Giới mỹ thuật Phú Yên vừa đánh dấu 65 năm Ngày truyền thống của ngành bằng một hoạt động sôi nổi: cuộc thi, triển lãm Mỹ thuật Phú Yên lần thứ I năm 2016 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Hơn 50 tác phẩm của các tác giả gửi về dự thi, tuy chưa phải là “bức tranh toàn cảnh” song phần nào đã cho thấy những gam màu sáng và cả chưa sáng của mỹ thuật ở địa phương này. Trao đổi về mỹ thuật Phú Yên, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, một trong những người “cầm cân nảy mực” cuộc thi lần này, cho biết:
- Sau nhiều năm, từ một “vùng trắng”, Phú Yên đã từng bước góp mặt vào “đời sống” mỹ thuật trong khu vực. Từ buổi ban đầu chưa đậm nét, càng về sau, tại các triển lãm mỹ thuật khu vực gần đây, các họa sĩ Phú Yên đã có rất nhiều cố gắng để thu hẹp khoảng cách trong mặt bằng chung của mỹ thuật miền Trung. Rất nhiều anh chị em họa sĩ Phú Yên đã được ghi nhận qua từng triển lãm mỹ thuật trong khu vực. Gần đây, Phú Yên đã có họa sĩ đoạt giải A tại triển lãm khu vực. Tôi cho rằng đấy là điều rất vui. Anh em đang làm việc ngay trên quê hương mình, tự tin nói rằng nghệ thuật có thể “mở lòng” với bất kỳ ai, cho dù họ ở nơi nào, chỉ cần họ có tình yêu nghệ thuật.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Ảnh: YÊN LAN |
* Ông nhận xét gì về cuộc thi, triển lãm mỹ thuật Phú Yên lần này?
- Rất vui là tại triển lãm năm nay, dù còn có điều này điều kia nhưng nhận xét chung của chúng tôi là tất cả tác giả, từ những hội viên Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Phú Yên, hội viên Chi hội Mỹ thuật Phú Yên đến anh em cộng tác viên đều có sự cố gắng. Đặc biệt, giải nhất thuộc về một tác giả rất trẻ, với tác phẩm sơn mài về đồng quê. Tôi nghĩ đây là sự ghi nhận xứng đáng từ Ban Giám khảo. Tác giả Lê Thị Thu Hồng cũng có nhiều nỗ lực sáng tạo để có tác phẩm đoạt giải nhì trong cuộc thi này. Đó là những ghi nhận ban đầu.
* Tuy không còn là “vùng trắng” nhưng so với các tỉnh, thành trong khu vực, dường như “bức tranh” mỹ thuật Phú Yên vẫn chưa có nhiều điểm sáng. Theo ông, giới mỹ thuật Phú Yên cần bổ sung những gì cho hành trình sáng tạo của mình?
- Hàng năm, Hội Mỹ thuật Việt Nam duy trì 3 triển lãm mỹ thuật ở 3 khu vực, với 3 phòng tranh trong cả nước, tạo cơ hội cho các tác giả trao đổi, học hỏi lẫn nhau và tự nhìn lại mình, so sánh trong tương quan hoạt động mỹ thuật của địa phương mình với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Cùng một khu vực nhưng mặt bằng mỹ thuật cũng không giống nhau. Có những tỉnh thành mỹ thuật rất phát triển, nhưng cũng có nơi mỹ thuật không biết “bấu víu” vào đâu để tìm kiếm sự thay đổi, nâng cao chất lượng. Cá nhân tôi, với trách nhiệm ở Hội Mỹ thuật Việt Nam, có dịp đi đến nhiều địa phương trong cả nước, nhiều khu vực, tôi nhận ra rằng cho đến nay, mặt bằng khu vực đã tương đối đồng đều; anh em không có những khoảng cách quá xa như ngày trước nữa. Thế nhưng, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa… - mỗi địa phương có những đặc thù riêng, không địa phương nào giống địa phương nào. Các họa sĩ, đặc biệt là các bạn trẻ, phải tự trưởng thành trên chính mảnh đất nơi mình được sinh ra, điều ấy quan trọng hơn tất cả…
Tại triển lãm mỹ thuật Phú Yên lần này, tôi gặp một tác giả rất trẻ, sinh năm 1993. Bạn ấy chưa phải là hội viên hội văn nghệ địa phương, nhưng bạn ấy có cái nhìn khác biệt về đời sống và đã can đảm cất lên tiếng nói của mình. Đó là điều rất đáng trân trọng.
* Xin cảm ơn họa sĩ!
YÊN LAN (thực hiện)