Không tồn tại bằng chức tước quan trường, nhà văn Lê Văn Thảo giống như bậc đàn anh là nhà văn Nguyễn Quang Sáng tồn tại bằng những tác phẩm vượt thời gian và tấm lòng đối nhân xử thế, trong đó có tình yêu thầm lặng đáng quý dành cho các bạn viết trẻ. Ngày 21/10/2016 vừa qua, nhà văn Lê Văn Thảo đã vĩnh viễn “lên núi thả mây” như tên một trong những tác phẩm của ông.
Vào ngày 11/10/2016, một ngày trước khi bay ra giàn khoan dầu khí làm việc, kỹ sư điện - nhà văn trẻ Trương Anh Quốc cùng tôi đến thăm nhà văn Lê Văn Thảo. Nghe tin, hai nhà thơ Xuân Trường và Trương Tri ở Gò Vấp cũng tìm đến cùng thăm tác giả “Ông Cá Hô”. Mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng nhà văn Lê Văn Thảo vẫn nằm chuyện trò chậm rãi không ngừng. Ông nhớ lại những kỷ niệm thời trẻ ở phố và trong rừng, những bóng hồng thoáng qua đời mình và những chuyến đi vui tươi cùng bạn viết trẻ. Ông cũng cho biết mình đích thực sinh ra ở Sài Gòn chứ không phải ở quê nội Long An như giấy khai sinh.
Sợ nhà văn mệt, mấy lần chúng tôi xin phép về nhưng ông vẫn không dứt chuyện.
Nhà văn Lê Văn Thảo từng là giám khảo chấm giải nhất Cuộc thi Văn học tuổi 20 cho Trương Anh Quốc, khuyến khích anh sáng tác và ủng hộ anh gia nhập hội nghề nghiệp. Nhà văn trẻ Trương Anh Quốc mê chụp ảnh bộ về các nhà văn lão thành để lưu giữ, nhưng riêng nhà văn Lê Văn Thảo thì anh chưa có cơ hội. Lần này anh mang máy ảnh theo quyết tâm chụp bằng được. Tiếc rằng sắc diện của nhà văn Lê Văn Thảo không còn tốt. Căn bệnh ung thư kéo dài hơn mười năm đã lấy dần hết sinh lực của ông. Dù vậy, những bức ảnh chụp với nhau hôm ấy vô tình trở thành quý giá và có lẽ cũng là những hình ảnh sau cùng của nhà văn Lê Văn Thảo lưu lại trên cõi đời, bởi đúng mười ngày sau ông đã vĩnh viễn ra đi sau một cơn hôn mê.
Tôi biết nhà văn Lê Văn Thảo đã lâu nhưng chỉ thực sự gắn bó với nhau sau một “tai nạn” mà ông gặp phải khi trả lời phỏng vấn cho một tờ báo về Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998 dành cho tiểu thuyết “Một ngày và một đời”. Thấy việc hơi trái, tôi đã viết hai bài báo biện hộ cho ông. Về sau, nhà văn Lê Văn Thảo thay nhà văn Nguyễn Quang Sáng làm Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh rồi kiêm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Những lúc cần đến sự hỗ trợ cho hoạt động viết văn trẻ, ông nhờ việc gì tôi đều sẵn lòng hỗ trợ, dù lúc ấy tôi chẳng có trách nhiệm gì đối với Hội. Tôi cũng được ở chung phòng với ông trong những chuyến đi, nghe ông kể nhiều chuyện hỉ nộ ái ố hậu trường văn chương. Dù không phải người làm thơ nhưng cách đây vài năm, ông đã cùng chúng tôi về Phú Yên dự hội thơ Nguyên tiêu truyền thống núi Nhạn và đọc một bài thơ xúc động do ông sáng tác dưới ánh trăng rằm tháp cổ!
Tôi nhớ giáp Tết Nguyên đán năm 2010, nhà văn Lê Văn Thảo gọi điện ra Phú Yên nhờ tôi viết kịch bản và đạo diễn chương trình thơ trẻ trong Ngày Thơ Việt Nam diễn ra tại Nhà hát Thành phố, hướng tới đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Suốt Tết Nguyên đán năm ấy, hầu như tôi chẳng được yên. Vì tầm quan trọng của chương trình nên kịch bản không chỉ nhà văn Lê Văn Thảo thông qua mà còn phải được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đọc duyệt. Hết ông Thảo đến ông Thỉnh gọi cho tôi đề nghị đổi tác giả trẻ này bằng tác giả trẻ khác hoặc đổi bài thơ của một tác giả nào đó vì nó hơi buồn. Liên hệ với các nhà thơ trẻ, đổi xong, sửa xong, tôi lật đật chạy hàng chục cây số từ quê ra phố mới có tiệm internet để gửi email cho các ông, bởi hồi ấy internet chưa phổ biến như bây giờ. Ông Thảo có email cá nhân, còn ông Thỉnh thì phải gửi cho người khác in ra chuyển cho ông. Mà đâu chỉ sửa đổi một lần. Mệt rã người. Bị ông Thỉnh cứ chỉnh sửa, ông Thảo gọi bảo tôi “Sửa vừa thôi, mày thấy cái nào được cứ làm, tao chịu trách nhiệm”.
Dù hơi cực nhưng Ngày Thơ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội khá vui và chu toàn. Đặc biệt, chương trình thơ trẻ năm ấy đã tạo thêm động lực hoặc trình làng khá nhiều gương mặt mới mà đến nay đã dần quen thuộc trong đời sống thi ca như: Ngô Liêm Khoan, Trần Lê Sơn Ý, Lê Thiếu Nhơn, Trương Gia Hòa, Song Phạm, Bùi Thanh Tuấn, Ngô Thị Hạnh, Phạm Phương Lan, Trần Hoàng Nhân, Nguyễn Phong Việt, Đỗ Thanh Vân, Lê Thùy Vân, Chiêu Anh Nguyễn, Trần Mai Hường, Nguyễn Ngọc Mai… Sự xuất hiện của những gương mặt thơ trẻ ấy có sự hỗ trợ “chịu trách nhiệm” của nhà văn Lê Văn Thảo.
So với thơ, tất nhiên nhà văn Lê Văn Thảo chú ý hơn đến các cây bút trẻ viết văn xuôi. Những lần trò chuyện với chúng tôi, ông tỏ ra rất vui mừng trước sự trưởng thành nhanh chóng của các nhà văn trẻ thành phố như Trần Nhã Thụy, Tiến Đạt, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy… Ông cũng tỏ ra tiếc nuối khi các cây bút có năng lực như Gia Bảo, Nguyễn Khắc Cường, Lê Đỗ Quỳnh Hương không còn gắn bó mật thiết với nghề văn mà chỉ chú tâm làm báo, đài.
Trong những chuyến đi hay hội ngộ hàn huyên với nhau, hai nhà văn trẻ Tiến Đạt và Trần Nhã Thụy luôn gắn bó với nhà văn Lê Văn Thảo. Cuối tháng 4/2016 vừa qua, vào đêm trước lúc Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm văn học về nhà văn Lê Văn Thảo, tôi cùng Trần Nhã Thụy đã đến thăm và trò chuyện với ông khá khuya. Biết quỹ thời gian dành cho mình còn ít, ông thổ lộ nhiều điều chân thành như người anh đối với em, người cha đối với con. Tiếc là sức khỏe không cho phép ông có mặt tại buổi tọa đàm - một sự tri ân của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng như các thế hệ đi sau đối với tài năng và nhân cách của ông!
Cuộc đời mỗi con người đều có lúc vui lúc buồn, lúc đúng lúc sai, lúc thăng hoa lúc mệt mỏi ưu phiền. Điều quan trọng là sau khi nhắm mắt xuôi tay chúng ta để lại gì có ích cho cuộc sống. Bằng tài năng, nhân cách và trải nghiệm phong phú, nhà văn Lê Văn Thảo không chỉ để lại một di sản văn học tương đối đồ sộ của một tác giả lớn Nam Bộ, mà ông còn để lại một tấm gương lao động sáng tạo không biết mệt mỏi, càng lớn tuổi viết càng nhiều càng hay, cùng một tấm lòng nhân hậu bao dung và tình yêu thương đối với mọi người, trong đó có sự nâng niu thầm lặng đối với các bạn viết trẻ.
PHAN HOÀNG