Thứ Hai, 14/10/2024 09:44 SA
Những chuyện xưa bây giờ mới kể
Thứ Sáu, 19/08/2016 10:00 SA

Phương ngôn có câu:

 

Nhà báo Hà Bình (năm 1973)

Thời gian như không dừng cánh

Nước chảy xuôi, không trở lại nguồn!

 

Nhưng đối với tôi, dù thời gian có trôi nhanh đến đâu, thì những kỷ niệm về một thời từng sống, chiến đấu, làm việc ở Báo Phú Yên trong những năm tháng gian khổ của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước rồi sau ngày đất nước được độc lập và cả những năm tháng Phú Yên mới tái lập… sẽ mãi đọng lại trong trái tim tôi.

 

Nhân ngày vui truyền thống của Báo Phú Yên, tôi xin kể vài mẩu chuyện về một thời đã qua:

 

Mê sổ tay chiến sự

 

Trong những năm tháng chiến tranh, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên quản lý rất nhiều tiểu ban chuyên môn như: Huấn học, Trường Đảng, Giáo dục, Văn nghệ, In lito, Đoàn văn công, Điện ảnh, Văn phòng và Tuyên truyền. Riêng Tiểu ban Tuyên truyền phụ trách Đội Tuyên truyền vũ trang và Báo Phú Yên Giải phóng. Từ năm 1970, sau khi tổ phóng viên Thông tấn xã Giải phóng thường trú ở chiến trường Phú Yên được điều động rút về Khu ủy 5 để tăng cường cho các chiến dịch khác, thì bộ phận thông tấn còn lại được gộp vào Báo Phú Yên. Tôi là một phóng viên trong bộ phận này. Ngoài nhiệm vụ đi lấy tin tức, chụp ảnh, hàng ngày cứ vào tầm 9 giờ sáng, mỗi khi tổ đài 15w làm nhiệm vụ lên sóng để tiếp nhận thông tin, đồng thời chuyển các tin tức ở chiến trường Phú Yên ra cho Tổng xã (Thông tấn xã Giải phóng), tôi cùng với các báo vụ Hoàng Kỳ, Nguyên Hòa (hai đồng chí này đã mất) lúc nào cũng vã mồ hôi, vì phải trần mình ngồi quay máy phát điện trong thời gian lên sóng. Tuy mệt, nhưng cứ vào lúc 18 giờ 30 hàng ngày, sau bữa cơm chiều, chúng tôi lại quây quần bên nhau để cùng lắng nghe chuyên mục “Sổ tay chiến sự” của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, đọc tin, bài do chính tay mình viết gửi ra, được truyền tải rất kịp thời đến đồng bào, chiến sĩ cả nước.

 

Cách làm ảnh có một không hai

 

Hồi ấy, phương tiện máy móc để chụp ảnh không thiếu. Ngoài chiếc máy ảnh KIEP do tổ Thông tấn để lại, tôi còn được đồng chí Sáu Râu (Trần Suyền), Bí Thư Tỉnh ủy Phú Yên ưu ái trao cho vài chiếc máy ảnh hiệu Canon và Paratica. Đồng chí căn dặn tôi phải giữ gìn cẩn thận để có phương tiện làm việc. Tuy nhiên, vào những năm đầu thập niên 70, vùng căn cứ cách mạng Phú Yên còn khó khăn chồng chất. Với những người làm công tác nhiếp ảnh lúc bấy giờ, khó khăn lớn nhất là không có điện, không có buồng tối. Câu hỏi đặt ra là phải làm gì để khắc chế khó khăn trên để in tráng phim, làm ra ảnh kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị! Tôi còn nhớ mãi năm 1970, nhân Đại hội Chiến sĩ Thi đua của tỉnh khai mạc, lãnh đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy giao cho tôi một nhiệm vụ khá quan trọng: Phải có ảnh, dù là ảnh nhỏ cỡ 3x4 (có được tấm ảnh cỡ này lúc đó là quý lắm) để tặng đại biểu. Suốt mấy ngày liền vò đầu bứt tai, cuối cùng tôi cũng nghĩ ra một quy trình in tráng phim, làm ảnh rất đặc biệt. Chỉ cần một căn hầm tránh pháo, một chiếc tăng che mưa cổ rùa và một chiếc đèn pin là tôi có thể xuống đó tiến hành công việc. Để soi tráng phim, tôi lấy lá cây bịt kín để khi bấm công tắc đèn chỉ cho ánh sáng màu xanh nhẹ, đủ để nhận ra phim tráng lên đúng tông là được. Còn để làm ra tấm ảnh cỡ 3x4, tôi cũng dùng chiếc đèn pin đó, nhưng bỏ chóa đèn để ánh sáng tỏa đều. Trên mặt kính đèn pin, tôi lót xấp giấy trắng mờ và cắt tấm giấy đen che toàn bộ mặt kính đèn, ở giữa có khoét một khuôn hình chữ nhật vừa đúng với khuôn phim mình cần rọi là xong. Cứ như vậy, tôi đặt cuộn phim mới tráng, phơi khô xong lên mặt chiếc đèn pin (mặt phim có thuốc lên trên) rồi đặt tấm giấy ảnh (mặt có thuốc) áp xuống, dùng bàn tay bên trái đè lên để giấy ảnh ăn sát với phim, còn tay phải bấm công tắc đèn, miệng đếm nhẩm 1, 2, 3 (tùy theo tông phim để có thời gian phơi sáng thích hợp) chiếu qua tấm phim, in hình vào tấm giấy ảnh. Với cách làm thủ công, gọn nhẹ này, tôi đã sản xuất hàng chục kiểu ảnh chỉ trong thời gian rất ngắn, kịp thời phục vụ tại chỗ rất nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh được các đồng chí lãnh đạo và đại biểu hoan nghênh.

 

Một kỷ niệm nhớ mãi không quên nữa là việc đặt mua chiếc máy phóng ảnh hiệu Luxki. Hồi ấy, tuyến đường quốc lộ 1, đoạn TX Tuy Hòa ra An Chấn, lính bảo an quân ngụy Sài Gòn thường xuyên kiểm tra gắt gao hòng ngăn chặn sự tiếp tế hàng hóa của cơ sở cách mạng đối với vùng giải phóng. Được cơ sở cách mạng mách ở thôn Phú Quý có một người đàn ông gốc Campuchia, tên Miên, có thể mua, vận chuyển chiếc máy phóng ảnh. Tôi quyết định xuống địa bàn, sống bí mật suốt 7 ngày đêm dưới những bụi cây dứa dại, xương rồng ở gần nhà ông Miên để chờ đợi kết quả việc đặt mua chiếc máy. Mang về cơ quan, tôi lại phải nghĩ tiếp cách đưa chiếc máy phóng ảnh xuống hầm, rồi dùng tấm tăng cổ rùa che kín miệng hầm, chỉ để chừa lỗ trống cho ánh sáng mặt trời chiếu qua hệ thống kính lúp của máy phóng, thay cho nguồn điện. Áp dụng phương kế này, tôi đã giải quyết được việc phóng lớn những hình ảnh từ cỡ 20x25 để phục vụ trưng bày tại một số sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh.

 

Các đại biểu xem triển lãm báo chí Phú Yên năm 2003 - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Nhiệm vụ đặc biệt

 

Vào những ngày đầu tháng 4/1974, tôi vừa ở địa bàn trở về cơ quan thì nhận được công văn triệu tập khẩn của Văn phòng Tỉnh ủy. Mới chưa đầy 14 giờ, tôi đã có mặt tại Tỉnh ủy. Cùng được triệu tập với tôi còn có kỹ sư lâm nghiệp Tiêu Nghề, cán bộ Ban Nông nghiệp tỉnh được họp với đồng chí Chín Cao (Nguyễn Duy Luân), Bí Thư Tỉnh ủy. Sau khi nêu ý nghĩa về nội dung nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 29/11/1969 về việc giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng lăng của Người, Bí thư Tỉnh ủy đề cập đến công việc vô cùng quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên đang chuẩn bị một vật liệu quý để gửi ra Thủ đô Hà Nội, góp phần xây dựng lăng. Bí thư Tỉnh ủy ân cần dặn dò hai anh em chúng tôi: Các đồng chí phải tập trung mọi nỗ lực, phục vụ việc khai thác cây gỗ mun ở khu vực Suối Trầu, Sơn Hội thành công, an toàn. Đồng thời phải lưu lại bằng được hình ảnh lịch sử này để các thế hệ mai sau luôn ghi nhớ và tự hào về tình cảm sâu đậm của quân dân Phú Yên đối với công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu. Ngay sau đó, chúng tôi lên đường bắt tay ngay thực hiện nhiệm vụ. Sáng 6/4/1974, lễ khai thác cây gỗ mun được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên tổ chức trọng thể, linh thiêng. Sau khi Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trịnh trọng bổ nhát rìu đầu tiên vào cây gỗ mun, cả khu rừng Suối Trầu vang lên những khúc ca hùng tráng, đan xen với âm thanh của tiếng cưa máy. Chỉ vài chục phút sau, kỹ sư Tiêu Nghề hân hoan báo cáo Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu việc khai thác cây gỗ mun bước đầu đã hoàn thành. Lúc này, hai chúng tôi mới nhìn nhau nở cười sảng khoái…

 

Những món quà đầy ý nghĩa

 

Trước thất bại thảm hại trên chiến trường Việt Nam, ngày 27/1/1973, Mỹ đã phải đặt bút ký vào bản hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thực hiện một trong những nội dung của hiệp định này, Việt Nam thành lập Ban Liên hiệp quân sự bốn bên từ Trung ương cho đến các địa phương ở miền Nam, để kiểm tra, giám sát việc ngừng bắn; trao trả tù binh giữa các bên, có sự giám sát của quốc tế. Riêng ở Phú Yên, Ban Liên hiệp quân sự bốn bên do đồng chí Văn (Ông Văn Bưu), Chỉ huy trưởng Tỉnh đội phụ trách cũng được thành lập. Lúc đó, tôi cũng được cử vào ban này, làm nhiệm vụ tuyên truyền báo chí mỗi khi tổ chức đón tiếp các phái đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam, đoàn của Quân Giải phóng, đoàn quân sự Mỹ và đoàn quân sự của chính quyền Sài Gòn ở Phú Yên đến chứng kiến việc trao trả tù binh. Quả đồi tiếp giáp giữa xã An Xuân và xã An Nghiệp (huyện Tuy An) được chọn là nơi để trực thăng các phái đoàn quốc tế và các bên nói trên đáp xuống khu vực vùng giải phóng của tỉnh. Trước khi diễn ra cuộc đón tiếp này, các đồng chí trong Ban Liên hiệp quân sự bốn bên của tỉnh bàn bạc rất kỹ và đi đến thống nhất sẽ chuẩn bị các món quà “cây nhà lá vườn” ý nghĩa để tặng riêng cho từng đoàn. Riêng đối với đoàn quân sự quốc tế thì tặng bốn bụi sắn to. Đối với đoàn quân sự của quân đội Sài Gòn thì tặng hũ dưa cải muối chua và buồng chuối sai quả. Những món quà đặc biệt này được giao cho các chị ở xã An Xuân thực hiện. Ngay trong lần đầu tổ chức trao trả tù binh, các vị khách quốc tế như Rumani, Hungari, Iran… rất thích thú khi lần đầu tiên trong đời được thưởng thức một món rất lạ có hương vị quyến rũ là củ sắn nướng. Trước khi ra về, các vị khách quốc tế còn hăm hở vác lên trực thăng những gốc sắn to do ta trao tặng. Trong khi đó, viên trung tá quân đội ngụy có tên Trần Bình Trọng có vẻ bẽn lẽn rồi bóc trái chuối ăn ngon lành. Trước khoảnh khắc này, tôi đưa máy ảnh bấm liên tục vài pô cho bõ ghét. Ăn xong, hắn ta còn giở giọng khích bác:

 

- Dưa cải muối chua và nải chuối to các ông mua ở dưới Tuy Hòa lên phải không?

 

Ngay lập tức, đồng chí Nguyễn Phùng, Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, đáp trả khá dí dỏm, nhưng rất sâu sắc:

 

- Dưa và chuối chúng tôi trồng trên các hố bom, nó to, ngon như vậy đó!

 

Được các phiên dịch dịch lại lời của đồng chí Nguyễn Phùng, các vị trong đoàn quân sự quốc tế và mọi người dự buổi lễ trao trả tù binh hôm ấy ai nấy đều cười ngất ngây…

 

Nhiệm vụ phải hoàn thành trong 1 tháng

 

Ngày 1/7/1989, Phú Yên chính thức tái lập. Ngay trong những ngày tháng 6 năm đó, đồng chí Huỳnh Trúc, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên triệu tập Ban Biên tập Báo Phú Yên, gồm đồng chí Tô Phương, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập và tôi, Phó Tổng Biên tập kiêm Giám đốc Xí nghiệp In Báo Phú Yên lên giao nhiệm vụ: Trong 1 tháng sau khi chia tỉnh, các đồng chí phải hoàn thành các công việc: Ổn định về tổ chức Tòa soạn Báo Phú Yên; hoàn thành việc di chuyển máy móc của xí nghiệp in từ Nha Trang ra Tuy Hòa và phải in được số báo đầu tiên tại Xí nghiệp In Báo Phú Yên tại TX Tuy Hòa!

 

Chấp hành mệnh lệnh, Ban Biên tập phân công cho tôi đảm nhận hai nhiệm vụ: Thường trực Ban Biên tập để lo nội dung các số báo và chuyên trách công việc xây dựng Xí nghiệp In Báo Phú Yên theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Thú thực, trong hai nhiệm vụ đó thì nhiệm vụ thứ hai là cực kỳ khó khăn. Biết là khó nhưng cứ mạnh dạn làm rồi sẽ quen, tôi tự động viên mình hàng ngày như thế. Trong khi vừa phải lo sửa chữa căn nhà ở đường Phan Đình Phùng (TX Tuy Hòa) cho xong thì mới tháo gỡ, vận chuyển hàng chục tấn phương tiện, máy móc từ xí nghiệp in ở Nha Trang ra lắp đặt tại cơ sở mới ở Phú Yên. Rồi phải tuyển đội ngũ công nhân mới để học việc. Hàng ngày, tôi phải giải quyết rất nhiều công việc quan trọng. Tuy khó khăn chất chồng nhưng bên cạnh tôi luôn có sự động viên, hỗ trợ rất đáng quý từ các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Tường Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều cơ quan, ban ngành khác cùng đội ngũ công nhân trẻ trong xí nghiệp. Đây là nguồn sinh lực giúp tôi nỗ lực hoàn thành thật tốt hai nhiệm vụ.

 

Và chuyện gì đến cũng sẽ đến! Chỉ trong vòng 26 ngày đêm lao động không biết mệt mỏi, toàn bộ dàn máy in offset cùng các phân xưởng kỹ thuật của xí nghiệp in đã được định vị. Chúng tôi nín thở, xúc động lắng nghe từng nhịp chạy của động cơ máy in rồi vỡ òa trong niềm vui khôn xiết. Đúng 8 giờ sáng 1/8/1989, trước đông đảo các vị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhiều ban ngành đến dự, tôi thay mặt Ban Biên tập Báo Phú Yên và anh chị em công nhân xí nghiệp long trọng báo cáo với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh: Xí nghiệp In Báo Phú Yên chính thức được khai trương. Số báo Phú Yên đầu tiên được in tại xí nghiệp mang tên Báo Phú Yên cũng chính thức được ra mắt phục vụ các tầng lớp nhân dân ở địa phương…

 

HÀ BÌNH

Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek