Thứ Hai, 14/10/2024 09:37 SA
“Tâm hồn Cà Lúi” trong nhịp cồng chiêng
Thứ Ba, 16/08/2016 14:00 CH

Một tiết mục trình diễn tại liên hoan - Ảnh: TUYẾT DIỆU

Nằm cheo leo trên núi cao, những ngôi làng lấp ló ẩn hiện đôi khi thưa thớt, đôi khi san sát. Trên những cung đường “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” ấy có những ông bố bà mẹ điệu con bằng tấm dệt thủ công đi xe máy. Cà Lúi với vẻ hoang sơ vốn có đang từng ngày phát triển. Về Cà Lúi, một lần hòa vào lễ hội văn hóa cồng chiêng của buôn làng nơi đây, ngắm thật sâu để cảm nhận nhiều hơn “tâm hồn Cà Lúi”.

 

Vũ điệu hoang dã

 

Chàng trai Sor Y Kiệt, người Chăm H’roi sở hữu ánh mắt, vừa mạnh mẽ vừa tình tứ, đầy kiêu hãnh. Anh khoác lên mình bộ trang phục truyền thống đậm bản sắc của người đồng bào làm bằng chất liệu vải thô dày có những dây tua rua, hoa văn đầy màu sắc được thêu tỉ mỉ và nổi bật. Tà áo dài quá gối khéo che khố quần truyền thống. Hẳn phải là những bàn tay khéo léo của các mẹ, của chị gái địa phương mới dệt nên bộ trang phục đẹp, tôn lên vẻ rắn rỏi của cơ thể đã thấm đẫm cái nắng cái gió của vùng đất đại ngàn. Vẻ đẹp hình thể, trang phục bên ngoài của chàng trai sơn cước càng được tôn lên khi anh ngẫu hứng và phiêu hết mình trong vũ điệu cồng chiêng.

 

Xã Cà Lúi là địa phương hiếm hoi trên địa bàn huyện Sơn Hòa còn giữ gìn khá nguyên vẹn cồng chiêng lễ nhạc. Đây cũng là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện tổ chức và duy trì thường xuyên liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp xã. Phong trào văn nghệ ở xã Cà Lúi đã tạo cảm hứng để các xã khác trong huyện bắt đầu tổ chức lễ hội cồng chiêng. Kết quả này có được cũng là nhờ vào những con người tài hoa giàu tâm huyết của buôn làng Cà Lúi. (Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Hòa)

Y Kiệt chơi trống, xập xẻng rất điệu nghệ. Các chuyển động trên cơ thể anh ăn nhịp với âm thanh của nhạc cụ. Âm thanh dồn dập của trống bắt nhịp cho dàn cồng chiêng. Gần 20 thanh niên khác tiếp theo đó nổi nhạc từ dàn cồng chiêng A ráp. Đội thiếu nữ múa xoan tiếp nối. Các cô gái tay trong tay nhảy múa theo nhịp cồng chiêng đều tắp, di chuyển xung quanh cây nêu. Cây nêu mang biểu tượng cho bình yên nơi buôn làng. Đội cồng chiêng nhịp nhàng di chuyển xung quanh cây nêu, thỉnh thoảng đồng thanh hát bài dân ca truyền thống nghe thiết tha lắm. Một tập thể vừa như “ăn rơ” trong bài bản cồng chiêng, vừa “solo” như phiêu trong men say âm nhạc.

 

Sor Y Kiệt nói: “Mình lớn lên ở vùng rừng núi Cà Lúi. Từ khi sinh ra, tiếng cồng chiêng của ông cha đã gõ nhịp trong máu rồi. Cồng chiêng là cầu nối của người buôn làng với giàng và thần linh. Cồng chiêng kết nối trái tim với trái tim, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa những người trong làng. Lễ thôi nôi, mừng nhà mới, mừng lúa mới, cúng bến nước, cúng rừng đầu nguồn… đều có cồng chiêng vào cuộc”.

 

Kỹ thuật trình diễn đầy lôi cuốn của đội cồng chiêng khiến tôi dán mắt lên sân khấu, nhưng chúng tôi vẫn chưa tường về nội dung bài diễn. Y Kiệt giảng giải: “Bài chiêng trình tấu và hát về nỗi nhớ người mẹ đã xa khuất”. Câu chuyện cồng chiêng của Y Kiệt đưa tôi vào một không gian của lễ hội và âm nhạc dường như không đứt quãng của đồng bào Chăm H’roi nơi đây. Tiếng cồng chiêng, điệu múa xoan say sưa từ lúc ánh nắng chiều vừa dịu lại cho đến khi ngọn lửa bập bùng rực đỏ khắp không gian của Liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi diễn ra tại khuôn viên của UBND xã.

 

Bên ánh lửa mờ tỏ, những ánh mắt đen láy của người buôn làng chăm chú xem trình diễn cồng chiêng. Với người miền xuôi lên miền ngược như chúng tôi, không khí ngày hội cồng chiêng giữa vùng rừng núi bao phủ nhuốm màu huyền bí. Những bài trống chiêng kết hợp với các động tác trình diễn đầy ma mị như thôi miên, đưa người xem về thời kỳ xa xưa. Với chúng tôi, vũ điệu chim đại bàng (Tahara) là điệu múa xoan đầy ấn tượng gợi về những điều như thế. Mí Dế và Mí Liêu, cả hai đã ở tuổi 80 nhưng cơ thể còn dẻo dai kỳ lạ. Với vũ điệu chim đại bàng, hai mí như một cặp diễn viên chuyên nghiệp “ăn rơ” với nhau, chao liệng trên sân khấu. Những động tác múa của đôi tay vừa mạnh mẽ vừa thanh thoát, tung tẩy trong không gian khoáng đạt như ở đó chỉ có họ. Đôi chân các mí di chuyển với những động tác chậm, dứt khoát, trong khoảnh khắc như thể một võ sư đang đi quyền, lướt qua trong một miền linh thiêng, huyền bí.

 

Mí Dế nói: “Cứ vào hội xoay cột con trâu, khi cồng chiêng nổi âm thanh, đám con gái trong làng lại biểu diễn Tahara”. Tôi hỏi thêm, sao Mí Dế không nghỉ khỏe để đám trẻ biểu diễn. Mí Dế cười: “Chúng không biết đâu”.

 

Chị Đinh Thị Kim Hòa, cán bộ văn hóa thông tin huyện Sơn Hòa vừa là biên đạo múa vừa đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật quần chúng, nối tiếp câu chuyện: “Điệu Tahara có kỹ thuật trình diễn tuyệt vời. Vũ điệu này được trao truyền theo thói quen sinh hoạt lễ hội của người buôn làng từ đời này sang đời khác. Nó rất khó học, những bước chân của vũ điệu chim đại bàng không theo quy luật di chuyển nào và mỗi lần múa là một lần các mí sáng tạo ngay trên sân khấu”.

 

Tràng cười chàng trai đóng khố

 

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi diễn ra hai năm một lần. Đã thành lệ, mỗi khi liên hoan được tổ chức, khán giả đến vui đông lắm, chật kín các không gian xung quanh sân khấu biểu diễn. Âm thanh cồng chiêng càng giục giã, dân làng càng đổ về nhiều hơn.

 

Nếu ánh sáng không chiếu tỏ trên những đôi mắt tròn đen láy, trên những làn da rám nắng, hẳn sẽ ít người biết được họ là con em đồng bào dân tộc nơi đây, bởi mọi người không mặc trang phục truyền thống. Trái lại, thanh niên xã Cà Lúi hợp “mốt” từ đầu tóc cho đến trang phục tươm tất như thanh niên thị thành.

 

Chàng trai Rơ Chăm Y Thêu đang chơi đàn bầu - Ảnh: TUYẾT DIỆU

 

Chẳng thế mà khi chàng trai đóng khố “tự tin” bước ra sân khấu, khán giả trẻ đáp lại với một tràng cười nắc nẻ. Quan sát cả hội biểu diễn với hơn 200 diễn viên, số người mặc trang phục truyền thống đúng bài bản rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Tôi trộm nghĩ, những đứa trẻ của đại ngàn Cà Lúi có lẽ đã dần xa lạ với trang phục truyền thống của dân tộc mình.

 

Chàng trai A Lê Pla, diễn viên múa của đội cồng chiêng thôn Ma Đĩa, cho biết: “Trang phục truyền thống tự dệt rất dày, không mát như quần áo mua ngoài chợ. Quần áo ở chợ nhiều mẫu mã đẹp, phù hợp với nhiều hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau nên ai cũng thích mặc. Tôi không lo về việc mọi người không coi trọng trang phục truyền thống mà sợ rằng nghề dệt trang phục truyền thống bị lãng quên”.

 

Văn minh thị thành đang nhuốm dần trên đầu tóc, trên trang phục và cả trong cử chỉ điệu bộ của những thanh niên Cà Lúi. Chúng tôi xem trong cách ứng xử của thanh niên, họ tự tin và nhã nhặn khi giao tiếp với người ở xuôi lên. Nghĩ rằng, có lẽ đời sống của bà con nơi đây đã được nâng cao từ vật chất, tinh thần và cả giáo dục nữa, chúng tôi chợt thấy vui vì điều đó và hình ảnh những ngôi nhà mới khang trang trên đường vào buôn.

 

Những con người tâm huyết

 

Chàng thanh niên Rơ Chăm Y Thêu đến từ buôn làng Ma Lúa chơi giỏi cồng chiêng nhưng lại chọn độc tấu đàn bầu để thi diễn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi năm 2016. Chiếc đàn bầu của người Chăm H’roi có cấu trúc phức tạp, khó chơi nên phải là người say mê và có năng khiếu mới có thể tạo ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy giữa đại ngàn.

 

Y Thêu chia sẻ: “Tôi yêu thích nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình và muốn học để chơi nhiều nhạc cụ nữa. Các anh các chú đi trước đã truyền cảm hứng để tôi nhận ra rằng, lễ nhạc là quan trọng với cộng đồng buôn làng và người chơi nhạc giỏi sẽ đóng góp nhiều cho truyền thống văn hóa của dân tộc mình chứ không chỉ phục vụ cho niềm say mê cá nhân”.

 

Vượt trội như Y Thêu không nhiều, nhưng hầu hết thanh niên trong buôn làng Cà Lúi đều hăm hở với cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống. Kết quả này là thành quả của những con người tâm huyết đầy tài hoa của buôn làng Cà Lúi.

 

Ông Sô Minh Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hòa là một người con của buôn làng Cà Lúi. Ông Nghĩa yêu quý các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời cho rằng, lễ nhạc thịnh hành là biểu hiện của một đời sống văn hóa lành mạnh và có chiều sâu. Vốn là một cây văn nghệ cấp tỉnh, tuổi thanh niên, ông Nghĩa đã ngao du khắp các lễ hội văn hóa trong và ngoài tỉnh để giới thiệu vẻ đẹp truyền thống người đồng bào. Liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi vừa rồi, ông Nghĩa là Trưởng ban giám khảo. Ông cho biết: “Đã có lúc cồng chiêng buôn làng rơi xuống vực thẳm. Cồng chiêng từ trong các gia đình bị bán đi. Trước thực trạng đau lòng ấy, tôi và những người uy tín ở đây đã vận động tổ chức ngày hội. Cứ hai năm một lần, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi được diễn ra và ngày càng thu hút giới trẻ. Mình tổ chức thi diễn để đội thi đến từ các thôn có động lực thi đua”.

 

Một người am hiểu văn hóa lễ nhạc khác của buôn làng ở đây là Kpă Vương, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi. Kpă Vương chính là người cố vấn nội dung cho các tiết mục biểu diễn. Hễ đội nào còn thắc mắc gì liên quan đến nội dung của lễ nhạc thì cứ gặp Kpă Vương là mọi chuyện được sáng tỏ. “Cồng chiêng mang đến sự thiêng liêng cho cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một không gian tâm linh, huyền ảo... Lễ hội văn hóa cồng chiêng không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cồng chiêng độc đáo mà còn là hình thức sinh hoạt cộng đồng xây dựng tình đoàn kết của đồng bào người dân tộc Chăm H’roi. Chúng tôi có nghĩa vụ phải truyền cho lớp trẻ sự hiểu biết về văn hóa cồng chiêng và niềm say mê nó”, Kpă Vương nói.

 

 

DIỆU ANH - THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek