Thứ Tư, 15/01/2025 22:10 CH
Báo Phú Yên những ngày đầu tái lập
Thứ Sáu, 19/08/2016 10:02 SA

Ban Biên tập họp triển khai các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn - Ảnh: TƯ LIỆU

Báo Phú Yên tròn 70 năm với bao mốc son đáng tự hào. Một trong những dấu ấn đáng nhớ là những ngày đầu tái lập cách đây 27 năm với vô vàn gian nan của buổi đầu xây dựng lại cơ ngơi tờ báo.

 

Hồi đó, hai tiếng quê hương thiêng liêng lắm. Vừa có nghị quyết của Bộ Chính trị chia tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa (14/3/1989), các vị tiền bối cách mạng Phú Yên (Trần Suyền, Nguyễn Phụng Minh, Văn Công, Huỳnh Trúc, Phạm Hồng Quang...) hăm hở gặp nhau tại TX Tuy Hòa để bàn bạc với Thị ủy phác thảo kế hoạch xây dựng tỉnh lỵ mới. Một trong những công việc trọng tâm mà các cụ quan tâm là xây dựng các cơ quan thông tin đại chúng đủ sức bắt đầu hoạt động từ ngày 1/7/1989. Riêng Báo Phú Yên có thêm nhiệm vụ phát hành đặc san tháng 7 chào mừng tỉnh mới.

 

Trong 35 cán bộ phóng viên Báo Phú Khánh chỉ có 7 người xung phong về Phú Yên nhưng khí thế ra quân hăm hở lắm. Tổng Biên tập Tô Phương vừa lo cho tờ báo chung (Báo Phú Khánh hoạt động đến 30/6/1989) vừa dành khá nhiều công sức và tâm huyết xây dựng cơ ngơi ban đầu của tòa soạn mới. Lực lượng chỉ có 7 người nhưng triển khai đồng thời rất nhiều công việc: giúp việc cho các đồng chí cách mạng lão thành củng cố cứ liệu lịch sử về Vũng Rô, xây dựng mạng lưới cộng tác viên, làm thủ tục nhận địa điểm nhà in và tòa soạn mới, tổ chức vận chuyển máy móc từ nhà in Báo Phú Khánh và một số phương tiện làm việc tối thiểu được chia từ tòa soạn cũ về Tuy Hòa, thực hiện đặc san tháng 7 chào mừng tỉnh mới, tuyển chọn và đào tạo công nhân nhà in bảo đảm hoạt động ngay sau khi tái lập tỉnh mới...

 

Những công việc chính đáng trên được tiến hành như “chuyện ngoài chính sử” bởi tòa soạn chung còn ở Nha Trang. Rất nhiều công việc không hề có kinh phí đi kèm. Nhiều chuyện phải bí quá làm liều. Khi nhận nhà 87-89 Phan Đình Phùng để làm nhà in, tôi ký liều vào biên bản là sẽ đền bù 107 triệu đồng cho Công ty Vật tư nông nghiệp huyện Tuy Hòa nhưng tờ báo làm gì có tiền mà trả. Sau này, công ty đòi mãi rồi cũng được tỉnh thanh toán sao đó mà tôi cũng chẳng rõ. Tất tần tật những việc dính đến tiền như họp cộng tác viên, xăng xe đi công tác thực hiện đề tài... đều dựa vào sự cưu mang của Thị ủy và UBND thị xã.

 

Mãi đến chiều 29/6/1989, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch UBND TX Tuy Hòa Đặng Hồng Đức, tòa soạn mới nhận được trụ sở làm việc tại 193 Trần Hưng Đạo. Điều phiền toái là căn nhà chỉ có 80m2, đã xuống cấp thảm hại, lại có 3 hộ cán bộ đang trú ngụ ở đó. Cầm quyết định nhận trụ sở trong tay mà chúng tôi nao lòng.

 

Không thể không có chỗ làm việc, chúng tôi đành thương lượng với 3 hộ xin nhận đỡ một phòng để tập kết đồ đạc. Sau vài hôm, bà con tự giác ra đi. Sửa qua quýt trụ sở chỉ vài triệu đồng, 7 anh em tự lo cơm nước, trải báo ngủ bàn lăn xả vào công việc.

 

Người thì đi vào TP Hồ Chí Minh in nhờ đặc san Phú Yên tháng 7 ở Xí nghiệp in Lê Quang Lộc (Báo Tuổi Trẻ); người thì vào Nha Trang in các số báo đầu tiên và bảo đảm ra một tuần hai kỳ (như quy mô của Báo Phú Khánh); người thì lo đặt bài, đi cơ sở viết bài, làm maket; người thì lo xây dựng nhà in để tự lực chuyện in ấn...

 

Lúc ấy, TX Tuy Hòa sau nhiều năm bị lãng quên lâm vào cảnh đèn dầu nước giếng, điện đóm phập phù. Rất nhiều đêm đèn dầu leo lét, anh em làm việc quên ăn. Đêm nào quá xót ruột không ngủ được thì phải lên tận ngã năm kiếm tô cháo khuya.

 

Hồi ấy, hào khí Phú Yên thiêng liêng lắm, đặc san Phú Yên tháng 7 chào mừng tỉnh mới in một vạn số mà phát hành vẫn trôi. Báo ra số chính thức ngày 4/7/1989 với hai chữ “Phú Yên” đỏ chói trên măng-sét được toàn tòa soạn reo vui như trẻ con được quà, anh em hăm hở mang ra ngã năm phát miễn phí cho bà con.

 

Từ 7 anh em ban đầu (Tô Phương, Hà Bình, Phan Thanh Bình, Nguyễn Phi Công, Nguyễn Chính, Nguyễn Mạnh Thường, Nguyễn Thạnh), tòa soạn dần dần bổ sung lực lượng. Tháng 7/1989, tòa soạn tiếp nhận anh Trần Ngọc Quang, chị Huỳnh Thị Nữ, Huỳnh Phạm Ái My. Tháng 9/1989 tiếp nhận Phong Lan, Hồng Minh... Tháng 4/1990, anh Phạm Ngọc Phi (vốn là cán bộ Báo Phú Khánh) từ Bình Định chuyển về. Tháng 7/1990 tiếp nhận anh Trần Hữu Thọ, sau đó là Phạm Đoàn Anh Kiệt, Trịnh Hoài Trung...

 

Những anh chị em thời kỳ đầu tái lập tờ báo giờ đây người đã qua đời (Tô Phương), người thì nghỉ hưu (anh Nguyễn Phi Công, Hà Bình), người nghỉ mất sức (Nguyễn Thạnh), nhiều người chuyển sang làm báo ở các tờ báo khác. Đội ngũ Báo Phú Yên khá hùng hậu hôm nay còn sót lại mình tôi thời kỳ đầu tái lập. Cũng như anh chị em cùng công tác 27 năm trước, chúng tôi luôn nhớ về một thời đã qua với nhiều kỷ niệm khó quên trong công việc xây dựng tòa soạn ban đầu. Không chỉ là kỷ niệm, dấu ấn thời kỳ tái lập tờ báo còn tiếp sức cho chúng tôi trong chặng đường làm báo hôm nay và sắp tới để làm tròn cái nghiệp mà mình đã chọn và trót vương mang.

 

27 năm qua, một thế hệ làm báo trẻ hình thành, thông minh hơn, tài hoa hơn, sức bật mạnh hơn. Ngày ngày, tôi hạnh phúc tìm lại bóng tôi 27 năm trước trong dáng họ hôm nay để hâm nóng lòng đam mê nghề nghiệp và chắt kiệt những gì còn lại để cống hiến cho tờ báo, cho bạn đọc thân yêu của mình.

 

PHAN THANH 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek