Chủ Nhật, 13/10/2024 23:30 CH
Hát then dân ca giao duyên giữa đất Phú
Chủ Nhật, 30/10/2016 13:00 CH

Trình diễn Hát then tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2016 tại huyện Sông Hinh - Ảnh: TUYẾT DIỆU

Phú Yên là vùng đất có nhiều loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Ngoài trống đôi, cồng ba, chiêng năm của người Ê Đê, Ba Na, Chăm Hroi..., thì hát then dân ca giao duyên đồng bào các dân tộc phía Bắc, trong đó nổi bật nhất là dân tộc Tày, đã góp phần làm phong phú nền âm nhạc đa dân tộc trên địa bàn tỉnh.

 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa âm nhạc dân tộc Ksô Liễng (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa), hát then giao duyên của dân tộc Tày là một loại hình dân ca biểu hiện bằng ngôn ngữ rất sinh động, tình cảm. Hát then dân ca giao duyên không gò bó về khuôn thước, không gian, thời gian, đối tượng và có hai dạng hát. Dạng thứ nhất là hát cho vui, hay nói cách khác ai có chút “máu” văn nghệ khi gặp lại nhau là họ hát để so tài, hoặc truyền dạy cho con cháu đời sau, hát rất phong thư không hướng đến tình yêu hôn nhân. Còn dạng thứ hai dành cho trai, gái chưa vợ chưa chồng, mục đích hướng tới tình yêu hôn nhân. Vì thế họ hát với nhau hết ngày này sang ngày khác, hết tháng này sang tháng khác... Khi nào nên duyên chồng vợ mới thôi.

 

Sau một chuyến tìm về buôn Suối Mây, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Tày của tỉnh Lạng Sơn vào sinh sống từ năm 1979 và nói chuyện với ông A Tiếp, 75 tuổi, tôi được biết hát then dân ca giao duyên của dân tộc Tày ở dạng thứ nhất thường diễn ra vào mùa xuân, hội hè hay mừng nhà mới; còn dạng thứ hai thì không kể thời gian, miễn là trai gái gặp nhau, mến nhau, muốn tìm hiểu và kết tình yêu với nhau là họ hát. Ai hát làm quen trước cũng được không phân biệt trai hay gái, không ngần ngại “trâu tìm cột” hay “cột tìm trâu”. Chẳng hạn người con gái muốn ngỏ lời làm quen với người con trai ở xa đến buôn thì người con gái hát rằng: “Anh là người từ đâu tới/ Anh có vợ hay chưa?/ Nếu chưa có vợ thì ngả nón hát với em một bài”.

 

Ở trường hợp này, dẫu người con trai có ưa thích và trong lòng rộn ràng một niềm vui bởi chủ đích tìm bạn tình, nhưng anh ta vẫn dè dặt khiêm tốn hát đáp lại: “Tôi đi qua đây... Tôi giơ tay vẫy chào mặt trời chậm lại, nhưng không thể làm được/ Thôi tôi xin phép vào buôn tìm nơi nghỉ trọ/ Khi nào tôi học nhiều thầy giỏi tôi sẽ quay về hát cùng em”.

 

Khi nghe những câu hát e dè khiêm tốn của người con trai, người con gái tiếp tục ướm hỏi chèo kéo để người con trai hát cho kỳ được: “Nếu có vợ rồi thì cứ ngả nón hát với em một bài/ Nếu chị mà biết được, thì em đến nhà xin lỗi chị”.

 

 Lúc này người con trai không nỡ lòng nào từ chối hát cùng cô gái. Cứ thế những câu hát trữ tình đối đáp qua lại với nhau hết đêm này sang đêm khác kéo dài mãi nhằm tìm hiểu nhân thân, tư cách, tính tình, gia cảnh... của nhau, để rồi cùng nên duyên chồng vợ, xây dựng một gia đình hạnh phúc. Càng hát họ càng yêu thương nhau say đắm, chín muồi rồi đưa nhau về hát cho cha mẹ, dòng tộc đôi bên biết là thực sự yêu thương nhau tha thiết muốn sống bên nhau trọn đời. Cha mẹ dòng tộc đôi bên cùng vui mừng vì biết con cháu mình đã khôn lớn, biết hát then dân ca giao duyên, là biết giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, mà tác hợp nhân duyên cho con cháu nên vợ nên chồng.

 

Làn điệu hát then dân ca giao duyên của dân tộc Tày ở dạng thứ hai rất mượt và tình cảm của tình yêu lứa đôi. Cấu trúc, ý tứ trong từng câu hát, biểu hiện tính nhân văn của nền văn hóa dân ca giao duyên truyền thống của dân tộc Tày phía Bắc đang sinh sống tại Phú Yên.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa âm nhạc dân tộc Ka Sô Liễng khẳng định: “Trai gái dân tộc Tày gặp nhau cùng hát then dân ca giao duyên nhiều thì càng yêu nhau thắm thiết; càng hát nhiều thì càng sống lâu, hạnh phúc; càng hát nhiều mùa màng càng tươi tốt, ấm no”.

 

Phải chăng Phú Yên có duyên với nền văn hóa âm nhạc truyền thống đa dân tộc nên các dân tộc anh em khắp mọi miền đất nước nói chung, dân tộc Tày của tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã hội tụ về đây chung tay xây dựng, góp phần làm phong phú nền văn hóa âm nhạc đặc trưng của Phú Yên.

 

TRẦN CAO TRÍ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek