“Xác sống” (những xác chết biết đi) vốn là đề tài kinh dị ưa thích của các phim chạy theo thị hiếu của độc giả. Tuy nhiên “xác sống” trong phim “Chuyến tàu sinh tử” (Train to Busan) lại là câu chuyện phim đáng bàn. Hiện, “Chuyến tàu sinh tử” đang là phim đứng đầu bảng xếp hạng cả về mặt doanh thu và giá trị nghệ thuật trong năm 2016 của điện ảnh Hàn Quốc.
Poster quảng bá bộ phim “Chuyến tàu sinh tử” - Ảnh: Internet |
Công chiếu vào giữa tháng 7/2016, đến thời điểm hiện tại, “Chuyến tàu sinh tử” của đạo diễn Yeon Sang-ho đã thu về hơn 100 triệu USD trên toàn thế giới, đang là phim Hàn Quốc có doanh thu cao nhất. Tại Việt Nam, bộ phim cũng gặt hái kết quả ấn tượng khi thu tới 30 tỉ đồng chỉ sau 10 ngày công chiếu. Giá trị thương mại của bộ phim hiển nhiên là điều đáng để bóc tách.
“Chuyến tàu sinh tử” kể câu chuyện về người cha Seok-woo (diễn viên Gong Yoo) luôn bận rộn mưu sinh, quyết định đưa đứa con gái nhỏ Soo-an (diễn viên Kim Su-an) về Busan thăm mẹ đẻ nhân dịp sinh nhật, sau nhiều lần trì hoãn. Mẹ đứa trẻ là người vợ cũ của anh. Hai cha con đã bước lên chuyến tàu định mệnh diễn ra đúng thời điểm xảy ra đại dịch “xác sống”. “Xác sống” được miêu tả trong bộ phim như một dạng xác chết biết đi và lây lan thành đại dịch thông qua các vết cắn. Nhóm “xác sống” khát máu sẵn sàng tấn công bất cứ người nào chúng nhận thấy. Khi bị “xác sống” cắn, người bị cắn sẽ trở thành “xác sống” tiếp theo. Hai cha con Seok-woo đã chiến đấu ngoan cường để giành lấy sự sống trên chuyến tàu sinh tử ấy.
Phim thu hút người xem bằng những màn rượt đuổi ngoạn mục, những cảnh chiến đấu công phu, hồi hộp đến nghẹt thở. Không chỉ thu hút khán giả, bộ phim về đề tài “xác sống” của điện ảnh Hàn Quốc còn thu hút sự chú ý đặc biệt của giới phê bình điện ảnh. Thông điệp rõ ràng gửi gắm trong bộ phim đã tạo ra giá trị nghệ thuật cho “Chuyến tàu sinh tử” và phim này vừa được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes - 2016. Bộ phim định hướng cho người xem rằng, rất có thể cuộc sống tưởng chừng như bình yên của chúng ta sẽ phải đối mặt với một thảm họa và bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân. “Chuyến tàu sinh tử” là thảm họa diệt vong. Trong thảm họa, chỉ những người nào giàu lòng nhân ái, biết giúp đỡ đồng loại, biết hy sinh vì người khác thì cơ hội sống sót cao hơn. Bên cạnh đó, người có lòng ích kỷ dễ bị “cái chết tìm đến” nhất. Phim đã để hai tuyến nhân vật Seok-woo, một người cha hết mực thương con nhưng có lối sống ích kỷ và Soo-an, cô con gái nhỏ giàu lòng nhân ái đồng hành với nhau đến gần cuối phim. Cái hay và sâu sắc của bộ phim ở chỗ, lòng nhân ái của con người dù đã bừng tỉnh trong thảm họa cũng không phải là cứu cánh giúp ta có thể vượt qua các thế lực đen tối. Chính vì thế khi người cha Seok-woo bị biến thành “xác sống” đã khiến khán giả không khỏi chiêm nghiệm và ngậm ngùi.
Ngoài Soo-an, trong phim còn một bà bầu luôn biết cách giúp đỡ người khác là những người sống sót cuối cùng trong thảm họa “xác sống”. Lòng nhân ái phải là thứ được hun đúc từ trong lối sống mới là phương cách hữu hiệu giúp con người đối mặt với thảm họa diệt vong. Thông điệp nhân văn ấy được xây dựng và truyền tải một cách dễ hiểu nhất trong phim chính là yếu tố quan trọng giúp bộ phim nhận được sự đánh giá cao của giới yêu thích điện ảnh.
Với điện ảnh Hàn Quốc, “Chuyến tàu sinh tử” trở thành phim lựa chọn số một trong năm 2016, cân bằng giữa khán giả và giá trị nghệ thuật của một bộ phim.
TUYẾT TRẦN