trường không dạy vào những ngày mưa mà đứa nào đến lớp thì học, ở nhà thì được tính là nghỉ học có lý do chính đáng vì nếu mưa lớn, nước từ trên rừng đổ ầm ầm ào ào xuống bờ tràn, nhà trường sợ học sinh xảy ra bất trắc nên dặn hễ thấy nước cắt ngang bờ tràn thì đừng băng qua.

 

Năm tôi học lớp 3, xã vẫn chưa có điện. Buổi tối ngồi học dưới ngọn đèn leo lét, chỉ muốn gấp vở đi ngủ sớm. Nếu có đứa bạn nào chăm chỉ bên ngọn đèn dầu, chúng tôi sẽ trêu “Gần mực thì đen, gần đèn ám khói”.

 

Tôi lên lớp 8, huyện có thủy điện, ai cũng hớn hở vì điện đã thắp sáng mọi nhà. Đường sá được sửa sang, chỉ còn một số bờ tràn nhỏ, nơi nguy hiểm nhất là đoạn đường qua sông Nhau đã có chiếc cầu mới bắc qua cao ráo, cây cầu cũ nước lém thành cầu ngày xưa bây giờ dùng để bỏ đồ đạc vì mỗi buổi chiều người dân lại đó tắm táp rửa ráy, sinh hoạt ở bến sông vui như hội.

 

* * *

 

Chuyện đau lòng đó xảy ra vào mùa mưa lũ. Mùa đông nhưng hôm đó trời ráo hoảnh. Kỷ niệm không hề có mưa nhưng bây giờ, hễ trời mưa, hễ thấy nước là ngực trái tôi đau nhức.

 

Tôi và Mẫn là đôi bạn thân. Mẫn không xinh, học không giỏi nhưng được cái chăm chỉ. Cậu ấy tròn trịa, con gái có tướng chắc nịch, nhìn ngổ ngáo nhưng hiền như đất. Bạn ấy không vắng học dù bị cảm, không chạy nhảy hét hò vào giờ ra chơi mà cứ ngồi khư khư ôm vở. Tôi học khá hơn, ngồi bên cạnh, tới giờ kiểm tra dù cố tình để bài làm nhích sang nhưng Mẫn vẫn không nhìn. Những chỗ nào không hiểu thì bạn ấy hỏi để nghe giải thích thấu đáo chứ không có thói quen “liếc” bài bạn. Bài phát ra, dù điểm kém, Mẫn cũng cẩn thận bỏ vào túi đựng bài kiểm tra.

 

Tôi có tật cầm tới bút là rút nắp cắn, mấy cây bút của Mẫn bị tôi cắn móp méo hết trơn nhưng bạn ấy chỉ cười: “Tật xấu dễ thương!”. Nhà tôi nghèo. Nhà Mẫn khá giả. Những hôm đến tiết chủ nhiệm, thầy giáo gọi tên, tôi phải đứng dậy trả lời trước lớp là khi nào sẽ nộp tiền học, mắc cỡ lắm nên ngồi xuống là cúi gằm mặt và chảy nước mắt. Hôm sau, Mẫn cầm tiền đưa tôi, kêu tiền chú ở thành phố ra cho, bạn ấy còn tiền tiêu vặt nên bảo tôi lấy nộp tiền trường. Có hôm tan học phải dắt bộ về vì xe thủng mà không có tiền vá, Mẫn sẽ dúi tiền vào túi, kêu vá xe rồi đạp về kẻo nắng.

 

Hai đứa tôi thân nhau, chắc cũng vì hợp tên, trùng sở thích. Tôi tên Tiệp, được cô xếp ngồi cạnh Mẫn, thế là thành cặp đôi hoàn… cảnh. Cả hai đứa đều thích mùa mưa, không phải lười học nên trông mưa để được quang minh chính đại ở nhà đâu nhé. Mùa mưa, hai đứa xách giỏ ra mấy đám ruộng gần trường bắt cua, có hôm lén lại mé suối nữa, cua suối săn chắc, con nào con nấy sạch trơn mà chắc nụi hà. Đi bắt cua thôi thì ăn thua gì, hôm nào hứng lên thì đi bẻ mía trộm. Hai đứa tôi có một điểm chung nữa là thích ăn mía.

 

Hôm đó trời không mưa, cũng chẳng nắng. Cứ sầm sầm, tôi ghét nhất những hôm trời như vậy, màu trời cứ lưng chừng giữa mưa - nắng, sáng - tối, đau đầu lắm. Tôi rủ Mẫn đi “tác nghiệp”. Tôi có một phi vụ béo ngậy mà chưa có thời gian để làm, hôm đó lớp chúng tôi học thể dục hai tiết cuối. Còn chần chừ gì nữa khi thời cơ đã đến, thiên thời địa lợi nhân hòa mà “hành sự” thì sẽ thành công.

 

Số là có một bận đi cắt cỏ với mẹ, tôi phát hiện sau lưng nhà ông Tư có mấy cây mía tím thẳng đuột, mập mĩm. Ông Tư xin giống này ở Nha Trang đem về trồng, mẹ bảo giống mía này ngọt đến tận vỏ, mềm lắm. Tôi nghe xong thì trong đầu chỉ có một ý niệm, hôm nào phải đích thân ăn mới được. Đồ ăn thức uống mà cứ nghe kể mới biết ngon thì tức lắm.

 

Hôm nay đi ngang ngõ, thấy nhà ông Tư đóng cửa, bụng mừng rơn. Con gái thì đã sao, bẻ trộm một cây mía thì đạo đức của học trò, đức hạnh của một đứa con gái chắc không đến nỗi bị phỉ báng.

 

- Chiều nay học xong thì làm cái này nha? - tôi rủ kiểu ra lệnh.

 

- Nói đi!

 

- Cứ theo tui rồi biết.

 

- Nhưng làm gì?

 

- Không bắt bà đi giết người đâu, đừng có lo!

 

Tôi rù rì một chập, Mẫn cũng động lòng.

 

Rất nhanh gọn, y như những thằng ăn trộm có nhiều ngón nghề. Tôi đứng lảng vảng trước cửa nhà ông Tư canh chừng, giả bộ xe hư, lấy cục gạch đập cạch cạch. Chỉ cần một cái dao con thì cây mía sẽ nhẹ nhàng nằm xuống vì nhát cắt sắc lẻm, nhà hàng xóm đừng hòng nghe răng rắc mà ra dòm thử. Mẫn ra hiệu đã xong việc, ngoắc tôi đem cái túi ni lông màu đen xuống, cắt mía thành từng đoạn nhỏ bỏ gọn gàng trong bao.

 

Mấy cây mía mùa mưa nên thân dơ lắm, đất bám đầy vỏ, mía thế này thì xiết ăn sao đặng, mất cảm giác. Tôi “ép” Mẫn xuống mép sông Nhau rửa sạch, nghĩ đến khúc mía mập mạp trơn bóng là tôi hả hê.

 

- Tui bẻ rồi, rửa là phần bà?

 

- Phải Mẫn không vậy ta? Xưa nay trước sau bà vẫn làm hết phần tui không so đo so đũa gì mà?

 

- Đó là việc tốt, tui dành làm hết để mai mốt chết được lên thiên đàng!

 

- Ăn mía là việc xấu à?

 

- Bẻ trộm là xấu.

 

- Tui lại nghĩ khác, hôm nay bà cho tui thưởng thức những khúc mía mềm ngọt, đó là việc tốt. Tui sẽ đội ơn bà lắm lắm.

 

Miệng nói mà bụng thấy ang ác, chỉ tại tôi sợ lạnh. Trời rét căm căm thế này mà nhúng tay xuống nước chắc chết cóng mất. Tôi nói xong thì nhanh cẳng chạy lại chỗ để xe chờ. Mẫn ngoan ngoãn đem mía xuống mé sông rửa.

 

Cậu ấy cẩn thận quá đáng. Thò tay xuống lòng nước, móc cát để chà, khúc mía nhìn từ xa bóng lộn, thấy mà thèm.

 

Mắt đang hau háu nhìn khúc mía, tai bỗng nghe tiếng ầm ầm vang dội từ xa. Tôi giật mình nhớ thông báo hôm nay thủy điện sẽ xả lũ. Tôi hoảng hồn, hét toáng:

 

- Mẫn! Chạy nhanh, chạy nhanh!

 

Nghe tiếng tôi, Mẫn lập tức chạy, phóng qua một hòn đá rồi nhưng quay lại để lấy khúc mía mới chà xong. Nước lũ tràn xuống đỏ ngầu, cuốn trôi tất cả, trừ đôi dép cũ Mẫn để trên bờ. 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek