Tôi về lại chiến trường miền Nam từ năm 1965, lòng mong ước là được về Phú Yên. Nhưng về đến Khu 5, Khu ủy không cho về Phú Yên mà bố trí về công tác ở Ban Tuyên huấn khu, trong bộ phận Thông tấn xã giải phóng.
Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc ký bông xuất bản báo ngày vào năm 2010 - Ảnh: PV |
Đến tháng 7/1966, lúc đồng chí Trần Suyền từ khu về Phú Yên (thay đồng chí Nguyễn Phụng Minh ra phụ trách Văn phòng Khu ủy), thật bất ngờ, tôi nhận được quyết định về tăng cường cho Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên.
Khoảng giữa tháng 8/1966, tôi về đến Ban Tuyên huấn Phú Yên. Gọi là Ban Tuyên huấn nhưng lúc bấy giờ ban không chỉ có tuyên truyền (tuyên) và huấn học (huấn) mà bao gồm cả tuyên, văn, giáo, huấn (tuyên truyền, văn hóa - văn nghệ, giáo dục và huấn học). Ban Tuyên huấn thấy lý lịch tôi ghi là tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, hơn nữa anh Nguyễn Cách (vào Nam trước tôi 1 năm) hồi tôi học ở đại học sư phạm đã biết nhau, lúc này anh Cách đang ở tiểu ban giáo dục, tha thiết đề nghị, nên tôi phải đi nhận công tác Hiệu trưởng Trường cấp II Hòn Nhọn, theo quyết định của tỉnh. Về tới nơi thì các thầy giáo (Phong, Đán, Hoàng, Công, Chính, Vĩnh) và các học sinh đã tập hợp đủ, đang xây dựng trường, lớp. Tôi góp sức cùng thầy trò ổn định nơi ăn, ở kịp 2/9/1966 khai giảng năm học. Đến cuối năm 1966, sau khi trường bị giặc Mỹ tập kích, thầy Công hy sinh, 1 em học sinh bị thương, trường không tiếp tục mở được nữa, tôi mới trở về ban và được phân công về Tiểu ban Tuyên truyền - Văn nghệ. Tiểu ban Tuyên truyền - Văn nghệ có thể nói là bộ phận chủ lực của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên lúc bấy giờ. Tiểu ban Tuyên truyền - Văn nghệ làm nhiều việc, trong đó có một việc quan trọng là phụ trách tờ Báo Giải Phóng.
Nhờ một năm làm ở Thông tấn xã giải phóng Khu 5 mà khi về Phú Yên, công tác trong Tiểu ban Tuyên truyền - Văn nghệ, trực tiếp lo phần bài vở cho tờ Báo Giải Phóng của tỉnh, tôi đã có chút ít kinh nghiệm làm báo.
Thời gian làm Báo Giải Phóng của tôi chỉ có khoảng 5 năm (từ đầu 1967 đến tháng 2/1971) rồi tôi đi ra Bắc chữa vết thương. Từ 1/4/1975, tôi về lại, trực tiếp phụ trách tờ báo cho đến ngày hợp nhất tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh.
Sau đây tôi xin ghi lại những điều mình biết về tờ báo:
I. Tên báo
Là Giải Phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên. Chỉ có vậy thôi, chứ không có chữ Phú Yên thêm vào thành tên tờ báo là “Phú Yên Giải Phóng”.
Sự việc này tôi nhớ rõ như sau: Sau ngày 1/4/1975, tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng, nhà in trên chiến khu chưa đưa về được, các cơ sở in tư nhân tại TX Tuy Hòa chưa phục hồi lại sản xuất. Đến ngày 3/5/1975 mới cử người vào Sài Gòn, in luôn 3 số. Mấy ngày sau báo đem về tôi thấy tên tờ báo là “Phú Yên Giải Phóng”. Có lẽ, khi trình bày tờ báo, các họa sĩ ở nhà in trong đó thêm vào 2 chữ Phú Yên để tờ báo vốn là Giải Phóng thành ra Phú Yên Giải Phóng cũng giống như tờ Sài Gòn Giải Phóng vậy. Tờ Phú Yên Giải Phóng ra được 4 số rồi sau khi hợp nhất tỉnh thì kết thúc nhiệm vụ, tôi vào Nha Trang làm Ủy viên Ban Biên tập Báo Phú Khánh. Tờ Phú Yên Giải Phóng lúc bấy giờ - sau giải phóng tỉnh 1/4/1975 - chỉ có 4 người: 1- Tôi, Nguyễn Bằng Tín, 2- Anh Nhuệ, tù chính trị yêu nước được trao trả năm 1973. 3- Cô Dung đánh máy. 4- Anh Sơn, mới hợp đồng vào.
II. Tòa soạn
Với danh nghĩa là “Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc giải phóng Phú Yên”, nhưng thực chất tờ Báo Giải Phóng là cơ quan của Đảng bộ tỉnh Phú Yên. Người chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy (như Tổng Biên tập ngày nay) là các đồng chí trưởng hoặc phó ban, phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, gồm các đồng chí sau đây:
- Lương Thúc Mậu (Tám Yên), Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh. Sau khi anh Tám Yên hy sinh thì tiếp theo là các anh:
- Cao Văn Hoạch (Bảy Xuân), Phó Ban.
- Lê Duy Tường, Phó Ban.
Anh Lê Duy Tường chỉ phụ trách tờ báo một thời gian ngắn, sau đó qua công tác ở Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh. Anh Cao Văn Hoạch, Phó Ban, phụ trách tờ báo lâu hơn (từ cuối 1967 đến cuối 1972).
Tiểu ban Tuyên truyền - Văn nghệ lúc bây giờ (cũng là những người trực tiếp lo cho tờ báo) gồm: Phan Văn Nguyên (tôi về chỉ gặp anh Nguyên có 1 lần sau đó anh bị địch bắt), Nguyễn Phùng, Lương Thúc Quý, Nguyễn Bằng Tín, Trần Thiện Lục, Trần Tấn Nông (họa sĩ trình bày hy sinh khi pháo địch bắn vào cơ quan), chị Nhạn (ghi tin đọc chậm, kiêm y tá), anh Lâm (đã hy sinh trong Tết Mậu Thân).
Có được tờ báo đến tay bạn đọc, ngoài các đồng chí lo phần nội dung (ngày nay ta gọi là phóng viên, biên tập viên), công sức của các đồng chí trong bộ phận hành chính, quản trị của ban và các đồng chí ở nhà in
đóng góp rất lớn. Gọi là “nhà in” cho oai vậy chứ chỉ có vài đồng chí: Lê Trung Lý, Nguyễn Hữu Tụ, Phan Minh Sum, Lưu Mai (đã hy sinh)... Lúc đó tôi còn ở ban thì tờ báo chủ yếu là in li-tô (thạch bản). Lê Trung Lý, Nguyễn Hữu Tụ là những tay cự phách trong việc viết chữ trái lên bản đá.
III. Nội dung tờ báo
Nội dung tờ báo cũng gồm đủ các mục: xã hội, bình luận, phóng sự, tố cáo tội ác giặc Mỹ, quân chư hầu, mẩu chuyện nêu các gương đấu tranh vũ trang, chính trị, binh địch vận, sản xuất tự túc, bảo vệ xây dựng vùng giải phóng, tin tức trong tỉnh, trong nước, các sự kiện quan trọng của thế giới...
Tin tức trong nước và thế giới, cả một số bài bình luận quan trọng, chúng tôi lấy từ bản tin đọc chậm do Thông tấn xã Việt Nam phát (Tiểu ban Tuyên truyền có phân công người chuyên ghi tin đọc chậm, thường xuyên làm việc này là chị Nhạn và anh Trần Thiện Lục.
Tin trong tỉnh chủ yếu lấy ở Văn phòng Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Cộng tác viên của tờ báo là các đồng chí phụ trách công tác tuyên huấn ở các huyện, thị, các xã vùng giải phóng, các đồng chí làm ở Ban Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các đồng chí phụ trách văn phòng của các cơ quan, ban, ngành tỉnh, huyện. Tôi nhớ khoảng đầu năm 1969, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên, mở được một lớp bồi dưỡng cho cộng tác viên toàn tỉnh... Lớp học chỉ 2 ngày, bên một dòng suối lớn, trong cánh rừng già xã Sơn Long, học viên ngồi trên những tảng đá, sổ tay kê lên đầu gối chăm chú ghi chép. Ngày nay, các phóng viên chúng ta được đào tạo chính quy từ các trường đại học báo chí, nghĩ lại những lớp học ở chiến khu, những bước đi sơ đẳng nhất của người làm báo như vậy thật quý giá vô cùng. Ngay như bản thân tôi, trở thành nhà báo, bước vào nghề làm báo cũng bằng những buổi học tại chỗ, ngắn ngày như vậy do nhà báo lão thành Vũ Thế Ái, Trưởng phân xã Thông tấn xã giải phóng miền Trung Trung Bộ giảng dạy.
Ngoài các nội dung thời sự, chính trị nêu trên, trong các số đặc biệt (nhân Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Mặt trận, Tết Độc lập 2/9, Tết Nguyên đán cổ truyền...) tờ báo có thêm trang văn hóa - văn nghệ gồm thơ, ca dao, truyện ngắn, nhạc, trang một có tranh cổ động.
Số báo đầu tiên tôi làm cùng Tiểu ban Tuyên truyền là số Tết năm 1967 (Đinh Mùi). Trước khi bắt tay vào việc, tôi để vài ngày xem lại tất cả các số báo ra trước đó. Tôi trình bày ý kiến mình với các anh là “báo ta nói chung còn khô quá”. Nên thêm phần ca dao, thơ, mẩu chuyện để tăng tính hấp dẫn, bạn đọc cũng dễ nhớ, dễ thuộc, từ đó tác dụng tuyên truyền, giáo dục của tờ báo cũng được nâng lên. Các anh lãnh đạo ban và Tiểu ban Tuyên truyền - Văn nghệ rất tán thành đề nghị của tôi. Nên ngay số báo đầu tiên tôi được tham gia biên tập cùng các anh, tôi cố sức viết một truyện ngắn, rất ngắn, như kiểu truyện ngắn mi ni mà một số tờ báo hiện nay đang sử dụng. Đó là truyện “Lòng mẹ”, tôi xây dựng hình tượng một bà mẹ Tuy Hòa, trong những ngày chống lại chiến dịch “Năm mũi tên” của giặc Mỹ, đã vượt lên những đau thương mất mát của bản thân mình (nhà mẹ bị giặc đốt trụi, người con lớn của mẹ là đội viên du kích vừa hy sinh vài ngày trước) để phục vụ bộ đội giải phóng. Trong các số tiếp sau, tôi thường xuyên xin thơ của anh Văn Công và các anh khác, lúc cần tôi cũng làm thơ, viết ca dao để tờ báo được nhẹ nhàng, sinh động, hấp dẫn bạn đọc hơn.
Có những số báo như số chào mừng và phát huy kết quả Đại hội chiến sĩ thi đua tỉnh Phú Yên lần thứ II (tôi nhớ là đại hội tiến hành vào giữa tháng 4/1969) vì báo phải ra ngay nên tôi phải “gồng mình” lên viết một bài tường thuật, một mẩu chuyện, một bài thơ (bài “Những người chiến thắng”) và dự thảo bài xã luận trình các anh có trách nhiệm duyệt.
IV. Khuôn khổ, kỳ báo, số lượng phát hành
Khuôn khổ tờ báo vỏn vẹn trong 4 trang tờ giấy manh (63x20cm) do các cơ sở mua giúp từ vùng ven và TX Tuy Hòa. Kỳ báo nào trúng giấy trắng, không kẻ, thì chữ in rõ, đẹp. Kỳ báo nào không mua được giấy trắng thì phải in trên giấy hẩm, giấy đã kẻ hàng thì tờ báo không được sáng sủa. Báo ra mỗi tháng một kỳ.
Số lượng phát hành mỗi kỳ báo cũng không cố định, lúc ít độ vài, ba trăm số, lúc nhiều bốn, năm trăm số (số lượng nhiều hay ít tùy tình hình chiến sự, tình hình giấy, mực in, và yêu cầu của công tác tuyên truyền từng thời điểm cụ thể).
Báo gửi theo đường giao bưu, như các loại công văn khác, cho các đồng chí trong Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Qua Ban Tuyên huấn các huyện, thị báo được chuyển đến các ban, ngành đoàn thể huyện, thị, các đơn vị bộ đội địa phương, các đội, mũi công tác, các thôn xã ở vùng giải phóng. Từ các đội công tác, tờ báo đến với các cơ sở cách mạng và nhân dân vùng tạm bị địch chiếm.
Tờ Báo Giải Phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên trong 15 năm (1960- 1975) đã thực sự là món ăn tinh thần của mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh nhà trong những năm tháng đầy hy sinh, gian khổ chống Mỹ, cứu nước.
Hồi ký của NGUYỄN BẰNG TÍN